Cơ sở pháp lý nào cho lực lượng dân phòng tại các đô thị hiện nay?

Hà Đình Sơn

image Những năm gần đây, tại các đô thị, thành phố của Việt Nam, xuất hiện thêm một lực lượng có trang bị đồng phục với đủ các màu sắc xanh, vàng, kiểu dáng mũ, hiệu, hàm, sao, vạch, được trang bị gậy gộc, dùi cui thậm chí cả chích điện… khác nhau tùy thuộc từng phường, từng địa phương – đó chính là lực lượng được gọi tên là Dân phòng.

Theo dõi trên báo chí, truyền hình luôn thấy xuất hiện lực lượng này trong các sự kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, phá dỡ nhà dân, tham gia cùng lực lượng công an chặn bắt người tham gia giao thông, dẹp vỉ hè, đuổi bắt người bán hàng rong, ngăn chặn người dân đi khiếu kiện, tham gia vào tổ chức ‘quần chúng tự phát’… Các hình ảnh của Dân phòng, tạo cho mọi người liên tưởng đến ‘hình bóng’ của lực lượng Hồng vệ binh bên Trung Quốc ngày trước. Nói chung, lực lượng Dân phòng là người ‘tiền phong’, là ‘công cụ’ cho UBND và Công an phường trong các hoạt động cưỡng chế của nhà nước đối với dân tại các đô thị, thành phố hiện nay.

Lực lượng này là ai? Do ai tổ chức, thành lập và ai chỉ huy? Hoạt động trên cơ sở pháp lý và nguồn tài chính ở đâu?

Lực lượng này là ai, là thành phần nào, thì những người dân sống ở thành phố biết hơn ai hết, Dân phòng là những người ở trong phường, do UBND phường thành lập và do UBND và công an phường chỉ huy.

Luật Quốc phòng 2005:

Điều 15. Dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở.

2. Tổ chức, nhiệm vụ và chế độ phục vụ của Dân quân tự vệ do pháp luật về dân quân tự vệ quy định.

Luật Dân quân, Tự vệ 2009:

Điều 3. Vị trí, chức năng của dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Căn cứ các Luật Quốc phòng 2001, Luật Công an nhân dân 2005, Luật Dân quân, Tự vệ 2009, có thể khẳng định Dân phòng không phải là một thành phần của quân đội, công an, không phải là dân quân, tự vệ.

Vậy Dân phòng, có nguồn gốc từ đâu, cơ sở pháp lý nào? Chiểu theo Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, phải chăng là nguồn gốc từ đây.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

5. Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.

Theo Điều 43. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy

Lực lượng phòng cháy và chữa cháy là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân bao gồm:

1. Lực lượng dân phòng;

Lực lượng dân phòng là một bộ phận của lực lượng phòng cháy chữa cháy toàn dân, sinh ra để phục vụ hoạt động PCCC là chính.

Theo Điều 44. Thành lập, quản lý, chỉ đạo đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở

1. Đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được thành lập, quản lý, chỉ đạo theo quy định sau đây:

a) Tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý và chỉ đạo;

[…]

2. Cấp ra quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy địa phương.

Như vậy, không biết khi thành lập các đội dân phòng, Chủ tịch UBND phường có thông báo cho Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy địa phương hay không, hay chức năng của đội dân phòng đã biến tướng thành lực lượng tham gia quản lý trật tự xã hội.

Theo Điều 45. Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

1. Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.

3. Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

4. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

5. Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.

Lực lượng dân phòng không có nhiệm vụ tham gia quản lý trật tự xã hội, ngoài các nhiệm vụ PCCC.

Theo Điều 46. Huấn luyện, bồi dưỡng, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, điều động và chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở

2. Lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và khi trực tiếp tham gia chữa cháy theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động dân phòng là từ nguồn chi của PCCC.

Vậy tại sao, đất nước không có chiến tranh, không có bạo động, đã có lực lượng công an chuyên nghiệp và đủ các lực lượng thanh tra chuyên ngành mà còn thành lập, duy trì đông đảo đội ngũ dân phòng đến như vậy để làm gì? Duy trì đội ngũ này có các bất cập sau đây:

  1. Phát sinh thêm chi phí từ ngân sách nhà nước; tạo ra một thứ thuế bất hợp pháp đối với người dân sinh hoạt và làm ăn tại các đô thị;
  1. Lực lượng này thiếu đào tạo về kiến thức pháp luật và chuyên môn cần thiết, đã diễn ra không ít các hành xử phi pháp đối với người dân, khi nhân danh quyền lực của chính quyền;
  1. Gây phản cảm trong con mắt người dân và du khách quốc tế, phá vỡ môi trường yên bình trong xã hội nơi các đô thị;
  1. Tạo điều kiện cho lực lượng công an chuyên nghiệp nơi là nhiệm vụ, thoái thác trách nhiệm trong thừa hành công vụ;
  1. Đây là hành vi xâm phạm quyền tự do công dân.

Thiết nghĩ nhà nước nên xem xét lại cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng dân phòng; góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân đối với nhà nước đang bị vơi dần, đã mất đi không ít hiện nay.

Hà Nội, tháng 8/2010

H. Đ. S.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn