VIỆT NAM - TRUNG QUỐC: "Tàu lạ" tấn công ngư dân Việt Nam là tàu Trung Quốc

Đức Tâm

image Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI ngày 20/07/2009 , ông Dương Danh Dy, chuyên gia về Trung Quốc nói thẳng rằng báo chí Việt Nam dùng từ "tàu lạ", để tránh không nói đến tàu Trung Quốc. Theo ông, cần phải vạch cho công luận thấy rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời.

Nhưng mặc dù đã có những lời cảnh báo tâm huyết của vị chuyên gia về lĩnh vực Trung Hoa học như trên, như một thói quen, hễ ngư dân chúng ta bị tàu Trung Quốc vô cớ tông chìm, bắt người cướp của... thì báo chí lại lập tức vang lên điệp khúc “tàu lạ”. Bởi thế, theo đề nghị của tác giả, BVN đăng lại bài này của ông để nhắc nhở giới truyền thông hãy gọi sự vật cho đúng tên, đừng quá hèn khiến cho cái hèn thành một hói quen cố hữu. Nếu ai có ra lệnh cho ta phải gọi thế ta cũng nên một lần can đảm nói thẳng ra trên báo: tàu lạ chính là tàu Trung Quốc.

Bauxite Việt Nam

RFI : Xin chào ông Dương Danh Dy, với tư cách là công dân Việt Nam, ông nghĩ gì về những thông tin mà báo chí trong nước cho biết là các ngư dân Việt Nam thường xuyên bị các «tàu lạ» tấn công?

Dương Danh Dy : Tôi xin thẳng thắn nói với ông rằng chữ «tàu lạ» mà báo chí Việt Nam dùng, thực ra muốn tránh nói đến tàu Trung Quốc. Ta phải nói thẳng với nhau như vậy. Bởi vì, chúng ta biết là từ tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã thành lập một đội tuần tàu, đi tuần tra ở khu vực mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải của họ, còn đối với Việt Nam, thì đó là biển Đông. Trong đoàn tàu đó, có những chiếc, như tàu Ngư Chính, số bao nhiêu, tôi không nhớ. Họ nói rõ đó là một hộ vệ hạm, được cải biên thành tàu đánh cá, có trọng tải mấy nghìn tấn, với tốc độ mấy chục hải lý /giờ. Những cái tàu gọi là tuần tra đánh cá đó chỉ chạm vào các thuyền đánh cá vài trăm mã lực của Việt Nam thì các thuyền này tan vỡ ngay.

Tôi nghĩ là trong khu vực, các nước Philippines, Malaysia, Indonesia cũng có những tàu tuần tra, nhưng họ không có những đoàn tàu to lớn và họ không tuyên bố rõ ràng là đội tầu tuần tra này có quyền xua đuổi các tàu đánh cá trong khu vực mà họ cho là của họ, kiểm tra, bắt giữ v.v. Cho nên, tôi xin nói thật, xin nhắc lại, nói «tàu lạ» là muốn tránh. Chứ nói trắng ra thì đó là tàu Trung Quốc.

RFI : Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Dương Danh Dy : Nói thật là tôi suy nghĩ rất nhiều, cũng như những người Việt Nam yêu nước khác đều suy nghĩ. Trong lúc lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước, Việt Nam và Trung Quốc, đã trịnh trọng nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều tuyên bố rằng quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc là «16 chữ»: Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai. Ngoài ra còn có «4 Tốt»: Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt. Những điều này được nhắc rất nhiều lần trên báo chí Việt Nam, Trung Quốc. Đấy là một nguyên tắc mà từ sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hai Đảng và hai Nhà nước đã xây dựng nên.

Thứ hai là trong khu vực biển Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố là gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng có lợi. Đấy là những điều rõ như ban ngày, Trung Quốc đã nói như vậy.

Về biển Đông, Trung Quốc bảo là của Trung Quốc. Việt Nam bảo là của Việt Nam. Rõ ràng là hai bên đang có tranh chấp. Trong khi chưa ngã ngũ, tại sao Trung Quốc lại dùng sức mạnh của mình, đến và bắt ngư dân Việt Nam, đâm vào tàu của Việt Nam. Tinh thần đó không đúng với điều Trung Quốc nói là gác lại tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi. Đó là chưa nói đến tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, rồi bạn bè tốt, đối tác tốt, đồng chí tốt v.v. Thế mà Trung Quốc lại bắt ngư dân, những người nghèo khổ Việt Nam, phải nộp tiền chuộc.

Hiện nay, Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên tới trên 2.100 tỷ đô la. Trong số hơn 3 chục ngư dân, họ còn giữ 12 người làm con tin và họ đòi nộp phạt hơn 200 ngàn nhân dân tệ, tính ra chỉ hơn 2 chục ngàn đô la. Họ định lấy số tiền này để làm giàu thêm cái dự trữ khổng lồ hay là lòng tham của người Trung Quốc vô đáy.

Tôi xin nói thật là qua các việc bắt giữ ngư dân Việt Nam, đòi tiền chuộc v.v.  người Trung Quốc, những ngư dân Trung Quốc – mà chắc chắn là chính quyền Trung Quốc đã biết, bởi vì Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức kháng nghị về việc này rồi – đã làm trái với những cam kết long trọng mà người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng như chính quyền các cấp của họ đã từng hứa mỗi khi sang thăm Việt Nam.

RFI : Ông vừa đề cập đến việc vẫn còn 12 ngư dân và một số tàu của Việt Nam bị Trung Quốc giữ. Theo báo chí trong nước, trong những ngày gần đây, phía Trung Quốc, không rõ cơ quan nào, thường xuyên gọi điện thoại, thông qua phiên dịch, đến nhà của một số ngư dân hiện vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc và giục phải nộp tiền phạt thì mới thả. Xin ông giải thích sự khó hiểu này? Phía Việt Nam đã đề nghị một cách chính thức qua con đường ngoại giao là phía Trung Quốc phải thả các ngư dân đó. Là chuyên gia về Trung Quốc, ông hiểu rõ cơ chế hoạt động của chính quyền Trung Quốc, vậy theo ông, vì sao có hiện tượng này ?

Dương Danh Dy : Tôi nghĩ trong việc này, chúng ta phải kiên trì. Với người Trung Quốc, không kiên trì không được. Sốt ruột, nóng mắt lên cũng không được. Trước đây, ta với Trung Quốc nói rằng phải «có tình có lý». Bây giờ, tôi xin phép đổi lại là «có lý có tình». Cái tình của ta và Trung Quốc xuống thứ yếu rồi. Bây giờ phải có lý. Chúng ta phải đấu lý với họ.

Việc Bộ Ngoại giao nói với Đại sứ quán Trung Quốc ở đây, tức là cấp chính phủ với chính phủ rồi. Tôi không biết đơn vị bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam là thuộc tỉnh nào. Chẳng nhẽ chính quyền tỉnh đó không nghe lệnh của trung ương? Người ta sẽ hỏi ngay là chính quyền Trung Quốc trong việc này có thái độ ra sao? Chẳng nhẽ những điều họ nói về láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai, rồi đồng chí tốt, hợp tác tốt… chỉ là những lời nói suông à? Tôi nghĩ, Ban lãnh đạo Trung Quốc, sớm muộn gì, phải cân nhắc việc này. Không thể vì cái chuyện nhỏ này mà làm ảnh hưởng đến cục diện lớn là tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Năm nay, Việt Nam đang chuẩn bị 60 năm Quốc Khánh Trung Quốc và năm tới chuẩn bị 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao với nhau. Tôi nghĩ, chắc chắn Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc việc này. Tôi xin nhắc lại, với Trung Quốc, chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại và chúng ta phải đấu «lý» với họ. Còn «tình» thì tôi thấy bây giờ nó xa xôi, xa vời lắm rồi.

RFI : Qua vụ «tàu lạ» tấn công ngư dân Việt Nam, phải chăng một trong những giải pháp tốt nhất là nên đưa ra công luận quốc tế vấn đề an toàn của ngư dân Việt Nam trong ngư trường, thuộc lãnh hải Việt Nam?

Dương Danh Dy : Sau vụ ba tàu cá bị bắt, các cấp có trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như bộ đội biên phòng địa phương đã có những biện pháp. Từ đó đến nay, không có tàu nào của Việt Nam bị bắt, chỉ có vụ ngày 15/07, một tàu cá của Việt Nam bị «tàu lạ» đâm chìm. Điều này cho thấy, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ thích đáng, thì những sự việc trên sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Tất nhiên, trong việc này, không thể vì chuyện mấy tàu đánh cá mà để xảy ra, để bùng nổ ra những chuyện chúng ta không muốn. Bởi vì điều này, trước hết là không có lợi gì cho chúng ta, và cho cả khu vực nữa. Nhưng tôi nghĩ, cũng cần phải có một số biện pháp cứng rắn hơn nữa. Tức là cần phải tuyên truyền, nói rộng ra cho dư luận quốc tế biết rằng, người Trung Quốc nói như vậy đấy. Tôi chưa thấy báo chí ta, dư luận Việt Nam nói đến chuyện Trung Quốc đã hứa hẹn với chúng ta «16 chữ», rồi «4 tốt». Chưa thấy báo chí Việt Nam vạch ra điều này.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng cần phải công khai tranh luận, công khai vạch rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời.

RFI : Xin cảm ơn ông Dương Danh Dy

Nguồn: Do tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn