Nhìn lại Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam

Đào Xuân Quý

image Nhà thơ dịch giả, nhà lý luận phê bình Đào Xuân Quý (28.II.1924 – 6.V.2007), tác giả hồi ký Nhớ lại in xong và bị ngưng phát hành năm 2002 nhưng đã kịp gây một tiếng vang trong dư luận, là người Bình Định. Thời kháng chiến chống Pháp ông sống ở Khu IV rồi trở về khu V, đến chống Mỹ tập kết ra Bắc, và từ 1994 đưa gia đình về Nha Trang. Vào khoảng tháng Ba năm 2007 ông trở ra Hà Nội thăm bạn bè cũ, có đến gặp tôi - ông là bạn vong niên của thân sinh tôi, Nguyễn Đổng Chi, từ hồi còn ở Phủ Quỳ, Nghệ An vào khoảng 1948, và sau này lại trở thành bạn vong niên của tôi - trao cho tôi một bài viết, tường thuật tỷ mỉ về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII mà ông tham dự. Ông gửi gắm tôi bài viết ấy mong một dịp thuận tiện đưa giúp lên báo. Chẳng may sau khi trở lại nơi cư ngụ được hơn một tháng ông đột ngột qua đời. Để tưởng niệm một năm ngày mất của ông, tôi đã gửi bài viết này tới nhà văn Phạm Thị Hoài nhờ chị công bố trên mạng talawas.

Nay sắp đến ngày khai mạc Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII (4-8-2010), đọc lại bài viết thấy có nhiều điểm vẫn còn nguyên tính thời sự, vì thế xin phép bạn đọc được công bố lại trên trang BVN để may ra có thể góp chút hành trang cho các nhà văn nhằm ôn lại một ít kỷ niệm nóng hổi năm năm về trước, trước khi bước vào ngày hội mới của ngành mình, hứa hẹn một không khí náo nhiệt với nhiều vấn đề nhẹ nhàng hay gay cấn, từng làm cho bao nhiêu người nhiều phen trăn trở, biết đâu đấy, sẽ lại đặt ra một cách sôi nổi.

Nguyễn Huệ Chi

Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam bế mạc vào chiều 25 tháng 4 năm 2005. Trong bữa tiệc không mấy đậm đà có người nói: Đại hội này đã có “không khí dân chủ”. Trong giờ phút bề bộn, không phải lúc để suy nghĩ, bàn bạc, thì nghe vậy, cũng chỉ biết vậy thôi, không có ý gì thêm nữa.

Đến nay nhớ lại và nghĩ thêm, thì cái “không khí dân chủ” đó thực không đơn giản chút nào. Có nhiều ý và nhiều nghĩa. Trước hết là khung cảnh Đại hội: Ai muốn đến thì đến, không thì thôi - kể cả những người ở quanh Hà Nội - có người chỉ đến chơi một lúc, gặp anh em thăm hỏi đôi câu rồi thôi. Ngược lại cũng có người, tuy không phải đại biểu, nhưng lại muốn đến.

Đặc biệt đáng chú ý là những giờ phút diễn ra cuộc bầu cử Ban chấp hành mới của Hội, vấn đề trọng tâm của Đại hội. Theo lời người chủ trì Đại hội cho biết: Ở cái Hội Nhà văn này xưa nay, câu chuyện “nhân sự” vẫn luôn gặp phải những sự cố không bình thường. Có thể nói, nó đã trở thành một thứ “truyền thống” của Hội ta. Lần này cũng vậy! Người chủ trì đưa ra những tiêu chí có phần khiêm tốn, nhẹ nhàng, phải chăng hơn nhưng cũng không kém phần chặt chẽ:

1. Ban chấp hành mới cần có đủ 5 người để làm việc (những lần trước phải 25 người).

2. Cần phải có các vùng, các khu vực chính trên đất nước (chắc để thể hiện tính toàn quốc của Ban chấp hành).

3. Cần có đủ các thể loại (người chủ trì đặc biệt nhiều lần nhắc các đại biểu chú ý đến các thành phần lý luận, phê bình, dịch thuật là những thành phần luôn thiếu vắng trong các Ban chấp hành trước).

Kể ra những “tiêu chí”, những yêu cầu cũng vừa phải, không có gì khó khăn, đòi hỏi lắm.

Và việc đề cử bắt đầu. Kết quả thật bất ngờ: 321 người được đề cử (trong số 560 đại biểu) trong đó có cả những người đang thoi thóp trên giường bệnh, có người ra khỏi Hội đã lâu rồi. Cứ tiện tay thì ghi vào phiếu, không cần biết đó là ai cả. Phiền nhất là những người vắng mặt. Đoàn thư ký phải nhiều lần dùng điện thoại để hỏi ý kiến. Cẩn thận như thế, vì không phải ai vắng mặt cũng đều muốn rút tên ra khỏi danh sách. Và để cho công việc có thể tiến hành thật chu đáo, Đoàn chủ tịch đã đề cử một Ban kiểm phiếu 44 người do nhà văn Lê Thành Chơn làm Trưởng ban.

Sau những việc không bình thường này (danh sách người được đề cử, danh sách Ban kiểm phiếu), lại có thêm một việc không bình thường nữa: hơn 200 người rút tên ra khỏi danh sách đề cử.

Và đây là kết quả bầu cử: Bốn người trúng cử, cả bốn người đều ở Hà Nội, và đều là người sáng tác.

Hãy còn quá xa tiêu chí được đề ra. Phải xin bầu thêm một vòng thứ hai nữa. Kết quả: chỉ hai người, lại ở thành phố Hồ Chí Minh cả, mà cũng chỉ là những người sáng tác. Tình thế rõ ràng là có nhiều khó khăn. Nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch đoàn Chủ tịch Đại hội viện ra nhiều lẽ, có thể xem là chính đáng, để xin thêm một vòng ba nữa, hoặc nếu không được thì xin phép thay đổi, bổ sung chút ít nếu gặp nhiều khó khăn quá trong khi làm việc. Phải nhận rằng làm việc với một Ban chấp hành đã ít, lại số chẵn (6 người), chỉ “ở hai đầu đất nước”, không có miền Trung, không có Tây Nguyên (và các dân tộc ở phia Bắc), cũng không có thể loại nào khác, thì mệt thật đấy.

Nhưng Đại hội đã quyết định chỉ dừng lại ở đó thôi, không thay đổi không thêm bớt gì nữa.

Cái không khí dân chủ” của Đại hội có lẽ rõ nhất là ở những phút này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh lại được bầu làm Chủ tịch Hội. Cũng không có ai khác. Chưa nói gì đến chuyện đức hay chuyện tài. Chỉ một điều này thôi: ngoài Hữu Thỉnh ra, trong Ban chấp hành không ai có thể ngồi làm việc ở bất cứ một bộ phận nào của Hội nhà văn. Họ đều có công việc riêng của họ.

Có một hiện tượng tưởng cũng nên cân nhắc tới cho đủ... Sau khi kết quả bầu cử được công bố xong, người ta thấy Phạm Tiến Duật nhiều lần đi từ đầu này tới đầu kia hội trường - theo chiều ngang - không nhìn ai, không nói gì, nét mặt hằm hằm, có vẻ bất bình lắm. Có người nghĩ anh chàng này chắc có nhiều tham vọng, muốn vào Ban chấp hành, thậm chí muốn làm Chủ tịch Hội nhưng không trúng nên mới như vậy. Cái xe không kính này, đi rừng thì được, chứ về đây, đi giữa Hà Nội đã khó rồi còn muốn vượt người khác nữa, lại càng thêm khó.

Nhưng sau Đại hội, về nhà xem trên mạng, tôi lại thấy có toàn văn bản tham luận của Phạm Tiến Duật, nói nhiều đến hành vi phạm pháp của người chủ trì Hội trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, vừa làm Tổng thư ký lại vừa làm Tổng biên tập nhiều tờ báo của Hội, một kiểu, như người ta thường nói: “Vừa đá bóng vừa thổi còi”, nhưng đã được cấp trên làm ngơ không đụng chạm gì tới.

Trong Đại hội, Đoàn thư ký đã thông báo: “nhà thơ Phạm Tiến Duật xin rút bản tham luận của mình”. Một chuyện rất bình thường, bỗng dưng gợi lên nhiều câu hỏi phiền phức. Đã xin rút bản tham luận, sao lại còn đưa lên mạng? Tự nguyện rút, hay phải rút vì một sức ép nào? Và phải chăng đây mới chính là điều làm cho tác giả tham luận phải hằn học, bất bình? Trong Đại hội - theo chỗ tôi được biết - trường hợp như vậy, không phải chỉ riêng của Phạm Tiến Duật. Và trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, hành vi phạm pháp này của phụ trách Hội cũng đã nhiều lần được nhắc đến, vạch ra. nhưng cấp trên vẫn cứ buông tai bịt mắt làm ngơ cho kẻ công bộc của mình.

Chỉ riêng khung cảnh của cái việc nhân sự này thôi - việc trung tâm của Đại hội, theo lời người chủ trì cũng thấy lộ ra tất cả tình trạng rối ren, bề bộn của Đại hội, nói rộng ra một chút, của Hội nhà văn. Người ta tới đây không phải để làm việc, để họp hành, bàn bạc gì cả, mà chính là để gặp nhau, thăm hỏi, trò chuyện. Tình thế ngày nay, muốn gặp nhau không phải dễ: tiền đi lại, tiền ăn ở. Và đây là dịp may hiếm có. Vì vậy, câu chuyện ngoài hành lang vẫn cứ luôn rôm rả, rộn rịp hơn trong hội trường.

Đây phải chăng cũng là một dạng của cái “không khí dân chủ” như có người đã nói?

Tất cả những sự việc trên đây, nghĩ cho cùng, cũng có nguyên nhân của nó. Mấy chục năm vừa qua, việc kết nạp hội viên thật quá dễ dãi, tùy tiện, theo “khẩu vị”, theo “động cơ” của người phụ trách, hơn là theo những tiêu chuẩn cần phải có. Rất nhiều người, chưa có biểu hiện gì đáng để gọi là một nhà văn vẫn được kết nạp. Mặt khác, cũng không ít người đáng lẽ phải đưa ra khỏi Hội thì hãy còn ngồi yên ở đó. Người ta muốn lấy số lượng hội viên làm thành tích của Hội mà không quan tâm gì đến tài năng tác phẩm.

Việc kết nạp hội viên đã thế, việc đặc cách đại biểu trong các đại hội thu nhỏ ở địa phương lại càng thêm khó chịu! Đặc cách hàng loạt. Ban chấp hành cũ - mà chủ yếu là ông Tổng thư ký (nay gọi là Chủ tịch) đã lạm dụng quyền hành của mình quá đáng. Đặc cách với lý do không ai chấp nhận được. Chỉ riêng mình biện hộ cho mình. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy rõ: hầu hết những người được đặc cách, nếu đưa ra để bầu thì khó có thể trúng được. không có công trình gì? Không có vị trí gì trong văn học; thậm chí có người mới là hội viên nửa giờ trước khi bầu cử cũng đựợc đặc cách!

Tùy tiện, lạm quyền thì đã rõ. Nhưng ngoài ra, còn có gì nữa không? Có phải đây cũng là một cách mua chuộc cảm tình và nhờ đó sẽ mua thêm được phiếu trong Đại hội sắp đến chăng?

Trong giờ phút thử thách này, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để bám lấy cái ghế đang có nguy cơ bị đe dọa! Đến nỗi có người ngán ngẩm bảo: cái Hội Nhà văn này giải thể đi thì vừa!

*

* *

Trong tình trạng bề bộn của Đại hội như trên tôi đã nói, may thay hãy còn một chỗ để anh chị em đại biểu quan tâm: đó là nỗi bức xúc về tác phẩm đỉnh cao trong văn học Việt Nam mấy chục năm vừa qua. Nguyên nhân là ở đâu? Ở nhà văn thiếu tài năng? Ở hiện thực xã hội ngày nay không đủ chất liệu? hay ở một cơ chế thiếu dân chủ?

Những nỗi bức xúc này đã được bộc lộ khá thiết tha, chân thực trong hai bản tham luận của Trần Mạnh Hảo và của Hoàng Quốc Hải đọc trong buổi họp trù bị ngày 23 tháng 4 năm 2005 của Đại hội.

Bản tham luận của Hoàng Quốc Hải hơi dài. Đây tôi chỉ trích dẫn những chỗ tôi cho là đáng chú ý nhất. Anh Hải nhìn lại những năm về trước:

Mười năm (1932-1942) của Tự lực văn đoàn đã làm nảy sinh những trường phái lãng mạn, hiện thực phê phán, suy đồi. Các trường phái này cọ xát nhau làm nảy sinh khá nhiều đỉnh cao cho văn học. Thế nhưng sự đánh giá của cả đương đại và hậu thế khá dè dặt, thậm chí không thừa nhận.

Lại mười năm nữa (1986-1995) thường được gọi là văn học thời đổi mới. Giai đoạn này, các nhà văn Việt Nam, bằng văn chương của mình khuấy động toàn xã hội, đem lại cho mọi người một không khí sinh hoạt dân chủ. Công chúng độc giả trong cả nước như bị lên đồng, và họ “ngốn” tác phẩm của nhà văn như người khát trên sa mạc. Báo Văn nghệ in 100.000 rồi 200.000 tờ cho mỗi số, vẫn không đủ bán. Tiểu thuyết tirage thấp nhất là 10.000 bản. Thứ văn chương ấy ai viết? Phần lớn những tác giả của những tác phẩm đó vẫn còn tồn tại và một phần không ít có mặt ở Đại hội này.

Thời đó, cái thời vàng son đó, tuyệt nhiên không có một công chúng bạn đọc nào đòi hỏi chúng ta phải có tác phẩm đỉnh cao. Liệu có phải tất cả những gì chúng ta viết thời đó đều đã ở đỉnh cao, hay bởi giai đoạn đó văn học đã đề cập một cách thỏa đáng khát vọng của công chúng?Có lẽ vậy. Vấn đề là khát vọng của số đông được thỏa mãn...”

Còn những thập kỷ gần đây thì sao? Đó mới là những vấn đề cần phải bàn tới.

Và mười năm lại đây (1996-2005) số lượng tác phẩm của các nhà văn phát hành không phải là ít nhưng không khuấy động được công chúng. Không khí văn học bình lặng như mặt nước ao tù...”

Đúng như vậy. Không cần phải đi đâu xa, chỉ nhìn các quầy văn học ở các hiệu sách cũng đủ rõ. Tuyệt đại đa số là sách dịch, phải đến 95%-96%. Từ sách cổ nhất như “Tứ thư” (Nxb. Quân đội nhân dân) đến sách mới nhất H. Potter (Nxb. Trẻ) - chưa nói gì đến chất lượng dịch, chắc không thể tránh khỏi tình trạng “hàng cho kịp chợ” cho đến cả mục Mỗi ngày một cuốn sách - phần văn học cũng ngày chuyển mạnh sang văn học nước ngoài. Còn văn học trong nước thì đúng như Hoàng Quốc Hải “bình lặng như mặt nước ao tù”, vô cùng vắng vẻ. Một số nhà văn người đọc còn chờ đợi nhiều như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, đôi người còn trẻ hơn nữa đã cho in tuyển tập. Phải chăng trong cảnh vắng lặng này, các vị cũng muốn lui về vườn yên nghỉ?

Anh Hoàng Quốc Hải nói tiếp, cụ thể hơn, kỹ hơn: “Có nhiều tác phẩm rất đáng đọc - nó tốt hơn cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nhưng công chúng bạn đọc vẫn cứ thờ ơ và đòi nền văn học đương đại phải có tác phẩm đỉnh cao. Đòi hỏi đó là nỗi bức xúc của công chúng trước hiện thực xã hội trong mười năm gần đây dư thừa chất liệu cho các nhà văn làm nên những tác phẩm đỉnh cao. Đây là cơ hội, dù nó là cơ hội đem lại nhiều bất hạnh cho số đông, nhưng nếu bỏ qua, sẽ là một tiếc nuối, một ân hận. Bức tranh xã hội đủ màu sắc: vui có, buồn có, bi thương có, âm mưu thủ đoạn có, tham nhũng hối lộ có, lừa đảo có, đểu cáng có, bất hiếu bất mục, bất nhân bất nghĩa, không thiếu loại nào. Đặc biệt loại cơ hội xuất hiện nhan nhản. Đó chính là những kẻ lợi dụng quyền hành để tước đoạt trắng trợn tài sản quốc gia, hối hả tích lũy vốn liếng để mau chân chạy sang hàng ngũ tư bản. Và giờ đây chúng đang âm mưu rửa tiền để hợp thức hóa và công khai hóa khối tài sản khổng lồ mà chúng chiếm đoạt bằng thủ đoạn bất lương.

Từ bức tranh xã hội này, công chúng đòi hỏi nhà văn bằng ngòi bút và lương tâm của mình phải vạch mặt bọn chúng, “không cho chúng nó thoát” - phải tái xuất hiện những gương mặt kiểu “Nghị Quế”, “Nghị Hách”, “Xuân tóc đỏ”, “Bá Kiến”, “Chí Phèo”... thời hiện đại. (ĐXQ nhấn mạnh)!

Bức tranh xã hội phong phú là như vậy mà không được phản ánh trong tác phẩm, vì vậy công chúng mới chối bỏ. Và đó là điều tệ hại nhất đối với nhà văn. Đó còn là dấu hiệu báo trước một nền văn học đang vững chắc bước vào giai đoạn suy thoái. Có người đặt vấn đề, hay là Nhà nước không đầu tư thích đáng cho văn học sáng tác?

Không phải như vậy. Tiền bạc là cần thiết, nhưng không phải là nhân tố cấp bách đối với nhà văn. Ta chẳng từng thấy Ngô Tất Tố phải bán non tác phẩm cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh lấy tiền sống đó sao?Lại chằng thấy Nam Cao, Vũ Trọng Phụng sống trong khốn khó, mà các ông để lại cho đời những tác phẩm đỉnh cao đó sao?

Và đây mới thật là nỗi lòng của tác giả bản tham luận:

“Tình hình hiện nay, phải thừa nhận điểm yếu chung của văn chương Việt Nam là đơn điệu quá. Trên nửa thế kỷ qua tất cả chỉ nói theo một giọng điệu, viết theo một thi pháp. Bản thân nghệ thuật là khám phá, là luôn luôn đổi mới. Vậy mà 60 năm qua chỉ đi có một con đường để cùng đến một mục đích, làm gì chẳng cũ kỹ, sáo mòn. Lẽ ra phải tạo điều kiện để có nhiều con đường khác nhau, cùng đến một mục đích: đó là dân tộc, là Tổ quốc, là chủ nghĩa yêu nước.

Vậy cái gì đã cản trở nhà văn? Phải chăng quyền tự do sáng tác, quyền tự do công bố tác phẩm của nhà văn bị hạn chế? Nó còn là sự tự kỷ ám thị lâu năm trở thành nỗi sợ hãi, tới nỗi không dám viết về những điều mình nghĩ. Bởi chế tài những sai sót của nhà văn không được minh bạch, không có luật, mà phụ thuộc vào định hướng chung. Và rồi ai cũng có quyền phá hỏng cả một tác phẩm nghiêm túc của nhà văn, thậm chí phá hỏng cả sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn bằng nhận thức thấp kém của chính một người quyền uy nào đấy. Tình trạng đó đến nay vẫn chưa chấm dứt. Thỉnh thoảng vẫn còn thấy những tác phẩm bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi nhưng không công bố công khai khiến tác giả và công chúng không biết vì sao nữa. Để chấm dứt tình trạng mơ hồ đó, phải xây dựng một xã hội đối thoại dân chủ. Vì vậy, mọi thứ phải được minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi đề nghị Nhà nước hãy trả lại cho văn chương, báo chí quyền tự do sáng tác của nhà văn, nhà báo mà Nhà nước đã trưng dụng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua. Đó không chỉ là quyền tự do sáng tác của nhà văn, nhà báo, mà còn là quyền được thông tin khách quan của công chúng (ĐXQ nhấn mạnh).

Tròn 60 năm, từ ngày văn chương, báo chí đi theo cách mạng, tỷ lệ mắc sai lầm về tư tưởng, về chính trị, kinh tế trong đội ngũ văn chương, báo chí là thấp nhất so với bất cứ một ngành nghề nào. Thế mà độ tin cậy của Nhà nước đối với văn chương , báo chí lúc nào cũng ở mức thấp nhất.

Chúng ta đang sống trong một xã hội, công dân đòi hỏi mọi sự phải được giải quyết minh bạch. Vị vậy, những tác phẩm bị kiểm duyệt toàn bộ, hay kiểm duyệt một phần, cần được công bố công khai. Và nói rõ tác giả đã vi phạm điều nào, điểm nào theo luật định. Nếu tác giả không chấp nhận, họ có quyền khiếu nại ra tòa dân sự.

Một khi mọi sự đều minh bạch, mà nhà văn không đem lại được điều gì mới mẻ vào văn chương thì đúng là họ bất tài. Mọi trách cứ, mọi lên án của bạn đọc đều trở nên có lý. Tác phẩm văn học đỉnh cao không phải là thứ cầu được ước thấy. Nó đòi hỏi nhà văn phải có tài năng lớn, trí tuệ siêu việt, nhân cách cao thượng. Hơn nữa, tầm tư tưởng phải vượt thoát ra khỏi mọi sự trói buộc và cám dỗ của đời thường...

Phần trích dẫn bản tham luận của Hoàng Quốc Hải tới đây cũng đã tạm đủ và cũng khá chặt chẽ. Tưởng không cần phải bình luận gì hơn nữa. Có một điều đáng chú ý: trong bản tham luận của mình, Hoàng Quốc Hải nhiều lần nhắc đến hai chữ công khai minh bạch. Đó là nỗi bức xúc, là đòi hỏi của hầu hết người viết và người đọc, lại cũng là điều luôn thiếu vắng trong xã hội chúng ta.

Tôi nói đến bản tham luận của Hoàng Quốc Hải trước, vì tôi có sẵn văn bản trong tay. Người lên bục đầu tiên lại là Trần Mạnh Hảo. Nói chung các đại biểu không ai lạ gì cách ăn nói của Trần Mạnh Hảo. Anh mở đầu: (vì không có văn bản, những phần trích dẫn của Trần Mạnh Hảo tôi chỉ làm được theo trí nhớ). “Anh Hữu Thỉnh bảo tôi nên có tham luận. Tôi nói lại: tính tôi đã nói thì nói thật, có cho tôi nói thật thì tôi nói, và anh Hữu Thỉnh đã bảo tôi: thì anh cứ nói thật đi! Và bây giờ thì tôi xin nói...”. Bản tham luận lấy tên là Mối quan hệ giữa Tự Đức và Nguyễn Du hoặc có lúc là Ngọn roi của Tự Đức với thi ca. Anh kể lại câu chuyện vua Tự Đức đòi nọc Nguyễn Du (tưởng Nguyễn Du còn sống) ra đánh 20 trượng khi đọc hết câu thơ “khi quân” Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nhưng chính Tự Đức lại là người rất khâm phục Truyện Kiều. Ngài đã không vì một câu thơ “khi quân” mà ra lệnh đốt hết sách Nguyễn Tiên Điền hay bỏ Đoạn trường tân thanh vào cối giã để lấy giấy tái chế như hôm nay. Ngài đã hy sinh cái “cái sĩ diện thiên tử” bị xúc phạm đi, như nuốt một nỗi nhục lớn để dâng hiến cho ngàn sau một kiệt tác vĩ đại là Truyện Kiều mà ngài từng rung đùi thưởng ngoạn cùng trăng thanh, gió mát nơi “Khiêm lăng tuyệt mỹ”. Và anh than thở: “Ôi, giá mà thời nay có được vài ông vua như vua Tự Đức thì mấy cuốn sách hiền như bụt: Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh... dù lục lọi mỏi tay, tìm tòi mỏi mắt cũng chẳng thấy một câu văn “khi quân” nào. Còn bây giờ thì lính gác cổng e nhiều quá. Họ khám xét tác phẩm còn kỹ hơn cả hải quan khám xét hành lý nên đã gây ra cho nhà văn cái tâm lý “vừa viết vừa run”. Từ đó, anh thống thiết kêu lên: “Nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào my, vì my quá nhiêu khê, quá rách việc, quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định việc sống còn của ngòi bút...”

Các triều đại vua quan thì như thế, đến các “triều đại” thực dân thì “với cơ chế luật pháp lằng nhằng, cấm thì bảo cấm, thu hồi thì bảo thu hồi, kiểm duyệt thì bảo kiểm duyệt y như thời Tây đi một nhẽ thì nhà văn mừng vô cùng... Mà thằng Tây gian ác cũng lạ... Nó cóc có Ban tư tưởng, cóc có A25, cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người thò tay, thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập, tự do bây giờ. Trong thời Tây, nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra không biết bao nhiêu là kiệt tác truyền tới hôm nay...”

Cả hai bản tham luận, tuy cách thể hiện hoàn toàn khác nhau, đã gặp nhau nhiều lần trong nỗi bức xúc về tự do sáng tác, về tác phẩm dỉnh cao trong văn học Việt Nam mấy chục năm gần đây; và đã càng gặp nhau ở một điều này: nhà văn Việt Nam hiện nay bị gò bó, bị ràng buộc nhiều quá. Ai cũng có quyền phán quyết đối với một tác phẩm, một nhà văn mà không có một cơ sở khoa học, một sơ sở pháp lý nào cả, biến nhà văn thành một loại người “thấp cổ bé miệng trong khi lẽ ra, họ phải là thượng đế trong chân trời sáng tác của họ”

Hai bản tham luận cũng nhiều lần gặp nhau trong đòi hỏi mọi sự việc đối với nhà văn cần phải minh bạch, công khai trước dư luận. Đó là điều - như trên kia tôi đã nói - đòi hỏi cấp thiết của mọi người, cũng là điều đang rất thiếu trong cơ chế hiện nay.

Xưa nay, quyền uy chưa bao giờ là thứ lâu dài bền vững. Thanh thế đến như Tào Tháo mà cũng phải lo sợ, cho làm đến mấy chục ngôi mộ giả hòng đánh lạc hướng người sau không thể tìm ra ngôi mộ thật của mình để xâm phạm. Đó là một sự thật ai cũng biết. Nhưng khốn nỗi, không ai có đủ can đảm để rút ra bài học cho mình,mà cứ điên cuồng bám lấy cái ghế đang có, coi như là hiện thân của một chân lý vĩnh cửu.

Hai tham luận này đọc trong ngày đầu tiên, ngày trù bị của Đại hội, đã được toàn thể đại biểu chú ý lắng nghe và đồng tình ủng hộ. Đó mới đúng là cái trục của Đại hội. Không có những vấn đề này thì Đại hội không có gì đáng để bàn nữa.

Nha Trang, 7-8-2005

Ghi thêm: Chúng tôi mới được tin nhà văn Nguyễn Trí Huân được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (Văn nghệ số 3/2005). Như vậy bản Tham luận của Phạm Tiến Duật - tuy đã “xin rút”, nhưng vẫn có hiệu lực! Nhưng đến bao giờ mới thực thi? Còn phải đợi!

ĐXQ

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn