Văn nghệ và Chính trị (Nhìn lại lịch sử thanh trừng văn nghệ sĩ tại Trung Quốc thời hiện đại)

Vũ Huy Quang

(Phỏng vấn lãnh tụ Trotskit Trần Bích Lan (Ch'en Pi Lan, 1904-1987) về “Phong trào Trăm hoa” và “Cách mạng Văn hóa” tại Trung Quốc)

Lời nói đầu

Đây là vấn đề bao la của văn nghệ sĩ và quyền lực chính trị. Chính trị gia muốn kiểm soát văn nghệ, văn nghệ sĩ chỉ có 2 cách: Tuân phục hoặc bất tuân. Liên hệ giữa 2 giới luôn dính dáng tới thời cuộc, có nhiều kết quả bi thảm. “Toạ đàm Diên An”, “Mao thoại”, “Trăm hoa”, “Cách mạng Văn hóa”…tại Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ những biến cố bên ngoài (Câu lạc bộ Petofi ở Hung tạo biến cố chính trị) lẫn bên trong (các nhà văn bất tuân), đưa đến những thanh trừng ghê gớm. Những thanh trừng ấy cũng đã ảnh hưởng tới Việt Nam để thành “Nhân văn-Giai phẩm” để lại những kinh nghiệm đau thương khó quên. Bài phỏng vấn Trần Bích Lan do Antonio Farien thực hiện năm 1967, được đăng lại trong The Chinese Communist Party in Power, ấn bản 1980, Patfinder press, từ tr. 417-433, chúng tôi xin tóm lưọc dưới đây, nói về lý do sâu xa nào đã đưa đến chuyện này. Xin lưu ý là những phát biểu này xuất hiện trong lúc Mao còn sống. Bài phỏng vấn bằng tiếng Pháp, sau đó dịch qua tiếng Anh, không có chua nguyên ngữ chữ Hán, chỉ phiên âm Wade-Giles cho nhân danh, địa danh.

Chúng tôi cũng đúc kết, tham khảo thêm Trần Độc Tú nghiên cứu văn tập, của Tân miêu xuất bản xã, An Oppositionist for Life, của Gregor Benton, Literary Dissent in Communist China của Merle Goldman… trong phần phiên âm nhân danh, địa danh, và các chú thích. Trần Bích Lan là đồng chí, bạn đời của Bành Thuật Chi - người đã cùng Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Lỗ Tấn hoạt động trong phong trào khời thủy cách mạng Văn hóa. Bành Thuật Chi đã cùng bị án tù với Trần Độc Tú ở Giang Tô, do Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giữ, 1932. Sau vì biến cố Lư Cầu Kiều (1937) mà đươc thả. Người trả lời phỏng vấn, từng là Tổng biên tập Phụ nữ Trung Quốc nguyệt san, đã là bạn học với nhà văn Đinh Linh tại Đại học Thượng Hải, đã là du sinh Trung Quốc tại Matxcơva, sau đó phụ trách Ủy ban Tranh đấu Nữ quyền Trung Quốc trong thập niên 20-30 tại Vũ Hán, và Thượng Hải (Trần Bích Lan ngẫu nhiên rời Thượng Hải vài giờ trước khi quân Tưởng tràn vào, mở cuộc tàn sát, ngày 12 tháng Tư 1927). Khi Mao thắng tại Hoa Lục, bà cùng chồng qua Hồng Kông, là thành viên Đệ Tứ Quốc tế. Cuối đời, bà sống tại Los Angeles vài năm trước khi mất [*].

***

HỎI: Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, người ta đã biết phần nào sự đối đầu của phe Mao và phe “chống Mao”. Giai đoạn đầu, sự tấn công trước hết nhắm vào nghệ sĩ, nhà văn, học giả và các nhà giáo dục, Trước tiên, tôi muốn được biết thêm ý của bà, phân tích về quan niệm của hai phe khác nhau thế nào trên chủ đề văn chương, nghệ thuật, giáo dục. Họ có khác nhau lắm không?

ĐÁP: Có khác. Nếu người ta hiểu đươc sự khác biệt, sẽ hiểu sự tranh đấu của họ. Thực tế, thì khi Mao phát động “cách mạng Văn hóa”, ông ta bắt đầu bằng sự tấn công vào Ngô Hàm, tác giả vở kịch Hải Thụy bãi quan, vào Điền Hán tác giả của vở kịch Tạ Dao Hoàn (1), và vào Đặng Thác, tác giả của Đêm bàn chuyện Yên Sơn, của tạp ghi Chuyện ba nhà. Mao chủ trương tấn công vào các cán bộ văn hóa hàng đầu trước tiên, dĩ nhiên, rồi mới thành ra cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.

Chúng ta đều đã biết, dưới chế độ Stalin, con người không có tự do chính trị. Cho nên dân chúng đều bất mãn. Có bất mãn, là có sự biểu lộ trong văn chương nghệ thuật, vì văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm với chuyện này hơn ai hết. Họ quan sát đời sống thường nhật của dân chúng, cảnh ngộ khốn khổ, niềm hy vọng, cùng sự khát khao thế nào. Bằng văn chương nghệ thuật, họ phản ánh những gì họ nhìn thấy – cả cái tốt lẫn cái xấu. Đó là lý do khiến chính sách của Stalin luôn luôn kìm kẹp trên lãnh vực văn học, không cho cái xấu trong chế độ được phơi bày, kể cả những chuyện nội bộ của giới quan liêu. Văn chương nghệ thuật không được phép phản ánh những hiện thực, chỉ để làm công cụ tuyên truyền, để tuyên dương các chính sách của giới cầm quyền và các cá nhân trong giới lãnh đạo. Rõ rệt là việc đó đã được thể hiện trong chế độ Stalin, và các chính sách văn nghệ mà Zhdanov soạn thảo tỉ mỉ, là các bằng chứng rõ ràng nhất.

Chính sách của Mao về chuyện này đã không khác gì, có khi lại còn khắt khe, thô bạo hơn. Hậu quả là, ở Trung Quốc đã có những chống đối về đường lối của Mao trên lãnh vực văn chương rất bền bỉ. Cuộc thanh trừng hiện giờ (1967 – ND) tuy rộng lớn và ác liệt, không có nghĩa là cuộc thanh trừng trước kia (sau Tọa đàm Diên An, Hội nghị Tuân Nghĩa – ND) kém ác liệt hơn.

H: Xin bà cho biết, khi nào thì Mao bắt đầu chiến dịch thanh trừng, và tại sao?

Đ: Chính sách giới hạn văn chương nghệ thuật của Mao khởi đầu từ tháng Năm 1942, thời kỳ Diên An. Lúc ấy Mao có thái độ trong bài “Cuộc nói chuyện về văn nghệ tại diễn đàn Diên An” (sau in thành tập kỷ yếu Mao thoại – ND), để chuẩn bị cho sự thanh trừng một nhà văn rất danh tiếng. Trong bài chỉ đạo này, mà Mao có vài lần trích lời Lênin làm hậu thuẫn cho mình, Mao kết luận rằng, văn nghệ phải phục vụ Công, Nông, Binh… cùng là hỗ trợ cho đường lối chính trị của Đảng; và anh ta lên án mọi phê bình, chống đối hay mỉa mai với đường lối ấy. Chính sách lúc ấy, là chính sách mới của Mao (Cộng sản Tân dân chủ - ND), và nhà văn chỉ có nhiệm vụ tán dương những anh hùng cách mạng v.v.; và Mao chỉ ra rằng, trong văn nghệ đang có nhiều khuyết điểm, cần phải được phát động phong trào sửa sai (Chỉnh phong).

Thời kỳ ấy, vài nhà văn viết vài bài về hiện tình thực tế ở Diên An, như nhà văn nữ lừng danh Đinh Linh, viết Cảm nghĩ về Liên hoan Tam Bát (ngày phụ nữ 8 tháng Ba -ND); nhà thơ nổi danh Ngải Thanh, viết Nên hiểu và tôn trọng nghệ sĩ’; và Vương Thực Vị (Wang Shih-wei) viết một loạt bài dưới nhan đề [Những bông] hoa dã bách hợp. Những bài sau là những bài chỉ trích sắc bén nhất về chủ trương Diên An. Ông ta [Vương Thực Vị] phê bình, trưng ra bằng chứng, là đang có sự thiếu dân chủ trong Đảng, đang có tương phản giữa nếp sống đặc quyền của cấp trên với cấp dưới, có phân biệt theo thứ bậc chức vụ ngay trong Đảng. Loạt bài phê bình gây được rất nhiều chú ý của quần chúng, đặc biệt với giới trẻ ngay trong phong trào Cộng sản. Mao không tha thứ được những chuyện này, lập tức triệu tập buổi họp để biểu quyết về những đề cương Mao đã nêu ra về văn nghệ. Cuộc họp khoáng đại, không những chuẩn bị cho cuộc thanh trừng sắp diễn ra, còn đề ra những quy tắc căn bản cho chính sách Đảng đối với văn nghệ sau này nữa.

Không lâu, một cuộc họp ngay sau đó được triệu tập để trừng trị Vương Thực Vị. Rất nhiều chức sắc cao cấp, như lãnh đạo của Ủy ban Tuyên truyền Trung ương, của Cơ quan Tổ chức, Chủ tịch Viện Nghiên cứu cùng các nhà văn, cán bộ về văn nghệ… cũng về tham dự buổi họp này. Người ta có thể băn khoăn, sao mà chuyện thành nghiêm trọng đến thế. Lý do cũng đơn giản thôi. Vương gia nhập Đảng từ 1926. Ông ta là cán bộ kỳ cựu và là thành viên quan trọng của viện Nghiên cứu Trung ương. Vương đã dịch sang tiếng Trung Quốc trên 2 triệu chữ của Mác, Ăng ghen và Lênin. Ông là cây bút tài năng, được ai nấy kính trọng, đặc biệt đối với thanh niên. Cho nên cuộc thanh trừng Vương Thực Vị là biến cố quan trọng nhất của thời kỳ Diên An.

Cuộc họp kéo dài 16 ngày, trong đó Vương bày tỏ ý kiến, tự biện hộ, chống trả những cáo buộc của cán bộ lãnh đạo, những quy kết của viên chức các cấp trong Đảng rất xuất sắc. Nhiều thành viên tham dự đã phải ủng hộ và bày tỏ cảm tình với ông ta. Nhưng khi có các lãnh đạo tố cáo ông có tội chống Đảng, chống Mácxít, đặc biệt ông ta là Trotskit, mà lại là từ Trần Bá Đạt – người mà hiện nay đứng trong Ban lãnh đạo cuộc Đại cách mạng Văn hóa, lúc đó là thư ký riêng của Mao, mới thành những tố cáo thâm hiểm nhất, làm những ai ủng hộ đành phải rút lui. Tuy nhiên Hoàng vẫn tự biện hộ, cho rằng ý kiến mình vẫn không có gì sai trái. Phiên họp kết thúc với kết quả là ông bị tội chống Đảng, chống Mác, và là Trotskit. Ông ta bị trục xuất khỏi Đảng, vào tù, bị tra vấn và tra tấn. Kết cục, ông đã nhận mình là Trotskit. Và bị giết.

Chúng ta nên ghi nhận một điều. Cuốn [Những bông] hoa dã bách hợp đã vô cùng hấp dẫn người đọc, và ảnh hưởng đến giới trẻ rất nhiều, kể cả cán bộ và cảm tình viên trong Đảng cũng như thành viên các tổ chức thanh niên ngoài Đảng. Cuốn sách lưu hành rộng rãi suốt Trung Quốc, bằng những bản chép tay, suốt thời này sang thời khác. Bản tôi mượn đọc được, cũng là bản loại chép tay. Vì sự can đảm và kiên cường của Vương Thực Vị chống lại những cáo giác thâm độc, ông thành cực kỳ nổi tiếng. Tên ông luôn được nhắc đến trong bất cứ chuyên gì liên quan đến thời kì Diên An.

H: Có vụ thanh trừng nào khác nữa không?

Đ: Sau khi Đảng nắm chính quyền năm 1949, Mao áp dụng chính sách kiểm soát văn nghệ nghiêm ngặt hơn nữa, trên toàn quốc. Người đầu tiên phản đối là Hồ Phong, cây bút phê bình văn nghệ trứ danh thuộc Tả phái. Ông cho Mao thoại là máy móc, cho nên, “Sự máy móc đã kiểm soát nhiều phạm vi văn nghệ, đã mười năm nay… Đường lối này đã triệt đường sống của văn chương nghệ thuật… khi con người muốn cất tiếng, phải áp dụng tư tưởng Mao… chỉ làm cho việc viết văn thêm khó” (2)

Ông ta cho rằng sự thật mới là đỉnh cao nhất của mọi chỉ đạo về nghệ thuật. Ông ta chống lại chính sách đơn giản hóa trong văn nghệ, khi bắt văn nghệ phải phục vụ chính trị, khi giới hạn văn nghệ về đề tài, như Mao xướng xuất. Cho nên, ông ta nhấn mạnh, là các nhà văn có quyền tự mình được lựa chọn đề tài. Ý kiến của Hồ Phong, thì tôi, cũng như bất cứ ai khác, phải nhìn nhận là đúng. Nhưng Mao không thấy như thế, cho Hồ Phong muốn ly khai, nên năm 1955, Mao phát động chiến dịch thanh trừng tư tưởng Hồ Phong cùng những người tán thành Hồ Phong. Chiến dịch kéo dài vài tháng, khắp nước.

Không chỉ Hồ Phong cùng những ai ủng hộ ông ta mới bị phê đấu, mà trong các Đại học, Trung học, các cơ sở văn học, bất cứ ai tỏ ý tán đồng ý kiến Hồ Phong cũng bị đem ra làm mục tiêu. Theo tin tức báo chí hồi đó, có trên 130 người “bè lũ Hồ Phong” bị cho vào tù, hoặc cho đi trại Lao cải. Từ đó đến nay (1967), không có tin tức chết sống gì về ông ta và những người ấy nữa.

Rồi sau đó, Mao phát động phong trào “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng”. Từ tháng Tư đến tháng Sáu, thời kỳ mà những nhà văn Tả phái phê bình chính sách của Mao về văn nghệ, như Đinh Linh, Ngải Thanh, Phùng Tuyết Phong là những người nổi danh nhất về phê bình văn học… đều bị nhắm vào. Cả ba lại đều là người trong giới lãnh đạo văn nghệ của Đảng, Có người là Chủ tịch (Đinh Linh) hay là Phó Chủ tịch (Phùng Tuyết Phong) của Hội Văn nghệ toàn quốc.

Tháng Sáu, Mao dẹp phong trào “Trăm hoa”, và tấn công họ.

Tháng Chín, một phiên họp đặc biệt tại Bắc Kinh được triệu tập để thanh trừng Đinh Linh. Khoảng trăm người tham dự, gồm những viên chức cao cấp trong ngành văn nghệ, Bộ trưởng hay Thứ trưởng như Mao Thuẫn (3) và Chu Dương. Cuộc họp tố cáo Đinh Linh, như đã làm với Vương Thực Vị tại Diên An, kéo dài 16 ngày, làm Đinh Linh kiệt lực vì phải chống đỡ hết tội này đến tội khác, vừa là Hữu khuynh, vừa là Phản động. Những tội danh được đăng trên Nhân dân nhật báo cho biết, Đinh Linh đã cấu kết với Vương Thực Vị, kết luận Đinh Linh cũng phản động y như Vương Thực Vị. Sau phiên họp, Đinh Linh, Ngải Thanh, Phùng Tuyết Phong cùng nhiều người nữa bị cho vào trại cải tạo (reeducation camp – nguyên tác tiếng Anh - ND). Y như Hồ Phong lúc trước, không ai biết số phận họ nữa (Xin xem phụ chú - ND).

Tôi nói thêm về Đinh Linh. Trước kia, 1923-24, bà là bạn cùng lớp tôi ở Đại học Thượng Hải, lại ở cùng nhà. Chúng tôi rất thân nhau. Tôi biết tính bà, con người cương cường, đầu óc rất thích dân chủ.

Cũng trong phong trào “Trăm hoa”, ta nên để ý nhận định của Mao Thuẫn. Tại buổi họp ngày 16 tháng Năm, 1957 của Ủy ban trung ương Mặt trận Liên hiệp, ông này phát biểu về văn nghệ như sau: “ Về văn chương nghệ thuật, phải nói đó là lãnh vực đặc biệt. Nếu chỉ căn cứ theo văn bản của Đảng làm cơ bản, mà không có hiểu biết đặc biệt về văn nghệ thì không thể có kết quả cụ thể được… Như vậy chúng ta phài làm sao? Đó chính là con đường ngắn nhất, nối liền chủ nghĩa giáo điều đến chủ nghĩa chỉ đạo”. Rõ ràng, ông ta chỉ trích guồng máy lãnh đạo của cơ quan văn nghệ. Ông ta nhận định văn nghệ đang “chung chung”, “nhàm chán”, “lải nhải”. Ông ta giải thích, sự “bệnh hoạn” của “lặp đi lặp lại” vì phải viết theo công thức, vì thiếu đa dạng về đề tài. Ngắn gọn, có sự bệnh hoạn. Vì nhà văn cứ phải thực thi “chính sách Trăm hoa”.

H: Nếu Mao Thuẫn nhận định như thế về đường lối văn nghệ, lại là Bộ trưởng Văn hóa, sao ông ta không bị thanh trừng?

Đ: Để trả lời câu này, phải trở về lý lịch cá nhân ông ta. Gia nhập Đảng từ 1921 và lúc đó, ông ta, Shen Yen Ping (Thẩm Nhạn Băng – BVN) đã có những tác phẩm, và làm biên tập cho một tờ tạp chí lớn, Tiểu thuyết. Mao Thuẫn là bút danh về sau. Khi cách mạng thất bại năm 1927 (Tưởng tàn sát Cộng sản tại Thượng Hải - ND), ông ta ra khỏi Đảng. Nhưng ông ta tiếp tục viết, bút danh Mao Thuẫn, và nổi danh. Đó, là lý do ông ta được làm Bộ trưởng Văn hóa khi Mao chiếm chính quyền năm 1949. Giữ chức cho đến 1965, thì xin về hưu. Tại sao ông ta không bị thanh trừng? Vì chỉ phát biểu trong lúc được khuyến khích đua tiếng, và vì ông ta không trong Đảng; và nhất là, trong Bộ, người thực quyền, lại là Chu Dương. Cũng có tin ông ta bị bắt. Nhưng trong cách mạng 1925-27, tôi có dịp tiếp xúc với ông ta, tôi thấy con người ông rất thận trọng. Và theo tôi, nếu không bị thanh trừng, bởi ông không dám động chạm gì đến Mao, từ năm 1957.

H: Như bà nói, Chu Dương mới là thực sự cầm đầu, mà mới đây cũng bị tấn công. Ý kiến ông ta về văn nghệ có giống Mao Thuẫn không?

Đ: Chu Dương có quan niệm văn nghệ y như Mao Thuẫn, có khi còn sâu sắc hơn. Nếu chúng ta cùng xem lại bài của Diêu Văn Nguyên trên tờ Hồng kỳ, số 1, 1967 “Về bọn phản cách mạng, hai mang Chu Dương”, viết như sau:

Chu Dương, y như Hồ Phong, nhiều lần bào chữa quan điểm tuyên truyền rằng ”Nguyên tắc cao nhất cho văn nghệ là sự thật”, y đòi chống “sự đơn giản hóa và nhạt nhẽo”, chống những điều kiện đòi hỏi bắt buộc cho các nhà văn, chống nguyên tắc về văn chương và tuyên truyền. Chu Dương còn lên án tính “giáo điều’ và tính “phe nhóm”, cùng sự đối xử thô bạo với văn nghệ sĩ đã chỉ để giới hạn tự do của họ một cách nghiêm trọng…

Về ”vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị”, y rất hẹp hòi, thiên lệch, hiểu biết thiếu đúng đắn. Kết quả, y cho là “Không nên giới hạn về đề tài mà chúng ta còn phải cho người đọc nhìn nhiều mặt của thiên nhiên, những quy luật lịch sử, bản chất đa dạng của đời sống… Gạt những điều đó, đã phản ánh đúng hậu quả của phẩm chất văn nghệ ngay thời đại bây giờ”.

Trong bài khác, Chu Dương bị dẫn chứng để buộc tội, như sau:

Rất tốt nếu viết về trí thức, về chuyên gia, về những người khác, qua con mắt vô sản. Tuy nhiên giới lao động không nên có cái nhìn phe phái; nghĩa là, không nên chỉ được viết về đề tài công nhân cùng nông dân. Tư tưởng cho rằng văn nghệ vô sản là chỉ được viết về công nhân và nông dân là không đúng”(4).

Chu Dương chống văn nghệ chỉ để phục vụ chính trị, một cách rất đặc biệt. Ông ta từng nói:

Nhà văn không nên chỉ viết về đề tài đương thời và không nên chỉ viết theo chính sách hô hào của ngày nay, để lại viết theo chính sách khác hô hào của ngày mai” (5).

Bình về chuyện này trên Vận hội báo, tờ báo cấp tiến ở Hồng kông, Minh báo, kết luận:

Có thể nói, Chu Dương nhìn nhận là nhà văn nên viết những gì chính họ thấy, và chính họ cảm, ngay cả cái họ thấy và cảm không tương hợp với ý kiến và chính sách Đảng. Nhà văn phải trung thành với sự việc, với sự thật, với những điều kiện khách quan, và viết tự do như họ muốn”.

Như thế, Chu Dương rõ là ủng hộ sự tự do trong lãnh vực viết văn.

H: Nếu Chu Dương không đồng ý với Mao, sao còn giữ được chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa để thi hành chính sách văn nghệ của Mao?

Đ: Đây là câu hỏi quan trọng, rất cần làm sáng tỏ việc này. Dưới sự độc tài cá nhân của Mao, nhiều cán bộ cấp lãnh đạo trong Đảng có không đồng ý với Mao, cũng vẫn bắt buộc phải thi hành quyết định của Mao. Chu Dương chỉ là một trong những cán bộ đó thôi. Ông ta thường gặp cảnh mâu thuẫn như thế, tức là, dù không tán thành, còn viết, còn tuyên bố nữa… về sự khác ý kiến. Nhưng khi có lệnh, vẫn thi hành lệnh. Thí dụ, trong cuộc thanh trừng Hồ Phong năm 1955, khi bàn chuyện Hồ Phong, ông ta nói, “Về chính trị, nói chung thì Hồ Phong vẫn đồng ý kiến với Đảng” (7). Nói cách khác, tức là ông ta không muốn chuyện Hồ Phong thành trầm trọng. Khi Mao muốn thanh toán Hồ Phong, bắt liệt vào tội phản động, thì ông ta vẫn thi hành lệnh.

Năm 1957, với Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong, Ngải Thanh bị đấu, ông ta cũng vào trường hợp mâu thuẫn như thế. Điều đó mới làm Diêu Văn Nguyên bảo ông ta là “hai mang”, là “phản cách mạng hai mặt”. Trên thực tế, nhiều cán bộ bắt buộc thi hành những đường lối mà chính họ không đồng ý. Hiển nhiên là mâu thuẫn giữa Mao và cán bộ trong Đảng có lúc lên cao điểm, đưa đến bùng nổ.

H: Tư tưởng Chu Dương có thể coi là tiêu biểu cho các cán bộ khác về lãnh vực văn hóa không?

Đ: Có. Tư tưởng Chu Dương phản ánh đa số nhiều thành phần, đủ các cấp cán bộ. Thí dụ, hai Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Hạ Diễn và Lâm Mộ Hàm, cùng Ban Bí thư Đảng phụ trách Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc, Dương Hàn Sinh, cùng tư tưởng với Chu Dương. Dương Hàn Sinh còn triệt để hơn là khác. Nên ông ta bị đấu còn nặng hơn rất nhiều người.

H: Bà có thể cho biết thêm về ý kiến của ông Dương?

Đ: Được chứ. Nhưng trước tiên tôi phải nói về cá nhân ông ta. Dương Hàn Sinh cũng là một bạn học của tôi tại Thượng Hải năm 1923-24. Lúc đó ông ta đã là thành viên của Đảng, hoạt động rất tích cực. Sau thất bại 1927, ông ta ở lại Thượng Hải hoạt động bí mật. Chính lúc đó, tôi thường xuyên liên hệ với ông ta cùng vợ ông. Đến 1928, ông ta hoàn thành được vài tác phẩm, trở nên nổi tiếng, rồi thành một cán bộ quan trọng trong Đảng.

Vì trung thành với truyền thống Đảng trong cuộc cách mạng thứ nhì (1927 – ND) ông ta không đồng ý với Mao việc áp đặt lên văn nghệ sĩ, và ông ta đã chỉ trích nặng chuyện như thế. Thí dụ, 1962, trong cuộc họp các kịch tác gia, diễn viên tại Quảng Đông, ông ta tuyên bố:

Chính sách của Đảng đối với văn nghệ (tức là, chính sách của Mao) tương đương với 10 sợi dây buộc tay buộc chân văn nghệ. 10 sợi dây tỏ lộ trong 5 bắt buộc: 1- Chỉ được viết về những điều quan trọng; 2- Chỉ được viết về anh hùng hay những nhân vật ngoại hạng; 3- Phải tham gia công trình sáng tác tập thể; 4- Phải hoàn tất công tác viết trong thời hạn ấn định; 5- Phải được chấp thuận của lãnh đạo. Lại thêm 5 nghiêm cấm, không được viết: 1- Về mâu thuẫn trong quần chúng, đặc biệt về lãnh tụ với quần chúng; 2- Về đề tài có tính mỉa mai; 3- Về những bi kịch; 4- Về khiếm khuyết hoặc thất bại của anh hùng; 5- Về nhược điểm của bất cứ lãnh đạo nào của Đảng. Thế là làm cho nhà văn thành tuyệt vọng, vì rất khó cho sự viết lách của anh ta, ngay cả khi có viết được gì, cũng chỉ là sự nhái lại”(8).

Kết luận, ông ta đứng về phía ủng hộ chủ trương “Bỏ hết những ngăn cấm, bỏ hết những giới hạn cho nhà văn. Phải tôn trọng luật sáng tác, tức là, phải có tự do cho nhà văn”.

Dương Hàn Sinh bị phê bình dữ dội từ phe Mao vì quan điểm trên, cùng nhiều chuyện khác nữa. Năm 1957, Dương cùng Điền Hán sang Nga dự kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Lúc ở đó, họ được xem nhiều vở kịch, trong đó có các vở kịch “Viễn cảnh vô tận” và “Thanh điểu”. Hai vở này phơi ra tệ trạng của sùng bái cá nhân Stalin cùng sự thanh trừng các đối thủ của Stalin. Kịch miêu tả sự cai trị của Stalin “không khác dưới thời Sa Hoàng,” và chủ điểm là “Nga không còn phải sống trong sự khủng bố nữa”. Khi Dương cùng Điền Hán về Trung Quốc, Dương nhận định là các diễn viên Nga đã “rất táo bạo”, còn chúng ta thì “rất nhút nhát”. “Chúng ta phải cải cách, nỗ lực tối đa, để thành táo bạo, thành có sáng tạo” (9). Thế là ông ta bị phe Mao khép tội là “Xét lại - phản cách mạng”; trong khi ông ta chỉ bày tỏ ý kiến chuyện giải hoặc Stalin đang diễn ra tại kịch nghệ bên Nga thế nào mà thôi. Chỉ có thế mà Mao không tha thứ.

H: Còn những lãnh đạo nào trong lãnh vực văn hóa, như Chu Dương, có chống lại đường lối Mao không?

Đ: Hầu hết những ai không đồng ý về chính sách văn nghệ đều không đồng ý với Mao trên nhiều mặt khác nữa. Khi mà các lãnh đạo và cán bộ cùng sinh hoạt trên lãnh vực văn nghệ đều thường xuyên tiếp xúc với nhà văn và nghệ sĩ là những người trực tiếp liên hệ với dân chúng. Họ đều học được từ thực tế những cảm xúc, những nỗi khát khao của dân. Thí dụ, trong cuộc họp ở Đại Liên (Dairen) năm 1962, gồm toàn thể nhà văn cả nước, đại đa số đều bày tỏ sự bất mãn, phê bình thành quả của “Đại Nhảy vọt”, đặc biệt về “Công xã nhân dân” cũng như chính sách của Mao về văn nghệ. Họ cho rằng “Cuộc sống dân chúng đang thê thảm” và “Tâm lý quần chúng rất xôn xao” và “Đại nhảy vọt là liều thuốc kích thích”, và “Công xã nhân dân là Chủ nghĩa phiêu lưu”. Chính Chu Dương tuyên bố, “Đại nhảy vọt chứng tỏ sự duy ý chí”. Và,” Công xã nhân dân thi hành quá sớm”. Ông ta còn bảo,” Để dân chúng sở hữu đất mới là điều tốt”, còn bênh vực việc nên lập thị trường tự do tại thôn quê (10).

Việc chỉ trích Đại nhảy vọtCông xã nhân dân mà Chu Dương cùng các nhà văn cất tiếng chỉ là tiếng dội cho những điều Bành Đức Hoài đã nêu lên từ 1959. Thế mà trong phiên họp khoáng đại các nhà văn toàn quốc năm 1964, Mao tuyên bố:

Trong mười lăm năm qua, những hiệp hội cùng những in ấn của họ (có một số cũng tốt) đã tỏ ra thất bại… trong việc gánh vác chính sách của Đảng… cũng đã thất bại việc phản ánh cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Những năm gần đây, bọn họ còn ngả về chủ nghĩa xét lại. Nếu bọn ấy không nghiêm chỉnh sửa chữa bản thân, sớm muộn gì, chúng cũng sẽ trở thành những tổ chức kiểu câu lạc bộ Petofi bên Hung”(11).

Theo lời Mao nói, rõ là Mao sợ trí thức trong lãnh vực văn hóa, cũng dễ hiểu rằng tại sao Mao phải làm cách mạng văn hóa và phải có cuộc thanh trừng những người đã chống Mao. Mao sợ chuyện đã xảy ra 1956 ở Hung sẽ xảy ra ở Trung Quốc, khởi đầu từ những nhóm văn nghệ sĩ tương tự. Và đó là lý do có cuộc thanh trừng ngay trong hàng ngũ cán bộ văn hóa trước nhất.

H: Tại sao có rất nhiều nhà giáo dục danh tiếng, như Lữ Bằng (Lu P’ing), Khoa trưởng Đại học Bắc Kinh, Lý Đạt (Li Ta) Đại học Vũ Hán, Khuông Gia Minh (K’uang Ya-ming) Đại học Nam Kinh vân vân… cũng bị thanh trừng? Họ có ý kiến bất đồng, hay có từ chối nhiệm vụ Mao đòi hỏi đâu?

Đ: Những nhà giáo này đã chống chính sách giáo dục của Mao. Đây là câu hỏi phức tạp và khó. Để tôi trình bày những nét chính về thái độ của Mao đối với giáo dục.

Ngay khi Đảng nắm quyền năm 1949, Mao đặt chính sách giáo dục theo nguyên tắc “giáo dục phục vụ chính trị”. Thường xuyên Mao nhấn mạnh ý tưởng “sinh viên giáo viên phải tự chỉnh tư tưởng”. Mao đòi hỏi sinh viên phải dự sinh hoạt chính trị, tham gia lao động. Nói cách khác, Mao muốn sinh viên phải có tính Cộng sản, tức là làm cho họ luôn phải chấp nhận và ủng hộ đường lối Đảng, còn những chuyện khác Mao không coi là quan trọng; hay, chỉ coi là chuyện quan trọng hạng nhì. Vì chủ trương như thế, giáo dục bị xuống cấp rất nhiều.

Trong Đại nhảy vọt 1958, Mao đẩy mạnh tư tưởng “cách mạng giáo dục”. Ông ta chủ trương, “giáo dục phải kèm theo công tác sản xuất”. Theo khẩu hiệu này, các Giáo sư cũng như sinh viên phải về nông thôn tham gia lao động tại các Công xã nhân dân, một số phải vào các xưởng sản xuất, và vẫn phải sinh hoạt, học tập chính trị. Trong những điều kiện như thế, việc học của sinh viên ngưng trệ. Đó là hoàn cảnh những năm 58-59.

Chính sách Mao như thế, gây ra nhiều bất bình trong giáo giới, trong sinh viên. Thí dụ, Lý Đạt nói:

Cách mạng giáo dục đã triệt hủy tiến bộ học tập. Những lớp học cơ bản đã bị hủy hoàn toàn. Phẩm chất giáo dục đã sa sút, các phương pháp học tập thành ra vô tổ chức. Tất cả các trường do Đảng kiểm soát đã thành vô chính phủ. Tương quan giữa thầy trò, giữa già trẻ, giữa quần chúng và Đảng đã ỏ mức độ tồi tệ nhất” (12).

Ông ta còn nói: “Cách mạng Giáo dục năm 1958 gây ra tình trạng rất tai hại. Nó phá hủy mọi sinh hoạt trí thức, hủy cả lòng tự trọng của con người’.

Khủng hoảng mà Lý Đạt đưa ra, là cảm nghĩ chung của đa số giáo chức, Giáo sư, giáo viên, sinh viên. Lý Đạt là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong 12 người đầu tiên dự họp Trung ương Đảng năm 1921. Ông được bầu làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Sau đó ông từ chức, vì không đồng ý việc hợp tác Quốc dân đảng, dù ông vẫn là người Mácxít. Ông đã dịch rất nhiều sách Mácxít, phổ biến tư tưởng Mácxít trong rất nhiều bài viết. Rõ là ông giúp phổ biến chủ thuyết Mác còn nhiều hơn, khi ông đã ra ngoài Đảng.

Khi thành Giáo sư, có cơ hội nghiên cứu giáo dục qua nhãn quan Mácxít, kể cả hệ thống giáo dục tại Nga, ông trở thành nổi danh là nhà giáo dục Mácxít. Đó là lý do, khi nắm quyền, Đảng CSTQ bổ nhiệm ông vào chức vụ Khoa trưởng Đại học Vũ Hán. Vì có hiểu biết sâu sắc về giáo dục, mà ông nhận thức được sự nguy hiểm của chính sách giáo dục Mao đề xuất và đã phê bình nghiêm khắc.

Sự phá sản của Cách mạng Giáo dục cùng thất bại của Nhảy vọt làm Mao không duy trì được chính sách của mình, phải tạm thời rút vào hậu trường, để cho Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lãnh trách nhiệm đối phó với tình huống. Chính sách giáo dục, do vậy phải sửa đổi và điều chỉnh. Trước tiên, Bộ Giáo dục Trung ương ấn hành tài liệu “Sáu điểm Cải cách cho nền giáo dục cao cấp”. Điểm chính, là “khuyến khích sinh viên hoàn tất bộ môn đặc biệt đã lựa, để họ có thời gian hoàn tất việc học. Sinh viên vẫn được khuyến khích tham gia sinh hoạt lao động tập thể lẫn sinh hoạt chính trị, tuy nhiên các sinh hoạt này không nên làm trở ngại việc học. Một hệ thống giảng dạy cùng học hỏi được thành lập, cũng như các biện pháp thi hành kỷ luật học đường giữa thầy trò sẽ ban hành. Để nâng cấp giáo dục, việc thi cử được tái lập. Sinh viên được khuyến khích theo các bộ môn khoa học cũng như ngôn ngữ ngoại quốc. Trường không can thiệp chuyện tình cảm của sinh viên, không tạo áp lực không thích nghi cho sinh viên. Chỉ quan tâm tới sức khỏe cùng an sinh của sinh viên”.

Thị trưởng Bắc Kinh, Bành Chân, rất hứng khởi với tân cải cách, đưa ra những đề nghị cụ thể:

Sinh viên cùng thầy giáo không nên đòi hỏi được học tập chính trị nóng vội, cũng như không nên xao nhãng việc học bằng cách tham gia sinh hoạt chính trị. Thầy phải hiểu và dạy môn của mình, cũng như trò phải biết học bài. Dùng tư tưởng chính trị trừu tượng, giảng huấn mơ hồ, cùng các bản báo cáo chính trị trong lớp là điều phải tránh”.

Khoa trưởng Đại học Bắc Kinh, Lữ Bằng (Lu P’ing), từ 1961, đã bỏ hoàn toàn chính sách cách mạng giáo dục, và áp dụng đường lối cải cách. Ông ta cắt giảm thì giờ sinh viên tham gia sinh hoạt chính trị, vào công tác lao động để sinh viên có thì giờ học. Cho nên sinh viên Bắc Kinh trong 1961-62 đã khá hơn hẳn.

Lữ Bằng còn đi xa hơn, dùng khẩu hiệu “Học Nga Xô”, có nghĩa Trung Quốc còn có thể học thêm các nước Tây phương về chính sách giáo dục, ông ta còn chủ trương mời các Giáo sư cũ đã bị trục xuất, trở về trong ban giảng huấn. Lý Đạt (Li Ta), Khuông Gia Minh (K’uang Ya-ming) cùng nhiều nhà giáo dục khác cũng áp dụng đường lối cải cách như thế. Với Mao, như thế là đi ngược chính sách “Giáo dục phục vụ chính trị” và “Giáo dục phải đồng hành với sản xuất” của mình, cho nên coi sự cải cách là ”giáo dục xét lại” hoặc “duy trì chính sách giáo dục buốc-gioa “. Nên phải thanh trừng bất cứ ai chủ trương cải tổ giáo dục.

Ngày 13 tháng Sáu 1966, Mao ấn hành bản tin dưới danh nghĩa Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước. Tài liệu này là bằng chứng cụ thể về vụ thanh trừng “xuyên suốt của Cách mạng Giáo dục” tại các trường đại và trung học, nội dung có 2 điều chính:

1.Toàn thể đại học và trung học phải đóng cửa 6 tháng để thực hành cách mạng văn hóa. Thực ra, là đẻ thanh trừng ngay trong trường. Ngay sau ấn bản này, là cuộc đấu tố dữ dội, mọi đối thủ của Mao đều bị thanh trừng.

2. Hầu hết các đối thủ đều bị sinh viên thi hành lệnh từ Mao, kết quả là Lữ Bằng (Lu P’ing), Lý Đạt (Li Ta), Khuông Gia Minh (K’uang Ya-ming), Bành Khang Khoa trưởng Đại học Thông tin Tây An, Hồ Lữ Tịnh, Viện trưởng Viện Âm nhạc Thượng Hải, Tưởng Nam Thân? (Chiang Nan-tsen) Khoa trưởng Đại học Thanh Hoa Bắc kinh đều bị. Nếu đếm cả các Giáo sư, thật khó có con số đầy đủ. Nhưng có thể nói là lên tới hàng ngàn.

Nhân dân nhật báo nêu câu hỏi, là để xem với sự bất khả sai lầm, “có thể đẩy tư tưởng Mao Trạch Đông chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác” được không. Thật là giống như tinh thần thờ phụng của tôn giáo đối với với Kinh Thánh, mà việc Mao làm thanh trừng trong cách mạng văn hóa không khác gì giáo hội Catô thanh trừng ngoại đạo thời Trung cổ.

H: Theo bà, hậu quả việc này thế nào? Bà nghĩ gì về ảnh hưởng của Cách mạng văn hóa đối với văn hóa Trung Quốc?

Đ: Cuộc thanh trừng của Mao bao gồm những cán bộ trong Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hóa Trung ương, Hội Văn nghệ toàn quốc, Hội Diễn viên chuyên nghiệp toàn quốc, Hội Điện ảnh toàn quốc, Liên Hội Công nhân thông tin Trung quốc… cũng như nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, giáo dục, giảng huấn vân vân. Thanh trừng họ, có nghĩa là thanh trừng văn hóa Trung quốc. Tôi chỉ xin dẫn chứng hai việc để chứng minh Mao làm cách mạng văn hóa, là để hủy diệt văn hóa Trung quốc:

1. “Trong cách mạng văn hóa” tháng Năm, năm 1966 đa số nhà văn không ai dám viết gì nữa. Xuất bản sách ngưng, tác phẩm điện ảnh ngưng, xuất bản và tái bản sách ngoại quốc kể cả tác giả Trung Quốc cũng ngưng. Rất nhiều rạp hát, trình diễn văn nghệ cũng đóng cửa. Nói cách khác, không cón sinh hoạt văn hóa nữa.

2. Sau khi các trường học đóng cửa tháng Sáu 1966, chỉ lác đác vài trường mở lại, như ở Bắc Kinh và Thiên Tân. Ngay trước Cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã thiếu Giáo sư trầm trọng, nay còn thiếu hơn. Tệ hơn hết, là từ Mẫu giáo tới Trung học, không có sách cho học sinh, khi mà mọi giấy in đều dành để in sách Mao mà thôi. Thí dụ, nửa năm rồi, 15 triệu ấn bản Mao tuyển được xuất bản, mỗi ấn bản gồm 4 quyển sách khổ lớn, lại có 80 triệu ấn bản khác đã dự định sẽ xuất bản trong năm nay. Các sách khác, kể cả sách của Mác, Ăng-ghen và Lênin đã ngưng in hoàn toàn. Cho nên tôi xin nói, là chả phải chỉ sinh hoạt văn hóa Trung quốc đã ngưng đọng từ khi Mao làm Cách mạng văn hóa, mà còn hủy hoại nó nữa.

Sau hết, tôi muốn nói rằng Cách mạng văn hóa vô sản, trên lý thuyết, là phi lý. Khi vô sản chiếm chính quyền trong một xứ, việc lớn nhất là lật đổ tàn dư tư bản trên thế giới và hoàn tất cách mạng xã hội. Trước khi giai cấp tư bản thế giới hủy diệt, thì không thể xây dựng được nền văn hóa vô sản chân chính. Tuy nhiên, chỉ sau cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới hoàn thành, vô sản cũng tiêu biến; có nghĩa, là các giai cấp và, dĩ nhiên, cả giai cấp đối đầu cũng bắt đầu tiêu biến. Thì rồi từ đó, thì, văn hóa xã hội chủ nghĩa mới bắt đầu tự hình thành. Cho nên không thể thực hiện ngay được nền văn hóa vô sản. Mao phát động Cách Mạng văn hóa không chỉ phi lý trong lý thuyết, mà còn ngu xuẩn trên thực tế. Kinh tế xã hội của Trung Quốc rất lạc hậu, nhiều nơi vẫn còn trong tình trạng sản xuất sơ khai. Về văn hóa, đa số nông dân còn mù chữ, bằng gần nửa tổng số công nhân. Nếu với điều kiện như thế, mà phát động “cách mạng văn hóa vô sản” để thành “4 hiện đại hóa, 4 mới” – văn hóa mới, tư tưởng mới, thói quen mới, phong tục mới – thì không những chỉ trình ra sự ngu xuẩn, mà còn phơi ra toàn những ảo tưởng của “Ngu xuẩn chủ nghĩa”.

Nếu Mao thực lòng muốn nâng cấp văn hóa công nhân và nông dân, anh ta chỉ cần làm giảm trình độ mù chữ của quần chúng. Để làm chuyện này, thì, trước tiên, cần phải nâng mức sinh hoạt của quần chúng, có nghĩa, là tăng thu nhập, giảm giờ lao động. Phải để quần chúng có thì giờ và năng lực học hỏi, rồi hẵng tham gia sinh hoạt văn hóa. Mao thì ngược lại, đòi công nhân nông dân làm việc tăng giờ, mà không hề lo chuyện cải thiện đời sống họ. Phong trào mới đây của Mao, là chống bọn “kinh tế chủ nghĩa” để tỏ không nhượng bước giới lao động, đã tỏ rõ thái độ Mao về chuyện này. Thế thì giai cấp lao động chỉ là công cụ sản xuất, phục vụ quyền lợi cho giai cấp quan liêu.

Trên thực tế có thể nói Mao dùng nhãn hiệu “vô sản” chỉ để hợp lý hóa sự tấn công cùng thanh tẩy đối lập, vu họ là theo “con đường tư bản”. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy là Mao không hề tấn công con đường tư bản, cùng các thành phần tư bản vẫn sót lại ở Trung Quốc. Nội điều đó, đủ chứng tỏ “Đại cách mạng văn hóa Vô sản” không gì khác hơn, chỉ để duy trì guồng máy cai trị quan liêu và nạn sùng bái cá nhân.

Cước chú:

(1) Hsieh Yao-huan (Tạ Dao Hoàn): Tên nữ nhân vật đời Đường, triều Võ Tắc Thiên, bị oan. Đặng Thác (T’eng T’o).

(2) Bài viết ký tên Diêu Văn Nguyên, đăng trên Hồng kỳ, số 1, 1967.

(3) Shen YaoPing, (Thẩm Nhạn Băng) Có bút hiệu là Mao Thuẫn).

(4) Bài viết ký tên Lý Thế Khải, đăng trên Vận hội báo, 31 tháng 7, 1966.

(5) Như trên.

(6) “Tái thẩm định về Chu Dương”, Minh báo nguyệt san, 8-1966.

(7) “Nhận diện con người hai mặt”, Diêu Văn Nguyên, Hồng kỳ, 1966

(8) Trích bài chống Dương Hàn Sinh, Nhân dân nhật báo, 29 tháng Chạp 1966.

(9) Trích Lao động nhật báo (Bắc Kinh), 27 tháng Hai, 1967.

(10) Vận hội báo, Thượng Hải, 31 tháng 7. 1967.

(11) Hồng kỳ, số 1, 1967.

(12) Minh báo, số 12, 1966.

PHỤ CHÚ

I. Vương Thực Vị (ch.1947) – Gia nhập Đảng CS 1926, dịch giả nhiều sách Mácxít. Cảm tình viên nhóm Trotskit TQ từ khi họ lập Nhóm, 1929, dịch vài văn bản Trotskit sang Hoa ngữ, thư từ với Trần Độc Tú cho đến 1936. Đầu 30, sang học ở Nga. Đến Diên An cuối 30. Năm 1942 viết [Những bông] hoa dã bách hợp, phê bình hệ thống thứ bậc trong đảng, cũng kêu gọi nhà văn phải có tính độc lập với quyền lực. “Tọa Đàm Diên An” của Mao lên án Vương Thực Vị, Đinh Linh, Ngải Thanh là phi Mácxít, không phục vụ văn học vô sản. Công thức của Mao: “Chính trị-Cách mạng, Văn nghệ-Buốcgioa”. Sau Vương Thực Vị bị phê, bị đấu, và bị tra tấn trong tù. Cho đến mùa Thu 1947, quân Quốc dân đảng chiếm Diên An. Ông bị quân CS bắn chết trong tù, trước khi quân CS rút khỏi thành phố.

II. Đinh Linh (1904 - 1986) – Nhà văn nữ hàng đầu Trung Quốc, sinh quán Hồ Nam, học ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Nhập ĐCSTQ 1930, được giải Stalin qua truyện Mặt trời trên sông Tang Càn. Vì tội hỗ trợ Phùng Tuyết Phong, bị Chu Dương phê đấu 1954, (mất chức Tổng biên tập báo Văn nghệ) nhưng kỷ luật chỉ giới hạn nội bộ. Cho đến 1957, trong chiến dịch Trăm hoa, bà thành mục tiêu cho cuộc thanh trừng, bị nêu đích danh trên báo chí toàn quốc. Không chịu đầu hàng, Đinh Linh đào tị 12 năm, sống tại một làng hẻo lánh Đông Bắc Trung Quốc, sát biên giới Nga. Bị Hồng vệ binh bắt được trong Cách mạng Văn hóa, bị hành hạ, rồi bị biệt giam 5 năm, từ 1971-75. Được thả vì sức khỏe quá suy sụp, phải cho vào Viện điều dưỡng mới sống sót. Lại đào tị lần nữa, sống ẩn náu trong một làng nghèo xác xơ thuộc Thiểm Tây. Cho đến tháng Sáu 1979, được rửa tiếng. Sau sống ở Bắc Kinh. Thành viên của Mặt trận chính trị hiệp thương Trung Quốc.

III. Phùng Tuyết Phong (ch.1976) – Sinh khoảng đầu thế kỷ tại Triết Giang, bạn học cùng lớp với Hồ Phong, Hoàng Phàn Tây (lãnh tụ Trotskit) tại ĐH Bắc Kinh. Nhà thơ, và là cây bút phê bình sắc bén. Gia nhập ĐCS 1927, thân cận nhiều với Lỗ Tấn, cho đến năm Lỗ Tấn qua đời (1936). Tham gia cuộc Trường chinh, có khuynh hướng chống nhóm nhà văn ngả theo Stalin. Bị đấu năm 1954, cùng Đinh Linh bị thanh trừng một lượt. Được rửa tiếng, 1979.

IV. Hồ Phong (1903 - 1985) - Cây bút nổi danh về phê bình, về tiểu luận, trở thành mục tiêu bị phê bình dữ dội 1955. Từng là thành viên Đoàn Thanh niên CS, tham gia cách mạng 1925-27, nhưng chưa là cán bộ Đảng. Sang Nhật 1928-33, thân cận với Lỗ Tấn, chống đối Chu Dương kịch liệt, chống phong trào chỉnh phong của ĐCSTQ, tác giả các bài viết gây ảnh hưởng rất lớn ở các tỉnh miền nam TQ. Tháng 6/1955, bị bắt. Đến 1979, được rửa tiếng.

V. Ngải Thanh (1910 - 2002) – Một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Trong nhóm những cây bút trong phong trào Tân Thanh niên, Tân Văn hóa của Trần Độc Tú. Sát cánh cùng Lỗ Tấn trong thập niên 30. Bị Pháp bắt bỏ tù 1932-35 tại Tô giới Thượng Hải. Sau đó đến Diên An 1941. Được bầu vào Ban Chấp hành Văn nghệ toàn quốc. Bị tố hữu khuynh 1958, năm sau bị trục xuất khỏi Đảng, rồi vào trại Lao cải ở Tân Cương, lao động 16 năm. Được rửa tiếng, 1978. Tác phẩm được xuất bản trở lại.

VI. Chu Dương (1908 - ) – Học Văn ở Thượng Hải và Nhật cuối 20, đầu 30. Gia nhập ĐCSTQ thập niên 30, thành một trong những khuôn mặt tiêu biểu cho nhóm văn nghệ Thượng Hải hồi bấy giờ. Thành Bí thư của nhóm văn phái Tả, 1931-36. Chu, được hỗ trợ bởi Điền Hán và Hạ Diễn, tìm cách đem văn chương vào với cách mạng, sau lại xung đột với các nhà văn Tả phái khác, như Lỗ Tấn, và Hồ Phong. 1937, Chu đến Diên An, làm Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng. Chỉ đạo chiến dịch chống các nhà văn bất tuân, ly khai (quyền uy của Đảng) ở Diên An, đặc biệt với Vương Thực Vị. Thành công, Chu trở thành Phó giám đốc Tuyên huấn trong Đảng 1951-66, thành khuôn mặt lớn về văn hóa. Chỉ đạo vụ thanh trừng Đinh Linh và Hồ Phong. Rồi lại bị phe Mao tấn công, (Tứ nhân bang) khi không ủng hộ triệt để việc sùng bái Mao, cùng tích cực trong việc bài trừ trí thức, 1964. Bị thanh trừng, hè 1966, tội cáo là “phản cách mạng”. Bản án được lật ngược sau khi Mao chết. Chu Dương được trở lại sinh hoạt đầu năm 1979. Sau là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất về lý luận văn nghệ trong ĐCSTQ.

VHQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Do tác giả lược thuật từ một bản tiếng Anh nên nhiều tên riêng phiên âm từ Anh ngữ ra âm Hán Việt kho lòng chính xác. Trong khi biên tập chúng tôi có chỉnh lý được một số nhưng không thể giải quyết triệt để mọi nhầm lẫn, mong bạn đọc lượng thứ. Sau khi bài đăng lên, bạn Việt Long đã chỉ giúp một số chỗ còn sai và chúng tôi đã chỉnh lý tiếp. Nhân đây xin cám ơn bạn Việt Long đã có những đóng góp quý báu – BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn