GS Phạm Duy Hiển: Thiếu điện là lỗi của nền kinh tế

Lương Bích Ngọc - Hoàng Hạnh (thực hiện)

clip_image005

GS Phạm Duy Hiển

“Có vẻ khó nghe, song đây là một thực tế. Thật đáng buồn, khi có một chiếc thùng thủng đáy, người ta không đi tìm lỗ thủng bịt lại, mà cứ hô hào bơm nước vào thùng mạnh hơn nữa. Gần đây, Bộ Công thương có nói nhiều về lãng phí điện và kêu gọi người dân tiết kiệm. Nhưng gây lãng phí điện nhiều nhất không phải là người dân. Nên phải chuyển lời kêu gọi này đến những người quyết định chính sách thì mới mong có hiệu quả. Nếu tiêu thụ điện được xem như một tiêu chí quan trọng khi xem xét bất kỳ công trình sản xuất kinh doanh nào thì chắc chắn nhiều công trình phải bị từ chối hoặc đóng cửa, và chúng ta đâu phải khổ sở về điện như lâu nay”.

GS Phạm Duy Hiển đưa ra một góc nhìn khác về nguyên nhân thiếu điện trong mấy năm gần đây.

Thiếu điện là do nền kinh tế có vấn đề

Nhiều người vẫn cho rằng, sự độc quyền của EVN là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu điện và việc nhanh chóng thị trường hóa ngành điện là chìa khóa giải quyết vấn nạn trên. Nhưng nói như ông, có lẽ câu chuyện phải được hiểu theo cách khác?

EVN được giao quản lý ngành điện nhưng giỏi lắm cũng chỉ lo được phần cung. Còn phần cầu là chuyện của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ và cả cỗ xe kinh tế. Cầu vượt quá khả năng cung, điện ắt phải thiếu. Cầu quá nhiều nên EVN không kham nổi. Dùng quá nhiều điện mà sản sinh ra ít của cải, kinh tế yếu kém, điện vẫn cứ thiếu.

Trước hết, hãy nói chuyện cung. Cung thiếu, phải cúp điện vì trục trặc kỹ thuật, vì khô hạn gay gắt, hồ cạn nước, mà EVN lại không đủ dự phòng. Các nhà máy mới xây luôn chậm tiến độ. Trong những đợt nắng nóng vừa qua, giá mà mấy nhà máy điện chạy than ở Hải Phòng và Quảng Ninh vào đúng tiến độ từ hồi năm ngoái, dân ta đâu phải khốn khổ. Đấy là lỗi của EVN (có cả TKV), đúng là các tập đoàn nhà nước này còn nhiều khiếm khuyết đáng trách. Nhưng có lẽ nội lực của EVN, và của cả nước, chỉ có thế! Được biết, công suất điện lắp đặt trong giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 66% kế hoạch so với Tổng Sơ đồ VI. Cho nên năm nào cũng cúp điện, đâu chỉ riêng năm nay mà đổ lỗi cho biến đổi khí hậu toàn cầu. 

clip_image003

Nhiệt điện Na Dương chậm tiến độ tới 4 năm. Ảnh DĐDN


Còn chuyện cầu

. EVN đã từng làm mọi người sửng sốt khi xin trả lại Nhà nước 13 dự án điện trong kế hoạch 2010 – 2015. Lý do được một quan chức EVN tiết lộ là trong kế hoạch ấy không cần nhiều điện đến thế, xây thêm nhà máy sẽ lãng phí. Căn cứ vào đâu? Muốn biết lãng phí điện nhiều hay ít, ta phải so mình với các nước khác, nhất là các nước xung quanh. Dùng điện để sản sinh ra của cải, để nâng cao mức sống người dân, song tại sao cùng sử dụng 01 kWh người Việt chỉ làm ra 01 đô la, còn người Philippines và Indonesia trên 2 đô la. Mà họ đâu có thuộc đẳng cấp hiện đại hơn ta! Các nước tiên tiến khác còn làm ra nhiều hơn 3-4 đô la?

Cả hai yếu tố cung - cầu nói trên đều có liên quan đến quy mô và tiềm lực nền kinh tế. Đòi hỏi cung vượt quá khả năng của nội lực chẳng khác nào muốn con ếch trương bụng lên to bằng con bò (ngụ ngôn La Fontaine). Cũng vậy, “cầu” quá nhiều thì sẽ lãng phí, chẳng khác nào bơm nhiều thức ăn vào đứa trẻ đau dạ dày hòng vỗ béo nó.
Đương nhiên, xóa bỏ độc quyền EVN, đưa điện ra thị trường tự do, sẽ tạo ra mặt bằng cung - cầu mới lành mạnh hơn. Nhưng việc này phải kèm theo thay đổi cả hệ thống, có thị trường điện tự do mà các tập đoàn nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bao cấp, ưu đãi dưới những hình thức khác nhau, các cơ quan nhà nước vẫn xài điện bằng “tiền chùa”, thì rất khó chờ đợi những đột phá lớn. Vả lại theo lộ trình của Chính phủ, còn lâu mới có thị trường điện tự do. 
Sau 5 năm nữa mới có các nhà cung cấp điện độc lập, sau 10 năm nữa may ra mới bắt đầu có thay đổi trong khâu phân phối. Mà ở đây lại còn nhiều vấn đề kỹ thuật không thể chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Vì những rắc rối này mà ở bang California (Mỹ) và New Zealand, sau khi để thị trường điện tự điều tiết, giá điện đã tăng vọt. Nghĩa là trong mười năm tới tình hình vẫn không thể sáng sủa hơn nếu không tìm lời giải khác.

Thêm một tiêu chí xây dựng lộ trình phát triển điện

Vậy lời giải nào, quan hệ cung - cầu thế nào thì vừa?
Ta lại phải xét thêm một tiêu chí nữa thường được các nhà quy hoạch dùng làm căn cứ để xây dựng lộ trình phát triển điện. Đó là, để GDP tăng thêm 1% điện phải tăng thêm bao nhiêu %, con số này được gọi là hệ số đàn hồi (HSĐH). Chính hệ số này nói lên hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Nó càng bé, nền kinh tế càng hiệu quả, đất nước càng hiện đại. 
Số liệu thống kê chính thức từ các tổ chức quốc tế cho thấy trong giai đoạn 2001-2006 tăng trưởng điện năng hàng năm của Việt Nam cao nhất vùng, 15%, trong khi Trung Quốc 13%, Thái Lan 7%, Indonesia 7%, Ấn Độ 5% ... Chưa kể Nhật Bản, chỉ có 0,6%, nhưng họ thuộc đẳng cấp hiện đại hơn, so với họ có thể sẽ khập khiễng. Theo Bộ Công thương, HSĐH của Việt Nam lớn hơn 2 đôi chút. Theo cách tính này thì HSĐH của Trung Quốc khoảng 1,2-1,3, còn các nước khác đều xấp xỉ hoặc bé hơn 1, nghĩa là điện tăng ít hơn GDP.

Khát điện như Trung Quốc mà họ cũng thấy rằng HSĐH suýt soát 1 là quá lãng phí. Nhận ra mối nguy, trong kế hoạch 2006-2010 họ kiên quyết giảm tốc độ tăng trưởng điện xuống trong khi vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh. Riêng trong hai năm 2008-2009, lượng điện thương phẩm của Trung Quốc chỉ tăng 6%/năm trong khi GDP tăng gần 10%/năm. Hai con số này ngược hẳn với ta: GDP tăng chưa đầy 6%/năm nhưng điện lại tăng đến 13%/năm.

Cũng nên nhớ rằng Trung Quốc là công xưởng cho toàn cầu. Chỉ riêng sản xuất nhôm, họ phải tiêu thụ một lượng điện nhiều hơn cả nước ta hiện nay! Đó là chưa nói đến thép, xi măng và bao nhiêu nguyên liệu khác, họ đều đứng đầu thế giới, và lượng điện bơm vào từng ngành này còn nhiều hơn gấp bội.

EVN bơm điện vào nền kinh tế chẳng khác nào đổ nước vào một thùng thủng đáy, đổ mãi vẫn không đầy. Không sớm nhận ra mối nguy này, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền của để xây nhà máy điện trong bối cảnh thế giới đang đảo điên vì khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Cần nhất là thay đổi tư duy lãnh đạo

Theo ông, làm thế nào để giảm HSĐH: chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thiên về dịch vụ sẽ đòi hỏi thời gian rất lâu, thay đổi toàn bộ những máy móc công nghệ lạc hậu liệu có khả thi? 

Điều quan trọng nhất hiện nay là tư duy lãnh đạo phải thay đổi. Tăng điện năng hàng năm đến 15% để cho HSĐH lớn hơn 2 có thể là chuyện bất khả kháng trong thời gian qua khi chúng ta mới bắt đầu phát triển kinh tế sau nhiều năm chiến tranh. Đây là biểu hiện rõ nhất của tình trạng lạc hậu. Nhưng giờ đây khi đã vượt qua khỏi ngưỡng nghèo (thu nhập bình quân trên 1000 đô la/năm), ta phải có bước ngoặt quyết định để chuyển sang quỹ đạo chung của thế giới ở thế kỷ XXI, sớm từ giã lạc hậu và tiến lên hiện đại hóa.

Lạc hậu không đáng sợ bằng lạc lõng, vì mãi hát bài ca “đường ta ta cứ đi” như lâu nay, ta sẽ lao nhanh xuống hố! Trong thời đại này xin đừng tuyên bố rằng nếu tăng điện 15%/năm không đủ, ta phải lập quy hoạch tăng trên 20%/năm. Thật là lạc lõng! Và thế là cơ quan chức năng phải lập lại dự báo, tăng vọt mức tiêu thụ điện năm 2020 lên gấp đôi so với Tổng Sơ Đồ VI, từ đó luận chứng cho việc đưa vào vận hành một lèo 13 lò phản ứng hạt nhân sau năm 2020, mỗi lò hơn 1000 MW.

LBN - HH

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn