'Không có gì phải né tránh luật về Đảng'

Khánh Linh

clip_image003

 

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Hình như tâm lý của ta chưa quen với dân chủ. Ảnh: LAD

 

Chính vị trí cầm quyền của Đảng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa thành pháp luật. Làm trái đi là xúc phạm đến sự lãnh đạo của Đảng và thể chế của nhà nước - nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

LTS: Để đảm bảo dân chủ, mọi việc Đảng làm dân phải được biết, Đảng cũng phải hoạt động theo pháp luật. Điều lệ Đảng đã khẳng định, mọi tổ chức của Đảng đều hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Khẳng định như vậy nhưng sự lãnh đạo của Đảng lại chưa được thể chế hóa thành luật, cấp ủy đảng dường như đang được hoạt động tự do. Đây là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, góp ý cho dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XI.

Góc nhìn của ông Nguyễn Đình Lộc có thể còn cần phải tranh luận, bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi, tôn trọng không khí tranh luận cởi mở, VietNamNet giới thiệu nội dung cuộc trò chuyện này. Mời bạn đọc cùng tranh luận.

Họp chi bộ khu phố có bàn thảo gì đâu

Trong bàn tròn nhân 65 năm Quốc khánh, ông đã bàn nhiều về dân chủ, theo nghĩa là mọi người dân đều phải được hưởng quyền làm chủ. Nói về dân chủ trong Đảng, đang có chủ trương mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng bằng việc thực hiện thí điểm ĐH Đảng bầu trực tiếp bí thư, đã qua cấp cơ sở, quận/huyện, giờ là tỉnh/thành. Theo ông, như vậy đã là dân chủ đủ chưa?

Ban Tổ chức Trung ương cũng đang chuẩn bị phương án bầu trực tiếp Tổng bí thư trong ĐH Đảng XI, nghĩa là đang từng bước mở rộng dân chủ.

Như tôi đã từng nói, nhận thức về dân chủ là cả quá trình, không ai có thể tự nói rằng mình đã nhận thức đầy đủ, có một quan niệm rõ ràng về dân chủ. Dân chủ cũng là thói quen, nếp sinh hoạt, không phải dễ dàng mà thực hiện dân chủ, nhất là với những người đang có quyền. Nói đến dân chủ tức là quyền bình đẳng, cấp dưới cũng có thể "đụng chạm" đến anh, nên người có quyền sẽ dễ thấy bị đụng chạm và "e ngại" dân chủ.

Có một thực tế là dường như chính các Đảng viên cũng "ngại" dùng đến quyền dân chủ của mình. Chẳng hạn, rất ít trường hợp các đảng viên chủ động giới thiệu thêm người ra ứng cử vào ban chấp hành, chưa nói đến chuyện tự ứng cử, hay ứng cử cho chức vụ Bí thư? Ngay trong lá phiều bầu cũng nhiều khi thể hiện sự e ngại, bí thư thường được bầu với số phiếu rất cao, nhiều trường hợp cao hơn rất nhiều số phiếu bầu chính người đó vào ban chấp hành? Vì sao lại thế?

Vì ai cũng hiểu những người trong cấp ủy có quyền, bí thư là người có quyền lớn nhất, điều này chi phối hành động của các đảng viên. Nếu mình ứng cử thêm ai vào để "so" với bí thư, sau này dễ phiền phức. Vậy nên các đảng viên đến dự đại hội vẫn chủ yếu phụ thuộc vào danh sách đề cử của cấp ủy khóa trước, trong khi lẽ ra dân chủ phải do ứng cử là chính.

Ngay như chuyện họp chi bộ cũng thế. Tôi về hưu, họp chi bộ ở khu phố, ra họp cũng chủ yếu để nghe phổ biến chứ có bàn thảo gì đâu, ai đó đã quyết định hết rồi. Chúng tôi cũng thấy trong Đảng như thế là chưa dân chủ. Phải thay đổi phương thức sinh hoạt lâu nay.

Hình như tâm lý của ta chưa quen với dân chủ. Ở các nước như thế không ai chịu được, còn ta thì quen rồi, nên tất cả đều chấp nhận, xem đó là bình thường. Mới thấy qua xã hội dân chủ là rất quý, vì rèn cho con người ta biết thực hành dân chủ.

Cứ "bình bình" thì không thể kỳ vọng gì

Với cách làm như hiện nay, khi ta đang từng bước thực hành dân chủ, làm sao chọn được những người đứng đầu ở tầm lãnh tụ để dẫn dắt dân tộc?

Ta đang từng bước tiến hành dân chủ, làm sao có được người như thế thì rất khó. Phải quyết liệt thay đổi cách làm, nhưng chúng ta có thật sự muốn không? Ta sẽ đi đến đâu? Ta có chấp nhận cứ tiếp tục "bình bình" thế này không? Sắp đến là bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân, kể cả Đại hội Đảng cũng đã đến ĐH tỉnh/thành rồi, chưa thấy có biến chuyển gì lớn.

Tình hình như thế này thì không thể đột phá, mọi sinh hoạt vẫn theo cách cũ, hy vọng ngay điều gì là rất khó. Cương lĩnh chẳng sửa nhiều, đúng hơn là có sửa nhưng không cơ bản. Rồi những gương mặt có khả năng thành người đứng đầu, không biết có ai ấp ủ gì không, còn nếu nhìn những gì bộc lộ ra ngoài thì chưa thể kỳ vọng gì lớn ở ĐH này.

Chúng ta vẫn đang hiểu Đảng là Đảng lãnh đạo, chứ không phải Đảng cầm quyền như Bác Hồ đã nhấn mạnh trong di chúc của Người. Cần nhớ rằng Đảng cầm quyền là một khái niệm rất phổ biến trên thế giới. Với các nước đa đảng thì mỗi nhiệm kỳ có thể là một đảng khác nhau cầm quyền. Còn ta là một Đảng cầm quyền, vị thế này đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp.

Ông có thể giải thích rõ sự khác nhau giữa Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền, theo nhận thức của ông?

Theo tôi, khi nói đến Đảng cầm quyền, thì đó là quyền của dân, và dân trao cho Đảng. Đảng không phải đơn vị sản xuất, Đảng là tổ chức lãnh đạo, nghĩa là mọi hoạt động của Đảng đều động chạm đến quyền lực của nhân dân. Vì thế, để đảm bảo dân chủ, mọi việc Đảng làm thì dân phải được biết, Đảng cũng phải hoạt động theo pháp luật. Điều lệ Đảng đã khẳng định, mọi tổ chức của Đảng đều hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Khẳng định như vậy nhưng sự lãnh đạo của Đảng lại chưa được thể chế hóa thành luật, cấp ủy đảng dường như đang được hoạt động tự do. Vấn đề này nhiều người cũng đã nêu ra.

Vì sao lại thế?

Những người lâu nay không có gì ràng buộc, nay thấy mình bị ràng buộc phải pháp luật thì cảm thấy không thoải mái, thấy có gì đó không bình thường. Vấn đề là không quen nên cảm thấy bị đụng chạm.

Nếu hiểu cho đúng, những quy định của pháp luật là để tạo cho mỗi người một khuôn khổ, khuôn khổ đó cần và đủ cho anh thực hiện quyền của anh, làm nhiệm vụ của anh. Đó không phải sự hạn chế mà rất cần thiết cho con người, để anh có thể thực hiện quyền của anh mà không đụng chạm đến quyền của người khác. Như tôi đã nói, một người hưởng dân chủ mà hưởng một cách quá đà sẽ phạm vào dân chủ của người khác, thậm chí cướp quyền dân chủ của người khác.

Điều lệ không thể cao hơn pháp luật

Ta đã có Điều lệ Đảng, mọi đảng viên đều phải tuân theo...

Đúng là Đảng có điều lệ Đảng, theo tôi hiểu thì nhiều lần ĐH có sửa đổi điều lệ Đảng, nghĩa là việc áp dụng điều lệ đó cũng có những vướng mắc nên phải sửa đổi. Nhưng điều lệ chỉ là việc riêng của Đảng, việc tổ chức của Đảng.

Trước đây ta chưa biết đến khái niệm pháp quyền. Đảng trước đây hoạt động bí mật rồi ra công khai, nhờ có Đảng mới giành được chính quyền nên nên toàn dân đều tin Đảng. Còn hiện nay, trong xã hội dân chủ, nhất là ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, thì cao nhất là pháp luật, điều lệ không thể cao hơn pháp luật.

Trong cơ chế thị trường, rất dễ động chạm đến lợi ích. Nếu không rạch ròi, sòng phẳng, thì có thể có sai lầm. Chính vị trí cầm quyền của Đảng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa thành pháp luật, để dân còn biết mà làm theo. Nếu làm trái đi là xúc phạm đến sự lãnh đạo của Đảng, xúc phạm đến thể chế của nhà nước. Nếu nhận thức như thế, sẽ thấy việc luật hóa quyền lãnh đạo của Đảng là rất cần thiết, và không có gì phải né tránh cả. Đảng cầm quyền phải được thể chế hóa bằng pháp luật, nhất là trong điều kiện là Đảng cầm quyền duy nhất.

Đảng đã có điều lệ thì có thể thể chế hóa điều lệ đó để thành luật. Mọi tổ chức của Đảng, từ Bộ Chính trị là cấp cao nhất đến cấp ủy cơ sở đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tôi nhắc lại là điều này đã được điều lệ Đảng khẳng định rồi.

Ranh giới quyền hạn

Nghĩa là mọi đảng viên đều thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật?

Luật sẽ thể chế hóa phương thức lãnh đạo của Đảng. Những đảng viên bình thường, vì thế, sẽ không phải là đối tượng điều chỉnh của luật. Đối tượng của luật là các cấp ủy, là cấp lãnh đạo. Như ở một xã thì bí thư đảng ủy xã là người lãnh đạo, thì phải lãnh đạo như thế nào? Pháp luật đương nhiên không hạn chế ông, nhưng chỉ rõ cho ông và cả mọi người dân trong xã biết ông được làm những gì, ông sẽ lãnh đạo như thế nào.

Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn

Trong luật cũng sẽ phân định rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, với Chính phủ (hành pháp), Quốc hội (lập pháp) và Tòa án (tư pháp). Bộ Chính trị đã có nghị quyết bảo đảm sự độc lập của Tòa án, nhưng cần phải thể chế hóa thành pháp luật, còn không thì chỉ là sự độc lập nói chung, trên nguyên tắc.

Chính Đảng phải thật sự gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, để "lôi kéo" quần chúng đi theo mình. Bản thân Đảng cũng phải cảnh giác, vì mỗi người đều có thể mắc sai lầm, không nên nghĩ mọi quyết định, chủ trương đề ra của Đảng đều đúng trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Chẳng hạn, ta có Ban quản trị tài chính quyết định những vấn đề tài chính, kinh tế, quyền lợi liên quan đến hệ thống Đảng. Như thế có đúng không? Tiền thuế của dân đóng góp, Đảng có thể chi tiêu tùy ý không?

Chính pháp luật sẽ giúp Đảng biết đâu là ranh giới của quyền hạn.

Chính pháp luật cũng khiến dân có thể giám sát dễ hơn, và như thế sẽ tin Đảng hơn. Cần lưu ý là không điều gì qua được mắt dân. Dân biết hết, nhiều điều dân không chấp nhận, nhưng dân không dám phản ứng công khai. Chính những sự không minh bạch, công khai khiến niềm tin của dân với Đảng dễ lung lay. Mà niềm tin của dân là vấn đề sống còn của Đảng, nếu không cảnh giác thì sẽ mất niềm tin đó.

K. L.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn