Vẫn là thói chơi sang, bệnh hình thức

Nhật Hiên, thông tín viên RFA

clip_image001Một đoạn của con đường gốm sứ, một công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với màu sắc trẻ trung, hiện đại. RFA photo/Mặc Lâm

Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Từ khi công cuộc chuẩn bị bắt đầu tiến hành cho đến nay, người dân đã chứng kiến rất nhiều ý tưởng, dự án… tiền tỷ được triển khai, trong đó có nhiều ý tưởng, dự án đã bị công luận phản đối, chỉ trích vì sự lãng phí, thiếu hiệu quả hoặc phản thẩm mỹ, phi văn hóa…

Vội vàng, cập rập

Càng gần đến ngày đại lễ, việc chuẩn bị càng cấp tập hơn, nhiều ý tưởng càng phát sinh… Mới đây, người dân lại xôn xao về kế hoạch xây 5 cổng chào tại 5 cửa ngõ dẫn vào trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Điều khiến dư luận băn khoăn đầu tiên là việc xây 5 cổng chào với quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với diện mạo của một Thủ đô lại được quyết định trong một thời hạn quá ngắn, chỉ còn đôi ba tháng nữa.

Trong bài “Sự bình tĩnh cần thiết” đăng trên báo Lao động, tác giả Lê Thanh Phong viết: “Xây dựng một cổng chào cho Thủ đô là cần thiết…

Điều cần bàn không phải là nên hay không việc xây dựng cổng chào, mà là làm như thế nào, khi nào làm. Từ đây đến đại lễ chỉ còn 100 ngày, quỹ thời gian như vậy sẽ không đủ để thực hiện một công trình kiến trúc có chất lượng cao. Đặc biệt đối với cổng chào, sự đòi hỏi về thẩm mỹ kiến trúc, ý nghĩa văn hóa rất cao, nên càng không thể vội vàng”.

Chúng ta có cần thiết phải làm cổng chào không? Đương nhiên là không cần thiết. Mà nếu cần thiết thì không ai lại làm vội làm vàng như làm cho xong.

Tác giả Ngô Hoàng

Theo blogger Bút Lông trong “Lại chuyện nước đến chân…”, sự vội vàng này càng đáng nói hơn khi quyết định của Thủ tướng trong đó có ý tưởng về năm cổng chào này đã được phê duyệt cách đây gần hai năm. “Tại sao hai năm qua việc này không triển khai, để đến khi đại lễ chỉ còn hơn 100 ngày mới vội vàng chỉ định bốn doanh nghiệp thực hiện với kinh phí ước tính khoảng 50 tỷ đồng!”.

Chưa kể, “mới hơn ba tháng trước, dư luận đã ầm ĩ về việc một doanh nghiệp (Công ty CP Cầu Vàng) do quá nản chí đã phải xin rút lại “Đề án ý tưởng thiết kế đầu tư xây dựng năm cổng chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”. Dù đã được chấp thuận chủ trương nhưng đơn vị buộc phải xin rút lui lại đề án vì thời điểm đó (cách đại lễ hơn 200 ngày) họ vẫn chưa được chính thức chấp thuận đầu tư trong khi thời gian còn lại không đủ để xây dựng.

Ấy vậy mà khi chỉ còn tròn 100 ngày thì Hà Nội lại vội quyết để vừa duyệt thiết kế, thi công và hoàn thiện…”.

Tác giả Ngô Hoàng thì đặt câu hỏi có phải Hà Nội dựng cổng chào bằng… cót ép, bởi vì chỉ có dựng bằng cót ép như kiểu những cái cổng chào ở làng quê vào các dịp lễ hội thì mới có thể làm nhanh như vậy thôi:

“Chúng ta có cần thiết phải làm cổng chào không? Đương nhiên là không cần thiết. Mà nếu cần thiết thì không ai lại làm vội làm vàng như làm cho xong”.

VIETNAM-CAPITAL-ANNIVERSARY

Những căn nhà cổ đang được làm mới nằm cạnh những căn nhà cao tầng mới xây ở một khu phố cổ Hà Nội, hôm 15/04/2010. AFP PHOTO

Sự lúng túng, cập rập chứng tỏ vấn đề chưa được suy nghĩ cho thấu đáo, đã thể hiện ngay từ những thông tin về việc xây dựng cổng chào liên tục thay đổi. Bắt đầu ngày 22/6 là thông tin Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá 50 tỷ đồng. Khi nghe dư luận tỏ ý lo ngại về thời gian quá gấp gáp, ngày 25/6, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện rằng thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng.

Đến 29/6, thì lại có thông tin mới: UBND Hà Nội đã chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào Thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2/9.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập bình: “Lúc đầu định xây kiên cố 5 cái cổng, sau bảo chỉ làm tạm thôi, bỏ ra 50 chục tỷ, giải phóng 18 ngàn mét vuông mặt bằng làm thử cái đã, nếu thấy ổn thì xây kiên cố, không ổn thì bỏ đi, khỏe re.

Thì Bí thư Hà Nội đã nói đối với 5 cổng chào thì thành phố cũng có hướng chưa làm vĩnh cửu luôn, chưa làm kiên cố luôn. Trước mắt sẽ chỉ làm bằng vật liệu tạm thời để nếu không phù hợp sẽ tiếp tục thay.

Hà Nội tấc đất tấc vàng, giải phóng vài trăm mét mặt bằng để đặt cái tượng cũng phải tính nát nước, đằng này phải tiêu tốn 18 ngàn mét vuông mặt bằng chỉ để làm thử, nghe mà sợ quá. Lại có người nói cứ giải phóng mặt bằng, nếu không làm cổng thì ta làm bãi giữ xe, nghe như chuyện của những người thích đùa”.

Cổng chào để làm gì, để chào ai?

Nhìn chung, giới trí thức, giới chuyên môn như Kiến trúc sư… đều không đồng tình với việc xây cổng chào vội vã như vậy, dù là 4 hay 5 cái. Trong loạt bài phỏng vấn các nhân vật khác nhau về vấn đề này của tác giả Khánh Linh đăng trên Tuần Việt Nam, GS TS Nguyễn Quang Ngọc khi trả lời phỏng vấn đã nêu những băn khoăn của mình: “Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?". Nếu như xây cổng chào để phục vụ một sự kiện, cụ thể ở đây là đón khách trong nước và quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghĩa là đến hết Đại lễ thì cũng không cần cổng chào nữa.

Hà Nội tấc đất tấc vàng, giải phóng vài trăm mét mặt bằng để đặt cái tượng cũng phải tính nát nước, đằng này phải tiêu tốn 18 ngàn mét vuông mặt bằng chỉ để làm thử, nghe mà sợ quá.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Để xây "vĩnh cửu", theo tư duy đô thị hiện đại thì càng chỉ nên xây một "cổng chào" có tính chất biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội, kiểu Paris (Pháp) có Khải Hoàn Môn, ngay như Viêng Chăn (Lào) cũng có cổng mang tính chất biểu trưng rất đẹp, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng đón chào tất cả mọi người đến với thành phố, dù quốc tịch nào, dù đi theo tuyến đường nào, hướng nào, bằng phương tiện gì... Nếu theo tư duy đó thì không cần phải xây dựng ở nơi "địa đầu" theo kiểu "cổng chào" truyền thống”.

Có vẻ như ngay những người trình dự án, phê duyệt dự án cũng chưa rõ lắm thực sự xây cổng chào để làm gì như nhà văn Nguyễn Quang Lập đã vạch ra trong bài “Chuyện cái cổng chào” nói trên: “Nếu học theo nước Pháp để làm cái cổng chào mang tính biểu trưng cao, cho thấy Thăng Long - Hà Nội là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình và tự do, lấy từ ý tưởng rồng bay của Lý Công Uẩn nghìn năm trước thì hay biết bao nhiêu.

Đằng này vì không biết cái cổng Thủ đô nghìn năm nó khác với cái cổng lối vào Thủ đô chỗ nào, tức nó khác với cái cổng làng chỗ nào. Không biết làm cái cổng để khai thác tính biểu trưng của nó hay muốn làm ra cái cổng thuần túy là cái cổng, thành thử cứ loay hoay không biết làm 5 cổng, 4 cổng hay 3 cổng, làm tạm để chào mừng Đại lễ nghìn năm hay làm cái vĩnh cửu, ôi vân vân và vân vân…”.

clip_image003

Các nghệ nhân đổ đồng nung chảy cho ra đời chiếc trống đầu tiên trong 100 trống đồng mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Photo courtesy of dddn.com.vn

Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng, các phương án cổng chào đề xuất có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững, không thể là công trình tạm. Bản vẽ các cổng chào với việc sử dụng các hình tượng chưa chọn lọc cũng khiến mọi người băn khoăn.

Cũng trong loạt bài phỏng vấn nói trên của Tuần Việt Nam, KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng những hình tượng được đưa ra không ổn,“vì nhàm chán và sáo rỗng. Trống đồng, chim lạc, rồng hay bãi cọc Bạch Đằng đều là những sự gắn kết khiên cưỡng với lịch sử và những giá trị của Thăng Long”, chưa kể trống đồng thì bị xẻ đôi, hoặc vừa đổ vừa bị chìm một nửa xuống đất, nằm bên vệ đường, dễ bị “xuyên tạc” về ý nghĩa…, về kích thước thì lại quá lớn v.v. Còn KTS Nguyễn Văn Tất, tân Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì cho đó “Chỉ là tưởng tượng chơi sang”.

Nhà báo Phạm Viết Đào lại nhìn ra một khía cạnh khác, đó là việc các doanh nghiệp tự nguyện bỏ vốn ra xây cổng chào cho Hà Nội, thực chất là đổi đất… lấy cổng chào.

Trong bài “Những chiếc “quạt mo” của các “chú Bờm” quảng cáo đất Hà Thành thời nay tác giả viết "Cả 5 cổng chào lên đến 50 tỷ. Với diện tích đó, sau đại lễ, chắc chắn các chú Bờm sẽ không dại gì mà không cho thuê quảng cáo. Bỏ rẻ 6 mặt quảng cáo đó mỗi năm cũng phải thu về dăm, sáu tỷ bạc; trong khi cái vốn ban đầu bỏ ra chỉ có 10 tỷ?

Trong vòng 2 năm đảm bảo các chú Bờm sẽ thu đủ vốn? Đến năm thứ 3 đảm bảo các chú sẽ vung vinh và chiếc cổng chào này chắc chắn sẽ tồn tại lâu lâu chứ không thể xong đại lễ thì dỡ xuống ngay?... Chỉ qua một vụ này thôi đã thấy người ta lợi dụng lễ lạc để moi tiền, để làm tiền tài giỏi như thế nào? Trong một năm Việt Nam tổ chức tới trên 8000 lễ hội thì chắc cũng có ngần ấy cơ hội moi tiền, móc tiền từ túi này chuyển qua túi kia...”.

Vẫn thói chơi sang, bị dân phản đối

Trong một so sánh để thấy rõ thói thích chơi sang, bệnh hình thức của các quan chức Việt Nam, blogger Hiệu Minh kể chuyện “Cổng chào… kiểu Mỹ”, đó là những tấm bảng tôn sơn xanh, đôi khi là tấm gỗ đơn sơ treo lủng lẳng trên cành cây, hầu hết là đơn giản, bởi “Họ rất sợ sự hoành tráng của cổng chào làm lái xe mất tập trung và gây tai nạn. Ước tính từ khoảng vài trăm đô la cho đến 1000 đô la cho một… cổng chào.

Cổng chào của Hà Nội: toàn cỡ to bằng tòa nhà chục tầng, hoành tráng và tốn kém. Ước tính khoảng gần triệu đô một cổng chỉ để chào mà chưa biết đã chào được ai.

Người ta thu nhập gần 50.000$/năm/người mà chi cho bảng chào cỡ khoảng nghìn đô. Việt Nam ta chi hàng triệu đô cho một cổng chào trong khi thu nhập 1000$/năm/người.

Để chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi như:
- Lễ hội hoa Hà Nội
- Lễ hội Đống Đa kỷ niệm 221 năm Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long
- Lễ hội xuân Hà Nội 2010
- Lễ hội đền Hùng
- Lễ hội Cố đô Hoa Lư

Nước bé, dân số đông, thu nhập đang ở mức nghèo, mật độ dân số VN gấp 10 lần nước Mỹ, thu nhập kém họ những 46 lần, nhưng cổng chào to gấp hàng nghìn lần nước Mỹ”.

Trong bài “Dấu chấm đặt trên chữ i - hay là chuyện xây cổng chào” đăng trên trang Bauxite Vietnam, nhà giáo Phạm Toàn nói thẳng “cái dân tộc này cần học, học nữa, học mãi. Cái dân tộc này đừng nên học theo những thói hóng hớt. Cái dân tộc này chớ chạy theo những trò ăn chơi chết người. Hãy làm lại từ đầu với những hành động thiết thực xây dựng Tổ quốc. Đừng biến hậu thế thành những con nợ lút đầu. Chớ hành động vô trách nhiệm!”.

Chỉ riêng đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã có bao nhiêu dự án bị dân phản đối từ dự án di dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, xây trục Thăng Long nối liền Ba Vì với trung tâm hiện hữu, việc sơn quét làm mới các khu phố cổ, di tích cổ, chương trình 1000 hiện vật gửi tới mai sau, bị chỉ trích quá, cuối cùng vẫn gửi tới mai sau nhưng chỉ… một hiện vật mà thôi v.v.

Kể cũng lạ, một Chính phủ làm việc kiểu gì mà cứ thường xuyên bị dân phản đối?

Đó cũng là điều mà tác giả Hà Văn Thịnh nêu lên trong bài “Chính phủ tức cười: đưa ra cái gì cũng bị dân phản đối” đăng trên trang Bauxite Vietnam: “Đọc sách từ cổ chí kim và giật mình “phát hiện” ra rằng không có chính phủ nào như Chính phủ Việt Nam hiện nay, cứ đề ra kế hoạch “to tát” nào, thì đều bị người dân phản đối, la ó rầm trời!...

clip_image004

Công nhân đang hoàn thành đoạn cuối của con đường gốm sứ. RFA photo/Mặc Lâm

Phó thường dân như tôi xin hỏi quý vị lãnh đạo, những người đang nắm vận mạng đất nước, nhân dân trong tay, rằng như thế là thế nào? Có chính phủ nào trên thế giới cứ định làm gì là sai, là hỏng đấy; cứ “nghĩ” ra cái gì y như rằng tai họa đấy? Tại sao lại có cách điều hành đất nước kỳ quặc và khó hiểu đến như thế?...”.

Blogger Dr. Nikonian cũng có cùng suy nghĩ trong bài “Bá ngọ”: “Ra Hà Nội kỳ này, tôi nghe chửi hơi bị nhiều! Từ anh xe ôm, tài xế taxi, chị nhân viên văn phòng, bà cụ bán chè nước vỉa hè cho đến bác hưu trí… tất tật đều đồng thanh chửi.

Không phải chửi tôi, mà là chửi gay gắt, chửi chát chúa về các dự án bạc tỷ nhân dịp 1.000 năm Thăng Long”.

Riêng về dự án cổng chào, người dân nói gì? Chị nhân viên văn phòng xinh đẹp chửi đông đổng về dự án 5 cổng chào mất 50 tỷ.

Đọc sách từ cổ chí kim và giật mình “phát hiện” ra rằng không có chính phủ nào như Chính phủ Việt Nam hiện nay, cứ đề ra kế hoạch “to tát” nào, thì đều bị người dân phản đối, la ó rầm trời!...

Tác giả Hà Văn Thịnh

Chị ấy nói rất chát thế này: “Làm cổng chào cho hoành tá tràng làm gì, để đi vào trung tâm chỉ thấy kẹt xe, bụi, khói, ô nhiễm… không khác gì một cô gái mặc đồ rất đẹp, nhưng khi tiếp cận “nội thất” thì mới thấy hết sự xấu xí não nề”.

Chát thật, xin ngả nón bái phục phép so sánh kiểu này!

Tác giả đành phải tự hỏi: “Nikonian tôi nhiễu sự, ngồi vỉa hè mà vẫn băn khoăn: Nông nỗi nào mà bày ra trò gì cũng bị dân chửi om sòm? Khoảng cách giữa quan trí và nguyện vọng của bá tánh xem ra ngày càng xa xôi. Tại sao lại thế?”.

Tác giả Hà Văn Thịnh đã tự trả lời: “Câu trả lời ngắn và rõ: Vì không ít người trong số quý vị bất tài, kém cỏi, tham lam.

Sự khó hiểu lên đến tột đỉnh khi biết rằng người ta cứ quy hoạch, cứ đề ra “ý tưởng” nọ kia không phải vì ích dân, lợi nước mà là vì lợi ích phe nhóm, vì phải kiếm thật nhanh tiền dân, của nước!”.

Xem ra, với một cơ chế đặc quyền đặc lợi như thế này thì những chuyện vung tiền qua cửa sổ để tạo ra những công trình kém hiệu quả về mọi mặt, cho dù là tiền thuế của dân, tiền đi vay nợ hay tiền của các doanh nghiệp đóng góp… vẫn còn tiếp tục diễn ra dài dài!

NH

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn