Cứu lấy núi Hồng - Sông La (kỳ 1 & 2)

Lê Thông - Hà Vy

Phượng Hoàng sẽ về đâu?

clip_image001

Mỏ đá Núi Lần, nơi UBND xã đã bán lại cho người dân

Truyền thuyết nói, chỉ vì khuyết mất một đỉnh mà chim phượng phải bay đi. Nay mất 99 ngọn thì hồn người Hà Tĩnh sẽ ra sao? còn đâu nữa dãy non Hồng Sừng sững. Hãy đừng để dãy non Hồng chỉ còn là truyền thuyết!

Nguyễn Hữu Vũ

Núi biến dạng bởi bàn tay con người

Khai thác đá là lẽ đương nhiên vì tài nguyên cũng chỉ để phục vụ cho con người. Nhưng cứ nhắm mắt mà khai, mà đào, mà bới ở bất kỳ đâu thì lợi đâu chưa thấy mà họa đã cận kề. Cái họa cho thấy từ bài báo này là sự mất đi một biểu tượng tinh thần, tâm linh của người Hà Tĩnh, sau đó là sự xáo trộn về cảnh quan môi trường và nhiều vấn đề khác...

Phạm Tuân

(Tamnhin.net) - Sau khi phát hiện ra những mỏ đá do các đầu nậu tổ chức khai thác trái phép bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa ở huyện Nghi Xuân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, ngay sau lệnh cấm này UBND xã Xuân Viên đã... bán lại cho một số người dân.

Hàng ngày có hàng chục người dân với đủ các lứa tuổi khác nhau ở các xã Xuân Lĩnh, Xuân Viên huyện Nghi Xuân rủ nhau lên các sườn núi thuộc dãy Hồng Lĩnh khai thác đá bán cho các công trình xây dựng.
Dọc đường 8B đến huyện Nghi Xuân chúng tôi bắt gặp cảnh tượng những người dân với đủ các lứa tuổi khác nhau đang trần mình "hì hục" khoét núi xẻ đá ở các đỉnh núi thuộc dãy Hồng Lĩnh.
“Chúng tôi phải mua mỏ đá này tới... 2 lần”

Tại một mỏ đá “tự phát” ở Núi Lần, xã Xuân Viên nằm sát ngay trục dường 8B chúng tôi làm quen được với vợ chồng anh Trần Văn Vân và chị Lê Thị Tuyết, là những người đã có “kinh nghiệm” trên vài chục năm trong lĩnh vực khai thác đá trái phép.
Anh kể lại quá trình trở thành “ông bà chủ” của hai vợ chồng tại mỏ đá này: “Trước đây những ngọn núi trên dãy Hồng Lĩnh của các xã Xuân Viên, Xuân Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân có hàng chục mỏ khai thác đá tự phát do các đầu nậu của địa phương tự lập nên.

clip_image002
Vợ chồng anh Vân cho biết việc khai thác đá ở đây rất vất vả và nguy hiểm nhưng thu nhập lại rất thấp

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác có những vụ lở đá gây tai nạn chết người xảy ra nên các mỏ đá này đã bị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động. Nhưng kể từ đầu năm 2006, một hình thức khai thác mới lại được bắt đầu dưới sự tiếp tay của chính quyền địa phương.
Để cho người dân ở đây khai thác các mỏ đá trước đây đã bị UBND tỉnh đình chỉ, chính quyền UBND xã Xuân Viên buộc những người khai thác phải bỏ ra từ 7 đến  11 triệu đồng để có quyền tận thu những số đá còn lại.
Để có được mỏ đá này tôi đã phải nộp cho xã Xuân Viên 7 triệu, còn mỏ sát ngay bên cạnh anh Nguyễn Văn Minh, người cùng xã cũng phải nộp 4 triệu. Đến năm 2007, sau một trận mưa lớn đá từ trên cao lại đổ ập xuống. Thấy đá nhiều hơn trước, xã lại bắt gia đình tôi nộp thêm 5 triệu, còn anh Minh thì phải nộp thêm 2,5 triệu nữa để được tiếp tục khai thác”.

clip_image003
Sau khi bỏ ra từ 7 đến 11 triệu đồng anh Vân và anh Minh được UBND xã Xuân Viên ký cho bản cam kết tận thu đá tại các mỏ đã bị UBND tỉnh đóng cửa

Sau một thời gian khai thác không đem lại hiệu quả nên anh Minh đã bỏ, còn anh Vân vì hoàn cảnh khó khăn nên “đâm lao đành phải theo lao”.
Chị Lê Thi Tuyết cho biết: “Trước đây khi xã chưa cấm khai thác và chưa phải đóng thuế thì các đầu nậu ở địa phương tranh giành nhau. Nhưng từ ngày xã bắt đóng thuế thì có rất ít người dám nhận. Gia đình tôi gồm 3 người làm việc quần quật suốt cả ngày nhưng thu nhập cũng chỉ được 70 ngàn đồng/1 ngày”.
“Nghề khai thác đá theo kiểu thủ công này rất nguy hiểm. Do không được dùng mìn nên muốn có đá tôi phải trèo lên các vách núi cheo leo dùng búa và xà beng đập, cạy cho đá đổ xuống. Vì thế đá văng vào chân là chuyện 'xảy ra như cơm bữa'. Biết là nguy hiểm nhưng gia đình tôi vẫn phải làm với hy vọng vớt vát lại số tiền thuế đã nộp”, anh Vân kể.
“Không có chuyện xã bán cho dân!?”

Trao đổi vấn đề này với  Tamnhin.net, ông Cao Viết Đức - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên hoàn toàn phủ nhận vấn đề trên: “Các mỏ đá ấy là do người dân tự ý khai thác lại số đá thừa, chỉ dùng để xây các công trình phụ chứ không phải họ khai thác để bán. Còn việc xã bán các mỏ đá các hộ dân khai thác là hoàn toàn bịa đặt”.
Ông Đức còn cho rằng, hiện nay các mỏ đá ở xã đều đã bị cấm nhưng nhiều người vẫn lén lút vào khai thác. Hành vi này xảy ra không thường xuyên và nếu bị phát hiện thì xã sẽ xử lí ngay.

clip_image004
Ông Cao Viết Đức, Chủ tịch xã Xuân Viên khẳng định:"Không có chuyện xã bán lại mỏ đá cho dân khai thác?"

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì sự việc lại hoàn toàn trái ngược với những gì mà vị Chủ tịch này đã nói.
Hiện tại gia đình anh Trần Văn Vân và anh Nguyễn Văn Minh vẫn lưu lại những hóa đơn chứng từ để chứng minh việc gia đình chị khai thác đá là được sự đồng ý của chính quyền xã.
Và hầu như ngày nào tại các mỏ đá tự phát nằm trên địa bàn xã Xuân Viên, người đến khai thác đá vẫn luôn "vui vẻ" và "tấp nập".
Kỳ tới: “Quy hoạch mỏ đá cách nhà dân chưa đầy... 200m”

LT - HV

Nguồn: http://tamnhin.net/Chuyen-dong/2506/Cuu-lay-nui-Hong--Song-La-ky-1.html

Nham nhở cả rồi... Núi Hồng ơi!

Hà Vy - Lê Thông

(Tamnhin.net) - 70 hộ dân khối 8, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nằm lọt thỏm giữa hàng chục mỏ khai thác đá. Suốt hơn chục năm qua người dân nơi đây đã quen với cảnh tiếng mìn giật đinh tai nhức óc và khói bụi bay phủ kín trời đất. Một xóm có... 15 mỏ khai thác đá.

Dãy Núi Hồng chạy qua địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc và huyện Nghi Xuân nhưng các mỏ khai thác đá chủ yếu nằm ở khối 8, phường Đậu Liêu, (Hồng Lĩnh) và xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân).
Trong đó xã Xuân Lĩnh có 8 mỏ, phường Đậu Liêu 17 mỏ. Đặc biệt trong số này có đến 15 mỏ khai thác đá nằm ở khối 8, phường Đậu Liêu.


Để khai thác được đá hàng chục ha rừng thông đã bị chặt hạ không thương tiếc

Dọc theo tỉnh lộ 8B nối thị xã Hồng Lĩnh đến huyện Nghi Xuân đi đến đâu chúng tôi cũng đều bắt gặp cảnh tượng các cơ sở khai thác đá đang chạy đua với thời gian để “xẻ thịt” Núi Hồng.
Để khai thác được đá, việc đầu tiên là phải chặt bỏ những cánh rừng thông xanh ngát đang đứng hiên ngang trên đỉnh núi. Sau đó hàng loạt máy móc và trang thiết bị được vận chuyển đến để bóc lớp đất phong hóa. Khi các mảng đá xanh đã bắt dầu lộ diện thì các kho chứa mìn cũng bắt đầu được xây dựng, và mìn cũng sẽ được chuyển về ngay...  khi có nhu cầu.
Sau những tiếng nổ đinh tai nhức óc, rung chuyển cả núi rừng và nhà cửa là cảnh tượng từng tảng đá nặng hàng chục tấn đổ rầm rầm xuống chân núi. Tiếp đến là đến công đoạn đập đá, nghiền đá và vận chuyển đi tiêu thụ. Vòng quay này đã "tuần tự", lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm qua.
Cả dãy Núi Hồng dài hàng chục km như nát vụn ra sau những tiếng mìn nổ. Màu xanh của núi được thay bằng một màu xám xịt, loang lổ trắng hoang lạnh.
Núi Hồng đang rỉ máu!
Ông Nguyễn Văn Hưng (70 tuổi) kể: “Nếu ai đã lâu không về quê thì bây giờ không nhận ra đâu là Núi Hồng nữa. Không hiểu họ cấp phép kiểu gì mà hầu như đỉnh núi nào cũng bị khai thác nham nhở. Thấy cảnh tượng này mà xót xa quá, nhưng bất lực không làm gì được”.


Nát bươm Núi Hồng

Hầu hết người dân ở khối 8 khi được hỏi đều phản ánh rằng, trong hàng chục năm qua khi nào họ cũng phải sống trong cảnh bị tiếng mìn và khói bụi từ các mỏ đá tra tấn và gây ô nhiễm rất nặng nề.
Theo điều tra của Tamnhin.net thì ngoài những mỏ đá được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép thì dọc tỉnh lộ 8B còn có khá nhiều mỏ khai thác đá “tự phát” do các hộ dân tự lập nên. Và một điều chắc chắn là những mỏ đá này không hề có tên trong danh mục quản lý của bất kỳ một cơ quan chức năng nào ở Hà Tĩnh.
“Phường chẳng được lợi ích gì”

Bà Đặng Thị Lý, Chủ tịch phường Đậu Liêu cho biết: “Phường Đậu Liêu với diện tích 2443 m2 nhưng có tới 17 mỏ đá. Các mỏ đá này tập trung chủ yếu ở khối 8, chỉ có hai mỏ đá nằm ở địa bàn khối 1. Từ khi HTX về khai thác các mỏ đá ở đây thì phường không nhận được một lợi ích nào từ các mỏ đá này, có chăng thì phường "nhận được" sự ô nhiễm. Trong năm 2009, có 3 trên tổng số 17 mỏ đá nộp cho phường 27 triệu đồng tiền phí môi trường, ngoài ra chúng tôi không hề nhận được bất cứ lợi ích gì từ mỏ đá. Nguồn lao động trong các mỏ đá này cũng không phải là người địa phương mà chủ yếu là từ các địa phương khác đến”.

Có 17 mỏ khai thác đá trên địa bàn nhưng năm 2009, phường Đậu Liêu chỉ thu về 27 triệu tiền phí môi trường của 3 doanh nghiệp

Việc các mỏ đá ở đây hoạt động với mật độ dày đặc đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía người dân. Đặc biệt là những mỏ đá nằm quá gần nhà dân như mỏ đá của HTX Minh Tân và mỏ đá của đơn vị Việt - Séc.
“Mặc dù chính quyền phường đã thông báo với Phòng TN&MT thị xã nhưng các mỏ đá này vẫn thực hiện không nghiêm túc về vấn đề môi trường”, bà Lý cho biết thêm.
“Chỉ khai thác trong vùng đã quy hoạch”

Trong cuộc làm việc với Tamnhin.net về vấn đề khai thác đá trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Hồng Lĩnh được thiên nhiên ban tặng cho một kho tài nguyên quý giá đó là đá. Việc cấp phép cho các cơ sở khai thác đá ở Núi Hồng là lẽ đương nhiên vì hiện nay nhu cầu cung cấp đá xây dựng cho các công trình trên địa bàn cả tỉnh là hết sức cấp thiết. Tôi không trả lời câu hỏi là số lượng mỏ đá ở trên địa bàn này là nhiều hay ít mà tôi muốn nhấn mạnh là các mỏ này đều nằm trong vùng quy hoạch".

Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh:"Các mỏ đá đang khai thác đều nằm trong vùng quy hoạch".

Ông Hổ còn nhấn mạnh: "Núi Hồng là biểu tượng của Hà Tĩnh nên quan điểm của cá nhân tôi là phải khai thác hợp lý, có quy hoạch cụ thể chứ không để tình trạng cả 99 ngọn non Hồng bị đào lên nham nhở. Trong Đại hội Thị ủy vừa rồi tôi có đề xuất phương án với Sở TN&MT là yêu cầu các doanh nghiệp và HTX khai thác đá phải bỏ vốn đầu tư công nghệ để đảm bảo an toàn lao động và môi trường. Nếu doanh nghiệp nào mà không đáp ứng được các yêu cầu quy định thì nên thu hồi giấy phép kinh doanh”.

HV - LT

Nguồn: http://tamnhin.net/Chuyen-dong/2504/Ky-4-Nham-nho-ca-roi-Nui-Hong-oi.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn