Nhà nước phải kiện Vedan!

GS TS Nguyễn Vân Nam

clip_image001Với tư cách là chủ sở hữu, việc nhà nước kiện Vedan chính là đang thực hiện quyền hiến định của mình. Còn với tư cách là người đại diện cho dân, đây chính là nghĩa vụ, là trách nhiệm của nhà nước.

LTS: Ở nước ta, việc chính quyền nhân danh lợi ích công cộng để kiện doanh nghiệp yêu cầu bồi thường thiệt hại hiện vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, trong vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, vấn đề này đã được Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất. Pháp luật TP HCM trân trọng giới thiệu bài phân tích của GS TS Nguyễn Vân Nam về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, có thể chưa phổ biến trong hoàn cảnh, điều kiện của nước ta.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản làm nên tính chính danh của nhà nước (NN) là bảo vệ, bảo đảm quyền lợi chung của xã hội trước những quyền lợi riêng của những tổ chức, cá nhân khác. Trên cơ sở và trong khuôn khổ Hiến pháp (Điều 3 Hiến pháp 1992), NN có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ lợi ích chung của xã hội ở bất cứ nơi nào nó bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm. Một trong những biện pháp bảo vệ ấy có việc khởi kiện chủ thể có hành vi xâm hại để yêu cầu chủ thể này chấm dứt ngay hành vi xâm hại, bồi thường thiệt hại hoặc/và khắc phục hậu quả.

Nghĩa vụ của người đại diện

Theo Điều 17 Hiến pháp, đất đai, sông hồ, nguồn nước,… đều thuộc sở hữu toàn dân, NN là người đại diện duy nhất của chủ sở hữu đó. Theo đó, chủ sở hữu của sông Thị Vải là người dân, do NN đại diện.

Việc Vedan xả thải chưa qua xử lý ra môi trường là điều không thể chối cãi. Chính hành vi trái pháp luật này của Vedan đã gây ra hậu quả thiệt hại về môi trường. Không chỉ người dân đôi bờ Thị Vải mà NN – với tư cách là chủ sở hữu – cũng bị thiệt hại nặng nề. Cách đưa tin của báo chí trong thời gian qua cứ xoáy vào việc thiệt hại của người dân làm cho người ta quên đi hai nội dung quan trọng khác, đó là việc Vedan cần phải tái tạo môi trường và bồi thường cho chủ sở hữu là NN. Cho nên, ngoài việc người dân kiện đòi bồi thường, NN cũng phải đứng nguyên đơn để kiện Vedan, buộc chủ thể vi phạm này phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả (bằng cách bỏ ra chi phí để tái tạo môi trường sông Thị Vải như khi Vedan chưa vi phạm).

clip_image002Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền được làm ăn, sinh sống trong môi trường trong sạch cho cộng đồng, xã hội. Trong ảnh: Người dân mưu sinh trên dòng Thị Vải. Ảnh: THANH LƯU

Ở nhiều quốc gia, khi được người dân yêu cầu, NN có trách nhiệm nhân danh quyền lợi của nhân dân để thực hiện quyền khởi kiện này (gọi là khởi kiện thụ động). Khi không được yêu cầu, NN cũng phải chủ động khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chung (khởi kiện chủ động). Nếu NN không kiện, người dân có quyền kiện ra tòa hành chính, yêu cầu NN phải thực hiện nghĩa vụ này. Người dân ở đây không nhất thiết phải là người bị thiệt hại trực tiếp mà là bất kỳ người nào thấy hành vi (làm hay không làm) của NN là vi hiến. Ví dụ tôi là một công dân Việt Nam, tôi thấy NN không khởi kiện Vedan là vi hiến, tôi có quyền khởi kiện NN. Nhưng đó là chuyện ở nước ngoài, chứ ở nước ta hiện chưa có quy định này.

Không khó để thắng

Trong vụ Vedan, cơ quan thừa ủy quyền của NN đứng ra khởi kiện sẽ là một trong các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học-Công nghệ, Văn hóa-Thể thao và Du lịch của các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi vi phạm của Vedan. Nếu cấp Sở không khởi kiện, trách nhiệm khởi kiện sẽ chuyển sang cấp Bộ tương ứng hoặc UBND một trong ba tỉnh, thành là Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc TP HCM. Tất cả các cơ quan nói trên đều có quyền khởi kiện nhân danh thừa ủy quyền của Chính phủ. Và cuối cùng, Chính phủ phải nhận lấy trách nhiệm này nếu các cơ quan nói trên không kiện.

Về cách xác định giá trị thiệt hại, thường ngay từ đầu nguyên đơn và bị đơn sẽ thống nhất chọn một cơ quan, đơn vị (có thể là trong nước hoặc nước ngoài) để giám định thiệt hại và cả chi phí khắc phục. Làm như vậy thì khi có kết quả hai bên sẽ mặc nhiên công nhận. Mà nếu không công nhận đi nữa thì Tòa án có quyền xem xét, công nhận kết quả này. Tòa án cũng có quyền chỉ định một cơ quan giám định độc lập (tốt nhất là ở nước ngoài). Kết quả giám định này sẽ là cơ sở chắc chắn để tòa ra phán quyết mà không cần phụ thuộc vào sự công nhận hay không công nhận của hai bên. Tòa án còn có thể yêu cầu cơ quan được chỉ định giám định luôn mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Vedan với hậu quả thiệt hại của chủ sở hữu.

Với những chứng cứ về sự vi phạm của Vedan và cách thức tiến hành như đã nói, đảm bảo nếu kiện chúng ta chỉ có thắng. Đó là chưa nói hiện ta đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi về mặt dư luận, cả trong nước và quốc tế. Những vụ kiện các doanh nghiệp gây thiệt hại cho môi trường cũng đã trở thành thông lệ quốc tế để bảo vệ môi trường chung.

Rõ ràng, dù chưa hoàn hảo, hệ thống pháp luật của ta hiện vẫn có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để NN thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ mang tính chính danh của mình: Bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của toàn dân. Đây cũng là cơ hội tốt để NN có thêm lòng tin đối với người dân.

GS TS N. V. N.

Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

(Điều 3 Hiến pháp 1992)

Cạnh tranh không lành mạnh

Nếu ở nước ngoài, ngoài việc phải bồi thường như đã phân tích, Vedan có thể còn phải nộp phạt theo luật cạnh tranh. Bởi doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật để chiếm lợi thế kinh doanh. Tức thay vì phải bỏ ra chi phí xử lý nước thải, Vedan lại xả thẳng ra môi trường, vì thế giá thành sản phẩm bán ra có thể thấp hơn các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác. Hành vi chiếm lợi thế cạnh tranh qua việc vi phạm pháp luật luôn được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bị luật cạnh tranh các nước nghiêm cấm và xử phạt rất cao, có thể khiến doanh nghiệp vi phạm sạt nghiệp.

GS TS NGUYỄN VÂN NAM

 

Nguồn: PhapluatTPHCM

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn