Thành tích giáo dục

Nguyễn Quang A

clip_image001Cần đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục thế hệ trẻ.

(LĐCT) - Những tranh luận sôi nổi về đường sắt cao tốc trong nghị trường và ngoài xã hội đã phần nào làm lu mờ đi những sự kiện và vấn đề mà có lẽ còn quan trọng hơn vấn đề đường sắt cao tốc gấp nhiều lần: Vấn đề giáo dục.

Trong kỳ họp vừa qua Quốc hội đã miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo với ông Nguyễn Thiện Nhân và chuẩn y việc bổ nhiệm Bộ trưởng mới. Nhân dịp này, một ông Thứ trưởng đã có một bài dài ca ngợi thành tích của ngành giáo dục trong thời gian ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng (rồi được thăng chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng).
Trước đó cả triệu học sinh trung học phổ thông (THPT) đã trải qua một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng trong thời tiết mát mẻ ở miền Bắc, và kết quả tốt nghiệp rất cao có lẽ cũng là một “thành tích” để tiễn đưa cựu Bộ trưởng và nghênh đón tân Bộ trưởng. Có tờ báo đã coi thành tích cao này là “đáng ngờ” hơn là “bất ngờ”. 
Những phân tích định lượng ban đầu của các tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên về chuỗi số liệu của năm kỳ thi tốt nghiệp (2006-2010) cho chúng ta thấy “bệnh thành tích” chưa hề thuyên giảm mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn. 


Trong bài báo ca ngợi thành tích của ngành kể trên, vị Thứ trưởng cũng không quên nêu thành tích “tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn” với việc liệt kê tỉ lệ tốt nghiệp của các năm từ 66,7% năm 2007, lên 76%, 83% cho hai năm tiếp theo và năm nay dự kiến khoảng 90% (thực là 92,6%). GS. Văn Như Cương bảo rằng Bộ muốn tỉ lệ tốt nghiệp bao nhiêu thì sẽ là ngần ấy. Xem ra bệnh thành tích của các vị quan to còn cao lắm. Và làm sao mà bệnh thành tích có thể thuyên giảm được trong cái cơ chế này! Bệnh không chữa từ gốc, thì làm sao có thể khỏi?
Rồi dư luận lại rộ lên về chuyện một ông quan to của một tỉnh tốn 17.000USD để “làm” và nhận bằng Tiến sĩ Mỹ mà ông ta không hề biết tiếng Anh! Chắc người nước ngoài nghe tin này sẽ phải hỏi sao lại có chuyện kỳ cục vậy.
Chính sách thế nào, quy định ra sao sẽ có cách ứng xử thế đó. Đấy chính là vấn đề thể chế, sai ở những chính sách, những khuyến khích mà Nhà nước đưa ra.
Nếu bằng cấp chỉ là để tham khảo chứ không phải là tiêu chuẩn, thì thói sính bằng cấp hẳn sẽ giảm đi. 
Đối với người lao động trong khu vực tư nhân, bằng cấp chỉ là một căn cứ trong quá trình tuyển dụng, dẫu có bằng cấp đầy người mà làm không được việc chắc chắn bị sa thải nói chi đến việc cất nhắc. Đấy là một cơ chế tự động của thị trường lao động lành mạnh, người ta khỏi phải quá bận tâm về chuyện bằng cấp.
Ngược lại, trong khu vực nhà nước do các quy định về tiêu chuẩn nhân sự (nghe có vẻ rất hiện đại song không lường trước các hậu quả) đã dẫn các quan chức, viên chức có động cơ, có khuyến khích để có được mảnh bằng. Phải sửa ở cái gốc này. Các quan chức viên chức cần có trình độ hiểu biết chung nhất định và có chuyên sâu về nghề của mình, họ tuyệt nhiên không cần là nhà nghiên cứu hàn lâm. 
Các nhà nghiên cứu hãy làm việc tại đại học và các viện nghiên cứu, họ hãy chứng tỏ mình bằng các công trình (các nhà nghiên cứu thực thụ thường ít khoe bằng cấp của mình). Sự tranh đua lành mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, sự đánh giá của cộng đồng chuyên môn, và các cơ chế đánh giá công khai khác khiến cho nhà khoa học thực sự chẳng phải dùng bằng cấp để chứng tỏ.
Cũng có thể áp dụng vòng phản hồi tự tăng cường để phân tích bệnh thành tích, nạn sính bằng cấp và tìm cách chữa trị.
Quy định sai về các tiêu chuẩn đánh giá, dẫn đến có khuyến khích để có bằng, thúc đẩy nạn làm bằng giả, việc học giả bằng thật và bệnh thành tích; người ranh ma leo lên các chức vụ cao có quyền quyết định; họ lại có động cơ khác để bóp méo việc vận dụng tiêu chuẩn làm cho việc đánh giá càng sai; nạn thành tích, bệnh bằng cấp càng phát triển; và vân vân. Đây là một vòng luẩn quẩn và khi nó đã thấm sâu vào tâm trí con người, nhất là giới trẻ, thì vô cùng khó phá.
Ngược lại, có các tiêu chuẩn đánh giá đúng, khiến cho người dân chú trọng vào thành tích thật, ít coi trọng bằng cấp, thì bằng cấp càng phản ánh tài năng thực và càng được đánh giá cao [nghe ngược đời phải không, không đâu], có quy định trừng trị nghiêm những kẻ làm bằng giả, v.v., lại khiến cho những người xứng đáng được chọn làm người lãnh đạo. Đấy cũng lại là một vòng phản hồi tự tăng cường và tốt.
Phá vỡ vòng phản hồi tự tăng cường tai họa, nuôi dưỡng và thúc đẩy vòng phản hồi thiện tự tăng cường, là cách xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục (và nhiều loại bệnh xã hội khác).

N. Q. A.

Nguồn: Laodong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn