Hơn 1.000 hồ thuỷ lợi xuống cấp: Hiểm hoạ lơ lửng từ các “lưỡi gươm” nước khổng lồ

Quốc Nam – Khánh Lam

clip_image002

Cảnh ngập tại Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Trung Đức

 

SGTT.VN - Tại Quảng Bình, mưa lũ đã làm tám hồ, đập thuỷ lợi bị vỡ. Tại Hà Tĩnh, hồ Khe Mơ sức chứa gần 1 triệu mét khối nước cũng đã vỡ đập... Vẫn còn hàng ngàn hồ, đập thuỷ lợi khác ở ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An mà sự thiếu an toàn của nó có thể mang đến hiểm hoạ được ví như những quả bom nước khổng lồ cho hàng ngàn hộ dân.

Hồ, đập cũ nát, thiếu duy tu

Hiện tại, Nghệ An có 625 hồ, đập thuỷ lợi lớn nhỏ được xây dựng thủ công từ năm 1964 đến năm 1980, chưa được tu sửa cẩn thận. Theo số liệu từ chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, hầu hết các hồ, đập này có sức chứa từ 1 triệu mét khối nước trở lên. Còn nếu tính cả những hồ nhỏ hơn thì con số hồ, đập chứa nước trong tỉnh phải lên đến hàng ngàn và phần lớn là những hồ, đập do chính quyền xã quản lý, đa phần hiện trạng của chúng đều xuống cấp nghiêm trọng. Tại Hà Tĩnh, thống kê của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, địa phương này có 359 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết đang xuống cấp do tuổi đời xây dựng từ 20 năm trở lên, lại không được bảo dưỡng, nâng cấp nên thân đập quanh hồ nhiều nơi rệu rã vì mối đùn và bị nước xâm thực.

Ở Quảng Bình, tình trạng cũng không khá hơn. 188 hồ, đập trong tình trạng già nua, xuống cấp. Những hồ nước lớn sức chứa hàng trăm triệu mét khối như hồ An Mã, hồ Phú Hoà, hồ Cẩm Ly mới được sửa chữa từng hạng mục một nhưng vấn đề an toàn tuyệt đối vẫn chưa đảm bảo.

Riêng hồ Đập Bẹ có dung tích 10 triệu mét khối ở huyện Tuyên Hoá thì đang có nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào. Nếu hồ Đập Bẹ vỡ đê, nước tràn ra sẽ quét sạch các xã Mai Hoá, Châu Hoá, Văn Hoá (Tuyên Hoá), Cảnh Hoá, Phù Hoá… (Quảng Trạch)! Hiện tại, các cơ quan hữu quan ở Quảng Bình đang ra sức gia cố thân đê hồ chứa nước Đập Bẹ với khối lượng đất đá xây dựng lên đến 6.000m3. Ngoài ra, Quảng Bình cũng đang ra sức ngăn ngừa sự cố vỡ đập tại các hồ Khe Trợ, Khe Danh, Dăm Vọng với trên 10.000m3 đất đá và hàng chục ngàn công lao động được huy động.

Tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), hai trận lũ vừa qua đã làm vỡ đập của tám hồ lớn ở các xã Liên Trạch, Cự Nẫm, Vạn Trạch, Tây Trạch, Lâm Trạch, Phú Trạch. Hơn 10.000 dân ở sáu xã này đã phải chạy nạn. Rất may chưa có thiệt hại về người từ những vụ vỡ đập này nhưng thật phi lý khi người dân căng mình ra đối phó với những cơn lũ tự nhiên còn chưa xong thì những cơn lũ nhân tạo từ hồ, đập càng làm người dân thêm kiệt sức! Ông Phan Văn Gòn, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết: “Các đập trên đã cũ nát, không có cái nào được bảo dưỡng, vỡ đập là không tránh khỏi”.

Vẫn là điệp khúc “thiếu tiền”

Các chuyên gia thuỷ lợi thuộc chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh đã từng tính toán và đưa ra nhận định: nếu bão giật trên cấp 10 đổ bộ vào cộng với mưa lớn, Hà Tĩnh sẽ xảy ra thảm hoạ vì vỡ các hồ, đập. Tuy vậy, chính quyền Hà Tĩnh thời gian qua chưa khắc phục kịp thời vì lý do kinh phí quá eo hẹp. Trao đổi với chúng tôi sau khi đập hồ Khe Mơ vỡ, ông Nguyễn Văn Sinh, giám đốc công ty khai thác công trình thuỷ lợi Sông Rác, cho biết đơn vị ông đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng hồ, đập nhưng chưa được đáp ứng. Theo ông Sinh, mỗi năm đơn vị Sông Rác cần khoảng 2,5 tỉ đồng nhưng tỉnh chỉ cấp 70 triệu đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng. “Chi phí này chưa đủ cho những công việc đơn giản chứ nói gì đến sửa chữa, duy tu lớn. Không riêng gì Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng chung tình cảnh và chỉ còn biết chờ chi viện của Trung ương.

Như vậy, chính quyền và cơ quan hữu trách nhiều địa phương xem ra đành thúc thủ trước những quả bom nước khổng lồ treo lơ lửng, sẵn sàng đổ ập xuống tàn phá tài sản và thậm chí là tính mạng của người dân?

Thực tế Phú Vinh

Hồ chứa nước Phú Vinh là đại công trình thuỷ nông của Quảng Bình. Hồ được xây dựng năm 1992 tại xã Thuận Đức và phường Đồng Sơn của thành phố Đồng Hới. Với diện tích lưu vực 38km2, diện tích mặt nước 4,02km2, dung tích hồ là 22,36 triệu m2 nước, hồ Phú Vinh trở thành niềm tự hào của Quảng Bình trong việc cung cấp nước cho thành phố Đồng Hới đồng thời góp phần tiêu úng, chống hạn cho ngành nông nghiệp.

Điều đáng nói là hồ chứa nước được xây dựng ngay trong lòng thành phố, nơi đông dân nhất của tỉnh, thì lẽ ra, phải có phương án thiết lập khu đệm an toàn cho hồ bằng cách di dời dân tránh xa chân đập. Đằng này, khi có hồ Phú Vinh, hàng ngàn người dân kéo về sát bên hồ xây dựng nhà cửa sinh sống, sản xuất. Cùng với thời gian, các phường, xã nằm quanh hồ như Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông... dân số ngày càng đông. Nhiều “đại gia” ở thành phố Đồng Hới còn đua nhau lên mua đất quanh hồ lập trang trại. Dường như không ai trong số họ nghĩ đến mối đe doạ từ túi nước thuộc loại lớn nhất khu vực này. Chính lãnh đạo trạm thuỷ nông Phú Vinh cũng thừa nhận: với lưu vực hồ rộng, hệ thống hồ có ba đập đất dài (một đập chính và hai đập phụ) nằm phân tán, việc quản lý an toàn đập rất khó khăn và phức tạp; nếu hồ Phú Vinh gặp sự cố, trên 5.000 hộ dân ở Đồng Hới không thể chống chọi với dòng nước hàng triệu mét khối đổ xuống.

Việc xả lũ – dù chỉ vỏn vẹn vài ba giờ đồng hồ – vào năm 2008 của hồ Phú Vinh đã cho thấy mức độ nguy hiểm đó. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ xả nước theo quy trình vận hành hồ nhằm giảm lưu lượng nước dâng cao đột ngột trong hồ do mưa lớn, cả phường Bắc Nghĩa của thành phố Đồng Hới bị ngập, dù đây là phường nằm trên vùng tương đối cao của thành phố. Hơn 700 căn nhà ngập trong biển nước cao hơn 1,5m. Thiệt hại về hoa màu, tài sản của dân rất lớn khiến nhiều gia đình như gia đình chị Bùi Thị Giang ở tiểu khu 13 phường Bắc Nghĩa hoàn toàn trắng tay; một người dân của Đồng Hới chết trong biển nước...

Q. N. – K. N.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn