Giải cứu thợ mỏ và câu chuyện “giải cứu” niềm tin

Kim Dung

clip_image001

Trưởng ca Luis Urzua, người đã làm tròn trách nhiệm lội nước đầu tiên, ăn cỗ sau cùng của người lãnh đạo.

 
Niềm tin xã hội bị “mất cắp” không cần đến những phương tiện kỹ thuật hiện đại để “giải cứu”, cũng không cần các quan chức cao cấp có mặt, chỉ cần mọi chính sách, chủ trương lấy lợi ích người dân làm trọng.

Chính trị cao nhất là chính trị vì con người

Sự sống vốn thiêng liêng. Chính vì thế, những ngày qua, cả nhân loại vô cùng hồi hộp, để cuối cũng "vỡ òa" niềm xúc động: Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ tưởng như bị "chôn sống" suốt gần 70 ngày, dưới tầng đất đen 700m trong vụ sập hầm tại Chile đã thành công mỹ mãn.

Cuộc giải cứu thành công, không chỉ nhờ có các phương pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến, tính toán cực kỳ khoa học, mà quá trình giải cứu, cách ứng xử để cứu nhau khi cái sống cái chết giáp ranh mong manh mới thực là điều đáng nói. Ở đó đã hiển hiện chân dung những người Chile đẹp đẽ.

Quyết định ai sẽ được cứu trước, ai sẽ lên sau, cho thấy họ nghĩ như thế nào cho nhau, vô tình cho thấy những ứng xử vừa cực kỳ đạo lý, vừa sáng suốt.

Đó là những người già, những người trẻ tuổi nhất được lên trước. Người già được ưu tiên vì đó là lứa tuổi mà sức khỏe cần được bảo vệ, và được kính trọng nhất.

Người trẻ cũng cần được nhường phần lên trước, bởi đó là nguồn lực lao động chính của mỗi gia đình, là con cái của những cha già mẹ héo đang mòn mỏi trông đợi. Và đó cũng chính là nguồn lực lao động lâu dài của quốc gia.

Ưu tiên tuổi trẻ dường như thấm vào sự suy nghĩ, vào quyết định của họ, vô tình như một "chiến lược nhỏ" nằm trong cuộc giải cứu.

Ai là người được giải cứu sau cùng? Xin thưa, đó là trưởng ca (đốc công) Luis Urzua. Là người quản lý số lương thực chỉ đủ ăn  trong 2 ngày, nhưng ông đã chia nhỏ, phân phối số lương thực này, cố gắng kéo dài tới 2 tuần rưỡi chờ ứng cứu. Và ông cũng đã hành động như bổn phận của một người thuyền trưởng- chỉ huy con tàu không may bị nạn giữa biển khơi- là người cuối cùng rời tàu nếu không may tàu đắm.

Trong cuộc ứng cứu này, ai có thể lường trước tất cả những biến cố bất ngờ. Người lãnh đạo, phải là người "lội nước" đầu tiên và "ăn cỗ" sau cùng. Ông đã làm tròn bổn phận của một người quản lý- lãnh đạo trong sự kính nể của những người thợ thành viên.

Và ai nữa, nếu không phải là Tổng thống Chile, Sebastian Pinera. Sự sát cánh của người lãnh đạo cao cấp nhất đất nước, có mái tóc bạc trắng không chỉ khiến cho những người làm công tác ứng cứu cẩn trọng hơn, mà còn khiến họ hiểu rằng - ông - Tổng thống của đất nước không bao giờ rời xa họ, trong những thời khắc khó khăn nhất.

Đặc biệt, có một người lãnh đạo cao cấp nữa, đó là Tổng thống Bolivia đã sang tận Chile để đón một người thợ mỏ - công dân duy nhất của nước mình trong số 33 người thợ.

Những người thợ mỏ khi lên mặt đất, hiểu rằng không chỉ có người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ, mà còn có cả 2 vị nguyên thủ quốc gia luôn chờ đợi, họ sẽ nghĩ gì? Ấn tượng đó chắc chắn tạc sâu trong tâm thức, nhưng cũng vì thế, tôi tin chắc, họ sẽ một lòng một dạ tin tưởng, chia sẻ với người lãnh đạo của mình trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Chính trị cao nhất là chính trị vì con người! Với cuộc giải cứu ngoạn mục này, Chile, đất nước xa xôi tận Nam Mỹ chỉ có 16,6 triệu dân được "ghi điểm" trước cả thế giới như một dân tộc nhân văn và văn hóa.

Không có niềm tin, con người chỉ là tồn tại

Nhưng niềm tin còn thiêng liêng hơn cả sự sống. Khi có niềm tin, con người có thể hy sinh cả sự sống mà không nuối tiếc.

Hình ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đó, mới 24 tuổi đầu, ra pháp trường  vẫn hiên ngang khí phách. Cái khí phách đến coi thường cái chết của người có niềm tin ở lý tưởng mình theo đuổi, như một minh chứng sống cho sự bất tử của niềm tin. Và còn biết bao nhiêu anh hùng có danh và vô danh, đã nằm lại để đất nước Việt Nam "rũ bùn đứng dậy chói lòa"? (Nguyễn Đình Thi)

Không có niềm tin, con người ta sống đấy, nhưng chỉ có thể gọi tồn tại.

Cách đây ít năm, nhà sử học Dương Trung Quốc, tại một cuộc họp Quốc hội đã đặt câu hỏi: Vì sao kinh tế tăng trưởng, mà niềm tin trong xã hội lại u ám?

Một nhà thơ tên tuổi cũng từng nói một câu thật sâu sắc, đại ý: Xin đừng để gương mặt xã hội ta chỉ có một nỗi u buồn...

Niềm tin không có tai, có mắt, có mũi, nhưng nó lại hiển hiện trên gương mặt - hoặc hạnh phúc rạng ngời của một cá nhân, một xã hội, hoặc chỉ còn là vẻ vô cảm, thờ ơ lạnh lẽo của cá nhân ấy, xã hội ấy.

clip_image002

Khi nhìn vào những tiêu cực và sự u ám niềm tin trong xã hội lâu nay, nhiều người đổ lỗi tại kinh tế thị trường - khi chữ "mua bán" len lỏi ở tất cả các mối quan hệ xã hội, kể cả những quan hệ từ xưa tới nay thuộc phạm trù những giá trị tinh thần, tôn kính đến mức bất biến như quan hệ thầy trò.

Thực tế, đó chỉ là sự ngụy biện, bởi tại nhiều nền kinh tế thị trường hùng mạnh, hai chữ "mua bán" đâu có chi phối thô bạo toàn bộ các quan hệ xã hội, nhất là các quan hệ mang ý nghĩa và giá trị tinh thần- nhân văn.

Niềm tin của các xã hội phát triển, nhờ đó mà luôn ngự trị. Nó ngự trị ngay trên diện mạo dân tộc- văn hóa, văn minh, với nền tảng pháp luật công khai và minh bạch làm điểm tựa.

Có lẽ chỉ có thể lý giải sự u ám ấy bằng chính những yếu kém và cách điều hành của cơ chế quản lý, "dựa" trên một nền tảng pháp luật mong manh, không rõ ràng và thiếu minh bạch.

"Mất cắp" niềm tin và "giải cứu" niềm tin

Khi sự tiêu cực nảy nở, sự thiếu minh bạch của luật pháp xuất hiện, thì sự bất công cặp kè. Và niềm tin chắc chắn bị "mất cắp".

Người viết bài này thành thực xin lỗi không ít những người cán bộ tốt, những quan chức tốt, thật sự có lương tâm, trách nhiệm, biết đau nỗi đau của dân, của dân tộc vẫn đang miệt mài, tận tụy làm bổn phận của mình. Nhưng cũng phải thành thật nói rằng, cái sự "mất cắp" niềm tin trong xã hội xảy ra từ lâu, mà dường như vẫn chưa có phép màu nào xuất hiện giải cứu?

Ngày 15- 10 mới đây, một danh sách dài cán bộ chủ chốt, cốt cán từ địa phương cho tới các ngành kinh tế, công an với gần 30 vụ việc vi phạm pháp luật bị Ban Chấp hành TƯ xử lý kỷ luật. Trước đó, vụ ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang và một loạt cán bộ cốt cán tỉnh này mua dâm cả những đứa trẻ vị thành niên... Đó có phải là những quan chức ngang nhiên "đánh cắp" niềm tin của người dân?

Và nữa, phương châm "đồng tiền đi trước đồng tiền khôn" đã làm mờ mắt, làm "tê dại" đi trí khôn của không ít người, dẫn đến sự vô cảm - vô cảm trước nỗi khốn khó của dân.

Cái đồng tiền khôn, nó chỉ khôn cho số ít quan chức có quyền, nhưng nó làm "tê dại" cả sự phát triển của xã hội: Vụ PMU18, vụ Vinashin, vụ Đại lộ Đông Tây...Và còn biết bao nhiêu vụ "khôn, dại, dại, khôn" "chưa nổi lên" trên mặt nước của đời sống?

Cái đồng tiền khôn không chỉ "chia ngọt xẻ bùi" lẫn... "đánh quả" trong các ngành kinh tế, mà nó còn làm "dại mặt" cả các ngành dân sinh, phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế. Làm cho hình ảnh ngành giáo dục, y tế và và người thầy giáo lẫn thầy thuốc mất thiêng trước mắt xã hội. Nó khiến các chuyên gia nước ngoài, như ông Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ đã phải lên tiếng, cho rằng tham nhũng trong giáo dục là  vấn đề nổi cộm, và rất đáng lưu tâm (VietNamNet- 20/9/2010). Không biết các quan chức ngành giáo dục có hổ thẹn không khi nghe lời nói thẳng đó.

Sự vô cảm với đồng loại còn mạnh hơn những con lũ mà đồng bào miền Trung đang phải chịu đựng.

Đó có phải là những thủ phạm đã "đánh cắp" niềm tin của nhân dân không?

Đương nhiên cũng phải công bằng. Chính chúng ta cũng đang tự để cho "niềm tin" rời bỏ chúng ta không thương xót, và coi thường tư cách, hành vi của chúng ta.

Ách tắc giao thông là chuyện phổ biến của mọi quốc gia phát triển và đang phát triển. Anh, Mỹ, Italia... đều trong cáí "vòng kim cô" chưa thể tháo gỡ đó. Nhưng có quốc gia nào, các "thần dân" đi xe máy, ô tô, cứ mạnh ta, ta cứ đi, bất kể lề luật phải trái. Có quốc gia nào, cứ đông xe cộ, là lập tức, xe máy các "thần dân" phóng văng mạng ngay trên vỉa hè, ngày nào cũng như ngày nào, mưa cũng như nắng, nắng cũng như mưa?

Có quốc gia nào, Đại lễ Thăng Long - Hà Nội, Ban Tổ chức đã phải đặt rất nhiều những sọt rác nhưng lạ thay, rất nhiều sọt rác trống huơ trống hoác, còn rác "hồn nhiên" nằm chất đống, bừa bãi ngay cạnh đó.

Có quốc gia nào, lễ hội hoa Hà Nội mà tất cả các "thần dân" xúm đông xúm đỏ vặt trụi đem về làm của riêng. Hoặc vặt xong chả biết làm gì, vất ngay ...tại chỗ? Có quốc gia nào, bên những cây hoa đẹp đẽ mảnh mai, vô tội là những bóng áo cảnh sát phải ngồi canh chừng để chống lại hành động vặt hoa, bẻ hoa...

Có quốc gia nào, chỉ một sơ ý va chạm nhỏ ở ngoài đường, hay có khi chỉ là một cái nhìn vô tình, bị khép tội... "nhìn đểu", cũng có thể biến thành những trận cãi vã, đấm nhau, đánh nhau, thậm chí... giết người.

Rất nhiều ý kiến cho rằng nhiều quan chức chà đạp lên pháp luật. Nhưng phải nói thẳng, nhiều "thần dân" chúng ta cũng đang chà đạp lên luật pháp không thương tiếc.

Khi luật pháp chỉ là cái bóng vật vờ, thì "niềm tin" cũng khiếp đảm chạy trốn, ngay chính chúng ta.

Sự sống của những người thợ mỏ Chile đã được giải cứu bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của Nasa, cộng với tình người sâu thẳm.

Còn sự "giải cứu" niềm tin xã hội, chắc chắn không cần đến những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Cũng không cần các quan chức cao cấp có mặt. Mà chỉ cần mọi chính sách, chủ trương lấy lợi ích người dân làm trọng. Chỉ cần các quy chuẩn pháp luật xã hội hãy thực sự công bằng, minh bạch, để người dân từ đó điều chỉnh hành vi, cách ứng xử.

Sự "giải cứu" đó, không mất tiền. Nhưng cần rất nhiều đến tấm lòng- tấm lòng vì dân, vì lợi ích một dân tộc dân chủ, giàu mạnh, văn minh và văn hóa.

K. D.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn