Tại Việt Nam, thêm nhiều tiếng nói phản đối dự án đường xe lửa cao tốc

Trọng Nghĩa

clip_image001

TGV của Pháp đạt tốc độ 574,8 km/h. Ảnh: Reuters

Dân chúng chúng tôi đã đi guốc trong ruột những người như ông Nguyễn Hữu Bằng. Đường sắt hiện tại lỗ nặng như thế mà ông ấy không lo tìm phương cứu gỡ, còn toan đẩy đất nước vào thảm cảnh nợ nần ngập cổ. Với các vị chức trách nhà nước hiện nay chúng tôi “nói không” với tuyên bố hùng hồn của các vị từ lâu rồi, chỉ còn chờ cái mà các vị không có: hành động có ích cho dân cho nước.

Bauxite Việt Nam

 

Việt Nam đã dự trù kế hoạch xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc Bắc Nam từ nay cho đến năm 2035 với kinh phí cực lớn, lên đến khoảng 56 tỷ đô la. Chính điều này đã khiến cho dự án càng lúc càng bị chỉ trích là lãng phí vô ích.

Cho đến nay, hành khách đi tàu hỏa từ Sài Gòn ra Hà Nội hay ngược lại đều phải mất gần hai ngày trời trên một đoạn đường dài hơn 1500 cây số. Để giảm bớt khoảng thời gian này xuống còn vài tiếng đồng hồ, chính quyền Việt Nam đã dự trù kế hoạch xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc Bắc Nam từ nay cho đến năm 2035. Vấn đề là chi phí cho kế hoạch này cực lớn: lên đến khoảng 56 tỷ đô la. Chính điều này đã khiến cho dự án càng lúc càng bị chỉ trích là lãng phí vô ích.

Đối với giới chuyên gia kinh tế bài toán rất đơn giản. Chi phí cho công việc xây dựng đường tàu hỏa cao tốc này tương đương với gần 60% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước Việt Nam trong năm 2009, đó là chưa kể đến các «phụ phí» hay phát sinh trong các dự án kiểu này. Đầu tư vào một công trình khổng lồ như trên lại đặc biệt bấp bênh trong bối cảnh ngân sách Nhà nước bị thiếu hụt.

Theo hãng tin Pháp AFP, Ngân hàng Thế giới, định chế không can dự vào dự án này, đã báo động rằng vào năm ngoái 2009, thâm thủng ngân sách của Việt Nam đã lên đến mức «rất cao» là 8,4% GDP. Đối với Ngân hàng Thế giới, hiện thời nợ công của Việt Nam còn ở mức 47,5% GDP, tức là còn quản lý được, tuy nhiên chính quyền cần phải hết sức thận trọng.

Theo giới phản đối dự án đường xe lửa cao tốc, trong tình hình hiện tại của Việt Nam, các nhà lãnh đạo nên quan tâm đến các ưu tiên khác, thiết thực hơn, thay vì lao vào một cuộc gọi là «phiêu lưu» mà lợi ích không rõ ràng. Báo chí trong nước hôm nay đã trích lời đại biểu Quốc hội Việt Nam Trần Hồng Việt, thuộc tỉnh Hậu Giang cho rằng “cần tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại để gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Còn đối với dân biểu Nguyễn Minh Thuyết thuộc đơn vị Lạng Sơn thì trước khi nghĩ đến đề án xe lửa cao tốc, chính quyền nên đầu tư nâng cấp hệ thống đường sắt hay đường bộ hiện hữu, nhất là các tuyến giao thông tại các vùng đồi núi đang chậm phát triển. Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Thuyết đã nhắc lại thực tế là ở vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, có nơi trẻ em phải đánh đu để qua sông chỉ vì chiếc cầu nơi ấy bị bão phá sập.

clip_image003Dân làng Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải qua sông Pô Kô bằng hai sợi dây cáp. Ảnh: Bee

 

clip_image005Học sinh làng Long Jôn, xã Đăk Ang (Kon Tum) vượt sông Pô Kô đến trường: “cầu” được lát bằng cây lồ ô, tre nứa rồi neo vào dây thép. Địa điểm này cách nơi người dân vượt sông bằng cách đu dây chừng 15 km. Ảnh: Tuổi trẻ Online

clip_image007Người dân xã Quyết Thắng (Hữu Lũng, Lạng Sơn) sống bên này sông Sung, phương tiện chính và duy nhất để qua sông là chiếc mảng do người dân tự đóng bằng luồng và bám vào dây để kéo sang. Ảnh: Dân trí

 

clip_image009Học sinh xã Quyết Thắng (Hữu Lũng, Lạng Sơn) ngày nào cũng 2 lần qua sông bằng mảng, bám dây như thế này. Ảnh: Dân trí

Ngay cả những người sử dụng tàu hỏa hiện nay cũng nghĩ rằng xe lửa cao tốc không cần thiết. Cô Nguyễn Hoài Thu, một sinh viên 22 tuổi tại Hà Nội công nhận rằng đường tàu hiện nay không phải là lý tưởng, nhưng nó là phương tiện đưa cô về quê ở Hà Tĩnh, cách Hà Nội 350 cây số về phía Nam, với giá vé khoảng 5 đô la mà thôi.

Lẽ dĩ nhiên là với xe lửa cao tốc, hành khách sẽ tiết kiệm được thời gian một cách đáng kể. Từ Hà Nội về Hà Tĩnh, với tàu hỏa bình thường như hiện nay, phải mất 8 tiếng, nhưng với tàu cao tốc thì chỉ hết 1 tiếng. Tuy nhiên, đối với một nữ hành khách khác, 56 tuổi, việc tiết kiệm được thời gian đó là một điều xa xỉ: «Các điều kiện sống tại Việt Nam hiện thời không cho phép ta xa hoa như vậy».

Trả lời hãng AFP, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam, xác định là «đa số người dân bình thường bác bỏ dự án này» vì họ muốn chính quyền giải quyết các khó khăn hiện tại, như “vấn đề y tế hay cung cấp điện”. Ông Doanh đã khẩn thiết kêu gọi các đại biểu Quốc hội Việt Nam là nên bỏ phiếu chống lại đề án tầu cao tốc. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với các yếu tố mất cân đối về mặt vĩ mô, khởi động đề án này là một hành động rất «rủi ro».

Phản ứng dè dặt trước dự án tàu cao tốc ngày càng nhiều trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam chuẩn bị bỏ phiếu về kế hoạch do Chính phủ đệ trình vào tuần tới. Trong các cuộc thảo luận đang diễn ra, báo chí trong nước ghi nhận thái độ lưỡng lự của định chế này, với 50% ý kiến thuận và 50% ý kiến chống.

Về phần mình, phát biểu với tờ báo trên mạng Vietnamnet ở trong nước, ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam đã bênh vực cho đề án tàu cao tốc Bắc Nam khi cho rằng dù đây là một «đề án của tương lai», nhưng cần phải được xúc tiến ngay từ bây giờ, nếu không thì sẽ quá muộn.

TN

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn