Nợ nước ngoài của Việt Nam: Những con số mới nhất

clip_image001

Các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số đều có lãi suất thấp

Bộ Tài chính vừa công bố bản tin số 5 về nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến thời điểm cuối năm 2009 đã lên đến gần 28 tỷ USD. Theo quy định của Chính phủ, các bản tin nợ nước ngoài được công khai và có độ trễ 6 tháng.

Vẫn trong giới hạn an toàn

Tính đến ngày 31/12/2009, tổng dư nợ nước ngoài quốc gia (bao gồm nợ nước ngoài Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh) là 27,929 tỷ USD, áp dụng tỷ giá quy đổi tại thời điểm cuối kỳ.

Đánh giá về con số này, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Đô trong một hội thảo gần đây cho rằng, nợ nước ngoài quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn. Quan điểm của ông Đô cũng được chứng minh trên tất cả các tiêu chí đánh giá.

Cụ thể, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP bằng 39%, thuộc diện quốc gia có nợ nước ngoài vừa phải, nếu xét theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (trên 50% được cho là nợ quá nhiều); nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn so với xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ chỉ bằng 4,2% (WB cho phép đến 25%); dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài ngắn hạn là 290% (khuyến nghị của WB là trên 200%); nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước 5,1% (ngưỡng an toàn của WB là dưới 35%)…

Cũng theo bản tin số 5, các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số đều có lãi suất thấp, trong đó vay ODA chiếm tỷ trọng 74,67%; vay ưu đãi chiếm 5,41%; vay thương mại 19,92%.

Không kể nợ được Chính phủ bảo lãnh, trong tổng số dư nợ nước ngoài Chính phủ gần 23,943 tỷ USD, có đến 19,325 tỷ USD lãi suất từ 1-2,99%; trên 1,5 tỷ USD lãi suất từ 3-5,99%; 281,7 triệu USD lãi suất 0-99% và 919 triệu USD ở mức lãi suất 6-10%. Ngoài ra, hơn 1,9 tỷ USD dư nợ còn lại được áp lãi suất thả nổi theo LIBOR 6 tháng và LIBOR Euro 6 tháng.

Cơ cấu đồng tiền vay trong tổng dư nợ nước ngoài Chính phủ cũng khá đa dạng, được cho là có thể hạn chế rủi ro về tỷ giá, giảm áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Cụ thể, lớn nhất là các khoản vay bằng đồng Yên, chiếm 41,96%; quyền vay đặc biệt SDR chiếm 27,39%; vay theo đồng USD chiếm 16,61%; vay bằng đồng Euro chiếm 10,68%; còn lại là các đồng tiền khác chiếm 3,37% tổng dư nợ nước ngoài Chính phủ.

Cũng theo Cục trưởng Đô, các dự án có vốn vay nước ngoài chủ yếu thuộc ngành năng lượng, giao thông vận tải, thủy sản, trồng rừng…

“Đến giờ phút này, những dự án nói chung hoạt động có hiệu quả. Theo các đánh giá độc lập, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,8%, mức rất thấp nếu so với chỉ tiêu tương ứng trong hệ thống ngân hàng nói chung”, ông Đô phát biểu với báo chí.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, tính cả gốc và lãi, sẽ vượt 1 tỷ USD trong năm nay; tăng trong các năm tiếp theo mà đỉnh điểm lên đến trên 2 tỷ USD vào năm 2016, trước khi giảm trở lại.

Cục trưởng Đô cho rằng, nghĩa vụ trả nợ vẫn trong tầm kiểm soát và Việt Nam không chậm trả các khoản nợ đến hạn.

Dư nợ, lãi suất, nghĩa vụ trả đều tăng nhanh

Nhưng, việc quản lý nợ nước ngoài quốc gia đang phải đối mặt với không ít thách thức. Để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và bù đắp thâm hụt ngân sách, nợ nước ngoài quốc gia đã tăng đáng kể chỉ trong vài năm trở lại đây.

So với thời điểm cuối năm 2005, con số gần 28 tỷ USD nợ nước ngoài quốc gia tính đến 31/12/2009 đã gấp gần 2 lần (so với 14,2 tỷ USD), sau hàng loạt các khoản vay của WB, ADB, Nhật Bản… được chuyển vào ngân sách trong năm vừa qua.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP thế nào là an toàn cũng chỉ là tương đối, đặc biệt sau hàng loạt các cuộc khủng hoảng xuất phát từ Mỹ và Hy Lạp vừa qua.

“Với mức nợ nào đó, nước này là thích hợp, ví dụ Nhật Bản là trên 100% GDP mà không vỡ nợ, nhưng nước khác chỉ 60% có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ công”, ông Đô cho biết.

Hơn nữa, một số chỉ tiêu giám sát nợ nước ngoài không được bền vững. Với mức thâm hụt cán cân thanh toán 8,8 tỷ USD vào năm ngoái, dự trữ ngoại hối đã giảm xuống chỉ còn 7-9 tuần nhập khẩu, từ mức 12 tuần trước đó.

Tác động đến tương quan giữa dự trữ ngoại hối so với tổng dư nợ ngắn hạn, chỉ tiêu này từ gấp 28 lần vào cuối năm 2008, chỉ còn hơn gần 3 lần tính đến 31/12/2009. Trước đó, đỉnh điểm là vào cuối 2007, chỉ tiêu này gấp gần 102 lần.

Lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ cũng có xu hướng tăng lên, sau khi Việt Nam được cho là đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, nhiều đối tác đã chuyển từ quan hệ cho vay ODA sang hình thức ít ưu đãi hơn.

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng từ 1,54%/năm vào năm 2006 lên 1,9%/năm trong năm 2009 và năm nay đạt tới 2,1%/năm.

Thêm vào đó, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn thấp. Lợi suất lên đến hơn 7% đối với khoản 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ngoại tệ được phát hành ra thị trường quốc tế vào đầu năm nay lý giải phần nào nhận định này.

Trong một hội thảo mới đây, trả lời chuyên gia Võ Trí Thành vì sao Việt Nam không phát hành trái phiếu quốc tế khi bảo hiểm rủi ro tín dụng CDS còn thấp (trong năm 2009), mà để đến khi giá CDS đã lên cao mới phát hành, ông Đô cho biết đã làm đúng như vậy, nhưng chỉ thiếu cái “nhấn nút” cuối cùng. Điều này cũng hàm ý, cơ quan quản lý nợ chưa có thực quyền và khung pháp lý quản lý nợ cần tiếp tục được hoàn thiện.

Vấn đề còn lại là Việt Nam đã quan tâm thế nào đến huy động vốn trong nước, thay vì chú trọng vào các khoản ngoại tệ thu được từ đối tác cho vay? Đành rằng ngoại tệ có thể giúp cân bằng cán cân thanh toán, nhưng nợ trong nước mới chiếm khoảng 40% tổng dư nợ Chính phủ cũng cần phải được nhìn nhận lại.

Theo Anh Quân
VnEconomy

Nguồn: http://dantri.com.vn/c76/s76-410750/no-nuoc-ngoai-cua-viet-nam-nhung-con-so-moi-nhat.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn