Nghĩ bóng đá luận về vai trò người trí thức như một tầng lớp chứ không phải những cá nhân riêng lẻ

http://blog.lib.umn.edu/ulric085/architecture/TeamworkTeaser.gif



Hà Đình Sơn

“Mỗi cá nhân chỉ lo tìm lối thoát  riêng, chứ không muốn hoặc không thể tìm lối thoát chung”. Đây vừa là chủ quan cá nhân, vừa là khách quan của xã hội chúng ta đang sống. Đội tuyển Việt Nam muốn chiến thắng thì mỗi cầu thủ phải giỏi kỹ thuật cá nhân và toàn đội phải có đấu pháp chuẩn.

Các đội bóng Nam Mỹ thiên về kỹ thuật cá nhân, lối đá trình diễn. Còn đội bóng châu Âu thì thiên về lối đá tổng lực, thực dụng. Đội bóng Việt Nam  yếu về kỹ thuật cá nhân và lúng túng về đấu pháp; chúng ta cần khắc phục và hoàn thiện cả hai. Khi ra sân ai cũng nhăm nhăm nghĩ đến được ghi bàn. Nhưng luật chơi không chiều theo ý chí chủ quan của mỗi người. Chúng ta đã bị mê hoặc bao nhiêu năm bởi chiến thắng, nhưng thật phũ phàng khi hòa nhập cuộc chơi nhân loại, đội bóng Việt Nam bị loại từ vòng của khu vực.

Lại còn di hại nặng nề bởi tư tưởng phong kiến châu Á, phong cách tiểu nông và không dễ nhận ra:

  1. Môn chơi này đấu pháp luôn là quyết định. Đấu pháp đặt ra yêu cầu cho cá nhân cầu thủ. Ngược lại cá nhân không bao giờ đặt ra yêu cầu cho đấu pháp.
  2.  Trong bóng đá cũng có thần tượng. Thần tượng Maradona đã dùng tay đưa bóng vào lưới đối phương, nhưng chỉ một lần, không thể có may mắn lần hai. Trong cuộc sống, học tập thần tượng, dùng thần tượng làm khiên che cho tư duy và hành động của mình, một câu, một chữ, nhất cử nhất, nhất động là trích dẫn, là kinh viện… Đây chỉ là sở đoản, có tác dụng trước mắt, vì thần tượng cũng chỉ là lịch sử không thể thay cho hiện tại. Chứng tỏ vẫn là cách ứng xử của thần dân chứ chưa thoát thai thành công dân. Là công dân thì cứ luật pháp mà làm, muốn thay đổi hãy thay đổi luật pháp trước.
  3. Nếu chỉ đơn thương dẫn bóng hướng thẳng cầu môn không cần đồng đội, thì sẽ bị đối phương cản phá, “vây, bắt” dễ dàng. Hoặc để mắc bẫy việt vị, phạm luật chơi bị thẻ đỏ, phải rời cuộc, thì thiệt cho cả đội. Bóng đá là môn thể thao vua, môn thể thao của tập thể.
  4. Không có dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, không có vụ cho nước ngoài thuê rừng và vụ ĐSCT… thì liệu có phản biện, có tập hợp được tiếng nói đông đảo của dư luận như ta đang có không? Nay mai Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm không đưa ra các dự án lớn nữa mà chia thành nhiều dự án nhỏ, thử hỏi các trí thức có tập hợp, có phản biện và thu hút được sự quan tâm của xã hội nữa không.
  5.  Các dự án đó giống như những “mụn nhọt” lớn phá ra từ một cơ địa, khi “mụn nhọt” lớn không còn nhưng “mụn nhọt” nhỏ thì mọc toàn thân, vậy cơ địa đã thay đổi chăng? Không. Nhưng cái cớ không còn, lúc đấy các nhà trí thức Việt Nam chỉ biết bôi thuốc đỏ lên đó thôi sao. Trong bóng đá muốn chiến thắng phải biết giữ bóng, tổ chức tấn công chứ không thể chỉ chạy theo cản bóng, phá bóng. Thế tại sao chúng ta không nghĩ đến đấu pháp tổ chức tấn công để giành chiến thắng?
  6. Tất nhiên, nói tấn công để giành chiến thắng ở đây là nói theo nghĩa tích cực. Dự liệu trước mọi cái xấu mà một cơ chế đã được chứng thực là không hoàn thiện có thể phát sinh từng nơi từng lúc, để kịp thời ngăn chặn nó trong luật pháp và theo đúng luật pháp, đừng để nước đến chân mới nhảy như những việc dồn dập xảy ra trong 2 năm lại đây, làm cho đất nước thua thiệt, phải trả nhiều cái giá quá đắt, đó là trách nhiệm cảnh báo, dự báo của các nhà trí thức đối với NHÀ NƯỚC. Mong mỏi của người viết bài này trước mắt chỉ giới hạn trong chừng ấy.

Hà Nội, 01/7/2010

HĐS


HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn