Quốc hội thảo luận về chất lượng giáo dục đại học: Đại học lộn xộn, không ai chịu trách nhiệm

Lê Kiên

Ông Bộ trưởng xoay xở một hồi không được, chạy đi, không kèn không trống nhưng không phải là từ chức, chắc chắn thế. Và bây giờ giữa bàn dân ông nói: mọi hiện tượng thoái hóa về giáo dục, các Bộ trưởng GD các đời từ 1975 đến nay phải chia nhau mà “gánh”.

Thế là hết nói.

Bauxite Việt Nam

TT - Ngày 7-6, các Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều điều bất cập của giáo dục đại học và cho rằng báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đề cập phần trách nhiệm thuộc về ai.

clip_image001

Một học sinh lớp 12 Trường THPT tư thục Đống Đa (TP HCM) tranh thủ ngủ giữa giờ giải lao ca học thêm buổi đêm, ba ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 - Ảnh: Thuận Thắng

Những con số giật mình

- Tính đến ngày 30-9-2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học. Kết quả là đã có 62/63 tỉnh thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ.

- Từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng ba lần, do đó tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định (năm học 2008-2009 là 28 sinh viên/giảng viên). Một số trường tỉ lệ này còn lên đến mức trên 40 sinh viên/giảng viên. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định là 260 - 280 tiết.

- Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2010 có 40% giảng viên ĐH và 30% giảng viên CĐ là Thạc sĩ; 25% giảng viên ĐH và 5% giảng viên CĐ là Tiến sĩ; đến năm 2015 có 50% giảng viên ĐH và 10% giảng viên CĐ là Tiến sĩ. Nhưng thực tế đến năm 2009, tỉ lệ giảng viên ĐH, CĐ cả nước có trình độ Tiến sĩ mới đạt 10,16%.

(Nguồn: Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” trong buổi làm việc ngày 7-6, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập của giáo dục đại học và yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Nhiều đại biểu cho rằng sự nể nang, né tránh, xuê xoa, xử lý vi phạm không triệt để, thiếu nghiêm minh của Bộ GD-ĐT cùng với sự đầu tư chưa đúng tầm là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giáo dục đại học lộn xộn như hiện nay.

Trường không đạt chuẩn: phải giải thể

“Lấy danh nghĩa là đa dạng hóa giáo dục, nhiều trường đại học, cao đẳng lại tập trung vào đào tạo hệ không chính quy, cả nước có khoảng 900.000 sinh viên không chính quy, chiếm 50% số sinh viên đại học, cao đẳng, thậm chí có trường số sinh viên không chính quy lên đến 65%. Những con số trên thật sự đáng báo động về chất lượng giáo dục đại học” - Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) lên tiếng.

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) phản ảnh: “Thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng thành lập xong vẫn chiêu sinh rầm rộ. Kéo theo là hàng loạt biểu hiện thiếu minh bạch như mượn tên GS, mượn cơ sở vật chất. Có GS phàn nàn họ mượn tên để lấy điều kiện thành lập trường xong họ quên luôn, thay vào đó họ lấy giảng viên có trình độ thấp hơn để trả công cho rẻ”.

GS Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nhắc lại lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, là làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò và nói rằng hiện nay nhiều nơi không được như vậy. “Có trường thuê phòng ở góc sân vận động. 52-53% giảng viên đại học, cao đẳng chỉ có trình độ tốt nghiệp đại học.

Nhiều phụ huynh và học sinh có tâm lý cứ thi đại, miễn là vào được đại học, ra trường có đủ tiền chạy việc không mới là điều quan trọng” - GS Dũng chua xót.

Đa số các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ GD-ĐT cần mạnh tay giải thể những trường đại học không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng cam kết như kiến nghị của báo cáo thẩm tra.

Có tiêu cực hay không?

clip_image003

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Nếu để tình hình như hôm nay, mặt được hoặc chưa được thì các Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 1975 đến giờ chắc cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm" - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) “đốt nóng” nghị trường bằng việc nhắc lại câu nói của dân gian “thượng bất chính, hạ tắc loạn” để chỉ việc ông nêu vấn đề này nhiều kỳ họp nhưng không được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức.

“Đề nghị làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường đại học, cao đẳng những năm gần đây, có yếu tố do năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không?”- ông Cuông đặt nghi vấn.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng bày tỏ nghi ngờ: “Vì sao hầu hết các trường không đảm bảo số Tiến sĩ, Thạc sĩ cơ hữu ở mức tối thiểu nhưng không hiểu sao vẫn đủ điều kiện để xin giấy phép và khâu kiểm tra chưa đảm bảo nghiêm túc nên cuối cùng một trong những điều kiện quan trọng nhất để có một trường đại học là thầy giáo lại được thông qua một cách dễ dàng?”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) khẳng định: “Bộ GD-ĐT đã kéo dài tình trạng thiếu kiên quyết, xử lý thiếu nghiêm minh đối với những cơ sở giáo dục đại học vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế. Điều đó cũng chứng minh sự yếu kém hoặc có vấn đề trong quản lý của bộ và đội ngũ cán bộ quản lý của bộ”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Các đời Bộ trưởng cùng... chia sẻ trách nhiệm

Theo nguyên tắc chung, giáo dục của chúng ta nằm trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, quản lý chung của Chính phủ. Nếu để tình hình như hôm nay, mặt được hoặc chưa được thì các Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 1975 đến giờ chắc cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm.

Về phần nhiệm kỳ của chúng tôi, năm 2008 chúng tôi có nói là không thể tiếp tục phát triển tăng số lượng mà không giám sát chất lượng. Năm 2009 chúng tôi xác định được nguyên nhân, cách làm đó là chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng, làm rất nhiều nhưng chất lượng không hiệu quả.

Vậy chứng tỏ có nhiều biện pháp chúng ta làm chưa đúng quy luật. Hoạt động giáo dục không chỉ chi phối bởi các quy luật sư phạm, mà còn quy luật của quản lý hệ thống, quy luật về kinh tế, quy luật về lợi ích của người trong xã hội và quy luật phát triển hoạt động khoa học - công nghệ. Cho nên, sửa yếu kém của giáo dục không phải chỉ sửa hoạt động sư phạm mà chính là sửa các hoạt động quản lý phù hợp với các quy luật như vậy.

Chúng tôi xác định giáo viên thiếu, đúng; cơ sở vật chất thiếu, đúng. Nhưng tất cả những cái đó suy cho cùng do người quản lý các cấp góp phần tạo ra. Cho nên sửa ở đây là sửa quản lý, nhưng sửa như thế nào? Chúng tôi xác định một số nhiệm vụ, chẳng hạn như đầu năm nay tổ chức thảo luận trong toàn ngành, toàn xã hội, trong đó khẳng định cần tổ chức thảo luận để thống nhất nhận thức không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà buông lỏng quản lý chất lượng như trong thời gian vừa qua.

(Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên thảo luận)
Lê Kiên ghi

clip_image005

clip_image007

clip_image009

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh
(Hà Nội): "Một số trường không có địa điểm ổn định phải đi thuê nhiều nơi, do đó có tình trạng giáo viên chạy sô, còn sinh viên không biết trường mình ở đâu".

Đại biểu Nguyễn Văn Ba
(Khánh Hòa): "Thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng vẫn chiêu sinh rầm rộ. Tình trạng các trường đại học lộn xộn như vừa rồi là do thiếu kiểm tra, đôn đốc".

Đại biểu Lê Văn Cuông - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Huề cả làng

Báo cáo không hề đề cập phần “trách nhiệm thuộc về ai”, một nội dung rất quan trọng mà trong bất kỳ báo cáo giám sát nào cũng phải có. Không có nội dung này nên cuối cùng không ai chịu trách nhiệm và tất cả đều vui vẻ hòa cả làng.

Tôi đề nghị Quốc hội cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và vai trò của Bộ trưởng nói riêng.

LK

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn