Một dân tộc thích đùa

Thanh Chung

(Tham luận của nhà văn Aziz Nesin* gửi Đại hội – Hội Nhà văn VN lần thứ VIII)

image Đại hội Hội Nhà văn khóa VIII đã kết thúc trong chiều 6-8-2010 với “thành công rực rỡ” gồm 15 Ủy viên chấp hành mặc dù 12 người trong danh sách 30 người được đề cử để bầu trong đó có hầu hết những nhà văn trẻ như Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư... đều xin rút khỏi danh sách. Có lẽ cũng vì thế mà cựu Chủ tịch Hữu Thỉnh vốn đã hói đầu vì mấy khóa tận tụy cho Hội vẫn phải... trở thành tân Chủ tịch thêm một khóa nữa để còn sợi tóc nào thì rụng cho hết.

Vấn đề bầu bán gần như chiếm hết ba phần tư thời gian nên thời gian thảo luận về nghề nghiệp, tôn chỉ của Hội chỉ còn là những khoảng xen kẽ giữa lúc chờ kiểm phiếu, trong tiếng ồn ào như chợ vỡ nên chẳng được mấy ai chú ý. Tuy vậy cũng có một tham luận nêu vấn đề bảo vệ sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ và một ý kiến phát biểu miệng đề nghị Ban chấp hành mới ra một Kiến nghị về tiếng nói của nhà văn đối với chủ quyền biển đảo cúa Tổ quốc. Ai nấy chưa kịp mừng và có vẻ cũng đang mong đợi thì đến giờ họp buổi chiều trước khi kết thúc, một nhà văn an ninh đã dội ngay một gáo nước lạnh, lên tiếng rằng đấy là “kêu to lòng yêu nước không đúng chỗ” (?!). Và tất nhiên là không còn một chút thì giờ nào để cho người phản bác – có vẻ như không ít – còn kịp bước lên diễn đàn.

Cũng vì thì giờ quá eo hẹp nên nhóm 27 anh em khởi xướng Kiến nghị Hội Nhà văn bỏ chế độ xin tiền Nhà nước chuyển sang tự lực cánh sinh tuy đã đăng ký từ sớm vẫn bị Chủ tịch đoàn bỏ qua vì không làm sao “sắp xếp được lịch”. Thôi thì Kiến nghị đã đăng trên BVN cứ coi như là đã công bố. May ra có nhà văn nào để mắt đến xin ký tiếp, được một số lượng chừng 100 người chúng tôi sẽ xin in ra và chuyển lên BCH Hội Nhà văn việt Nam.

Bauxite Việt Nam

Các bạn đồng nghiệp Việt Nam thân mến,

Cách đây gần hai thập kỷ, Aziz Nesin tôi được các bạn độc giả Việt Nam biết đến như một người “thích đùa”. Vâng, tôi đã phải trả giá cho sự bông đùa của mình bằng nhiều năm ngồi bóc lịch sau song sắt. Nhà cầm quyền ở nước tôi không thích đùa. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ không thích đùa. Các bạn may mắn hơn tôi vì được sinh ra và hành nghề cầm bút ở một xứ sở con người luôn lạc quan, mơ mộng và hài hước.

Chẳng có một dân tộc nào trên thế giới rầm rập đi tìm lối tắt khi trong tay chỉ có chiếc la bàn “made in China”. Sau mấy chục năm loanh quanh không tìm được lối ra, các bạn vẫn vui vẻ quay về vị trí xuất phát và không ngừng tìm cách “đón đầu”. Các bạn đã rút ngắn được đáng kể con đường dẫn đến kho tàng tri thức loài người. Nước Mỹ luôn tự hào là một trong những cường quốc trên thế giới, có những trường đại học hàng đầu như Havard, MIT… nhưng họ vẫn phải mất từ 7 đến 10 năm mới đào tạo xong một Tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam không cần biết tiếng Anh, bảo vệ thành công luận án trong vòng sáu tháng.

Con người cất cánh bay lên được vì đã dám ước mơ. Và cũng chỉ ở Việt Nam, ước mơ đã sải cánh suốt rộng dài đất nước. Ngành giáo dục của các bạn mơ có những trường đại học mang đẳng cấp quốc tế. Sinh viên nước ngoài đến du học ở Việt Nam phải qua mấy kỳ phỏng vấn mới xin được visa. Các nước sẽ được cấp quota gửi sinh viên sang nhờ Việt Nam đào tạo. Ngành đường sắt mơ một ngày có đường tàu cao tốc. Bước lên tàu từ sân ga Hàng Cỏ, chưa kịp viết hết một khổ thơ đã tới ga Hòa Hưng. Ngành điện mơ những lò phản ứng hạt nhân. Bán điện cho các nước láng giềng lạc hậu. Ngành khoáng sản mơ giấc mơ bô-xít. Bùn đỏ biến thành hồ nước trong veo. Vinashin mơ sẽ cho hạ thủy những con tàu hiện đại đi khắp đại dương. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ làm chao đảo cả phố Wall. Ngân hàng Thế giới sẽ chọn Việt Nam làm Hội sở.

Nếu chỉ số hạnh phúc của Liên hiệp quốc lấy tiêu chí hài hước làm trọng thì Việt Nam sẽ đứng trong “top ten” các dân tộc hạnh phúc trên thế giới. Chỉ có ở đất nước của các bạn, “thế giới ngày mai” mới đeo cặp đu dây qua sông tới lớp. “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, các bé gái tuổi vị thành niên thành món quà của thầy Hiệu trưởng gửi tới cho bạn bè trên tỉnh. “Tiên học lễ”, nữ sinh lột quần áo nhau quay phim đưa lên youtube. Cô giáo túm vào chỗ kín của học sinh nam. Trò hư phải thay nhau liếm ghế. “Hậu học văn”, quay cóp được nâng lên thành nghệ thuật. Thầy ra bài, thầy thu tiền, thầy cho đáp án trước ngày thi. Trò thuê người học thay, thuê người viết luận văn, bằng giả bày như rau dưa ngoài chợ.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, cảnh sát gọi người vi phạm giao thông vào góc đường làm luật. Cò kè cưa đôi. Người anh hùng bỗng chốc trở thành tội phạm vì mấy chục triệu quỹ đen. Kẻ tham nhũng tiền tỷ tỷ được xem xét vì có nhân thân tốt. Chưa tranh tụng trước tòa đã biết bao nhiêu năm nằm khám. Tử tù sinh con trong phòng biệt giam.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, bê tông mới được đúc bằng cốt tre. Cầu vượt đang xây dầm đã lao xuống đất. Hầm đường bộ thành sông trong thành phố. Đường chưa bàn giao đã sụt, lún, chân chim.

Chỉ có ở đất nước các bạn, mới có Thủ tướng chân tình “ba năm qua tôi chẳng kỷ luật ai”. Các Nghị sĩ hồn nhiên đồng thuận. Anh bạn láng giềng – tặng nhau cả 16 chữ vàng vẫn là “nước lạ”. Chiến sĩ hòa bình bờ Đông canh giữ cho giấc ngủ bờ Tây.

Chỉ có ở đất nước các bạn, người viết bằng mọi giá chen chân vào Hội Nhà văn. Một phần ba số hội viên muốn được làm lãnh đạo. Đại hội không bàn chuyện văn chương, chỉ lo bầu bán. Ai cần Hội Nhà văn? Hội Nhà văn cần ai?

Các bạn may mắn hơn tôi, mỗi buổi sáng vào mạng đọc tin, có thể tìm thấy hàng trăm ngàn đề tài để viết. Cả một dân tộc thích đùa. Tác phẩm không hấp dẫn mới là chuyện lạ.

Vẫn biết Đại hội mới bắt đầu,  nhưng chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Chúc các bạn có một Ban chấp hành mới, hoạt động không cần tiền thuế của dân. Chúc các bạn có nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel, tất cả nhà văn sống được bằng ngòi bút.

(Ngàn lần xin lỗi nhà văn Aziz Nesin vì vụ “đạo” tên này).

___

Aziz Nesin sinh năm 1915. Ông được đề cử cho nhiều giải văn chương ở Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Liên Xô cũ. Tác phẩm của ông được dịch ra trên ba mươi thứ tiếng. Về cuối đời, ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất sống được bằng thu nhập từ viết sách. Năm 1972, ông lập ra quỹ Nesin. Mỗi năm, quỹ này chọn ra bốn trẻ em nghèo, đưa về chăm sóc, nuôi cho ăn học từ cấp cơ sở, hết phổ thông trung học, đại học hoặc đào tạo nghề. Ông tặng cho Quỹ toàn bộ tiền bản quyền in ấn, dịch thuật và sử dụng các tác phẩm của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 vì một cơn đau tim.

TC

Nguồn: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://guihuongchogio.vnweblogs.com/post/4523/246878

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn