Trao đổi của giới trí thức xung quanh tình hình Thái Lan



http://www.destination360.com/asia/thailand/images/s/thailand-tours.jpgĐề nghị của GSTS Nguyễn Thu:
Bài Thái lan có “loạn” như chúng ta tưởng? của Kami được đăng lại trên trang BVN ngày 18-7-2010, đã làm dấy lên một đôi điều băn khoăn cho nhiều bạn đọc. Dĩ nhiên là các vấn đề an sinh xã hội, giáo dục và y tế... của Thái Lan chắc chắn là phải hơn đứt CHXHCNVN chúng ta rồi; còn có nước nào trong khu vực mà các vấn đề cốt lõi của đời sống nhân dân (cả thành thị lẫn nông thôn) như môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai đất nước... lại có thể tồi tệ hơn Việt Nam (nếu không kể Myanmar, Bắc Triều Tiên và Cam Bốt).

Tuy nhiên có lẽ việc trả lời chính xác câu hỏi sau đây là cực kỳ quan trọng cho các nước đang phát triển như nước ta:

Với GDP vào khoảng 5000 USD/năm trên đầu người mà Thái Lan thực hiện được mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, y tế... cho toàn dân tốt như mô tả trong bài viết của Kami thì quả thật là một mô hình phát triển đáng cho VN và các nước đang phát triển khác khâm phục và học tập.

Nếu đúng như thế thì phải chăng những xáo trộn vừa qua có thể xem như một phản ảnh "ý chí dân tộc" của Thái Lan đang muốn vượt cái "bẫy thu nhập" để tiến lên một bậc phát triển cao hơn, hơn là một khủng khoảng chính trị mang tính "đấu tranh giai cấp"?"

Rất mong được các anh chị am hiểu tình kinh tế khu vực, như các Anh Vũ Quang Việt, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Trung..., nếu có thì thì giờ xin đánh giá lại cho về tính trung thực và chính xác của những con số "thống kê" trong bài đã dẫn, rồi post lên trang BVN để rộng đường trao đổi thông tin.

Xin cám ơn!

Nguyễn Thu



Trả lời của TS Vũ Quang Việt:

Xin trả lời các anh chị như thế này. Tôi không phải là chuyên gia về Thái Lan nên không thể đánh giá đúng mức bài viết của Kami, mặc dù tôi có cảm tưởng về đại thể là khá chính xác nhưng có nhiều cái còn bất cập. Ý kiến của tôi dưới đây chỉ là dựa vào kinh nghiệm cá nhân do làm việc ở Thái Lan nhiều lần, suốt từ những năm 80.

1. Đã có một sự cố gắng của chính nhà vua Thái và Thủ tướng Thaksin (người mất chức, có tiếng tham nhũng và gây xáo trộn hiện nay) quan tâm đến đời sống dân nghèo.

2. Coi qua về chính sách thì thấy ở nước đó giáo dục mang tính cưỡng bách (miễn phí) đến lớp 9 chứ không đến lớp 12 như bài này viết. Sau đó học phí như thế nào thì tôi không rõ. Học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 được hướng dẫn phân loại sang trường dạy nghề hoặc tiếp tục học kiểu khoa bảng. Về đại học, thì sinh viên đã thi đỗ vào đại học công đều không phải trả tiền. Còn không vào được thì có thể đi học đại học tư. Đại học Thái Lan hiện nay tất nhiên là có chất lượng hơn đại học Việt. Nhìn và so sánh công trình xuất bản của họ với VN là biết. Nhiều người, kể cả tôi đã đề nghị hướng phát triển này cho VN nhưng quan chức ta lờ đi, tiếp tục làm kiểu chụp giựt. Một điều mà tôi thấy (nhưng quả thật chưa xem xét kỹ) là rất ít trường, ngành ở Thái Lan cho PhD, và có cho cũng cho rất ít (một vài người 1 năm), có lẽ họ đánh giá đúng họ: nếu chưa đủ khả năng cấp thì để sinh viên ra nước ngoài học.

3. Về xã hội, thì không đẹp như bài này viết, đi xe bus không có máy lạnh vẫn phải trả tiền chứ không miễn phí, có điều là rất rẻ, không đáng kể. Đi xe có máy lạnh thì trả cao hơn nhiều (Đó là dựa vào kinh nghiệm tôi ở đó 1 tháng làm việc vào năm ngoái). Người nghèo còn nằm la liệt ngoài đường xin ăn nên không thể nói là Nhà nước đủ sức lo cho họ. Tuy nhiên hệ thống chùa chiền khắp nơi có thể giúp nếu những người này muốn. Ở Lào, Myanmar và Thái Lan vai trò xã hội của Phật giáo về giáo dục và xã hội rất quan trọng, dân biết chữ cũng vì chùa, nhưng tôi chỉ biết qua chứ không đủ hiểu biết để nói gì thêm.

4. Nhà thương Thái thì có thể so với nhà thương Mỹ, đấy là so bệnh viện tôi đã tới, tức là bệnh viện tốt giá cao đối với người Thái, nhưng tôi không hiểu sao nó cực rẻ và thái độ đối xử cực tử tế (cũng chỉ qua kinh nghiệm bản thân).

5. Có một cái khá giống nhau giữa Việt Nam và Thái là phát triển khá tùy tiện, thiếu kế hoạch phát triển thành phố nên nạn kẹt xe là kinh niên, nhưng họ không tạo ô nhiễm tiếng còi như VN ta. Và thành phố thì ít ra chỗ nào cũng có vỉa hè để đi.

6. Nhiều người Việt có thái độ không hay về chuyện tự do đĩ điếm ở Thái Lan, nhưng tôi thấy họ không đạo đức giả. Khi về nông thôn, những người này cũng không bị khinh bỉ, không thể lập gia đình [như ở Việt Nam]. Họ coi đó là cái nghiệp, có thể họ bị ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo: điều này tôi không rõ. (Đó là điều tôi đã hỏi những người bạn Thái).

7. Về ngành thống kê thì Thái Lan đã rất chuyên nghiệp, đáng là bậc thầy VN. Cái khó của họ là do tiếng Anh không lưu loát nên không được đánh giá đúng mức (so với Phi).

Vũ Quang Việt

Trả lời của TS vũ Triệu Minh:

Tiếp theo bài viết Thái Lan có "loạn" như chúng ta tưởng? của Kami, là một người đã học ở Asian Institute of Technology (AIT) và cũng đã làm việc ở Thái Lan hàng chục năm, tôi cũng có một số nhận xét sau:
Trong khoảng 10 năm gần đây hầu như không có học sinh Việt Nam nào đoạt huy chương vàng về thành tích học tập tại AIT (người học giỏi nhất khóa học ở mỗi bộ môn) mặc dù mỗi năm AIT nhận hàng trăm sinh viên Việt Nam.
Tại hầu hết các nước mà tôi đã và đang làm việc (Đức và Malaysia), sinh viên Việt Nam cũng chỉ là học sinh trung bình trong lớp. Thật khác xa với những thành tích học tập vẻ vang của các thế hệ trước, mỗi khóa học sinh viên Việt Nam không đủ một đội bóng đá nhưng năm nào cũng có một vài người đoạt huy chương vàng khi tốt nghiệp. Đây thực sự là sự xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam so với thế giới.

Qua báo chí Việt Nam chỉ thấy thông tin chúng ta đoạt 1 huy chương vàng về thi toán quốc tế mà không nói đến các nước quanh ta kết quả ra sao. Thông tin về tình hình kinh tế Thái Lan cũng vậy, báo chí không cung cấp đủ thông tin sẽ làm nhiều người đọc hiểu theo hướng khác: Thái Lan có "loạn" như chúng ta tưởng?

Và đây nữa, tôi vừa nhận được một email của một người đã và đang làm việc ở Thailand gần 30 năm qua để mọi người cùng xem xét:

Thưa các anh các chị,

Nhân ngày nghỉ cuối tuần và nhân đọc bài Vietnam: Opportunities and challenges for HR Managers (các bạn có thể đọc trực tiếp tại: http://www.bangkokpost.com/business/economics/186512/vietnam-opportunities-and-challenges-for-hr-managers) đăng trên trang Business của tờ Bangkok Post ngày hôm qua, thứ Bảy 17/7, tôi xin chia sẻ thêm một số thông tin để, nếu anh chị nào có quan tâm, suy ngẫm:

1. Bangkok trở lại là thành phố tốt nhất thế giới do đọc giả bầu, theo tạp chí Travel + Leisure's 2010 World's Best Awards.

2. Sau khi có tình trạng bất ổn tại Bangkok và ở nhiều tỉnh hổi nửa đầu năm 2010, ngành du lịch Thái dự đoán chỉ có thể đón độ 13 triệu khách du lịch thay vì 16 triệu theo dự kiến ban đầu khi lên kế hoạch. Song ngành du lịch Thái đã hồi phục nhanh chóng và có khả năng đón 15.1 - 15.3 triệu khách du lịch trong 2010.

3. IMF đã nâng nền kinh tế Thái có thể đạt GDP 7.5% cho năm 2010 mặc dù nền kinh tế Thái có vể rất yên lặng.

4. Năm nay toàn bộ số học sinh đi thi toán quốc tế của Thái đều được huy chương Vàng còn Việt Nam chỉ được có 1. Nếu tôi không đọc nhầm thì theo số huy chương Đoàn Thái đứng đầu. Như vậy đã qua rồi thời kỳ người Thái ngó sang VN ta với một sự ngưỡng mộ về kết quả toán của VN trên đấu trường quốc tế. Đã có thời kỳ, ít ra là ở trên, vẫn lấy các thành tích này để ca ngợi nền giáo dục của chúng ta. Song bây giờ ngay cả đào tạo "gà chọi" cũng không còn là điểm mạnh của chúng ta.

Xin cảm ơn các anh các chi đã bỏ thời gian đọc thư tôi gởi.

Kính chào.
H.L.T

Dr. Vũ Triệu Minh

Mechanical Department

Block 19, Floor 03, Room 11

Universiti Teknologi PETRONAS

Bandar Seri Iskandar, 31750 Tronoh, Perak, Malaysia.

Trả lời của học giả Nguyễn Trung:

Thái Lan không hỗn loạn như nhiều người tưởng, cũng không được tốt như những điều viết trong bài của Kami (vì nhìn rộng ra cả nước Thái thì chưa đạt được như trong bài này). Tuy nhiên, Thái Lan bỏ khá xa nước ta về một số quyền dân chủ cơ bản, còn về mặt phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế thì Việt Nam cũng cần khoảng 20-30 năm nữa để đuổi kịp Thái Lan hiện tại với điều kiện kinh tế nước ta không có nhiều đổ vỡ như từ năm 2008 đến nay. Điều đáng tiếc là ở Thái Lan có một số nhóm quyền lực vẫn đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp, do đó 70 năm xây dựng nền dân chủ mà vẫn chỉ đạt được một nền dân chủ dở dang. Tìm xem bài: "Con đường dân chủ gian truân của đất nước nụ cười" của Nguyễn Trung trên Google.

Nguyễn Trung

Trọng tâm bài viết của ông Nguyễn Trung mà BVN đăng lại dưới đây tóm trong câu sau:

“Náo loạn vừa qua ở Thái Lan không phải do thể chế chính trị dân chủ đa nguyên đa đảng gây ra, mà là do dân chủ và nhà nước pháp quyền bị vi phạm nghiêm trọng. Tình hình này còn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Thái Lan”.

Bauxite Việt Nam

Con đường dân chủ gian truân của đất nước “nụ cười”

Nguyễn Trung

Diễn biến của sự kiện

Người Thái Lan đặt tên hiệu cho nước mình như vậy, để quảng bá du lịch đã đành, song người Thái Lan, với nghĩa tìm hiểu tính cách một dân tộc, đúng là rất hiền hòa, mến khách. Người nước ngoài, nhất là nếu có dịp đi về các vùng đồng nội của Thái Lan, chắc chắn sẽ cảm nhận được sâu sắc điều này.

Nhưng trong tháng 3 và mãi đến gần hết tháng 5 của năm này, “nụ cười” đã tắt trên đất Thái Lan. Những tháng nóng bỏng mùi khói xăng và thuốc súng này đã cướp đi hơn 80 sinh mạng và làm bị thương khoảng 1400 người (chưa có số liệu thống kê cuối cùng), làm 25 000 người mất việc làm, GDP 264 tỷ USD của Thái Lan năm nay sẽ giảm mất khoảng 0,5%… Đấy là những tổn thất của đụng độ kéo dài khoảng 9 tuần lễ giữa một bên là những người biểu tình áo đỏ và một bên là lực lượng cảnh sát và quân đội dẹp biểu tình. Vết thương chính trị – xã hội không đo đếm được.

Xin nói ngay, không kể về trước, chỉ tính từ 1973, năm có cuộc nổi dậy của phong trào sinh viên chống Chính phủ quân phiệt Thanom Kittikachorn khiến ông ta và một số tướng lĩnh phải đi cư trú ở nước ngoài, đời sống chính trị Thái Lan cho đến nay có thêm 6 – 7 cuộc đụng độ đẫm máu tiếp theo nữa. Có thể nói người Thái Lan, cả về phía người dân đi biểu tình cũng như về phía trấn áp của Chính phủ, đã có “kinh nghiệm” về những cuộc đụng độ như vậy; nghĩa là cả hai phía đều có ý thức ở mức độ khác nhau nào đó tìm cách hạn chế thương vong, song đổ máu lớn vẫn cứ xảy ra trong những tuần vừa qua.

Nhìn lại, có lẽ chỉ có thể nói được là “Cảm ơn Chúa! Nếu đụng độ như thế xảy ra ở một nước nào khác trong khu vực, máu xương có lẽ sẽ thành sông núi!?..” Vụ Thiên An Môn khủng khiếp năm 1989 roi rói trong ký ức cho đến ngày nay vẫn còn khiến nhiều người rùng mình…

Tính từ năm 1932, ông Abhisit Vejjajiva là Thủ tướng thứ 27 của Thái Lan, là kết quả cuộc đảo chính quân sự tháng 09-2006 lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra với cớ tham nhũng. Đây là cuộc đảo chính lần thứ 24, cũng tính từ năm 1932.

Củng cố cho kết quả đảo chính và ngăn chặn nguy cơ Thaksin quay trở lại qua con đường bầu cử, một nhóm chính khách và đại gia kinh tế thân Hoàng gia lập ra “Liên minh nhân dân vì dân chủ” (PAD – People’s Alliance for Democracy), dấy lên phong trào biểu tình của những người áo vàng (mầu của Hoàng gia), với kết quả Tòa án Hiến pháp Thái Lan tháng 2-2010 chính thức loại bỏ Thaksin ra khỏi quyền lực và phong tỏa tài sản 1,4 tỷ USD của ông ta. Phe cánh đứng về phía làm đảo chính 9-2006 được củng cố và thắng thế.


Tình hình Thái Lan bất ổn.
Trước tình hình như vậy, nhóm chính khách và các đại gia có lợi ích khác với phe cánh PAD hoặc thân với phe cánh Thaksin đã lập ra “Mặt trận thống nhất vì dân chủ, chống độc tài” (UDD – “United Front for Democracy against Dictatorship”, được đảng đối lập “Pheua Thai” (Đảng vì nước Thái) trong quốc hội ủng hộ. UDD đã dấy lên phong trào biểu tình của những người áo đỏ.

Thoạt đầu là ngày 12-03-2010 những người áo đỏ do UDD lãnh đạo kéo nhau về Bangkok tiến hành biểu tình chống Chính phủ Abhisit Vejjajiva vì lý do độc tài và đòi giải tán quốc hội, sớm tổ chức bầu cử mới. Từ cuối tháng 3-2010 bắt đầu có đổ máu, sau đó ngày càng nhiều các cuộc đụng độ đẫm máu với quân đội và cảnh sát, kéo dài đến ngày 19-05-2010, ngày các cuộc biểu tình áo đỏ chấm dứt.

Thời kỳ cao điểm các cuộc biểu tình của những người áo đỏ bắt đầu từ cuối tháng 3-2010, số người tham gia lên tới hàng vạn (có báo nói tới con số hàng chục vạn), phần lớn là nông dân vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan, ngoài ra còn có một bộ phận nhất định là dân thành thị cùng tham gia. Họ chiếm giữ và lập hàng rào bằng gậy gộc và lốp xe để cố thủ nhiều khu vực quan trọng trong trung tâm thủ đô Bangkok, làm tê liệt hầu hết mọi hoạt động của thủ đô và của chính phủ, đốt phá nhiều trung tâm buôn bán, khách sạn, ngân hàng… Đặc biệt là cuộc trấn áp đẫm máu ngày 10-04-2010 làm chết 21 người biểu tình và 4 lính, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn.

Sự chống đối của biểu tình áo đỏ càng quyết liệt hơn, khiến Chính phủ Abhisit buộc phải cam kết sẽ giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử mới vào ngày 14-11-2010. Tuy nhiên, tình hình không vì thế mà dịu đi; trấn áp từ phía quân đội và đốt phá từ phía áo đỏ chống lại tiếp tục gia tăng.

Các tin tức trên báo chí Thái Lan trái ngược nhau. Có tin nói những đại diện của áo đỏ “già néo đứt dây”, song luồng tin khác lại nói những người này không tin vào cam kết của chính phủ Abhisit, do đó đàm phán thất bại. Luồng tin khác nữa lại nói có một nhóm cứng rắn trong lãnh đạo của áo đỏ không tán thành đàm phán…

Tuy nhiên một sự thật xảy ra trong tình hình hỗn loạn này là xuất hiện ngày càng nhiều những vụ bắn tỉa của các tay súng áo đen, gây nhiều thương vong. Người biểu tình áo đỏ nói các tay súng áo đen là lính đặc nhiệm của Chính phủ, phía Chính phủ lại nói đó là những kẻ khủng bố trá hình thuộc phe áo đỏ… Trong những người bị chết vì bắn tỉa như vậy có tướng một sao quân đội Thái Lan Khattiya Sawasdipol tham gia lãnh đạo phong trào biểu tình áo đỏ, những người của chữ thập đỏ đang làm nhiệm vụ cứu thương tại chùa Thum Wat… Tình hình dẫn tới Thủ tướng Abhisit rút lại đề nghị giải tán Quốc hội của mình, tuyên bố giới nghiêm và trừng trị quyết liệt hơn.

Ngày 13-05-2010 quân đội trấn áp thẳng tay, hơn 30 người bị bắn chết, đồng thời ra lệnh những người biểu tình áo đỏ phải rút khỏi Bangkok trước 15 giờ ngày 17-05-2010. Ngày 19-05-2010 tiếp tục xẩy ra đổ máu và thương vong lớn, các lãnh tụ UDD kêu gọi những người biểu tình áo đỏ rút lui.

Cuộc biểu tình của người áo đỏ do UDD lãnh đạo chấm dứt, nhưng chính trường Thái Lan xuất hiện những rạn nứt mới chưa hề có, với những hệ quả khó tiên liệu.

Con đường dân chủ gian truân

Thái Lan mở cửa ra thế giới bên ngoài rất sớm. Năm 1826 đã ký kết quan hệ ngoại thương và ngoại giao với Anh, năm 1833 có quan hệ ngoại giao với Mỹ, chính sách ngoại giao khôn khéo lợi dụng được mọi tình huống đã giúp cho Thái Lan đến nay chưa bị nước ngoài nào đô hộ1.

Cuộc đảo chính quân sự năm 1932 chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế để chuyển sang chế độ quân chủ lâp hiến theo phong cách các nước phương Tây. Cuộc nổi dậy năm 1973 của phong trào sinh viên – bắt đầu từ trường đại học Thamasat – chấm dứt được chính quyền quân phiệt Thanom Kittikachorn. Cuộc nổi dậy này mở đường cho những nỗ lực xây dựng thể chế dân chủ, song bị đàn áp đẫm máu năm 1976.

Tuy nhiên từ sau 1976 trở đi, chế độ quân chủ lập hiến được tái lập buộc phải có nhiều cải cách mới, mô hình dân chủ đa đảng theo phong cách các nước phương Tây ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc ở Thái Lan, một số quyền dân chủ, tự do ngày càng được khẳng định rõ hơn trong các Hiến pháp khác nhau của từng thời kỳ (tính theo các cuộc đảo chính). (Craig J. Reynolds). Song tất cả những gì Thái lan đạt được cho đến hôm nay chỉ là một nền dân chủ dang dở (Nguyễn Trung), hay là một nền dân chủ dễ vỡ.

Không thể không đặt ra câu hỏi: Cái gì là nguyên nhân chính của tình trạng này?

Cuộc đảo chính 09-2006 và cuộc biểu tình áo đỏ từ tháng 3 đến tháng 5-2010 có thể được xem là hệ quả tất yếu toàn bộ quá trình phát triển của Thái Lan từ 1932 tới nay, chứa đựng mọi yếu tố của toàn bộ thời kỳ phát triển này và tạo nên thực trạng Thái Lan hiện nay. Vì những lý do này, những diễn biến ở Thái Lan hiện tại, có thể đưa ra nhiều lời giải.

Điểm nổi bật thứ nhất của Chính phủ Thaksin là gia đình ông ta và phe cánh giầu lên nhanh, có nhiều phi vụ buôn bán lớn, điển hình là việc bán cổ phần của mình trong Công ty Telecom Shin Corp cho Singapore. Phe chống đối còn tố cáo Thaksin là “pro” quan hệ thương mại Thái Lan – Trung Quốc và kiếm được nhiều mối lợi riêng.

Điểm nổi bật thứ hai có lẽ còn quan trọng hơn: những chính sách của Thaksin hỗ trợ nông dân vùng Bắc và Đông Bắc Thái, những đóng góp của tập đoàn tài chính của ông ta vào việc cải thiện mạng lưới y tế của vùng nghèo này làm cho uy tín của ông ta và phe cánh lên như diều; ngay lập tức phe chống đối cho rằng Thaksin mỵ dân, có xu hướng cộng hòa rất nguy hiểm cho Hoàng gia, còn cánh quân đội thì không thể chấp nhận hiện tượng chệch hướng này. Đảo chính đã xảy ra.

Còn một đặc trưng thứ ba rất đáng được chú ý: Cuộc đảo chính, cánh áo vàng, cánh áo đỏ còn do các mối quan hệ cá nhân chi phối và tạo dựng nên. Dư luận báo chí Thái nêu rõ đấy là những mối quan hệ lúc liên kết, lúc mâu thuẫn quyết liệt giữa những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường Thái Lan2.

Ngoài ra, điểm nổi bật thứ tư quan trọng nhất: Muốn hay không toàn bộ sự kiện đẫm máu vừa qua xảy ra còn có một nguyên nhân sâu xa khác lâu dài hơn, sẽ bám đuổi và chi phối tương lai Thái Lan. Bertil Lintner gọi đấy là mâu thuẫn giữa một bên là “đồng tiền cũ” – ý nói thể chế chính trị hiện hành và một bên là “đồng tiền mới“ – ý nói phong trào dân chủ tư sản đang lên, một phần nào thể hiện tiếp tục qua hiện tượng “Thaksin” nói riêng, qua sự vận động của tầng lớp trí thức và trung lưu Thái Lan hiện nay nói chung3.

Chuyện các phe nhóm chính trị và kinh tế, các chính khách hay đại gia luôn luôn có các lợi ích đối nghịch nhau và tìm cách xử lý nhau, nhiều khi rất thô bạo, lặp đi lặp lại thường xuyên, trở thành một thứ căn bệnh kinh niên trên chính trường Thái Lan. Đấy là chưa nói đến chuyện từng cá nhân hay từng phe nhóm tuỳ lợi ích riêng, vị thế và hoàn cảnh cụ thể của mình sẵn sàng thay đổi “chiến trường”, khiến cho căn bệnh kinh niên này trở nên khó trị hơn. Trong vòng chưa đầy 8 thập kỷ có tới 24 cuộc đảo chính ở một quốc gia hoà bình, có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại rất phát triển với mọi quốc gia trên thế giới, song không hề có chiến tranh với bất kỳ nước nào, minh chứng căn bệnh kinh niên này.

Bệnh kinh niên như thế cho phép kết luận: Phải chăng cứ khi nào xẩy ra “chệch hướng” thì lại có đảo chính vượt lên trên luật pháp để đưa nước Thái trở lại quỹ đạo cũ?!

Có thể đặt ra nhiều câu hỏi:

1. Vậy ”quỹ đạo” Thái Lan không được phép đi chệch là gì?

2. Lực lượng nào giữ cho nước Thái Lan không được phép “chệch hướng” ra ngoài “quỹ đạo” như thế?

3. Ai là người có khả năng thay đổi chiến trường của mình (lúc đi với bên này, lúc bỏ bên kia…)?

4. Có bàn tay can thiệp nào từ bên ngoài hay không?

Thực ra từ hàng chục năm nay, nhất là trong những ngày tháng này, báo chí và các học giả Thái Lan cũng như trên thế giới tốn không biết bao nhiêu giấy mực và công sức cho những câu hỏi như vậy.

Dư luận trong Thái Lan khá rõ ràng. Có thể do đất nước này hoa quả rất phong phú, nên người dân Thái Lan hài hước ví von quốc gia họ chủ yếu do các nhóm “dưa hấu” (trong đỏ ngoài xanh, chỉ nhóm quân đội), nhóm “cà chua” (trong đỏ, ngoài đỏ, nát bét, chỉ nóm công an), nhóm “dưa gang” (trong trắng ngoài vàng, chỉ nhóm thân Hoàng gia…) vân vân… chi phối. Người Thái Lan cũng ví: Thuyền cần nước, hổ cần rừng, Hoàng gia và quân đội vì thế cần nhau…4.

Quan điểm của giới nghiên cứu nước ngoài kết luận theo hướng: Lịch sử Thái Lan cho thấy giữ cho Thái Lan không đi chệch “quỹ đạo” luôn luôn là sự liên minh giữa quân đội và Hoàng gia. Thái Lan không thể nào đi tới nền dân chủ thật sự chừng nào còn tồn tại trên chính trường quốc gia mình mối liên kết như vậy5.

Hệ quả là sau 8 thập kỷ tìm đường đi đến dân chủ, với mọi thuận lợi hiếm quốc gia nào có được, Thái Lan vẫn chỉ là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình khá, khoảng cách phát triển và chênh lệch giầu nghèo giữa nông thôn và thành thị rất lớn, nhóm người giàu nhất nước chỉ chiếm 2% dân số nhưng kiểm soát tới 80% nền kinh tế; theo Lewis M. Simons – USA Today 27-05-2010, tài sản Hoàng gia hiện nay ước chừng 35 tỷ USD, thuộc loại giàu nhất thế giới.

Đời sống chính trị Thái Lan tuy đã thực hiện được một số quyền công dân và đã đặt được nền móng ban đầu cho nhà nước pháp quyền, song cứ “chệch hướng” của mối quan hệ thuyền cần nước, hổ cần rừng, Hoàng gia và quân đội vì thế cần nhau thì lại có đảo chính vượt lên trên luật pháp đưa Thái Lan trở về quỹ đạo, con đường đi tới dân chủ còn xa vời.



Nguyên nhân cơ bản của tình trạng náo loạn đẫm máu 9 tuần lễ vừa qua là các quả “dưa hấu”, “cà chua”, “dưa gang”… ở Bangkok rất nhiều quyền lực nhưng lại vô thức với luật pháp và thể chế nhà nước pháp quyền. Nếu đem sự việc Thủ tướng Thaksin bị lật đổ tháng 09-2006 và các chuỗi sự kiện diễn biến tiếp theo so sánh với việc Thủ tướng Yukio Hatoyama từ chức ngày 01-06-2010 trong chế độ dân chủ đa nguyên cũng có vua của Nhật Bản, có thể khẳng định: Náo loạn vừa qua ở Thái Lan không phải do thể chế chính trị dân chủ đa nguyên đa đảng gây ra, mà là do dân chủ và nhà nước pháp quyền bị vi phạm nghiêm trọng. Tình hình này còn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Thái Lan.

Cuộc khủng hoảng đẫm máu vừa qua làm cho Thái Lan trở nên suy yếu hơn bao giờ hết, ảnh hưởng không có lợi cho vị thế và sự ổn định của các nước ASEAN. Trả lời câu hỏi: Ai là người có lợi trong tình hình có một nước Thái Lan đang suy yếu và bị chia rẽ?, Robert D Kaplan – một thành viên thâm niên trong Trung tâm Nghiên cứu về An ninh mới của Mỹ – trả lời: “Trung Quốc!” Kaplan còn nói thêm: Trong tình hình này cái bóng của Trung Quốc đang chờm lên nhanh trong khu vực6.

Nhìn về tương lai

Trong những ngày này, nhiều học giả Thái Lan và nước ngoài cho rằng cuộc khủng hoảng của Thái Lan vừa qua có hai vấn đề lớn khác với quá khứ: (a) mâu thuẫn phát triển giữa nông thôn và thành thị ở Thái Lan - bao gồm cả sự phân hóa giàu nghèo – đạt tới một áp lực mới chưa từng có trong các cuộc khủng hoảng trước đây; (b) Nhà vua, người được coi là Người cha tinh thần của Thái Lan ngày càng già yếu vì tuổi tác, chưa ai nói được điều gì về chuyển giao thế hệ.

Con đường phục hồi và phát triển của Thái Lan vì thế sẽ chật vật hơn rất nhiều so với quá khứ. Song dù thế nào, Thái Lan vẫn phải tìm cách đi tiếp trên con đường của dân chủ và phát triển.

Nhiều ý kiến thống nhất với nhau: Đụng độ đổ máu không phải là cách giải quyết vấn đề, mà phải tìm cách hoà giải trên cơ sở của thực hiện dân chủ và tăng cường tính thực thi của thể chế pháp luật, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện công khai minh bạch. Một số ý kiến còn nhấn mạnh phải cung cấp đầy đủ thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân để một mặt là giảm thiểu các hiện tượng “bầy đàn” do các nhóm lợi ích tạo dựng nên cho mục đích riêng của mình, mặt khác là tạo áp lực xã hội của dư luận đúng đắn thúc đẩy sự phát triển của Thái Lan7. Có không ít ý kiến nói về tự do báo chí và trách nhiệm của báo chí…

Tóm lại, ý kiến rất phong phú, song lựa chọn gì và thực hiện như thế nào, chỉ có người Thái Lan mới trả lời được.

Là bạn của Thái Lan, chúng ta chúc đất nước của “nụ cười” sớm có niềm vui cười trở lại.

Chú thích:

[1] Cuộc tấn công của Pháp vào Đà Nẵng xảy ra lần đầu tiên 04-1847, song cuộc chiến tranh chiếm Việt Nam làm thuộc địa của Pháp bắt đầu năm 1858, kéo dài đến năm 1884. Cũng bắt đầu từ Đà nẵng.

[2] Pavin Chachavalpongpun, “The Personalization of Thailand’s Crisis” – Friday, 28 May 2010

[3] Bertil Lintner, “The Real Thai Crisis – A conflict between old money and new money” , Wall Street Journal Asia, 15-04-2009.

[4] Craig J. Reynolds, “Behind the Thai Crisis”, Australia, 29-04-2010.

[5] Craig J. Reynolds, trong bài viết “Behind the Thai Crisis”, Australia, 29-04-2010 đã nói thẳng: “Absolutism and despotism have always weighed heavily in the country’s history. Just beyond the street protests, the claims, and the counter-claims is the knot binding the monarchy to the army”. (“Chuyên chế và độc tài luôn luôn chi phối nặng nề lịch sử Thái Lan. Vượt lên trên các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, yêu sáchphản yêu sách luôn luôn xuất phát từ sự ràng buộc dính kết với nhau giữa Hoàng gia và quân đội”).

[6] Tìm xem: RICHARD BERNSTEIN, “The Failure of Thailand’s Democracy”, New York Times 25-05-2010.

[7] Tìm xem các bài: (1)Prof. Dany Unger, Northern Illinois University,A path to truth in Thailand”, trong tạp chí Southeast Asia, 02-06- 2010. (2) Andrew Walker & Nicholas Farrelly (College of Asia and the Pacific at the Australian National University), “Bangkok: how did it come to this?”, 06-05-2009. (3) Craig J. Reynolds, trong bài viết “Behind the Thai Crisis”, Australia, 29-04-2010 và một số bài khác có liên quan.

Nguồn: TuanVietNamNet 1-6-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn