Khắc khoải miền Trung: Chẳng còn gì ngoài nước mênh mông

clip_image001

Những cánh tay trổ mái nhà kêu cứu ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi canô cứu nạn đi qua - Ảnh: HỮU KHÁ

TT - Ngày 6-10, đi sâu vào vùng rốn lũ ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang ngập trắng nước lũ, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hình ảnh tan hoang ở khắp nơi.

Những gia đình nghèo ở đây đang vật lộn bên căn nhà đã tan tành, chìm giữa biển nước mênh mông để tìm kiếm những gì còn sót lại.

Xem video Lệ Thủy chìm trong lũ

clip_image002

Hầu hết nhà ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình ngập đến mái - Ảnh: HỮU KHÁ

clip_image003

Ông Nguyễn Văn Hạc (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cố gắng tìm kiếm những gì còn dùng được. 18g ngày 4-10 khi nước dâng, hai vợ chồng ông đang loay hoay kê đồ đạc thì bất ngờ một cơn lốc ầm ầm quét qua kéo phăng cả mái tôn, xô đổ ba bức tường ximăng - Ảnh: Thái Lộc

clip_image004

Sau nhiều giờ tìm kiếm, bố mẹ của hai bé Nguyễn Thị Hằng (lớp 3, phải) và Nguyễn Thị Huệ (lớp 1) chỉ tìm được duy nhất bìa một cuốn tập của hai con - Ảnh: T.Lộc

T.LỘC - H.KHÁ - Q.NAM

San sẻ yêu thương

Tính đến chiều 6-10, tòa soạn báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận 31,3 triệu đồng của 30 lượt bạn đọc ủng hộ đồng bào miền Trung đang oằn mình vì bão lũ. Những sẻ chia, âu lo về nỗi mất mát và khó khăn mà người dân miền Trung ngày đêm đối mặt dù không nói ra nhưng hiển hiện rõ trên gương mặt những bạn đọc đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ hai ngày nay.

Có những người trẻ đến rất vội vàng, ào vào gửi tiền ủng hộ đồng bào rồi lại vội vã đi ngay. Có người xin cơ quan cho về sớm ít phút để kịp đến báo Tuổi Trẻ gửi số tiền mà cả nhà cùng đóng góp...

clip_image005

Bà Phạm Thị Duyên (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) phải nhận hàng cứu trợ qua khung cửa - Ảnh: Lam Giang

Một phụ nữ ở Q.5 đến gửi số tiền của con gái và cậu con trai đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, từ chối xin không nói tên mình. Bà trích một phần trong số tiền tiết kiệm của con trai và gộp chung với số tiền mà con gái – đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia – chủ động gửi và nhờ mẹ đến tòa soạn đóng góp.

Hối hả bước vào phòng công tác bạn đọc với chiếc mũ bảo hiểm vẫn còn đội trên đầu, chị Tú Nga (Q.3) bảo: “Mình vội mang tiền đến vì sợ không kịp giờ làm việc của tòa soạn. Sáng nay đọc báo xong, chồng mình (người Nhật Bản) liền bảo vợ mang tiền đến báo Tuổi Trẻ giúp người dân miền Trung. Anh của chồng mình nghe được cũng góp một phần tháng lương nhờ mình gửi”.

Hàng cứu trợ của Tuổi Trẻ đến với đồng bào vùng lũ

Chiều cùng ngày, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Quảng Bình chuyển chuyến hàng cứu trợ đầu tiên gồm 2 tấn lương thực và 200 thùng mì gói (trị giá 30 triệu đồng) của báo Tuổi Trẻ đến với đồng bào bị lũ lụt ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Xã Hiền Ninh có 1.950 hộ thì 1.850 hộ bị ngập. Nhiều hộ bị ngập sâu đến 2,5m nước, người dân phải trổ mái ngói lên ngồi giữa mưa lạnh cả đêm.

Ngày 7-10, báo Tuổi Trẻ tiếp tục chuyển 2 tấn gạo cứu trợ 200 hộ gia đình xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang gặp rất nhiều khó khăn vì vùng này đang bị nước lũ cô lập.

Khắp nơi hướng về miền Trung

* Ngày 6-10, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng có công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế ứng ngân sách địa phương để huy động mì gói, nước uống đóng chai nhằm cứu trợ cho người dân vùng lũ.

* Sáng 6-10, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, ông Dương Quan Hà, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM - đã phát lời kêu gọi nhân dân, cán bộ, chiến sĩ... trên địa bàn TP hưởng ứng cuộc vận động đóng góp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Các đại biểu tham dự đại hội đã đóng góp hơn 75 triệu đồng. Ngay trong buổi sáng lễ phát động, Ủy ban MTTQ TP đã nhận được trên 3,3 tỉ đồng.

* Chiều 6-10, Hội Chữ thập đỏ TP. HCM đã tiếp nhận ban đầu 350 triệu đồng cùng quà từ đông đảo hội viên, doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp cứu trợ. Ngoài ra, hội cũng đã trích quỹ cứu trợ khẩn cấp 1,5 tỉ đồng và tổ chức đoàn trực tiếp đến các tỉnh vùng lũ để trợ giúp đồng bào.

Nhóm PV - CTV Tuổi Trẻ

Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Giúp học sinh vùng lũ trở lại trường”

Để kịp thời giúp học sinh vùng lũ thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có điều kiện trở lại trường, Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với các tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Giúp học sinh vùng lũ trở lại trường”.

Chương trình sẽ trao tặng mỗi học sinh thuộc gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng trong đợt lũ (nhà có người thiệt mạng, mất tích, nhà bị trôi, sập...) một phần quà trị giá 300.000 đồng gồm: 100.000 đồng mua cặp, tập vở, dụng cụ học tập và 200.000 đồng tiền mặt để các em mua sách giáo khoa cùng các vật dụng khác...

Rất mong bạn đọc chung tay với Tuổi Trẻ trong chương trình này. Mọi đóng góp xin liên hệ phòng tiếp bạn đọc (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

TUỔI TRẺ

Cho đến chiều tối 6-10, nhiều nơi ở Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn còn chìm trong biển nước. Hàng vạn người dân đang dầm mình trong lũ, khắc khoải chờ sự sẻ chia, tiếp sức của cả nước.

clip_image006

Đường sắt đoạn đi qua Quảng Bình có năm điểm bị sạt lở nghiêm trọng như thế này - Ảnh: HỮU KHÁ

Lũ lớn do thủy điện Hố Hô

Sau năm ngày xảy ra lũ lớn, Hà Tĩnh có đến 7 người chết, 17.557 hộ dân bị ngập nặng, trong đó 1.881 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn. Hương Khê là huyện chịu thiệt hại nặng nhất khi có 4 người chết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết một nguyên nhân của đợt lũ này là do thủy điện Hố Hô. Từ ngày 2-10 ở Hương Khê đã xảy ra mưa lớn, lũ về, nhưng hồ thủy điện Hố Hô vẫn không xả, điều tiết lũ. Đến khi nước lũ tràn qua mặt đập gần 1m, ba cống xả lũ lại không vận hành được, thủy điện Hố Hô lúc đó trở thành một “túi nước khổng lồ” treo lơ lửng và có nguy cơ vỡ. Thành ra lũ lớn xuất hiện ở Hương Khê.

Theo ông Lê Trần Sáng - phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, hằng năm cứ đến tháng 9, tháng 10 ở Hương Khê xuất hiện lũ. Sống chung với lũ đã là phương châm của người dân Hương Khê từ bao đời nay. “Nhưng từ khi có thủy điện Hố Hô người dân Hương Khê lại sống trong cảnh lo sợ vỡ đập. Cụ thể đêm 3-10, người dân toàn huyện sống trong cảnh bất an khi hồ thủy điện Hố Hô có nguy cơ vỡ. Hiểm họa này UBND huyện sẽ báo cáo lên trên để có biện pháp xử lý”.

Đến tối 6-10, ở Hà Tĩnh vẫn còn 35 xã bị chia cắt. Riêng huyện Hương Khê có đến 17 xã và trên 16.000 hộ dân không đi lại được do lũ.

VĂN ĐỊNH

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn