Thư ngỏ gửi các vị Đại biểu QH đang thảo luận về đường sắt cao tốc

image

“Bạo Chúa” đi, dân đen chúng nó ngu xuẩn biết gì…!

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội!

Qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết Quốc hội đang thảo luận về việc nên hay không nên thông qua dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) tại Việt Nam. Quả thật khi nghe chi tiết các buổi thảo luận, tôi một cử tri sống tại Hà Nội cảm thấy thất vọng quá! Thất vọng vì các vị đại biểu phát biểu thảo luận không đúng trọng tâm, không đưa ra được những chứng lý, những vấn đề cốt lõi của sự việc để cùng nhau phân tích, đánh giá xem xét xem có nên hay không nên thực hiện dự án ĐSCT. Một số vị còn nói vu vơ, nói lấy được, nói như “những người thích đùa”, thiếu suy nghĩ trước sau. Ví dụ, có vị đã phát biểu: “Các nước có chỉ số IQ cao đều làm đường sắt cao tốc…” nhưng lại “quên” không nói rõ thực tế các nước có chỉ số IQ cao đó là những nước giàu có, họ có đủ vốn để tự đầu tư làm ĐSCT chứ không phải đi vay mượn toàn bộ vốn để làm ĐSCT như nước ta. Có vị lại còn cao hứng ví von thơ mộng: ĐSCT như chàng Hoàng tử đánh thức Nàng tiên đang ngủ quên trong rừng… Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết còn phản ứng nhẹ nhàng bằng câu e ngại điều đầu tiên Nàng hỏi là “tiền đâu ?”, chứ cử tri chúng tôi còn sợ khi Nàng tiên tỉnh giấc sẽ chửi thẳng vào mặt: “Tại sao chúng mày đánh thức tao dậy để bắt tao phải trả nợ thay cho chúng mày ?”.

Lại còn có vị phát biểu theo lối không phải là thảo luận: “… Tần Thủy Hoàng không quyết liệt thì không có Vạn lý trường thành…”. Nói kiểu ấy thì quá bằng “khuyến khích” người đứng đầu Chính phủ: Cứ làm “Bạo Chúa” đi, dân đen chúng nó ngu xuẩn biết gì…!

Qua kiểu thảo luận như vậy chứng tỏ hầu như các vị không ai hiểu về ĐSCT, không ai biết hiệu quả kinh tế của nó ra sao, không ai tính được nếu phải vay vốn để thực hiện dự án thì bao giờ sẽ hoàn lại vốn? Nên không ai đưa ra được những chứng lý xác đáng cần thiết để bàn, để tranh cãi xem có nên hay không nên đúng với tính chất của một kỳ họp Quốc hội, thảo luận quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà cử tri cả nước đang tin tưởng giao phó trách nhiệm.

Là cử tri có chút hiểu biết nhất định, tôi xin hiến tặng các vị những thông số cơ bản đúng trọng tâm vấn đề để các vị có cơ sở thảo luận nên hay không nên thực hiện dự án ĐSCT như sau:

Thứ nhất, kinh phí dự kiến toàn bộ dự án ĐSCT được đưa ra QH thảo luận là 56 tỷ USD, đó là con số thực tế của toàn bộ dự án khi đã hoàn thành hay là con số ảo? Con số đưa ra để thông qua, rồi đến khi thực hiện nó vọt lên bao nhiêu không cần biết, không cần quan tâm? Tôi nói điều này vì được biết ông KTS Trần Đình Bá, hiện là Hội viên Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam đã phát biểu công khai rằng: kinh phí để làm đường sắt cao tốc rất đắt tiền, thực tế kinh phí để làm ĐSCT tại Việt Nam có thể lên tới 450 tỷ USD. Xin trích nguyên văn: “ĐSCT đắt tiền lắm! Trung Quốc làm 1.000km tốn hết 1.000 tỷ nhân dân tệ. Nó tương đương 292 tỷ USD. Ta làm gấp rưỡi họ thì làm sao kham nổi. Nó có thể lên tới 450 tỷ USD đấy”

Nếu dự toán kinh phí 56 tỷ USD khi thực hiện thực tế tăng lên tới 70 tỷ USD thì có thể vẫn còn chấp nhận được. Nhưng con số kinh phí 56 tỷ USD và thực tế trông thấy kinh phí đã từng làm ĐSCT tương tự với giá là 450 tỷ USD chênh lệch nhau quá lớn (gấp 8 lần), khiến ai cũng phải suy nghĩ: Hoặc là người đưa ra dự trù kinh phí 56 tỷ USD là con số ảo để lừa bịp các vị đại biểu QH thông qua, sau đó muốn ra sao thì ra theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Hoặc là cái ông KTS, Hội viên Hội kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, một chuyên gia chuyên ngành đường sắt, người thật việc thật kia tung tin ảo gây rối “chủ trương lớn” của Chính phủ ? Tại sao lại có hiện tượng diễn ra mâu thuẫn trớ trêu đúng vào dịp này như thế ? Các vị đang là đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn để làm rõ sự thật về kinh phí thực tế để làm được dự án ĐSCT, rồi mới bàn có nên hay không nên thông qua. Hiển nhiên ai cũng thấy khi đã không hiểu rõ sự thật kinh phí thực tế để làm được ĐSCT là 56 tỷ USD hay 450 tỷ USD thì quyết định nên hay không nên chấp thuận dự án thế nào được?

Thứ hai, thấy các vị lúng túng, tôi giúp các vị tính toán cụ thể khái quát về thời gian khi nào thì trả hết nợ nếu phải vay vốn 56 tỷ USD làm dự án ĐSCT để các vị có căn cứ cân nhắc nên hay không nên thông qua dự án sau đây:

Khi dự án ĐSCT hoàn thành, nguồn thu chủ yếu dựa vào bán vé vận tải hành khách. Giá vé phải cân đối để hành khách có thể chấp nhận được. Không thể ảo tưởng trong tương lai thu nhập của người dân cao để áp đặt giá cao, vả lại cũng không có căn cứ để ước tính giá vé trong tương lai. Nên cứ tạm tính đơn giá tại thời điểm hiện tại, có thể chấp nhận giá vé cho một lượt đi từ Hà nội đến thành phố Hồ Chí Minh hoặc ngược lại bằng tầu cao tốc là 100 USD/vé. Có thể cứ tạm tính trung bình là 1000 hành khách cho mỗi một chuyến tầu cao tốc, đồng thời mỗi ngày thực hiện được 6 chuyến (bao gồm 3 lượt đi và 3 lượt về) và một năm có 365 ngày liên tục thực hiện.

Như vậy tổng doanh thu do bán vé trong một năm sẽ là:

100USD/vé × 1000 vé × 6 chuyến × 365 ngày = 219.000.000 USD = 219 triệu USD

Trong tổng doanh thu do bán vé là 219 triệu USD/năm nêu trên ít nhất cũng phải chi phí cho xăng dầu, duy tu bảo dưỡng, chi phí cho bộ máy quản lý vận hành… khoảng 50% tổng số doanh thu đó. Nhưng cứ giả thiết lấy kinh phí từ các nguồn thu ngân sách khác bù vào cho phần chi phí vận hành ĐSCT, tức là để toàn bộ tổng doanh thu 219 triệu USD/năm ưu tiên cho trả nợ thì cũng phải sau 250 năm kể từ khi ĐSCT chính thức hoạt động mới trả được gần xong số nợ 56 tỷ USD.

(219 triệu USD/ năm × 250 năm = 54.750 triệu USD =54,75 tỷ USD)

Với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, việc tính toán trả nợ như thế là an toàn, hợp lý nhất. Không thể nôn nóng muốn trả nợ nhanh, lấy nhiều nguồn thu khác bù vào đáp ứng cho việc trả nợ để ngân khố quốc gia cạn kiệt, trống rỗng thì khi gặp sự cố không chống đỡ nổi, lúc đó có thể sẽ không còn chỗ để các vị ngồi “bàn bạc, thảo luận, ra quyết định…” đâu.

Theo ý kiến của cử tri tài hèn sức mọn này thì điều cần thiết phải bàn, phải thảo luận cân nhắc nên hay không nên thông qua dự án ĐSCT dựa trên cơ sở hai dữ liệu thực tế nêu trên. Một là, con số chính thức kinh phí thực tế để thực hiện được dự án ĐSCT là 56 tỷ USD hay là 450 tỷ USD? Hai là, vì sự an toàn tuyệt đối cho dự trữ quốc gia, nếu phải vay vốn để thực hiện dự án ĐSCT thì thời gian để trả nợ xong vốn vay 56 tỷ USD phải mất hơn 250 năm sau tính từ lúc dự án hoàn thành và chính thức hoạt động.

Xin chúc các vị khỏe mạnh, minh mẫn và sáng suốt đáp ứng được sự tin cậy, tín nhiệm của cử tri cả nước.

Hà nội, ngày 12/6/2010

Cử tri

Lê Văn Cường

Phụ lục của BVN:

Thử tính vui cuối tuần

56 000 000 000 USD là số tiền Việt Nam  dự định đi vay để làm tuyến đường tàu hỏa cao tốc Bắc Nam [1]. Số tiền

này:
= 1,435 tấn vàng (một ngàn bốn trăm ba mươi lăm tấn vàng): là số vàng 56 tỉ USD có thể mua được, tỉ giá vàng thế giới ngày 29 tháng 5 năm 2010 là 39,024 USD/ kg vàng [2]. Số vàng này nặng bằng 23 916 nam thanh niên VN 60 kg.
= 52 830 188 năm: là số năm mà một người VN phải làm việc để trả đủ 56 tỉ USD, không ăn uống và mỗi năm kiếm được 1.060USD [3], hay

tương đương 1 320 754 người khỏe mạnh làm việc suốt đời (40 năm).
clip_image005
Nếu tính bằng tờ tiền 100 USD [4], 56 tỉ USD:
= 560 tấn: là khối lượng cân được (1 triệu đô nặng đúng 10 kg), nặng bằng 11 200 cô gái VN 50 kg.
= 717 m3: là thể tích của 56 tỉ USD, chiếm bằng 2 căn nhà rộng 70m2 và cao 5m.
= 87 335km: nếu nối các tờ tiền theo chiều dài (100USD dài 15.6cm), hơn gấp đôi chu vi trái đất là 40 000 km.
= 37 124km: nếu nối các tờ tiền theo chiều rộng (100USD rộng 6.6cm).
= 69.4km: nếu chồng các tờ tiền lên nhau (100USD dày 124 micron).
= 5.8km2: nếu xếp các tờ tiền cạnh nhau (= 580 héc ta ruộng).
clip_image007
56 tỉ USD mua được:
= 168 tàu ngầm Kilo lỗ đen của Nga (VN đã đặt mua 6 chiếc = 1.8 tỉ USD [5]).
= 373 máy bay tàng hình F22 tối tân nhất của Mỹ (150 triệu USD/chiếc [6]).
= 10 980 máy bay riêng của ông Ðoàn Nguyên Ðức, chủ Hoàng Anh Gia Lai (loại Beechcraft King Air 350, giá mua 5.1 triệu USD [7])
= 166 máy bay Airbus 380, loại lớn nhất thế giới và có thể chở tới 853 khách (337.5 triệu USD/chiếc [8])
= 3 636 trực thăng Apache AH-64 (15.4 triệu USD/chiếc [9]).
clip_image008
Nếu vay 56 tỉ USD, mỗi người VN, từ trẻ mới sinh ra cho tới già yếu sắp chết (tổng cộng 86 triệu người [3]), sẽ tự nhiên bị nợ nước ngoài 651 USD. Số tiền này:
= 12 375 510 đồng (theo tỉ giá trên VNexpress ngày 30 tháng 5 năm 2010, 1USD = 19 010 đồng).
= 4.5 chỉ vàng SJC (theo giá vàng trên VNexpress ngày 30 tháng 5 năm 2010, chỉ mua vào = 2,765,000 đồng).
Xin lưu ý là tuy đã mang nợ 4.5 chỉ vàng (4 chỉ rưỡi), bạn vẫn phải trả tiền vé tương đương 80% vé máy bay để được leo lên tàu [10].
Chú thích nguồn:
[1] http://tuanvietnam.net/2010-05-27-duong-sat-cao-toc-can-dung-luc-va-dung-cach-
[2] http://goldprice.org/gold-price-per-kilo.html
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam
[4] http://answers.google.com/answers/threadview?id=441929
[5] http://www.defencetalk.com/russia-to-build-kilo-class-diesel-submarines-for-vietnam-18232/
[6] http://en.wikipedia.org/wiki/F-22_Raptor
[7] http://www.hagl.com.vn/index.php?l=vn&m=tintuc&cid=1&id=109
[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Airbus_A380
[9] http://en.wikipedia.org/wiki/AH-64_Apache
[10] http://www.tuanvietnam.net/2010-05-25-duong-sat-cao-toc-danh-cho-ai

Nguồn: Take

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn