Thảm kịch đất lở: hậu quả của chính sách mù quáng chạy theo tăng trưởng kinh tế

Trọng Nghĩa

clip_image001

Đất lở tại Trung Quốc. Reuters

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến các vụ đất lở đã làm cả ngàn người chết trong những ngày qua, Bắc Kinh nhất loạt đổ lỗi cho thiên tai mưa lũ. Thế nhưng, các nhà quan sát, kể cả các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, đều đã tự hỏi về trách nhiệm của con người trong việc gây nên thảm họa này.

Tính đến hôm nay, 13/08/2010, các vụ đất lở tại miền Tây Bắc Trung Quốc, nhất là ở khu vực thành phố Chu Khúc, tỉnh Cam Túc, đã làm cho hơn 1.700 người chết hoặc mất tích. Con số nạn nhân dự kiến sẽ còn gia tăng trong thời gian tới đây vì các cơn mưa lũ vẫn tiếp tục. Theo báo chí Trung Quốc, hiện vẫn có hơn 10 ngàn người bị cô lập. Thiệt hại vật chất được dự báo là sẽ rất cao.

Vì đâu nên nỗi? Đó là câu hỏi mà mọi người đều đã đặt ra khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở Chu Khúc, khi hàng tấn đất bùn từ sườn núi cuồn cuộn chảy xuống kéo sập và san bằng mọi loại nhà cửa dinh thự nằm trên dòng chảy của con sông bùn. Trong một thời gian ngắn, mạng sống của cả ngàn người đã bị cướp đi.

Đối với chính quyền Trung Quốc, chính thời tiết khắc nghiệt bất thường là nguyên do gây ra trận đất lở dữ dội nhất trong vòng 6 thập kỷ nay. Theo Tân Hoa xã, các chuyên gia địa chất sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng để tìm hiểu căn nguyên vụ đất lở. Trước mắt họ cho rằng chính nạn hạn hán kéo dài gần 9 tháng trong khu vực Chu Khúc và trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 đã làm nhiều nhánh núi giãn nở, gây ra hiện tượng rạn nứt địa chất, dẫn đến trận lở đất kinh khủng vừa qua ở Chu Khúc.

Thế nhưng, theo các chuyên gia môi trường, thảm kịch ở Chu Khúc, cũng như nhiều tai họa khác trong thời gian gần đây tại Trung Quốc là hệ quả của tình trạng phát triển kinh tế tràn lan mà không đếm xỉa đến tác động môi trường. Trong thời gian qua, giới bảo vệ sinh thái đã thường xuyên cảnh báo về hậu quả việc ào ạt phá rừng, xây dựng đường sá hay các đập thủy điện, đây thường là chủ trương của các chính quyền địa phương.

Theo nhân vật phụ trách Các vấn đề Năng lượng và Biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace, chi nhánh Trung Quốc, thì thảm kịch Chu Khúc "phản ánh những thách thức và rủi ro mà tăng trưởng kinh tế mang đến những vùng nghèo". Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông giải thích: "Các địa phương Trung Quốc bị thúc ép phải làm mọi cách để loại bỏ đói nghèo thông qua phát triển kinh tế và, tiến trình này góp phần hủy hoại môi trường".

Không chỉ có giới bảo vệ môi trường là quy trách nhiệm cho con người trong việc làm cho thiên tai nghiêm trọng thêm. Báo chí chính thức của Trung Quốc trong những ngày qua cũng lên tiếng chỉ trích việc chạy theo tăng trưởng mà lơ là hậu quả đối với môi trường.

Nhật báo Kinh doanh quốc gia ghi nhận: "Việc xây dựng các đập thủy điện nhỏ, khai thác quặng mỏ và xây dựng đường sá đã tác hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và làm tăng nguy cơ lở đất".

Theo một quan chức Cơ quan Thủy lâm địa phương, thì dọc theo con sông Bạch Long chảy qua Chu Khúc, hiện có hơn một nghìn đập thủy điện. Cuối tuần qua, hàng tấn mảnh núi bị sạt lở từ đỉnh núi rơi xuống đã làm nghẽn dòng sông, gây ra tình trạng ngập lụt trong khu vực.

Theo hãng AFP, sau ba thập kỷ cấp tốc công nghiệp hóa bất chấp hậu quả, Trung Quốc là nơi có nhiều thành phố và sông ngòi thuộc loại ô nhiễm nhất trên thế giới hiện nay. Nhận thức được tình trạng suy thoái này, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách cứu chữa và gần đây đã công bố một kế hoạch đóng cửa 2.000 nhà máy thuộc diện gây ô nhiễm nặng nề nhất. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ môi trường, cho dù công việc cần phải làm còn rất nhiều.

Trong các việc cần làm có vấn đề thay đổi tâm lý chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá vẫn còn rất mạnh. Theo Giáo sư Patrick Chovanec, Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh: "Các quan chức địa phương được khen thưởng khi thu hút đầu tư và tối ưu hóa được sự tăng trưởng, do đó họ chạy theo mục tiêu đó. Còn khi để xảy ra tai nạn, họ chỉ bị trừng phạt khi vụ việc gây ra nhiều tổn thất nhân mạng hoặc làm cho chính quyền trung ương bối rối mà thôi".

TN

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn