Điều trần – Sự cần thiết để chọn được người tài đưa đất nước ta phát triển

Nguyễn Hữu quý

image Trong các Quốc gia có chế độ dân chủ đa đảng, QH hoạt động theo chế độ Nghị viện, ta thường nghe nói đến khái niệm “điều trần”; tức là mỗi khi có một sự kiện, một vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, thì Quốc hội (QH) hoặc UB của QH phụ trách đến lĩnh vực đó yêu cầu người đứng đầu phụ trách (thuộc Chính phủ, hoặc QH...) phải điều trần trước QH; thậm chí, một Nghị sỹ QH cũng có quyền kiến nghị lên QH với các yêu cầu tương tự, buộc QH phải quan tâm và cuối cùng QH lại yêu cầu những người có liên quan đều phải điều trần.

Ngoài ra, khi một chính sách của Chính phủ (CP) ban hành có ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động, đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước... và bị nhân dân phản đối bằng các cuộc đình công, biểu tình... thì QH lại yêu cầu CP hoặc người phụ trách liên quan... phải điều trần. Ngay cả, khi một hiện tượng xã hội mới phát sinh có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, thì một Nghị sỹ QH cũng có thể kiến nghị QH cho phép được điều trần, nhằm làm sáng tỏ nguy cơ (hoặc tính tích cực) của hiện tượng, sự kiện; và người đó có thể kiến nghị một dự luật cần thiết phải được ban hành để ngăn chặn (hoặc khuyến khích), giúp cho đất nước được ổn định, phát triển bền vững (nhiều khi dự luật mang tên người kiến nghị, đây là một vinh dự của Nghị sỹ, khuyến khích Nghị sỹ tìm tòi, sáng tạo, đưa ra những dự luật cần thiết, kịp thời... đáp ứng tình hình phát triển của đất nước).

Chúng ta biết rằng, Nhà nước quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật, và được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật...; và với một phương thức hoạt động như vậy, QH ở các nước có chế độ Nghị viện như hiện nay nhìn chung là rất hoàn hảo, và hệ thống pháp luật ở các nước này cũng vậy; bởi đây là quá trình chọn lọc của lịch sử, được hình thành từ mấy trăm năm nay, ra đời cùng với sự ra đời của CNTB. Đến lúc này, chúng ta không thể nói là CNTB đang... “giãy chết”!?, bởi vì đó là sự thật, và chỉ có tôn trọng sự thật mới có cơ may để dân tộc ta, đất nước ta tìm lối đi phù hợp, từ đó mới có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Điều quan trọng nhất là, một khi phải “điều trần” trước QH, thì trình độ của quan chức không thể là “gà, vịt” như hiện nay; đã có một thời, chúng ta bố trí người vào một vị trí, rồi sau đó mới đào tạo bằng các hình thức “tại chức” qua loa, tiếp đến là “cao cấp lý luận”, và từ đó, nghiễm nhiên thành “cán bộ” và cứ “thăng quan tiến chức đều đều”. Có thể nói, không ở nơi nào trên thế giới, để được ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng lại dễ như ở VN; chức vụ càng cao, làm việc càng thấy nhàn hạ, hời hợt; việc báo cáo quản lý đất rừng vừa rồi của ông Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong kỳ họp QH là ví dụ; hoặc các Bộ trưởng và những người tham mưu cho CP trình dự án ĐSCT với chỉ có 33 trang rất hời hợt là minh chứng rõ nhất về các “ông nghị” và quan chức CP ở nước ta hiện nay...

Theo dõi các kỳ họp QH ở nước ta, một khi có vị nào đó “giải trình” hay “báo cáo”... trước QH (từ ngữ ở VN dùng thay cho điều trần), chúng ta không khỏi buồn lòng về trình độ quan chức hàng đầu khi nghe trả lời về quản lý ngành của các vị ấy. Cho nên, tất cả các lĩnh vực ĐS-KT-VH-XH.... ở nước ta hiện nay đều có vấn đề, mà bản chất là đang thiếu người tài thực sự!

Một vấn đề nữa là: Chúng ta hay nói đến “văn hốa từ chức”, nhưng chúng ta lại quên điều cơ bản nhất của vấn đề, đó là: không đề cập đến cái “nền” cho “văn hóa từ chức” tồn tại. Rõ ràng là, một khi có “văn hóa điều trần” thì ắt sẽ sinh ra “văn hóa từ chức” v.v.

Điều trần trước QH cũng giống như thầy giáo gọi một học sinh lên đứng trước cả lớp để kiểm tra bài cũ vậy, nếu không thuộc bài thì phải nhận điểm xấu và xấu hổ trước mọi người, và từ đó phải “cố gắng”; nếu xét thấy mình “quá dốt” luôn luôn không làm được bài, bị HĐ Chính phủ...) thì ắt sẽ tự mình xin từ chức để không bị “hành hạ” trước bàn dân thiên hạ vậy!

Như vậy, do không có “văn hoá điều trần”, cho nên ở nước ta hiện nay chưa có cơ sở để đánh giá năng lực thực sự của ĐBQH cũng như quan chức CP; các “ông nghị” và “quan” này còn giấu được sự dốt nát, mặc dù nói về bằng cấp, kể cả các loại học hàm, học vị cao như GS, TS có thể họ rất đầy đủ.

Và cũng do không có “văn hóa điều trần”, cho nên hiện tượng “mua quan bán chức”; “bằng thật, bằng giả, học giả, bằng thật...” đang trở thành “Quốc nạn”, đang đẩy XH nước ta đi theo chiều hướng xấu, khi mà sự vô cảm, thiếu trách nhiệm... là rất phổ biến trong hàng ngũ cán bộ cao cấp ở nước ta hiện nay v.v.

Có thể nói “nếu không có văn hóa điều trần, thì không có văn hóa từ chức và ngược lại”.

Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến bài viết của GSTS Chu Hảo đăng trên trên facebook của Nguyễn Xuân Diện và đăng lại trên trannhuong.com ngày 16/6/2010, có nhan đề “THỬ TÌM HIỂU TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM”. GS đề cập nhiều vấn đề, đặc biệt, trong đó GS đưa ra khái niệm tương đối hoàn chỉnh khi phân biệt một người được gọi là “có học” với một người gọi là “trí thức”. GS viết:

“... Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: 1) Tiếp thu và truyền bá tri thức KH&CN hoặc VH&NT ; 2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức KH&CN hoặc VH&NT; 3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội. Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.

Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người lao động trí óc (thậm chí rất giỏi) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa”.

Như vậy, để trở thành một ĐBQH hay một quan chức Chính phủ, bên cạnh yêu cầu đầu tiên là “tư duy lãnh đạo”, thì người đó phải là một trí thức! (ở mức yêu cầu cao hơn một người “có học”), và tất nhiên kèm theo phải là “có đức” như Bác Hồ đã dạy và hầu hết mọi người VN đã hiểu (về đạo đức) như lâu nay.

Theo dõi hoạt động của QH nước ta, với hơn 70% ĐBQH là “kiêm nhiệm”; và trên 90% ĐBQH là đảng viên, lại phải chấp hành các “nghị quyết” của Đảng (mà thực chất là sự chỉ đạo của một số rất ít người đối với đại đa số), lịch sử dân tộc đã không thiếu những bài học sai lầm xuất phát từ cách làm việc này, để chúng ta, đến hôm nay vẫn còn phải suy ngẫm!

Trên đây là một vài ý kiến của một người không làm công tác nghiên cứu lý luận, cần được sự “lên tiếng” của những trí thức thực thụ, hy vọng để làm sáng tỏ thêm vấn đề, mà có lẽ đất nước ta hiện nay đang rất cần./.

30.6.2010

NHQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn