Giọng lưỡi xảo quyệt của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng: Trung Quốc nên chủ động bảo vệ chủ quyền của mình tại Trường Sa

Ta Kung Pao (Đại công báo/Hồng Kông 04-8-2010),

BBC dịch sang tiếng Anh

Bản báo cáo trên trang mạng thông tin của Ta Kung Pao ngày 4 tháng 8.

[Lời bình của Song Xiaozhuang, người tự nhận là có học vị Tiến sĩ Luật: “Cuộc tranh chấp biển đảo trên Biển Đông rất phức tạp”]

Vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông rất phức tạp bởi vì nó liên quan đến nhiều quốc gia. Tại thời điểm hiện tai, cuộc tranh chấp liên quan chủ yếu giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philipines và Malaysia. Nếu tình hình hiện tại không được cải thiện, vụ tranh chấp có thể mở rộng thành vụ tranh chấp với Indonesia và Brunei. Những mối bang giao của Trung Quốc với các nước khác trong khối ASEAN sẽ bị ảnh hưởng. Hoa Kỳ cũng có ý định nhúng tay khuấy đảo vụ tranh chấp cho những mục đích vị kỷ, khiến vấn đề tranh chấp các vùng biển đảo ở đây trở nên phức tạp hơn.

Thiển nghĩ cũng đáng bỏ công tìm hiểu xem tại sao tình hình đã trở nên như ngày hôm nay. Trước tiên chúng ta nên thừa nhận rằng, dù những chính quyền Trung Quốc trước đây đã không bỏ mặc vấn đề Biển Đông, thế nhưng họ đã không hành động bén nhạy kịp thời. Không bỏ mặc vấn đề Biển Đông có nghĩa là, chẳng hạn như: Năm 1883, nước Đức lên kế hoạch khảo sát vùng Tây Sa [cách gọi của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa] và Nam Sa [quần đảo Trường Sa]. Kế hoạch đã bị hủy bỏ ngay sau khi bị triều đình nhà Thanh phản đối; năm 1909, quan Tổng trấn Quảng Đông và Quảng Tây đặc phái Lý Hòa, Tổng đô đốc hải quân, đến tuần tra Tây Sa và khắc tên trên đá để tái xác định chủ quyền; năm 1931, khi Pháp hãnh diện khẳng định “quyền ưu tiên sở hữu” đối với quần đảo Tây Sa, chính quyền Trung Quốc cực lực phản đối tuyên bố đó của Pháp. Tuy nhiên, vẫn hiện hữu nhiều sự kiện cho thấy [Trung Quốc] không đủ khả năng hành động nhạy bén kịp thời: năm 1933, Pháp chiếm đóng chín đảo nhỏ trong quần đảo Nam Sa. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, thế nhưng đã không thực thi biện pháp nào để ngăn chặn việc chiếm đóng đó; sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vào năm 1945, Nhật đã trả lại hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa cho Trung Quốc. Năm 1946, chính quyền Trung Quốc đã đặc phái nhiều tàu chiến đến để tiếp thu việc trao trả và đã cho xây một tượng đài và cử quân đồn trú đến đóng trên một trong những hòn đảo lớn; năm 1947, Bộ Nội Vụ Trung Quốc tuyên bố danh sách tên các đảo, bản đồ vị trí, kinh độ và vĩ độ của hơn 170 hòn đảo, dải san hô, bãi cát lớn nhỏ thuộc Biển Đông, nhưng nó chỉ đánh dấu chín đường đứt khúc chỉ định ranh giới quốc gia. Tại sao Trung Quốc đã không định rõ đường biên giới quốc gia theo đường liền nhau? Sự kiện này chỉ ra rằng tại thời điểm đó đường biên giới quốc gia chưa được quyết định, và nó cũng cho thấy Trung Quốc có thiện chí và để ngỏ để vấn đề đường biên giới quốc gia sẽ được phân định cùng với những quốc gia lân bang trong tương lai. Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng đường biên giới vẫn chưa thể quyết định. Hiện tại, cả hai phía ở hai bên vùng biển đều có quân đội đồn trú trên chỉ 8 đảo và dải đá thuộc quần đảo Nam Sa nằm trong phạm vi của đường biên giới đứt khúc, trong khi Việt Nam chiếm giữ 29 đảo, Philipines 8 đảo, và Malaysia hơn 10 đảo.

Việt Nam, Philipines và Malaysia Hiểu sai Luật pháp Quốc Tế

Thứ hai là, Việt Nam, Philipines, Malaysia, và những quốc gia khác đã cố tình diễn dịch sai lạc luật pháp quốc tế. Chẳng hạn như: (1) chiếu theo phương diện khám phá và chiếm giữ tiên khởi, luật pháp quốc tế công nhận chủ quyền chiếm giữ tiên khởi đối với vùng lãnh thổ vô chủ, nhưng cần thiết phải chứng minh nó vô chủ trước khi được khám phá và chiếm giữ. Tuy nhiên, những đảo thuộc Biển Đông đã thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Không chỉ tồn tại di tích của những tư liệu lịch sử, những bản văn và bản đồ thuộc sở hữu bởi các thành phần ngoài cuộc thứ ba không liên quan đến quyền lợi tranh chấp, mà còn có đầy đủ những chứng cứ biên niên sử ngoại giao trước thời Việt Nam, Philipines và Malaysia chiếm giữ những hòn đảo đã đề cập tới ở trên; (2) Chiếu theo phương diện vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo đúng “Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc”, một quốc gia có biên giới biển có vùng đặc quyền kinh tế biển và thềm lục đia trong phạm vi 200 hải lý, thế mà quần đảo Trường Sa nằm xa ngoài 200 hải lý tính từ lục địa của Trung Quốc nhưng lại nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam, Philipines, và Malaysia. Đây là sự trích dẫn ngoài ngữ cảnh quy định luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển năm 1982. Điều khoản 28 trong “Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế” [năm 1969] quy định rằng “trừ phi có một chủ định khác biệt xuất hiện trong thỏa ước hoặc là có quy định trái hẳn đi, thì những điều khoản của nó không ràng buộc đối với một bên ký kết liên quan bất cứ hành vi hoặc thực tế nào mà đã xảy ra hoặc hoàn cảnh nào mà đã không còn tồn tại trước ngày xác định hiệu lực của thỏa ước tương ứng với bên ký kết đó”. Đây là nguyên tắc bất hồi tố của thỏa ước. Công ước về Luật biển cũng là một thỏa ước quốc tế. Trước lúc nó trở thành có hiệu lực, Trung Quốc đã sở hữu chủ quyền đối với những biển đảo trên Biển Đông. Việc sở hữu chủ quyền này không chịu tác động của công ước. Do vậy, Philipines và Malaysia không thể đòi hỏi quyền từ Trung Quốc trên cơ sở của công ước. Hơn nữa, đa số những đảo do Việt Nam chiếm giữ đều nằm xa ngoài vùng 200 hải lý. Hiển nhiên, Việt Nam cũng không thể đòi hỏi quyền chủ quyền đối với những đảo đó.

Cuối cùng, Philipines, Malaysia và những quốc gia khác đã viện dẫn luật pháp bản địa để quyết định vùng lãnh thổ của Trung Quốc là sai với luật pháp của riêng họ. Vào năm 1973, bản “Hiến pháp của Philipines” qui định rằng “lãnh thổ quốc gia Philipines là những đảo Philipine bao gồm nhiều vùng biển và đảo khác cùng tất cả lãnh thổ khác thuộc về quốc gia Philipines trên cơ sở những quyền hợp pháp và quyền lịch sử”. Năm 1982, khi Philipines tham gia ký kết “Công ước về Luật biển”, nó đã tái xác định rằng nó không cho phép cắt giảm tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kalayaan [nằm trong quần đảo Trường Sa] (một số đảo và dải đá san hô bị hải tặc Phi chiếm đóng một thời gian ngắn – ghi chú của tác giả) và những vùng biển thuộc về nó. Theo cùng nội dung này, Malaysia không chịu đứng bên ngoài. Bắt đầu từ năm 1970, Malaysia bắt đầu liên tục sáp nhập một số đảo và rặng đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa vào vùng thuộc thềm lục địa của nó; thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế 1984, và Luật đánh bắt cá 1985, Malaysia đã “hợp pháp hóa” thành luật những đảo và dải đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc mà họ đã chiếm được.

Trung Quốc nên bảo vệ vùng biên giới biển của mình

Cuối cùng thì Việt Nam, Philipines, Malaysia, và những quốc gia khác đã thực hiện chiếm giữ một số đảo và dải đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc. Những quốc gia đó đã không chỉ xây dựng những cảng giao thông biển và cơ sở sinh hoạt mà còn đưa quân đội đến để bảo vệ những đảo và dải đá san hô mà họ đã chiếm được. Mặc dù số binh sĩ chỉ từ khoảng một trăm đến hơn vài trăm, ý nghĩa biểu trưng của sự hiện diện của quân đội đồn trú trên những đảo này là rất quan trọng.

Trung Quốc đã áp dụng một đối sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” để xử lý vấn đề tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Loại đối sách này đi theo đúng chiến lược ngoại giao, kinh tế, và chính trị của Trung Quốc. Nếu nó được thực thi thành công, nó có thể được gọi là một chính sách tuyệt vời. Tuy nhiên, nhận định từ trên chiều hướng tiến triển hiện thời thì, Việt Nam, Philippines, và Malaysia đang “bỏ lơ Trung Quốc để đơn phương thực hiện phát triển”. Trong hoàn cảnh như thế này, chúng ta không thể gác sang một bên những tranh chấp chủ quyền. Chúng ta phải đưa việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vào chương trình nghị sự.

Thể kỷ XXI là kỷ nguyên hàng hải của Trung Quốc. Trước hết, Trung Quốc phải bén nhạy trong việc điều quản các vùng biển thuộc bờ biển của mình (coastal waters). Chỉ làm được như thế Trung Quốc mới có thể bén nhạy trong việc điều quản những vùng biển xa hơn (Thái Bình Dương). Trung Quốc cần thiết phải nghiên cứu, đơn phương hoặc hợp tác với những quốc gia xung quanh, để đưa ra một chiến lược phát triển quần đảo Trường Sa, để tìm ra một đối sách thay thế khả thi thích ứng với quyền lợi cốt lõi của quốc gia trong tình hình mà đối sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” không mang lại kết quả nào, và để triển khai các chương trình “phát triển xa bờ” và “bảo vệ xa bờ” theo kiểu Trung Quốc một cách thật hiệu quả.

Hồ Kim Sơn dịch

Nguồn: Bản tiếng Anh của BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn