“Nợ của Vinashin gấp bốn lần gói kích cầu”

Minh Huệ – Nguyên Thảo (thực hiện)

clip_image002

Kiểm toán nhà nước cũng như thanh tra Chính phủ, đã vài lần đặt Vinashin là đối tượng để thanh tra, kiểm toán. Nhưng vì lý do này, lý do khác mà đã không được thực hiện. Ảnh: T.L

SGTT - “Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, tổng tài sản của Vinashin là hơn 90 ngàn tỷ đồng và số nợ hiện là 80 ngàn tỷ đồng. Đây là con số quá lớn so với tổng tài sản Tập đoàn này có. Cần phải có các cơ quan chuyên môn thanh tra kiểm toán đi vào xem xét cụ thể các bảng cân đối kế toán, xem xét cụ thể các sổ kế toán cũng như thông tin chính thức của Vinashin mới thỏa đáng”, TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam kiến nghị.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng nợ của Vinashin?

Vấn đề cần quan tâm là trong 80 ngàn tỷ đồng ấy, đâu là số nợ thực sự Vinashin hoàn toàn có thể trả được, đâu là số nợ chưa đến hạn mà Tập đoàn này căn cứ vào các hoạt động sau này có thể tìm kiếm các khả năng trả nợ và đâu là những khoản nợ thực sự không trả được, gọi là nợ xấu.

Thứ nữa là chúng ta cần quan tâm các khoản vay của Vinashin theo tính chất nợ. Cần phải tách biệt rõ đâu là nợ ngắn hạn, nợ trung hạn, nợ dài hạn, các khoản nợ vay có khế ước, có cam kết đàng hoàng, khoản nợ do chiếm dụng vốn của người khác… Những chủ nợ hiện nay của Vinashin đang cảm thấy gần như là bị chiếm đoạt và không đòi được chứ không phải là một sự vay nợ có cam kết.

Một vấn đề nữa cần phải làm rõ, trong các khoản nợ ấy, đâu là khoản nợ Vinashin đứng ra vay, đâu là khoản nợ do các hoạt động kinh tế của Tập đoàn này tạo ra (như nợ bạn hàng, nợ người cung cấp vật tư, nợ lương công nhân viên…). Hiện có nhiều công ty thuộc Tập đoàn Vinashin đang nợ lương cán bộ công nhân viên hàng chục nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, cần phải xem trong tổng số nợ ấy, khoản nào Vinashin được vay dưới hình thức do Chính phủ đứng ra bảo lãnh hoặc do Chính phủ đứng ra trả nợ.

Số nợ của Vinashin là 80 ngàn tỉ đồng tương đương khoảng 4 tỷ USD, một con số không nhỏ so với nợ quốc gia khoảng hơn 60 tỷ USD. Ông bình luận gì về con số nợ này?

Xét về mặt dấu hiệu mà nói, người ta có thể đi đến kết luận doanh nghiệp này có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản.

Đứng về tổng thể thì có thể thấy mô hình tập đoàn của chúng ta hiện nay có những điều cần phải bàn cả về cơ chế, luật pháp, cả về trách nhiệm của chủ sở hữu là Nhà nước đối với doanh nghiệp như thế nào.

Nếu như một tập đoàn mà tổng tài sản chỉ có 90 ngàn tỷ đồng trong khi công nợ tới 80 ngàn tỷ đồng thì đây là một số nợ khổng lồ. Nếu ta tính nhẩm thì nó gấp bốn lần tổng số vốn Nhà nước tung ra cho gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% cho cả nền kinh tế trong đợt suy thoái vừa qua, nó gấp khoảng từ hai tới ba lần tổng số vốn Nhà nước đầu tư cho cả chương trình xóa đói giảm nghèo, một chương trình mục tiêu của Việt Nam.

Vậy số nợ này sẽ là gánh nặng của ai?

Rõ ràng đây là tập đoàn kinh tế nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước. Trách nhiệm trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Người điều hành mang trách nhiệm cá nhân. Nhưng khi Nhà nước trao quyền vào tay một tập thể, một cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm, đại diện chủ sở hữu Nhà nước để quản lý điều hành thì có chuyện. Chỉ sơ bộ như thế này đã thấy hoạt động của Vinashin vi phạm rất nhiều các quy luật nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng.

Việc Vinashin đầu tư dàn trải, không hiệu quả cũng như việc vay vốn của Tập đoàn này hàm chứa nhiều rủi ro đã được cảnh báo từ rất lâu. Nhưng tại sao chỉ đến lúc Tập đoàn này rơi vào tình trạng bi kịch như hiện nay thì những số liệu về tình hình tài chính của nó mới được hé lộ, mặc dù, như ông nói, là vẫn chưa rõ ràng?

Tình trạng hoạt động không hiệu quả của Vinashin đã diễn ra trong một vài năm. Trong chương trình kiểm toán Nhà nước cũng như thanh tra Chính phủ, đã vài lần đặt Vinashin là đối tượng để thanh tra, kiểm toán. Nhưng vì lý do này, lý do khác mà đã không được thực hiện. Tình hình của Vinashin ngày càng xấu đi và đến bây giờ buộc chúng ta phải có biện pháp là quá chậm. Chậm đến mức tình hình đã trở nên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có sự phân tích một cách nghiêm túc và thích đáng. Sẽ tốt hơn nếu trước khi tái cơ cấu Vinashin có sự đánh giá lại về mặt chuyên môn một cách thật đầy đủ về tình hình tài chính, kinh doanh của Tập đoàn này trong những năm vừa qua.

Phải xem toàn bộ tài sản của Vinashin hiện nay là bao nhiêu, nằm ở đâu? Giá trị thực là thế nào? Các tài sản đó hiện nay có bao nhiêu? Tài sản có thể đưa vào huy động và tiếp tục khai thác hay không? Những dự án nào dở dang, những dự án nào vì vướng mắc quy chế, thủ tục, vướng mắc về vốn nhưng có thể triển khai tốt thì Nhà nước cần tạo cơ chế.

Phải nhìn thẳng vào sự thật, xem bao nhiêu dự án đầu tư hoàn toàn sai mục đích? Bao nhiêu dự án đầu tư hoàn toàn không hiệu quả? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh ra ngoài lĩnh vực chính như: kinh doanh ôtô, khu nghỉ mát?...

Một điểm khác nữa là các vấn đề liên quan đến mua bán tài sản. Việc mua bán tài sản, quyết định đầu tư chiến lược, cá nhân hoặc đại diện một nhóm lợi ích nào đó quyết định thì phải xử lý theo các quy định của luật pháp. Nếu có yếu tố cấu thành tội phạm, vụ lợi, vượt qua quy định pháp luật thì phải xử lý cho thích đáng.

Sự chậm trễ xử lý này cho thấy điều gì khi mà Vinashin là một tập đoàn lớn được hưởng rất nhiều ưu đãi của Chính phủ?

“Cách đây ít năm, Chính phủ đã đứng ra vay ở thị trường New Yorrk cho Vinashin 750 triệu USD với lãi suất 7,15%/năm. Lúc đó có rất nhiều ý kiến về tính hiệu quả của hoạt động đi vay và cho vay này. Tại thời điểm đó, lãi suất USD ở nước ta dao động ở mức 4 – 5% nhưng chúng ta chấp nhận vay ở thị trường New York với lãi suất phải trả là 7,15%, chưa kể các khoản chi phí khác liên quan đến quá trình xúc tiến thủ tục, lobby để có được khoản nợ này. Vấn đề đặt ra là số tiền ấy được sử dụng thế nào, khả năng trả nợ ra sao. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay năm đầu tiên Vinashin công bố mức lãi của họ khoảng 8 – 9%/ năm. Điều đó có nghĩa là số lãi do Vinashin làm ra không những không đủ để bù đắp lỗ mua vốn chứ chưa nói gì đến tái sản xuất mở rộng hay là tích luỹ”.

TS Đặng Văn Thanh

Đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi vì nó liên quan đến các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ phân cấp quản lý. Cơ chế quản lý phân cấp của chúng ta chưa thực sự rõ ràng, thiếu những điều kiện cần thiết tối thiểu, cộng với sự non kém trong quản lý, cộng với tính vụ lợi và lợi ích kinh tế cục bộ dẫn đến chậm trễ trong xử lý. Hơn nữa, khi phát hiện hoặc biết được dấu hiệu của những hoạt động không hiệu quả, nhiều khi người ta cứ dấn theo để gỡ hoặc để chứng minh việc làm của mình là đúng và để tìm lối thoát. Nhưng làm vậy chỉ khiến tình hình phức tạp thêm và xấu đi.

Đây là một dịp để chúng ta xem lại cơ chế phân cấp trong quản lý. Phân cấp là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho sáng tạo nhưng phân cấp bao giờ cũng phải đi liền với giải trình trách nhiệm của người được phân cấp. Trách nhiệm ấy là trách nhiệm đối với cấp trên, đối với chủ sở hữu vốn mà ở đây là toàn dân. Điều này ở Việt Nam rất yếu. Nói cho cùng, đồng tiền của Vinashin không phải của ai khác, đó là đồng tiền của người dân nộp thuế. Người ta hy vọng rằng thông qua đó đầu tư hiệu quả, từ một làm ra hai, ra ba.

Trong vài năm vừa qua, Vinashin đã không thành thật trong việc báo cáo tình hình tài chính của tập đoàn cho Chính phủ. Ông có lo ngại những số liệu nợ của Vinashin mà hiện nay chúng ta đang có vẫn chưa sát thực tế, vì kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ chưa vào cuộc?

Có thể khẳng định, trong vài năm gần đây và cho đến thời điểm này, tình hình hoạt động, tài chính của Vinashin chưa bao giờ minh bạch. Theo tôi, việc khôi phục lại các thông tin số liệu không khó lắm. Chúng ta hoàn toàn có thể xem xét khôi phục lại các thông tin số liệu, kiểm tra đánh giá lại các chứng từ, để xác định những thông tin tương đối thật của Vinashin, đặc biệt là về tình hình tài chính của Tập đoàn này, lúc đó sẽ có kết luận đầy đủ hơn.

Việc tái cơ cấu Vinashin là cần thiết nhưng nên chăng các đơn vị tiếp nhận các dự án của Vinashin cần đánh giá một cách thật nghiêm túc thực trạng tài sản mình tiếp nhận vì thực ra giá trị sổ sách kế toán cũng chỉ là một cơ sở để chúng ta tham khảo chứ chưa chắc đã phản ánh đúng giá trị thực ở thời điểm bàn giao này.

Ông có lo ngại việc tái cấu trúc Vinashin, chuyển một phần sang Vinalines, một phần sang PetroVietnam sẽ khiến cho chúng ta không thể đánh giá rõ những sai phạm, những thất thoát lãng phí, những điều bất ổn của Tập đoàn này?

Tất nhiên sự chuyển giao đó có mức độ hợp lý nào đó. Sự chuyển giao đó không chỉ là chuyển giao tài sản đơn thuần mà còn chuyển giao cả quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm. Quá trình chuyển giao sẽ giúp tổ chức lại Vinashin.

Tuy nhiên, khi đã chuyển giao thì phải làm việc rõ ràng và phải có câu trả lời thỏa đáng rằng những năm qua Vinashin hoạt động hiệu quả ở chỗ nào? Chỗ nào không hiệu quả? Thực trạng tài sản của Nhà nước còn bao nhiêu? Còn thì nằm ở đâu? Ai phải chịu trách nhiệm về những mất mát? Điều đó sẽ giúp người dân yên lòng hơn, tin tưởng hơn vào những quyết sách của Nhà nước.

MH – NT

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn