Đường sắt cao tốc hay "đặc khu tri thức"?

Kỳ Duyên

clip_image001Chỉ cần đầu tư 6 tỷ USD, con số lẻ trong số tiền đầu tư đường cao tốc dự kiến, cho việc xây dựng 6 trường đại học có chất lượng,  sẽ tạo ra 6 "đặc khu tri thức" gắn với sự phát triển kinh tế xã hội vùng miền. Ảnh minh họa

Những "đặc khu tri thức" nếu hình thành sẽ là những hạt nhân, trước hết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và đất nước; kích thích sự phát triển, sự chuyển động tích cực của cả hệ thống đào tạo về chất lượng.

Những ngày này, có một vấn đề không chỉ làm nóng lên bầu không khí tranh luận căng thẳng trong nghị trường Quốc hội, mà còn như hun đốt thêm xã hội vốn đang hầm hập bởi nắng nóng. Đó là chủ trương làm đường sắt cao tốc với số vốn vay đầu tư nước ngoài khổng lồ - 56 tỷ USD.

Có một thứ cần ưu tiên "cao tốc": Giáo dục đại học

Không biết cái nút bấm ĐSCT sắp tới trong QH ngả về bên nào, bên đồng tình hay phản đối, xin hãy cứ chờ đợi tới giờ... G! Nhưng trong khi ý kiến phản biện liên tiếp, từ các chuyên gia về kinh tế, tài chính, giao thông... còn chưa ngã ngũ; cũng như ý kiến phản đối quyết liệt của người dân chưa hề nhượng bộ; thì những người ưu tư đến giáo dục lại đặt một câu hỏi - như một phương án phát triển khác, thay thế hợp lý hơn. Đó là đất nước lúc này có một thứ cần ưu tiên "cao tốc" hơn cả đường sắt: Giáo dục đại học?

Phương án này xuất phát từ thực tiễn GDĐH nhiều năm nay.

- Tuy nhà nước có quan điểm "GD là quốc sách hàng đầu", với tỷ lệ đầu tư GD chiếm 20% ngân sách, (dành riêng cho GDĐH 10%), nhưng so với con số tuyệt đối, sự đầu tư này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu đào tạo có chất lượng.

- Nhìn ra thế giới, so với GD các nước phát triển, nếu như GD phổ thông không đáng lo ngại lắm, thì ngược lại, GDĐH đã và đang tụt hậu rất nguy hiểm, trong khi đó, đây lại là khu vực tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hội nhập. Thực trạng lạc hậu kéo dài đó của GDĐH đòi hỏi nhà nước cần có những quyết sách táo bạo, dựa trên cách tư duy mới và khôn ngoan.

- Việc đầu tư tới 56 tỷ USD, một số tiền quá lớn vào ĐSCT, cho dù đó là xu hướng phát triển hiện đại trong tương lai, nhưng hiện tại, nhu cầu đi lại của con người chưa tăng cao, và còn có nhiều phương tiện giao thông thay thế, thì nên chăng, xin nhà nước hãy ưu tiên đầu tư 6 tỷ USD, con số lẻ, chỉ bằng gần 1/9 của số tiền đi vay, cho việc xây dựng 6 trường đại học có chất lượng cao, tạo ra 6 "đặc khu tri thức" gắn với sự phát triển kinh tế xã hội vùng miền.

"Đặc khu tri thức" - hạt nhân của sự phát triển

Gợi ý này, xuất phát từ quan điểm bất di bất dịch - GD là động lực phát triển, đầu tư cho GD là đầu tư có lãi.

Những "đặc khu tri thức" đó nếu hình thành sẽ là những hạt nhân, trước hết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền và đất nước. Thứ nữa, kích thích sự phát triển, sự chuyển động tích cực của cả hệ thống đào tạo về chất lượng.

Nếu làm được như vậy, những "đặc khu tri thức" ấy sẽ chính là những đường cao tốc trí tuệ đưa đất nước cất cánh vào tương lai.

Sẽ có một câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta không chọn lựa cách dựa vào hệ thống các trường ĐH đầu bảng phát triển tiếp lên như nhiều ý kiến khi bàn về ĐH "đẳng cấp quốc tế" trước đây, mà lại muốn tìm một con đường mới, riêng biệt?

Có 3 lý do sau:

- Bản chất của nền GDĐH truyền thống vốn có tính ổn định tương đối, thậm chí là bảo thủ. Do nhiều nguyên nhân, bản thân các trường ĐH công lập lâu nay với cung cách quản lý xơ cứng, lạc hậu, lại bị "lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm" chi phối, dường như chưa thể bước ra khỏi vùng trũng của tư duy GD cũ.

- Hệ thống các trường ĐH tư thục có thể mới về cơ chế, nhưng nhiều khiếm khuyết trong quản lý, tính mục đích vì lợi nhuận quá nặng, hiệu quả đào tạo lại thấp.

- Nếu trông chờ vào chiến lược phát triển hay cải cách GDĐH mà hiện nay chính ngành GD còn tranh cãi, chần chừ, hoặc lửng lơ... thì còn rất lâu, ý tưởng tạo ra những "đặc khu tri thức" rất khó thành hiện thực.

Cần một con đường đi mới, táo bạo, mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Cần những chính sách ưu tiên và đặc thù

Tạo nên chất lượng đào tạo cao, mang tính đẳng cấp, có nhiều điều kiện, nhưng trong đó, có hai điều kiện tiên quyết: Cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý, giảng viên. Như vậy, nếu đã gọi là "đặc khu tri thức", các trường này cần được hưởng những chính sách ưu tiên và đặc thù. Để ngoài cơ sở vật chất được đầu tư thỏa đáng, từ diện tích mặt bằng, đến cơ sở nhà xưởng, thiết bị kỹ thuật tiên tiến, phòng thí nghiệm hiện đại... Điều đặc biệt, các trường phải hút được những giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học thực tài trong nước, nước ngoài.

Theo các chuyên gia ĐH, sự ưu tiên cho đội ngũ này thể hiện ngay ở những chính sách thu hút để họ thực sự nhiệt tâm. Đó là chấp nhận không phân biệt đối xử về "quốc tịch" với đội ngũ quản lý, giảng viên (là người nước ngoài, hoặc là những trí thức Việt kiều giỏi giang). Giảng viên người nước ngoài có thể được nhập quốc tịch Việt Nam nếu có nhu cầu.

Để bảo đảm chất lượng cao, trong bối cảnh đời sống GD nước ta, ở các "đặc khu tri thức", tỷ lệ giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều, nên chiếm khoảng 90-95%. Tỷ lệ sinh viên Việt Nam: 50-70%, còn lại là sinh viên nước ngoài.

Đây không phải vấn đề gì mới mẻ, mà là kinh nghiêm thực tế của nhiều trường ĐH danh tiếng của các quốc gia phát triển, như Singapore chẳng hạn (2 trường ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang - lọt vào tốp 200 trường ĐH châu Á vừa được xếp hạng) [1]. Tỷ lệ giảng viên là người nước ngoài của các trường nói trên thường chiếm khoảng 60%; đội ngũ này sau 3 năm lại được sàng lọc lại, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu mục tiêu đào tạo.

Những "đặc khu tri thức" có thể đặt ở 6 vùng: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), TP Hồ Chí Minh, và Tây Nguyên gắn với 6 vùng kinh tế đặc thù khác nhau. Nhưng trước mắt, nên chọn và đặt 3 "đặc khu tri thức" ở 3 vùng: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, những nơi có các điều kiện sống, sinh hoạt thuận lợi hơn.

Với việc tạo ra những "đặc khu tri thức" cùng lúc, ngành GD quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH sao cho phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế xã hội các vùng miền, tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư và đào tạo.

Giữa sự vay mượn tốn kém nhưng chưa phải lúc, với sự vay mượn không quá lớn, để đầu tư GD, có lãi lâu dài cho nhân lực và sự phát triển quốc gia, đâu là cái cần ưu tiên "cao tốc": Đường sắt hay "đặc khu tri thức"?

Câu trả lời có lẽ cũng rõ ràng.

[1] Tham khảo: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-17-dai-hoc-viet-nam-chan-khong-toi-dat-

KD

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn