Thấy gì từ việc kỷ luật hàng loạt quan chức?

Mạnh Quân

clip_image002 "Con tàu đắm" Vinashin đang ôm nhiều khoản nợ rất lớn, nợ quá hạn mất khả năng thanh toán lên tới hàng ngàn tỉ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm… (Ảnh minh họa). Ảnh: TTXVN

"Trả lời phóng viên Sài Gòn tiếp thị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải cho rằng, những sai phạm tại Vinashin đã được phát hiện sớm nhưng việc xử lý chậm khiến cho tình hình kinh doanh của tập đoàn này càng ngày càng xấu đi".

Cứ mỗi lần chuẩn bị ĐH Đảng là một số vụ việc nổi cộm được phanh phui. Những vụ việc này không phải đến lúc đó mới biết. Như vụ Vinashin: "đã được phát hiện sớm", vụ Nguyễn trường Tô cũng đã biết từ 2006, nhưng  đợi đến lúc cơ cấu tranh giành các ghế đi vào gay gắt thì mới được khui ra. Như vậy khoan hãy vui mừng vì ngỡ rằng Nhà nước đang dần quyết liệt đấu tranh với tham quan và lại nhũng, việc để dành, chỉ khui mở các vụ này ngay trước thềm đại hội cho  thấy rõ hơn sự đấu đá quyết liệt để tranh giành ghế trong nội bộ đảng.

Tuy nhiên, về khách quan mà nói thì dù đó là những vụ việc bỏ kho dự trữ, chỉ đem ra “dùng” lúc cần đến, và chắc chắn mới là một chút “của nếm” chứ chưa phải toàn bộ “kho báu”, chừng ấy thôi cũng đã “hợp lưu” với nhiều vụ việc khách quan dồn dập lâu nay (như dự án bauxite, dự án ĐSCT, chuyện 18 tỉnh bán rừng...) gây nên sóng dữ, làm cho uy tín của người cầm chịch hình như đang chao đảo, và xuống gần đến số âm trong lòng dân chúng.

Phan Hoàng

Không giống như lần thông báo về việc kiểm tra, kỷ luật cán bộ hồi tháng 4, không nêu rõ tên tuổi cán bộ được kiểm tra (ví dụ thông báo một Tổng Cục trưởng của Bộ Tài chính có nhiều nhà, đất, chuyển nhượng với diện tích lớn nhưng không có nhu cầu ở), ngày 5.7 vừa rồi, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kỳ họp lần 32 đã nêu rõ cụ thể kết quả kiểm tra, xử lý sai phạm với nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy lãnh đạo của một số tỉnh, thành phố; một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Nêu rõ tên tuổi

Trong thông báo lần này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu rõ trường hợp ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang từ năm 2005 đã có nhiều vi phạm: thiếu gương mẫu, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật ông này bằng hình thức “cách hết các chức vụ trong Đảng” và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm chức vụ đại biểu HĐND, cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Một nhân vật khác được nêu tên và nêu rõ mức độ sai phạm là ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Những nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với ông Bình được công bố lần này cụ thể hơn rất nhiều so với những thông tin mới chỉ được Văn phòng Chính phủ trả lời cho báo chí tại cuộc họp báo tuần trước tại Hà Nội. Và những thông tin này thực sự gây sốc đối với bất cứ ai quan tâm đến câu chuyện "con tàu đắm" Vinashin: Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính doanh nghiệp, thành lập quá nhiều công ty con (gần 200), không đủ năng lực sản xuất kinh doanh, đầu tư dàn trải, mua sắm nhiều tàu biển cũ gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, nhiều khoản nợ rất lớn, nợ quá hạn mất khả năng thanh toán lên tới hàng ngàn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm…

Mặc dù chưa đưa ra hình thức kỷ luật về mặt Đảng do còn phải qua quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật nhưng những ngôn từ được dùng trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, mức độ sai phạm của ông Chủ tịch tập đoàn Vinashin là thực sự nghiêm trọng (“thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế chính trị, xã hội”) và tất nhiên việc xử lý sẽ phải tương xứng với mức độ sai phạm đó.

Nhiều cán bộ khác, mặc dù không được thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên nhưng có thể xác định được là ai, cũng đã bị áp dụng các hình thức kỷ luật khác nhau.

Ví dụ như Tỉnh ủyy viên, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, do sai phạm trong việc sử dụng, quản lý tài chính, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ… nên bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, bị đề nghị cấp có thẩm quyền cảnh cáo về mặt chính quyền.

Ba cán bộ của Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Trà Vinh, mặc dù chưa bị xử lý kỷ luật nhưng cũng buộc phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm do liên quan đến việc cấp đất, kê khai tài sản.

Cả Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng được yêu cầu kiểm điểm do buông lỏng quản lý, không kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác, buôn lậu, làm thất thoát than với khối lượng lớn trong thời kỳ 2004-2008.

Những điều chưa thật rõ

Đây là một trong những lần hiếm hoi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo cụ thể tên tuổi, chức vụ, mức độ vi phạm và hình thức xử lý với những cán bộ, đảng viên có sai phạm khá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng có một số nội dung trong thông báo có lẽ còn chưa thật rõ, gây băn khoăn nhất định trong dư luận.

Chẳng hạn, đối với ông Nguyễn Trường Tô, thông báo không nói rõ, từ năm 2005 đến nay, ông này đã có vi phạm như “sống buông thả, quan hệ không lành mạnh” như thế nào? Theo nhiều nguồn tin, ông này có những vi phạm rất cụ thể như quan hệ với gái mại dâm và đang là nghi can trong một vụ án khác: mua dâm trẻ vị thành niên. Chỉ một sai phạm như vậy thôi đã là vi phạm pháp luật và không xứng đáng với tư cách đảng viên, huống chi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND của một tỉnh.

Còn với trường hợp ông Phạm Thanh Bình, một sai phạm lớn cần được nêu rõ hơn là có biểu hiện vụ lợi cá nhân. Thông báo có nêu ông Bình đã bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong tập đoàn Vinashin.

"Trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành chức năng trong khâu giám sát, quản lý đối với các tập đoàn nói chung và Vinashin nói riêng là lớn và phải chấn chỉnh trong thời gian tới".

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải

Theo nguồn tin của Sài Gòn tiếp thị, con trai ông Bình là ông Phạm Bình Minh sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về nước tháng 2.2003 đã được giao làm Trợ lý trưởng bộ phận Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin; đến tháng 8.2004 được điều về Ban kinh doanh đối ngoại của Tập đoàn. Tháng 12.2004 làm Trưởng phòng dự án công nghệ, Viện Khoa học công nghệ tàu thủy. Tháng 12.2007 được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện này và sau đó còn kiêm nhiều chức vụ quan trọng khác.

Em ruột ông Bình là Phạm Thanh Phong, em vợ ông Bình là bà Phạm Thu Hằng… cũng liên tục được bổ nhiệm và kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở những công ty lớn, phòng ban quan trọng trong Tập đoàn Vinashin.

Đối với một tập đoàn lớn của nhà nước mà quản lý theo lề lối “gia đình trị” như vậy, không vụ lợi cá nhân mới là lạ.

Một số đại biểu Quốc hội ngày hôm qua, sau khi đọc thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tỏ thái độ rất bức xúc trước sai phạm của những cán bộ được nêu.

Trả lời phóng viên Sài Gòn tiếp thị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải cho rằng, những sai phạm tại Vinashin đã được phát hiện sớm nhưng việc xử lý chậm khiến cho tình hình kinh doanh của tập đoàn này càng ngày càng xấu đi.

Theo ông Hải, ở đây, trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành chức năng trong khâu giám sát, quản lý đối với các tập đoàn nói chung và Vinashin nói riêng là lớn và phải chấn chỉnh trong thời gian tới. Ông cũng cho rằng, qua vụ việc Vinashin, Quốc hội cần sớm xây dựng luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và luật Đầu tư công.

MQ

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn