Trữ tình ngoại đề nhân bài “Thử bàn về trí thức và trí thức Việt Nam” của Trương Nhân Tuấn (http://www.talawas.org/?p=21262)

Hoàng Giang

image image

Những quốc gia đã cống hiến cho nhân loại những nền văn hóa xuất sắc như Trung Hoa, Ấn độ, Ả rập, Hy lạp, La mã, kể cả những quốc gia có những nền văn minh độc đáo ở châu Mỹ cổ đại, đều là những quốc gia đã trải qua thời kỳ phát triển chế độ nô lệ. Thời kỳ phát triển của chế độ nô lệ đối với một xã hội từng được ví như một đêm dài tăm tối và tàn bạo nhất trong lịch sử loài người, nhưng đó lại là lớp học vỡ lòng cần thiết đối với loài người. Lớp học đó có tác dụng khai tâm, khai trí cho loài người, là sự đánh dấu giai đoạn loài người từ mông muội bước sang văn minh, là sự nhảy vọt về chất trong sự tự nhận thức về chính mình trong mối quan hệ với thiên nhiên và xã hội, trong sự tổ chức và cung cách quản lý xã hội, cũng như trong sự phân hóa và tiến hóa xã hội – một sự phân hóa và tiến hóa khiến loài người ngày càng thoát xa loài vật. Nổi bật trong quá trình phân hóa và tiến hóa này là sự phát triển của tư tưởng, của văn hóa thông qua cuộc đấu tranh giữa bản năng và lý trí, dốt nát và hiểu biết mà trung tâm của nó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa Cái Ác và Cái Thiện.

Những xã hội trong quá trình tiến hóa của mình đã bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ xã hội nô lệ mà từ chế độ cộng sản nguyên thủy tiến thẳng lên chế độ phong kiến thường là những xã hội bị xâm chiếm và bị đô hộ. Những xã hội đó đã bỏ qua giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng mang tính nền tảng trong toàn bộ quá trình phát triển của mình, một nền tảng mà thiếu nó thì xã hội đó sẽ luôn bị hụt hẫng trong suốt quá trình phát triển và luôn có những lỗ hổng trong nhận thức và những thói quen cần thiết trong sinh hoạt xã hội; bởi vì tất cả các khái niệm cơ bản và cung cách ứng xử đầu tiên mà loài người cần phải có để có thể hiểu và thích nghi được một cách dễ dàng, đầy đủ một cách có hệ thống những khái niệm và những hiện tượng xã hội được phát sinh tiếp theo trong quá trình phát triển sau đó của loài người. Những xã hội đó hiếm có điều kiện được tập dượt cho mọi thành viên của mình có được một thói quen hành xử trên tinh thần kỷ luật nghiêm ngặt trong sinh hoạt cộng đồng và thói quen hợp đồng, hợp tác lao động một cách thường xuyên và phổ biến mang tính cộng đồng như đã diễn ra trên các đại công trường thủ công của thời chế độ nô lệ. Đồng thời xã hội đó cũng hiếm khi sản sinh ra được những nhà lãnh đạo xã hội được đào luyện và tập dượt trong chế độ kỷ luật hà khắc, nhưng nghiêm minh, dứt khoát của xã hội nô lệ; họ không có được năng lực chỉ huy, điều phối bao quát tương xứng với qui mô hiệp tác lao động trên các công trường thủ công bao la, hoành tráng của thời nô lệ. Xã hội ấy cũng hiếm khi sinh ra những nhà tư tưởng lớn, mà nếu có thì thường cũng được vay mượn do bị áp đặt từ một xã hội đang chiếm đóng và nô dịch họ; ngay bản thân sự áp đặt đã là nguyên nhân trực tiếp bóp chết sự tự do tư tưởng và sự sáng tạo từ cảm hứng của tình cảm và tâm hồn của chính mình; con người không được lặn ngụp để tắm mình trong môi trường và hoàn cảnh cuộc vô cùng sống khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng hoành tráng của giai đoạn phát triển ấy, một giai đoạn mà nỗi khát khao quyền lực và sự tàn bạo, cũng như nỗi khát vọng về sự tự do của con người được bước đầu đánh thức và phát triển mãnh liệt, một giai đoạn mà thế giới tâm linh ấu trĩ và giản đơn của con người từ sùng bái vật thể và nghi thức tế lễ tiến lên sùng bái thánh thần và giáo lý cùng với đạo lý tôn giáo để vừa cứu rỗi sự bất hạnh của con người, đồng thời vừa để củng cố chế độ xã hội bất công mà rạng rỡ ấy; một giai đoạn mà các khái niệm cơ bản và ý thức của loài người về đạo đức, về văn hóa, văn học nghệ thuật, những chuẩn mực về danh dự, vinh nhục, thiện ác, nghĩa vụ, trách nhiệm vv.. đã bắt đầu hình thành và xuất hiện; tất cả những nguồn dữ liệu, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng đó không thể có được trong một xã hội bất hạnh và khuyết tật vì đã bỏ qua lớp học khai tâm và khai trí ấy. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, xã hội đó không có được những sử thi mang tính anh hùng ca như “ Iliad (Ilias – theo tiếng cổ Hy lạp) và Odyssey” của Homère (Homer - Hy lạp), hoặc chuyện “1001 đêm” của các nước Ả rập…, thậm chí một trường ca tầm cỡ như “Đam San, Xinh Nhã” của các dân tộc Tây nguyên của Việt nam cũng không có được, hoặc những công trình kiến trúc đồ sộ như Kim tự tháp của Ai cập, Vạn lý Trường thành của Trung quốc, lăng mộ Taj Mahal của Ấn độ, Ankor Thom, Ankor Wat của Cam Pu chia…, thậm chí một kiến trúc tầm cỡ như các quần thể kiến trúc Tháp Chàm ở Trung bộ Việt nam cũng không có được (những công trình này có cái tuy đã được xây trong thời vua chúa phong kiến, nhưng nếu những dân tộc này không có nền tảng tư duy, cảm hứng và tài năng thừa hưởng được từ thời xã hội nô lệ thì không thể xây dựng được); về con người thì không thể có nổi một nhà tư tưởng như Khổng tử, như Lão tử, như Platon, Aristotle, Socrate đã đành…; thậm chí một điệu múa dân gian mang tính tập thể, biểu hiện đặc trưng cho những sinh hoạt vui chơi, giải trí mang tính nghệ thuật của cộng đồng thời nô lệ cũng không có nổi…, tất cả cũng vì xã hội ấy đã bỏ qua một giai đoạn phát triển cần thiết của quá trình tiến hóa mà Việt nam là một ví dụ.

Tầm cỡ của những nhà lãnh đạo và chỉ huy của xã hội đó cũng hiếm khi vượt qua được ranh giới quốc gia, nếu có thì cũng thật là hi hữu và cũng không tránh khỏi tình trạng được tiếp thu từ ảnh hưởng của bên ngoài.

Theo tinh thần của tác giả Hoàng Giang trong bài: “Suy nghĩ tản mạn của một độc giả về nhận xét của một nhà văn” đăng bởi BVN ngày 12/5/2010 thì tuy đã ở chế độ phong kiến, một chế độ xã hội có trình độ phát triển cao hơn chế độ nô lệ, nhưng vì là một quan hệ xã hội vay mượn nên năng lực lãnh đạo và sinh hoạt của xã hội ấy thường chỉ dừng lại ở thói quen chỉ huy và hiệp đồng theo quy mô của các cuộc săn mồi tập thể và tinh thần xả thân quên mình của thời xã hội nguyên thủy khi cộng đồng bị đe dọa trước một thế lực ngoại lai nào đó mà thôi. Họ cũng không từ bỏ được thói quen là khi săn mồi thì họ là một khối người thống nhất, nhưng khi chia mồi thi họ là những cá thể riêng rẽ, giành giật nhau như bầy người hoang dã tranh ăn; khi con đầu đàn giành được phần mồi ưu ái sau cuộc săn rồi thì việc xâu xé chiến lợi phẩm là quyền tất nhiên của bầy đàn. Lịch sử của các xã hội loại ấy đã luôn lặp đi lặp lại hiện tượng này. Trong chế độ nô lệ, con mồi săn được thuộc sở hữu của chủ nô, không có phần riêng cho ai; hoặc nếu có thì phần thưởng được chia đều, phần ưu ái cho ai cũng đều được chủ cuộc săn ban bố như một phán quyết không được tranh cãi. Chỉ huy của những xã hội đã bỏ qua giai đoạn phát triển xã hội nô lệ đó không có được trình độ cơ bản của lớp vỡ lòng của lịch sử phát triển, dù họ đang học lớp 1, lớp 2, thậm chí đang ở lớp cao hơn nữa. Người chỉ huy của họ chưa học được phong cách và trách nhiệm của ông chủ xã hội, một xã hội với những nguyên tắc tổ chức và luật lệ của nó, chứ không phải một xã hội với những quy ước của bào tộc, hoặc những hương ước của công xã. Phong cách quản lý xã hội của họ còn rơi rớt rất nhiều thói quen và quan niệm của thời thị tộc, bộ lạc mà từ đó họ đã thoát thai. Tư tưởng của họ còn nhuộm đậm màu sắc của thần quyền và những kiến thức sao chép cùng với phương pháp tư duy thụ động.

Đó là trở ngại lớn nhất và cơ bản nhất của những xã hội loại ấy trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Cuối cùng học phí bỏ ra để học lại những gì mà xã hội ấy tưởng chừng như đã tiết kiệm được do đốt cháy giai đoạn phát triển ấy là quá lớn ngoài sức tưởng tượng. Một xã hội như thế phải cần ít nhất hàng nửa thế kỷ đến nhiều thế kỷ với một nỗ lực phi thường và phải biết chớp lấy những cơ hội hiếm hoi để có thể hình thành và tự trau dồi cho mình một kỷ năng lao động và năng lực tổ chức, chỉ huy tương xứng với một xã hội có trình độ phát triển cao hơn, nhất là trình độ của một xã hội công nghiệp; tuy nhiên trên hình hài của các xã hội ấy vẫn còn lưu rõ dấu tích những khuyết tật của một hài nhi đã bỏ qua một giai đoạn phát triển bào thai trong bụng mẹ; những khuyết tật này may ra sẽ được làm cho mờ nhạt một khi những thói quen, những tập quán, những nếp nghĩ được hình thành đầy đủ trong một xã hội công nghiệp phát triển cao sẽ trùm lên những khuyết tật ấy.

Văn hóa, kỹ năng lao động xã hội và trình độ tổ chức điều hành của những người lãnh đạo xã hội là những nhân tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển của một quốc gia.

Chứng minh điều này là sự trỗi dậy sau thế chiến lần thứ II của một số quốc gia bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến ấy; với trình độ dân trí, kỷ năng lao động sẵn có của xã hội và trình độ tổ chức điều hành phát triển cao của các nhà điều hành xã hội, chỉ trong vài thập kỷ sau chiến tranh là họ đã gia nhập trở lại hàng ngũ những nước giàu có với trình độ kinh tế, kỹ thuật và văn hóa, xã hội phát triển vào loại cao nhất của nhân loại ngày nay.

Mới hay, năng lực thừa hành và thực thi của các thành viên trong xã hội cùng với năng lực điều hành và chỉ huy của các phần tử lãnh đạo xã hội hợp thành trình độ phát triển của xã hội.

Mới hay, đối với một xã hội thì cái Thiện và cái Ác cũng đều phải được phát triển hoàn chỉnh mới có thể có được một xã hội phát triển hoàn chỉnh. Con người là một thành tố, một thực thể của xã hội nên quy luật đó cũng chính là quy luật phát triển của con người.

Mới hay mọi sai lầm của con người đều bắt nguồn từ 2 nguyên nhân: Do hạn chế của trình độ nhận thức và do động cơ lợi ích của người phạm sai lầm. Song suy cho cùng thì sai lầm do động cơ lợi ích cũng bắt nguồn từ hạn chế của trình độ nhận thức (trình độ nhận thức về đạo đức, về nghĩa vụ và trách nhiệm với những đối tác bị phương hại ...  ), ngay cả sai lầm do bị ép buộc là do hạn chế của trình độ nhận thức về danh dự và nhân cách...

Con người đại diện cho cái Thiện đó là Thánh, nhưng chỉ mới là một nửa của Con Người. Con người đại diện cho cái Ác đó là Quỉ, nhưng cũng chỉ là một nửa phần còn lại của Con Người. Cả hai nửa đó hợp lại mới là con người hoàn chỉnh.

Ở một số nước, tùy theo cách dịch mà người ta gọi người đứng đầu xã hội là con vật cao cấp, hay con thú thượng đẳng. Con thú thượng đẳng này phải có trong mình đầy đủ cả cái Thiện lẫn cái Ác thì mới có đủ năng lực để thực thi và phát triển cái Thiện, đồng thời để nhận dạng không lầm lẫn và có đủ khả năng để chế ngự một cách có hiệu quả cái Ác trong xã hội. Con thú thượng đẳng biết dùng cái Ác để bảo vệ cái Thiện thì đó là con đầu đàn, là con thủ lĩnh đích thực của bầy đàn. Con thú thượng đẳng dùng cái Ác để trấn áp cái Thiện thì đó là con ác thú đích thực. Tư duy của Phật giáo được đánh giá là hoàn chỉnh khi xây dựng hình tượng ông Ác và ông Thiện để minh họa cho giáo lý của mình.

Tuy nhiên cũng nên lưu ý đến một thực tế này, những tên gia trưởng tàn bạo nhất thường là những đứa bé đã từng sống trong một gia đình đấy bạo lực và những tên chủ nô tàn ác nhất lại là những nô lệ đã từng sống dưới ách của một chủ nô tàn bạo. Một dân tộc đã từng sống dưới ách nô lệ sẽ là một dân tộc tàn bạo khi đi nô dịch dân tộc khác, nhưng chính chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn lại có điều kiện thể hiện và phát triển cao nhất trong lòng của dân tộc đi thống trị ấy, còn ở xã hội có những con người bị áp bức ấy thì chỉ phát sinh khát vọng tự do và ý chí báo thù chứ không phải chủ nghĩa nhân đạo. Tính nhân đạo và tính nhân văn chỉ có thể phát triển cao nhất và được đúc kết để nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn ở những nơi nào mà tính phi nhân đạo và phản nhân văn được nâng lên thành hệ tư tưởng, tức được phát triển thành chủ nghĩa phi nhân đạo và phản nhân văn một cách cao nhất; hệt như một cuộc chạy đua bất tận giữa y học và vi trùng.

Thực tế cũng cho thấy, những dân tộc và quốc gia dù đã trải qua lớp vỡ lòng một cách xuất sắc trên bước đường phát triển của xã hội của mình nhưng bị tụt hậu trong các giai đoạn sau, nay đã bắt kịp ở một mức độ nào đó sự phát triển của thế giới về mặt khoa học kỹ thuật và kinh tế thì họ cũng bị hụt hẫng. Sự hụt hẫng đầu tiên mang ý nghĩa cục bộ đối với họ là vì họ chưa được tập dượt và chưa phải trả giá đúng (một sự tự trả giá) mà các nước đi trước đã phải trả giá cho quá trình tập dượt và phát triển nhận thức, tư tưởng và văn hóa ứng xử để có được nền văn minh tương ứng với nền tảng kinh tế-kỹ thuật đó.

Hệ quả trực tiếp của “sự hụt hẫng cục bộ” là “sự hụt hẫng mang tính toàn cục” của các quốc gia mới trỗi dậy này, biểu hiện qua cách ứng xử bất bình thường của họ trong quan hệ với các dân tộc và quốc gia xung quanh và trên toàn thế giới (tùy thực lực và phạm vi ảnh hưởng cụ thể của họ), một cách ứng xử còn mang nặng tính tàn bạo của các chủ nô thời nô lệ và các tên chủ nô xuất thân từ thân phận nô lệ pha lẫn tính hung hãn của các bạo chúa phong kiến cùng với sự nham hiểm, thâm độc và kiêu căng của các hoàng đế tự nhận mình là “con trời”; tiềm ẩn trong cách ứng xử của họ còn là các cách ứng xử mà chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xít đã từng áp dụng, những cách ứng xử mà họ chắc chắn sẽ sử dụng khi họ ngày càng mạnh hơn.

Thế mới biết, đối với một con người thì để làm giàu có thể chỉ cần vài ba năm và để có một học vấn cao chỉ cần vài ba thập kỷ; nhưng để có một nền văn minh và một nền văn hóa ứng xử tương xứng với nền văn minh ấy thì con người phải cần nhiều thế hệ và một xã hội thì phải cần đến nhiều thế kỷ, thậm chí suốt chiều dài phát triển của xã hội ấy.

Người Việt nam có câu:”Đi vòng xa lắc, đi tắt tối ngày”.

Ngạn ngữ Anh có câu: “Đi vòng mà đến còn hơn đi thẳng mà ngã đau”.

Rất may, hiện nay trên thế giới không còn nước nào chọn tương lai của mình bằng cách đốt cháy bậc thang tiến hóa xã hội trên con đường phát triển của đất nước. Số phận của các bộ tộc, bộ lạc thiểu số đang ở trình độ phát triển của chế độ thị tộc trong lòng một xã hội hiện đại đang phải đốt cháy giai đoạn phát triển của mình cho thấy, nếu không bị đồng hóa về chủng tộc thì các bộ tộc, bộ lạc thiểu số này cũng bị đồng hóa về văn hóa, một hình thức của quá trình tự hủy diệt trên ý nghĩa dân tộc học.

Thật hú vía cho Việt Nam vì đã không tự đốt cháy giai đoạn trong quá trình phát triển của mình một lần nữa!

Ôi! Cũng rầu lòng làm sao về những khuyết tật của xã hội và năng lực quản lý, điều hành xã hội của “những con thú cao cấp” cùng với động cơ phương hướng của họ ở xã hội ta hiện nay.

Bao giờ và phải làm gì để Việt nam mới có thể xuất hiện “những con thú cao cấp” đích thực? Ai giãi bày cho tôi với?

HG

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn