Về những dự án sân golf Lâm Đồng – Vẫn là cái nhìn viển vông như dự án tàu cao tốc

Điều tra: Phạm Thái

Bài viết này được hoàn thành từ năm 2009, nhưng nhân BVN cho đăng bài “Sân golf nuốt đất nông nghiệp” ở Lâm Đồng, tác giả đọc lại, thấy những điều tra của mình có thể cung cấp một cái nhìn hệ thống về quá trình biến đất và rừng thành sân golf ở đây, thông qua các quyết định chấp chới của các vị lãnh đạo vốn chẳng hiểu gì về làm ăn kinh tế, cũng chẳng thiết tha gì đối với những ưu thế trời cho của cảnh quan văn hóa và thiên nhiên Lâm Đồng, dẫn đến hậu quả tệ hại như hiện nay. Vì thế tác giả đã gửi đến nhờ chúng tôi đăng lại để bạn đọc cùng tham khảo.

Bauxite việt Nam

Bài 1: Lâm Đồng còn bao nhiêu dự án sân golf?

Lâm Đồng hiện nay có 11 dự án sân Golf, tổng diện tích đất đai, mặt nước trên 7.070ha, vốn đăng ký khoảng 950 triệu USD và một dự án đã đi vào hoạt động 16 năm nhưng thua lỗ liên tục, không mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội. Giờ đây người ta chen nhau đi xin dự án và tỉnh cũng vội vã chấp thuận cho phép nhà đầu tư lập dự án xây sân Golf. Thử hỏi tỉnh cấp phép, cấp đất cho xây dựng sân Golf để làm gì?

Hiện tượng một số tỉnh thi nhau thu hồi đất của dân cấp phép xây dựng sân Golf như Long An đã được Chính phủ khuyến cáo, nhìn lại các dự án sân Golf ở Đà Lạt-Lâm Đồng cũng không thua chị kém em. Theo báo cáo của cơ quan cấp phép đầu tư tỉnh Lâm Đồng đến nay đã có 11 dự án sân Golf được UBND tỉnh cấp giấp chứng nhận đầu tư và đồng ý chủ trương đầu tư. Trong đó có một sân Golf hoạt động 16 năm, 2 dự án đã làm lễ động thổ khởi công xây dựng hồi đầu năm 2008, số còn lại đang triển khai. Chưa đủ, tỉnh Lâm Đồng còn dự kiến cho phép xây dựng từ 5-6 sân Golf tại các Khu du lịch mới Đan kia-Suối Vàng, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch hồ Đại Ninh. Điều đáng nói chỉ có một sân Golf hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên, nhưng các nhà đầu tư vẫn đến hầu xin tỉnh cấp đất xây dựng sân Golf. Và tỉnh đã phóng khoáng chấp nhận cấp phép với tốc dộ phi mã, chỉ gần 3 năm (2006-2008) đã có thêm 10 dự án sân Golf mới được cấp phép và đồng ý chủ trương đầu tư, tổng diện tích đất đai, rừng già, mặt nước trên 7.070ha. Riêng 10 tháng năm 2007 tỉnh đã phê chuẩn thỏa thuận cấp phép 8/10 dự án sân Golf mới.

Các nhà đầu tư xin lập dự án sân golf làm gì?

Đến nay (tháng 6/2008) có một dự án đang xem xét cho rút lui bởi ảnh hưởng trực tiếp đến đập thủy điện Đa Nhim, 10 dự án còn lại các nhà đầu tư vẫn đeo đuổi thực hiện “ý tưởng” đến cùng. Họ lập dự án xin đất xây dựng sân Golf để làm gì trong khi chỉ có một sân Golf nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt đã bị thua lỗ triền miên. Một nhà đầu tư hé mở: Nếu không nhanh chân, các đại gia khác sẽ chiếm hết đất, muốn làm gì phải cầu lụy sang nhượng mua bán đắt đỏ!

Rõ ràng, việc các nhà đầu tư đến Lâm Đồng dùng cái cớ xin lập dự án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xây dựng sân Golf, mục tiêu chính là “tậu”được nhiều đất, nhiều rừng. Theo một báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Lâm Đồng trong 11 dự án Du lịch-sân Golf, tổng diện tích đất 7.072ha, có khoảng 1.600ha dành cho sân Golf, diện tích còn lại là các hạng mục như nhà hàng khách sạn, Masasge, Resort, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, dã ngoại v.v và v.v.

Cũng theo sở này, trong số 11 dự án sân Golf có 4 dự án đầu tư nước ngoài, một sân Golf hoạt động, 2 dự án đã khởi công xây dựng, tổng diện tích đất gần 1.500ha và tổng nguồn vốn đầu tư 3 dự án mới 53,4 triệu USD. Ba dự án mới đã chiếm 1.440ha, có 2 dự án nằm gần trục quốc lộ 20 cách trung tâm Đà Lạt từ 10-20km, chiếm gần 1.200ha đất đai, rừng già, ruộng nước. Người viết bài này đã chứng kiến 2 buổi lễ khởi công dự án trong không khí tưng bừng hoan hỷ với sự góp mặt đông đủ của các quan chức địa phương. Nhà đầu tư nước ngoài đã hứa bỏ ra hàng trăm ngàn USD làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa, làm trạm xá, mở đường… nhưng người dân không lấy làm vui khi phải đánh đổi hàng trăm ha đất đai, ruộng nước. Ba dự án mới này có trên 420ha ruộng, đất nông nghiệp, khoảng 184ha hồ suối nước, còn lại rừng thông, và nhà đầu tư dự kiến dành 410ha làm sân Golf 36-48 lỗ.

Thấy các nhà đầu tư nước ngoài từ phương xa đến xí phần các miếng đất béo bở làm dự án sân Golf, các đại gia trong nước cũng tìm mọi ngõ ngách chen chân. Chỉ trong 11 tháng, cuối năm 2006 sang 2007 cùng với 3 nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước đã “chộp” được 6 dự án sân Golf trên 5.560ha đất. Đây có thể đưa vào sách kỷ lục guiness về thời gian, diện tích đất đai, số lượng thu hút nhà đầu tư đến lập dự án xây sân Golf tại Lâm Đồng. Số vốn đăng ký cũng đạt kỷ lục và bỏ xa vốn nước ngoài là 856 triệu USD. Không hiểu thực hư số tiền USD đăng ký mỗi dự án đến hàng trăm triệu là nguồn vốn từ đâu, giải ngân thế nào, được bao nhiêu phần trăm, ai giám sát… nhưng họ cứ tranh nhau xin-cho, chia chác đất đai, rừng núi. Xã Đạ Sa nằm trên đường 723 từ Đà Lạt đi Nha Trang vừa mới khai thông đã có 2 đại gia từ Sài Gòn lên xí phần chiếm gần 700ha đất đai, rừng già. Trong đó Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (một CT con của Sacombank) 333ha, Công ty TNHH Miền nhiệt đới 350ha. Một vùng đất khác nằm tận vùng kinh tế mới xã Lộc Thắng thuộc huyện mới Bảo Lâm cũng có một Công ty Thương Mại từ TP HCM tìm đến xin 630ha đất đồi chè, mặt nước làm sân Golf, và được tỉnh đồng thuận. Những chuyện lạ lẫm như thế cứ bình thản diễn ra, và những con số người dân mất đất càng dài thêm theo thời gian.

Những con số trên có lẽ đã làm choáng ngợp các quan chức địa phương, nhưng cũng gây lo âu và thậm chí phẫn nộ với những hộ nông dân mất ruộng đất!

Bài 2: Hiệu quả và hậu quả từ các dự án sân golf

Một sân Golf nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt, 16 năm kinh doanh liên tục thua lỗ, lương công nhân từ 1,5-1,6 triệu đồng/ tháng, nhưng 10 dự án sân Golf mới vẫn cho phép ra đời, gần 200 hộ, 600 lao động đồng bào thôn K’Rèn của một dự án, hàng trăm hộ vùng kinh tế mới trồng chè của một dự án khác ở huyện mới Bảo Lâm có nguy cơ mất đồi chè, mặt nước khi một dự án sân Golf 630ha triển khai xây dựng. Đâu là lời giải cho các dự án sân Golf ở Lâm Đồng-Đà Lạt?

Năm 1989 nhà tài phiệt Hoa kỳ, ông Lary 42 tuổi lần đầu đến Đà Lạt trông thấy một sân cỏ hoang sơ (vốn là sân Golf thời Pháp thuộc) bên bờ Xuân Hương thơ mộng, nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt ông liền quyết định đầu tư nhưng thời gian này Việt Nam chưa có quan hệ đầu tư trực tiếp với Hoa Kỳ nên phải đi bằng đường vòng qua Hồng Kông thành lập Công ty Danao, và liên doanh với Công ty du lịch Lâm Đồng đặt tên là Công ty Liên doanh DRI. Tổng vốn đầu tư của Liên doanh DRI 40 triệu USD, thời hạn 20 năm, mỗi bên 50% vốn. Trong đó vốn nước ngoài 20 triệu USD đưa vào xây dựng, 20 triệu USD phía Việt Nam tính bằng giá trị đất và các công trình khách sạn, dinh thự, biệt thự…

Sau 3 năm xây dựng chỉnh trang sân Golf 18 lỗ, trên 62 ha đất và các công trình khách sạn Palacce, Duy Bắc… năm 1992 sân Golf Đà Lạt đưa vào hoạt động. Sau 10 năm kinh doanh thua lỗ triền miên, nợ thuế và các khoản phải chi trả khác lên tới 3,5 triệu USD. Năm 2002 phía nước ngoài (lúc này ông Lary bị rơi máy bay tử nạn) đưa ra yêu sách nếu Việt Nam đồng ý cho nước ngoài sở hữu 100% vốn thì xóa nợ. Tỉnh Lâm Đồng chưa chịu, giằng co mãi đến cuối năm 2003 phải chấp thuận. Sau đó (2006-2007) liên doanh DRI xóa sổ, với tên mới là Công ty TNHH Khu nghỉ mát Đà Lạt, 100% vốn nước ngoài, thời gian hoạt động cũng được nâng lên 40 năm.

Theo báo cáo của Công ty, thống kê của cơ quan thuế vụ và Sở Kế hoạch Đầu tư Lâm Đồng trong 5 năm (2003-2007) kinh doanh sân Golf tiếp tục bị thua lỗ, Công ty phải dùng khoản thu từ các dịch vụ khách sạn bù lỗ, các chỉ số tăng chậm như lượt khách chơi Golf năm 2003: 7.518 người đến năm 2008: 12.507 người, tốc độ tăng bình quân 13%, nộp ngân sách năm 2003: 146.256 USD đến năm 2007: 407.835 USD, 4 tháng đầu năm 2008: 223.000USD và chỉ có khoảng 4.990 lượt người đến chơi Golf.

Theo một thành viên cai quản sân Golf, số hội viên hiện nay khoảng 200 người, giá một thẻ hội viên chuyên nghiệp 15.000USD, có quyền chuyển nhượng, và 15 hội viên không chuyên trong nước, nhưng mỗi năm chỉ có 6-7 giải cục bộ, bởi Đà Lạt có 6 tháng mùa mưa nên dường như không có khách đến với Golf. Nguồn thu từ chơi Golf không đủ chi phí trả lương nhân công, Công ty phải điều phối từ dịch vụ khác, nên mức lương bình quân của 175 cán bộ nhân viên lao động trực tiếp khoảng 1,5 đến 1,6 triệu đồng/tháng, so với các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh còn kém xa, và so với mặt bằng chung, mức thu nhập trên càng khó chấp nhận.

Hậu quả từ các dự án sân golf

Nếu so sánh thu nhập của người công nhân đang phục vụ tại sân Golf Đà Lạt với người nông dân trồng rau hoa, ruộng lúa thì khập khểnh nhưng cái hơn của người làm vườn Đà Lạt và nông dân nguy cơ mất đất từ các dự án là dễ nhận thấy: một lao động chính sản xuất rau hoa, chè, cà phê, lúa gạo có thể thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, nuôi sống từ 5-7 người trong gia đình và cung cấp nông phẩm cho hàng trăm người khác ngoài xã hội. Hơn thế nữa người nông dân khi bị mất đất thì hậu quả khôn lường đối với bản thân và gia đình con cháu họ.

Sân Golf K’Rèn, tọa lạc ngay nách TP Đà Lạt dưới chân đèo Prenn là một ví dụ. Người dân tộc Kơ-ho sinh sống tại đây qua nhiều thế hệ nhờ vào ruộng nước, mảnh vườn. Năm 2007 ông Jun Kyung Bac một thương nhân Hàn Quốc đến Lâm Đồng thông qua “Hội đồng thành viên” bởi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng làm Chủ tịch và một vị thành viên ở TW nguyên hàm Bộ trưởng xin lập dự án sân Golf và được UBND tỉnh Lâm Đồng dễ dàng chấp thuận cấp giấy phép đầu tư ngay trong tháng 11/2007 với tên gọi Công ty TNHH xây dựng G.E.P Hàn Quốc, và họ liền cho cờ giăng trống mở làm đại lễ khởi công xây dựng tại khu Resort Hoàng Anh Gia Lai-Đà Lạt. Trên 440ha đất được tỉnh cho phép xây dựng sân Golf, trong đó có 172ha ruộng nước của gần 200 hộ, 600 lao động là đồng bào Kơ-ho đang canh tác đã bị thu hồi. Nhưng khi cán bộ Ban đền bù giải tỏa đến họp dân, đo đạc đất đai liền bị người dân bản xứ phản ứng kịch liệt. Anh Ha Hiếu 42 tuổi, có 3 đời canh tác trên mảnh ruộng gần 1ha nói: Cán bộ lấy ruộng cho Công ty làm dự án mình không còn cái trồng lúa lấy đâu ra hạt gạo nuôi sống cha mẹ già và 3 đứa con nhỏ. Cha mẹ mình, bà con mình nó cũng không ưng cái bụng.

Chưa hết, dự án sân Golf Lộc Thắng còn oái oăm hơn thế. Xã Lộc Thắng vốn là một vùng kinh tế mới thuộc huyện mới Bảo Lâm, cách xa Đà Lạt khoảng 160km. Bao năm rồi người dân thập phương đến khai hoang trồng chè, cà phê yên ổn làm ăn sinh sống, đùng một cái có một Công ty Dịch vụ Thương mại từ TP HCM đến xin lập dự án sân Golf với tổng diện tích đất gần 630ha, trong đó có 348 ha đồi chè, cà phê, 280ha hồ nước, làm cho hơn 100 hộ nông dân nguy cơ mất dất khi dự án triển khai. Đã mất đất người dân còn mất luôn cả nước vì 280ha mặt nước có đủ khả năng tưới tiêu cho hàng ngàn ha cây trồng, khi dự án thực thi hồ nước sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư.

Trong một cuộc họp mới đây với UBND tỉnh, ông Huỳnh Phong Tranh Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cảnh báo: Đối với các dự án sân Golf trên địa bàn mà đụng đến đất sản xuất nông nghiệp thì tỉnh kiên quyết không cho triển khai, thu hồi dự án.

Lời cảnh báo muộn màng của người đứng đầu tỉnh Lâm Đồng có lẽ không chỉ tác dụng đến các dự án sân Golf phải thu hồi đất nông nghiệp mà cần phải xem xét nghiêm túc đối với các dự án không, hoặc ít can dự đến đất nông nghiệp như các sân Golf ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng, hồ Đại Ninh, hoặc các dự án thuộc vùng rừng thông Đà Lạt, xã Đạ Sa, (Lạc Dương), hồ Đạ Ròn (Đơn Dương).

Bao nhiêu dự án sân Golf sẽ bị thu hồi và bao nhiêu dự án mới được cấp phép là một bài giải nằm trên bàn các vị lãnh đạo địa phương tỉnh Lâm Đồng. Người dân, bà con nông dân chỉ biết trông chờ vào vận may.

Đà Lạt tháng 7/2008.

PT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn