Con đẻ, con nuôi, con lai!

Trần Trọng Thức
http://www.cartoonstock.com/newscartoons/cartoonists/mfa/lowres/mfan13l.jpg“Hàng trăm cháu nội ngoại ra đời từ những đứa con cưng đang lổn ngổn trong cuộc cạnh tranh bất cân xứng đã mang lại cái lợi cho nhiều người có chức quyền và những người thân góp vốn làm ăn chứ không phải cho người dân.

Nói cho công bằng thì không phải đứa con đứa cháu nào của ông bố cũng hư, như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Có đứa hư vì được nuông chiều quá mức, vượt ra ngoài tầm tay quản lý của cha mẹ. Nhưng cũng không ít trường hợp vì quan niệm lợi ích riêng mà cha mẹ hay chú bác cô dì đẩy con cháu vào con đường hư hỏng. Hơn hai ngàn năm trước sử thi Ấn Độ đã viết: "Điều gì kích thích lòng ham muốn thì khó thỏa mãn lòng ham muốn". Cho nên lợi ích càng nhiều thì càng khó kéo con người ra khỏi việc sa đà vào vun quén tư lợi, làm đảo lộn thang giá trị trong xã hội”.

He he, đẻ ra mấy thằng con, rồi con đẻ ra cháu lít nhít, có bao nhiêu tiền trút hết cho chúng nó mần ăn, "kỳ vọng" vào nó, dzậy mà nó mần ăn giả dối, con cái chút chít cũng theo gương thằng cha nó mần ăn giả dối! Đang nhức hết cả đầu kiếm cách giải quyết mà hàng xóm lại còn cứ kêu tên ông ra chửi bới thì coi chừng ông nổi điên lên ông bóp hết mồm tụi bay lại đó nghe.

Phan Hoàng

Biểu hiện của "chủ đạo" hiện nay có nhiều điều đáng lo, khi mà năng suất, hiệu quả kinh tế xã hội và năng lực cạnh tranh rõ ràng quá yếu, không làm tròn nhiệm vụ đầu tàu.

Đúng là chuyện mất bò mới lo làm chuồng, sau khi Vinashin được “tái cơ cấu” vì nợ nần quá lớn, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra tập đoàn này, thời gian thanh tra là 75 ngày, tất nhiên sẽ tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh. Báo chí được yêu cầu “tạm dừng thông tin” về vụ Vinashin, có lẽ để cơ quan chức năng dễ làm việc. Cũng đúng thôi, bởi lẽ thông tin càng nhiều thì càng nhiễu.

Lẽ ra việc thanh tra hoạt động Tập đoàn này đã tiến hành từ năm 2009, nhưng Vinashin đề nghị tạm dừng do cần tập trung chống suy thoái kinh tế và sau đó có yêu cầu của Thủ tướng nên Thanh tra Chính phủ không tiến hành thanh tra Vinashin vào năm ngoái.

Việc tiến hành thanh tra các tập đoàn nhằm đánh giá lại lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt khi có những thông tin phức tạp thì Thanh tra Chính phủ mới vào cuộc. Còn việc giám sát các tập đoàn này là do các cơ quan chức năng thực hiện cũng như việc thanh tra chuyên ngành là do các Bộ chủ quản làm. Trong tinh thần đó thì từ nay đến cuối năm Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào ba đơn vị là Tập đoàn Bảo Việt (sắp kết thúc thanh tra), Vinashin và Tập đoàn Than - Khoáng sản (dự kiến công bố quyết định thanh tra vào cuối tháng 7).

Các động thái này thêm lần nữa cho thấy hoạt động của các "anh cả" có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của chúng ta quả là có lắm chuyện không ổn như cảnh báo của nhiều chuyên gia trong cũng như ngoài nước thời gian qua.

Biểu hiện của "chủ đạo" hiện nay có nhiều điều đáng lo hơn, khi mà năng suất, hiệu quả kinh tế xã hội và năng lực cạnh tranh rõ ràng quá yếu, không làm tròn nhiệm vụ đầu tàu. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Thật ra hơn 15 năm trước đây đã có lúc vấn đề chủ quản và vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đã được mổ xẻ cặn kẽ trong nhiều hội thảo, hội nghị cũng như trên các phương tiện truyền thông với những cách tiếp cận khác nhau nhưng cùng nhằm mục tiêu chung là tìm cho doanh nghiệp nhà nước một mô hình hoạt động phù hợp với thời buổi thị trường.

Còn nhớ, trong một bài viết vào thời kỳ ấy, Luật gia Nguyễn Ngọc Bích đã ví von: "Nhà nước giống như ông bố có ba đứa con. Đứa con đẻ là doanh nghiệp nhà nước, đứa con nuôi là doanh nghiệp tư nhân và đứa con lai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ba đứa con, ông bố kỳ vọng nhiều nhất vào đứa con đẻ và ông cho nó có vai trò chủ đạo với hai đứa kia".

Xem ra ví von này lại rất gần gũi với thực tế hoạt động của ba loại hình doanh nghiệp nói trên khi doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu tiên hơn, không chỉ việc tiếp cận đồng vốn mà còn độc quyền trong nhiều lĩnh vực tư nhân có thể làm được. Đó là chưa kể hiện nay khái niệm chủ đạo dường như đã phần nào biến tướng so với thời kỳ đầu.

Cứ theo bài bản mà nói thì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước là "giữ vững vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật". Cho dù khái niệm chủ đạo còn phải bàn cãi nhiều vì nó "lệch pha" trong sự vận hành của kinh tế thị trường ở đó cạnh tranh là yếu tố hàng đầu, thì một doanh nghiệp nhà nước phấn đấu có được các tiêu chí như trên cũng là đáng mừng rồi. Thế nhưng biểu hiện của "chủ đạo" hiện nay có nhiều điều đáng lo hơn, khi mà năng suất, hiệu quả kinh tế xã hội và năng lực cạnh tranh rõ ràng quá yếu, không làm tròn nhiệm vụ đầu tàu.

Trong vai trò chủ đạo thì các doanh nghiệp nhà nước đã không cung cấp được dịch vụ công cộng với chất lượng cao và giá rẻ cho các thành phần kinh tế ở những lĩnh vực mà nhà nước khuyến khích đầu tư vậy mà hiện nay đang lấn sân, đang giành giật thị phần với các thành phần kinh tế khác. Chẳng hạn trong tình hình giáo dục chưa tìm được lối ra có tính chiến lược, hoạt động của các trường đại học còn bát nháo với chuyện xã hội hóa, thì mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí VN và Tổng công ty Hàng hải VN chỉnh sửa lại đề án thành lập hai trường đại học trực thuộc để Chính phủ xem xét, quyết định. Lại thêm một chuyện làm không đúng ngành nghề.

Hàng trăm cháu nội ngoại ra đời từ những đứa con cưng đang lổn ngổn trong cuộc cạnh tranh bất cân xứng đã mang lại cái lợi cho nhiều người có chức quyền và những người thân góp vốn làm ăn chứ không phải cho người dân.

Nói cho công bằng thì không phải đứa con đứa cháu nào của ông bố cũng hư, như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Có đứa hư vì được nuông chiều quá mức, vượt ra ngoài tầm tay quản lý của cha mẹ. Nhưng cũng không ít trường hợp vì quan niệm lợi ích riêng mà cha mẹ hay chú bác cô dì đẩy con cháu vào con đường hư hỏng. Hơn hai ngàn năm trước sử thi Ấn Độ đã viết: "Điều gì kích thích lòng ham muốn thì khó thỏa mãn lòng ham muốn". Cho nên lợi ích càng nhiều thì càng khó kéo con người ra khỏi việc sa đà vào vun quén tư lợi, làm đảo lộn thang giá trị trong xã hội.

Ông bà ta thường nói dạy con từ thủa còn thơ, không ít trường hợp con hư xuất phát từ sự giáo dục chưa đúng mực của cha mẹ. Vậy nên cha mẹ phải xem lại cách hành xử của mình, sao cho tất cả con cái - không phân biệt con ruột, con nuôi hay con lai - đều ý thức trách nhiệm của mình dưới một mái nhà chung.

TTT

Nguồn: Tuần Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn