Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc phô trương sức mạnh

Mainichi Daily News

image Căng thẳng trên Biển Đông dâng cao vào ngày 23 tháng 6, trên đảo Laut, cách đảo Natura của Indonesia khoảng 105 km về phía Tây Bắc. Một tàu ngư chính lớn, màu trắng của Trung Quốc – tàu này đã bị tàu Hải quân Indonesia ra lệnh phải di tản khỏi khu vực – đe dọa sẽ tấn nếu không thả chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị Indonesia bắt giữ. Một súng trường có nòng cỡ lớn đã chĩa vào tàu Hải quân Indonesia, chuẩn bị phản công.

Các cuộc thách thức trên biển đã nổ ra do một nhóm hơn 10 tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong khu vực này một ngày trước đó, khi một tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một trong những tàu này. Đó là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) và các nước khác không thể hoạt động ở đó mà không được phép, theo các nguồn chính thức. Tuy nhiên, hai tàu ngư chính màu trắng của Trung Quốc xuất hiện khoảng 30 phút sau đó, khẳng định qua radio rằng họ không xem khu vực này là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và rồi chiếc tàu đã bị bắt giữ của Trung Quốc đã được thả.

Theo như video ghi lại hình ảnh ở hiện trường, do báo Mainichi Shimbun có được, cho thấy một trong những tàu ngư chính Trung Quốc có tên: "Yuzheng 311," ghi bằng chữ Trung Quốc. Tàu ngư chính này là một tàu quân sự cũ, được chuyển đổi hồi tháng 3 năm ngoái, thành tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc, hoạt động tại Biển Đông, trọng tải 4.450 tấn. Mặc dù con tàu trắng thuộc về Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giám sát ngành công nghiệp đánh bắt cá của nước này, nhưng nó vẫn mang dáng vẻ của một tàu quân sự.

Tuân theo yêu cầu của Trung Quốc, tàu tuần tra Indonesia đã thả chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc, nhưng Indonesia đã bắt chiếc tàu này lại vào sáng hôm sau, khi tàu Hải quân Indonesia đến khu vực. Không nản lòng, tàu ngư chính Trung Quốc vẫn ở thế tấn công. Tàu tuần tra Indonesia, làm bằng chất liệu carbon fiber, dễ bị hư hỏng do súng tấn công, đã chấm dứt bằng cách thả chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra trong khu vực. Tàu ngư chính này của Trung Quốc trước đó đã buộc Indonesia thả một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc mà họ đã bắt giữ hôm 15 tháng 5, và theo một viên chức Chính phủ Indonesia, đó là trường hợp đầu tiên tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong khu vực, đi kèm với một tàu hộ tống có vũ trang.

Biển Đông là nơi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước khác, gồm Việt Nam và Philippines, về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một viên chức thuộc Hải quân Đài Loan đã xác nhận rằng, có trữ lượng dầu mỏ phong phú dưới nước ở phía Bắc quần đảo Natuna, cho thấy Trung Quốc có thể theo đuổi các nguồn tài nguyên dưới đáy biển hơn là nguồn cá trong khu vực.

Thật ra, Bắc Kinh giải thích cho các viên chức Hoa Kỳ đang viếng thăm – ông Jeffrey A. Bader, Giám đốc cấp cao, phụ trách về châu Á, thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, và Thứ trưởng Ngoại giao James B. Steinberg – hồi tháng 3 năm nay rằng, Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, theo tin từ báo New York Times hồi tháng 4. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” cho một khu vực khác, ngoài Đài Loan và các khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương. Biển Đông thực sự là “đường sống” của Trung Quốc, với an ninh quốc gia và bảo đảm các nguồn tài nguyên bị đe dọa.

Báo Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã loan tin rằng một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc và chín thuyền viên bị bắt gần quần đảo Trường Sa vào ngày 22 tháng 6, và cuối cùng họ đã được thả sau các cuộc đàm phán, mà chưa bao giờ đề cập đến sự đối đầu giữa Trung Quốc với tàu Hải quân Indonesia hôm 23 tháng 6.

Trả lời câu hỏi của báo Mainichi dành cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Tần Cương đã trả lời bằng văn bản, cho biết rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh, và rằng Trung Quốc đã giải quyết xung đột một cách thỏa đáng thông qua các cuộc thảo luận và đàm phán thân tình với các nước có liên quan, hy vọng cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Trong khi đó, Indonesia đã không công khai công bố sự việc, rõ ràng là cân nhắc mối quan hệ kinh tế và các mối quan hệ khác với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono đã thừa nhận trong một cuộc họp nội các vào ngày 22 tháng 7 rằng, căng thẳng mới phát sinh trên biển Đông, gần quần đảo Natuna. Việc đột ngột nhắc đến các hòn đảo của Tổng thống cho thấy rõ ràng mối quan ngại của ông về sự xung đột với Trung Quốc.

Từ lâu Hoa Kỳ đã được nhắc đến qua việc kiểm soát Seven Seas (*) từ cuối Đệ nhị Thế chiến. Bây giờ, Trung Quốc đang nổi lên như một quốc gia mới, chuyên đi biển.

-----

(*) Seven Seas: đại dương trên thế giới bao gồm: Nam và Bắc Thái Bình Dương, Nam và Bắc Đại Tây Dương, Bắc cực, Nam cực và Ấn Độ Dương.

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: Mainichi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn