Kết luận của cơ quan điều tra không đồng nghĩa là phán quyết của tòa án

Hà Đình Sơn

Chúng ta phải thừa nhận rằng: văn hóa pháp lý của xã hội Việt Nam hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực và còn xa với chuẩn mực quốc tế. Trước đây và hiện nay, hễ cứ báo đăng, đài nói, truyền hình đưa tin, cơ quan nhà nước nói cái gì là mọi người tin rằng là đúng, đã đồng nghĩa là phán quyết của pháp luật. Nhưng chiểu theo quy định của pháp luật thì tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức, kể cả cơ quan nhà nước hành pháp, lập pháp, tư pháp đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có đặc quyền cứ nói là đúng nếu chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật của tòa án!

Tại Điều 72 của Hiến pháp 1992 quy định:

“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

Và cũng tại Điều 14 Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966):

“1. Mọi người đều bình đẳng trước toà án. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác...

2. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật”.

3. Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:

[…]

b. Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với luật sư do mình lựa chọn.

[…]

d. Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn luật sư.

e. Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.

[…]

g. Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng”.

Điều 71 của Hiến pháp cũng quy định:

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ, thiết nghĩ không cần phải bình luận gì thêm. Một minh chứng nhỏ là trước đây bị cáo đứng trước tòa dù có hay chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa đều phải mặc quần áo tội phạm (quần áo sọc), nhưng sau này đã thay đổi. Thế nhưng từ trước cho đến nay các cơ quan điều tra và thậm chí cả báo chí do theo chỉ đạo của cá nhân hay thế lực nào đó, cứ tự nhiên, như nhiên rồi thành thói quen tổ chức các họp báo và đưa ra các thông cáo báo chí, báo cáo, bình luận… để qui kết xác định các nghi can trong một nghi án còn ở trong giai đoạn điều tra là đã phạm tội này, tội khác rất nghiêm trọng cần phải trừng trị đích đáng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật là nhà nước, cụ thể là cơ quan, công chức, viên chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì không có một quy định nào cho phép cơ quan điều tra được làm những việ đưa ra các kết luận như vậy trước công luận. Bất luận vô tình hay cố ý, các cơ quan này đã vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền công dân được pháp luật bảo hộ là danh dự và nhân phẩm.

Bản chất của pháp luật là khách quan, không kể người phạm tội là ai, nhân thân thế nào (loại trừ yếu tố giảm tội đã được lượng hình khi xử phạt). Ai phạm vào tội nào thì đã có hình phạt tương ứng cho loại tội đấy được ghi trong Bộ Luật hình sự. Nếu nhà nước, xã hội cần răn đe hay loại bỏ một xu hướng tội phạm nào thì phải bằng cách sửa đổi pháp luật, mặc nhiên, không thể duy trì mãi cái văn hóa lỗi thời, tàn độc “bắn nhầm hơn bỏ sót”; nó đã phạm tội trong con mắt của mình thì nó phải chết đáng đời.

Điều 16 Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (1966):

“Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu”.

Vì vậy, cơ quan điều tra không thể gây ảnh hưởng bởi thiên kiến chủ quan mà vi phạm pháp luật xâm phạm thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra bất kể đó là nghi án, nghi can nào. Để cải cách hoạt động tư pháp về thực chất, nâng cao pháp chế của nhà nước pháp quyền, các cơ quan tham gia tố tụng cần chấm dứt ngay các hành vi vi hiến của mình, nâng tầm văn hóa pháp lý nước nhà trong hội nhập quốc tế.

Hà Nội, 01/10/2010

H. Đ. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn