Thư giãn Chủ nhật: Vũ khí thay đổi nếp sống xã hội & lịch sử tại Nhật

http://www.dcvonline.net/php/images/012008/Mutsuhito.jpg


Nhà văn Vũ Huy Quang

“Thu kiếm” là chiến dịch tước khí giới nông dân, đã do Tướng Toyotomi Hideyoshi ra lệnh từ năm 1587 - không phải từ Soái phủ của Soái tướng Tokugawa Ieyasu – cốt để củng cố quyền lực, ngừa nông dân bạo động. Tokugawa Ieyasu thành Soái tướng (Shogun – độc tài quân sự toàn quốc) cũng duy trì lệnh này, từ năm 1603. Shogun Ieyasu, lại còn có lệnh kiểm soát súng. Chế độ Soái tướng Hành chánh (Tokunaga Bakufu) chỉ bắt đầu từ 1615, cũng luôn áp dụng chặt chẽ lệnh kiểm soát súng.

Súng xuất hiện ở Nhật, do những người  Portugal đi lạc đem vào, năm 1543. Mươi năm sau, người Nhật trên cả nước đua nhau chế súng, hàng loạt. Đến cuối thế kỷ XVI, họ đã dùng súng trong chiến tranh lẫn với nhau, nhiều hơn bất cứ nước nào ở Âu châu cùng thời (Noel Perrin, Giving up the Gun, 1979). Năm 1575, sự kiểm soát súng nổi lên thành vấn đề, vì vấn đề danh dự xã hội, rằng vì súng, một gã nông dân có thể giết được dễ dàng một samurai thượng hạng.

Năm 1607, cũng để củng cố quyền lực, Ieyasu ra lệnh cho những ai làm súng phải tập trung về địa phương Nagasaki hay Sakai, đồng thời đặt chức “Trưởng quan Súng” để ghi danh những ai đặt làm, hoặc mua súng… hầu kiểm soát số lượng sản xuất súng. Rất lạ, nhưng không đáng gì làm ngạc nhiên, là lập tức nhu cầu đặt làm súng trong xã hội ngưng trệ hẳn. Các nhà làm súng ế việc. Đa số xoay ra hành nghề đúc kiếm để kiếm ăn. Súng được dùng trong chiến tranh lần chót năm 1637, rồi ngưng và quên đi. Cho tới khi Đề đốc Perry cập bến hải cảng Nhật, năm 1853, súng lại được chế tạo.

Chính sách của Soái phủ Tokunaga giành độc quyền sử dụng vũ khí riêng cho nhà nước, không khác gì Âu châu, cũng là chính sách độc quyền của nhà cầm quyền phong kiến đối với dân bên ấy. Nhưng phương cách và điều kiện khác nhau. Bên Nhật, súng được kiểm soát từ trong chỗ sản xuất, trong khi bên Anh, kiểm soát áp dụng khi súng đến tay người sử dụng (Nghị hội Anh thông qua Luật chỉ cho giới thượng lưu được cấp giấy phép mua súng, 1523). Ở Pháp, Vương quyền ra tuyên cáo, xác nhận chỉ Triều đình mới được (độc quyền) chế thuốc súng. Tuy vậy, sự kiểm soát rất khó, vì có hàng trăm chỗ sản xuất rải rác khắp nước. Tất nhiên, năm 1543, chiến tranh làm mọi lệnh lạc... xếp xó.

Tại Nhật, với chính sách bài ngoại, cô lập… công việc kiểm soát súng đã giúp cho chế độ phong kiến thế tập (cha-truyền-con-nối) bền vững: Không một lực lượng nào từ trong hay ngoài lay chuyển được Soái phủ, suốt từ 1603 đến 1853. Không có nhu cầu chế súng trong nước, nếu không có đe dọa nội chiến, hay nhu cầu xâm chiếm Cao Ly - hay Trung Hoa… về sau này.

Ảnh hưởng của chính sách “Kiểm soát vũ khí” (Kiếm và Súng, nhất là súng) còn lưu lại cho đến nay. Tức là, công dân Nhật không được dùng – dù chỉ để tập bắn súng chả hạn – cũng như được sở hữu súng, trên đất Nhật (Điều hấp dẫn rất thông dụng cho quảng cáo du lịch California đối với du khách Nhật, là sẽ được hướng dẫn tham quan chỗ tập bắn súng). Năm 1981, tổng số súng đăng ký tại Nhật là 881,204 – có nghĩa kể cả súng cổ để sưu tập, súng săn, súng nạp viên (shotgun), súng dùng đinh, bắn hơi cho việc xây cất. Với người Nhật, nói đến súng là người dân nghĩ đến côn đồ Yakuza, hay đến “Lực lượng Tự vệ”, hay Lực lượng an ninh Phi trường Narita.

Vậy ai có vũ khí? Dân quê thì không rồi, chỉ có Samurai. Nhưng chế độ Soái phủ bị phong trào Chosu và Satsuma của những nông dân từng bị trưng binh (đã được huấn luyện quân sự), nổi dậy lật đổ. Những người ấy được huấn luyện theo lối Tây phương, đã dùng súng trường (mới) của thời Nội chiến Hoa Kỳ, trong khi lực lượng Soái Phủ dùng súng (cũ) để dành trong kho từ 1600… Cất súng vào kho quá lâu, vì nỗi ám ảnh của giới thượng lưu Nhật, là phải chết dưới tay một tên dân quèn… bằng cung nỏ hoặc bằng súng. Điều lo sợ bị nhục nhã bấy lâu đã thành sự thật: Nông dân thắng Samurai.

Khi nông dân chính thức bị giải giới năm 1587, từ 1603 đến 1867, lịch sử ghi được 1.153 cuộc nổi dậy của nông dân. Tai ương thiên nhiên, mất mùa, cùng nạn đói gây ra nhiều bạo loạn. Các nhà văn Nhật viết về thời này thường ví nông dân với hạt mè, càng bị bóp mạnh, càng ra nhiều dầu. Nhưng nông dân không có dầu trong người, chỉ có máu. Họ đành phải đổi máu. Hủy bào thai, và giết hài nhi là điều thường tình (mabiki – rau quắt, tiếng bóng bảy văn chương – là rau không lớn được, rau phải nhổ).

E.H. Norman, ghi nhận rằng ”Những cuộc nổi dậy cứ lây lan như bệnh nan y đến mức, có thể nói đã làm suy nhược chế độ phong kiến một cách trầm trọng về chính trị, cũng như đã chống lại rất hiệu quả chế độ Bakufu” (Origín of the Modern Japanese State, 1975). Jon Halliday, trong cuốn A Politic History of Japan Capitalism, 1975, nhấn mạnh rằng, “Ảnh hưởng chồng chất của các cuộc nông dân nổi dậy, chính là nguyên nhân sụp đổ chế độ Tokugawa, năm 1868”.

Cũng thời kỳ này, do thương mại phát triển, tiền được dùng làm trung gian đổi chác, thay thế cho đơn vị gạo (koku), sản phẩm từ đất. Sự thay thế này tạo cho giới nhà buôn quyền lực mới, làm đảo lộn thứ tự 4 giai cấp truyền thống cũ (Chiến sĩ, Nông dân, Nghệ nhân, Nhà buôn). Khi giai cấp thương nhân lớn mạnh, quyền lực họ thấm và lấn vào truyền thống tôn ti, xưa nay vẫn đứng đầu là giai cấp phong kiến quý tộc (Người ta còn nhớ, trong tiểu thuyết SHOGUN của James Clavell – đã quay thành phim, khoảng năm 1980 – tả hoạt cảnh trả giá của người có của, đòi bỏ tiền để lọt vào giai cấp samurai). Và rồi, thương gia tuy có ảnh hưởng tới xã hội phong kiến, tuy có bất mãn với sự cai trị của phong kiến, nhưng họ không nổi dậy được. Họ chỉ có thể tài trợ cho những lực lượng chống Tokugawa.

Sự yếu đuối của giai cấp thương nhân lại đưa đến việc khôi phục vai trò chính trị của Nhật hoàng. Năm 1858, bỏ qua sự thúc hối của Soái tướng, nhà vua từ khước không chịu ký Thoả ước Harrís với Mỹ. Đầu 1860, Hội “Triều đình và Quân sự” thành lập (gồm liên minh của các quan trong Triều, kugo, với các Địa phương sứ quân, Daimyo, những tướng tách ly khỏi Soái phủ. Đó là liên minh chính trị tiên khởi cho việc chống quyền lực Soái phủ (Shogunate) về sau. Phe đối lập này, nổi giận vì Soái phủ nhân nhượng với Tây phương, đưa ra khẩu hiệu “Tôn quân, trục di” (tức là, “Tôn Nhà Vua, đuổi man di”).

Nhưng không đủ để Tây phương lùi bước. Xem lại tài liệu của các sử gia thu thập được, rất nhiều chứng tích là Soái phủ, Triều đình, các samusai đã để lại, thì vô số những ghi nhận chi tiết về Trung Hoa, về thời kỳ biến động của phong trào Thái Bình Thiên quốc, về phong trào Quyền thuật nổi dậy. Những bài học hợp tác, hay chống Tây Phương… từ các biến cố bên Trung Hoa, cho giai cấp thống trị Nhật (đang ủng hộ vua), bắt đầu hiểu ra Tây phương nhất quyết mở rộng thị trường buôn bán, và tương lai Nhật sẽ phải uyển chuyển thế nào. Trên địa bàn Tây Nam, vùng Satsuma và Chosu rõ là đã chịu ảnh hưởng Tây phương đậm. Vùng đó, Hondu và Kagoshima thuộc Kyushu, đã phơi ra để đón nhận  Tây phương. Các samurai ở đó đã học khoa học và binh pháp Tây phương. Chính lực lượng ấy sẽ là lực lượng cốt cán lật Soái phủ Tokugawa (1603-1867). Thế là từ xuất hiện, đến chế tạo, đến kiểm soát… súng đã thay đổi xã hội và lịch sử Nhật thật sâu đậm.

Chính sách canh tân của Minh Trị ra đời.

VHQ 

7-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn