Nobel Hòa Bình 2010 : Trung Quốc cay cú nhưng sẽ phải thay đổi

Tú Anh

clip_image002  

Ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình 2010 và vợ là bà Lưu Hà. Ảnh do gia đình cung cấp cho hãng Reuters ngày 3/10/2010.

 

Reuters

“Giải Nobel Hòa Bình năm nay là một cơn địa chấn làm rung chuyển xã hội Trung Quốc. Trước mắt, tuy chưa thể đo lường được tác động trong lâu dài nhưng đảng Cộng sản đã bị đánh trúng”. Trên đây là lời phân tích của luật sư trẻ Hứa Chí Vĩnh với thông tín viên RFI tại Bắc Kinh sau hai ngày bị công an câu lưu. Ông Vĩnh đã tham gia vào cuộc biểu tình chào mừng sự kiện lịch sử với biểu ngữ “tự do muôn năm” vào chiều 08/10/2010, ngày Ủy Ban Nobel Hòa Bình thông báo trao giải thưởng cho giáo sư Lưu Hiểu Ba. Giới ly khai tin chắc là chính quyền đã hiểu là cần phải thay đổi.

Một tuần lễ đã trôi qua từ khi Ủy ban Nobel Hòa Bình Na Uy thông báo trao giải Nobel năm nay cho tù nhân chính kiến Lưu Hiểu Ba, đảng Cộng Sản Trung Quốc gia tăng các biện pháp trấn áp các nhà ly khai trong nước.

Nạn nhân đầu tiên là bà Lưu Hà, vợ của tân Nobel Hòa Bình, bị an ninh quản thúc tại gia, cắt điện thoại di động và internet. Tiếp theo đó là hàng chục nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bị bắt, có người được thả nhưng nhiều người chưa biết số phận ra sao.

Ngoài nước, Bắc Kinh tỏ thái độ giận dữ lên án Ủy Ban Nobel và Tây phương “khinh thường” Trung Quốc, trao giải Nobel cho một “tội nhân”, sử dụng giải thưởng như một đòn chính trị “tấn công Trung Quốc”.

Phản ứng trả đũa đầu tiên của Bắc Kinh là hủy bỏ một cuộc gặp gỡ với Oslo để bàn về một hiệp ước hợp tác về ngư nghiệp với hệ quả là Na Uy sẽ không còn hy vọng ký với Trung Quốc một hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay.

Trước thái độ khó chịu của chính quyền đại cường châu Á này, ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere đáp lại một cách nhẹ nhàng: "Nếu hiệp định đi đúng quyền lợi của hai nước thì phải vạch rõ mục tiêu và hoàn tất đàm phán. Không hiểu tại sao lại để những yếu tố khác gây cản trở?".

Mặc dù Trung Quốc gây nhiều áp lực nhưng không lay chuyển được sự lựa chọn của 5 thành viên Ủy Ban Hòa Bình. Tuy do Quốc hội Na Uy đề cử nhưng Ủy ban độc lập này đã kiên quyết chọn người đứng mũi chịu sào của “Hiến chương 08” để trao giải.

Trong khi đó thì mỗi ngày có thêm nhiều quốc gia từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản kêu gọi Bắc Kinh phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba. Ngay Đài Loan, tuy đang theo đuổi một chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng tỏ ra hãnh diện về sự kiện mà Tổng thống Mã Anh Cữu gọi là “lịch sử”.

Tại Trung Quốc, giới ly khai cho biết là đã chuẩn bị đón chờ thái độ trả thù của chính quyền. Nhà thơ kiêm nhiếp ảnh gia Lưu Hà, vợ của giáo sư Lưu Hiểu Ba, chỉ được công an cho tự do đi lại một ngày để thăm chồng và báo tin về giải thưởng. Nhà ly khai đã khóc trong nỗi mừng và tuyên bố cùng tặng giải thưởng cao quý này cho tất cả những người đã tranh đấu cho tự do dân chủ, từ thế hệ Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 cho đến hôm nay.

Bình luận về sự kiện này, luật sư Hứa Chí Vĩnh, một trong những luật sư bảo vệ các nhà dân chủ bị tù tội và cũng là người tổ chức biểu tình chiều ngày 8 tháng 10 nói với phóng viên RFI Stéphane Lagarde là “Giải Nobel này là một trận động đất xã hội. Giải thưởng trao cho ông Lưu Hiểu Ba đã làm nội bộ lãnh đạo tỉnh thức”.

Được thả sau hai ngày bị câu lưu, dù bị cấm tiếp xúc với báo chí nước ngoài, luật sư Hứa Chí Vĩnh vẫn bất chấp. Ông nhận định rằng “Đảng đã bị trúng thương và ý thức phải thay đổi” tuy chưa thể dự phóng là tác động tương lai tới đâu.

Không riêng gì giới trẻ tranh đấu mà ngay thành phần lão thành cột trụ của chế độ cũng lên tiếng đòi phải hủy bỏ chế độ kiểm duyệt. Bức thư chung do 23 nhân vật ký tên trong đó có Lý Nhuệ nguyên là thư ký của Mao Trạch Đông và Hồ Cơ Vi, cựu tổng biên tập Nhân dân nhật báo kêu gọi cải cách “nếu không Đảng sẽ chết”.

Còn đối với giới phân tích quốc tế như chuyên gia Pháp Valérie Niquet, giám đốc đặc trách Á châu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, thì giải Nobel năm nay mang ý nghĩa là “chính sách gây căng thẳng của Bắc Kinh trên các hồ sơ quốc tế đã thất bại. Trung Quốc càng ngày càng cô đơn trên thế giới”.

Để tìm thêm về ý nghĩa và tác động của sự kiện một nhà ly khai Trung Quốc được giải thưởng Nobel Hòa Bình, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ.

"Ông Lưu Hiểu Ba là người xứng đáng, có tư cách (nhận giải Nobel Hòa bình)… Năm 1989, đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Nữu Ước ông đã về Bắc Kinh tham gia phong trào Thiên An Môn. Trong bài viết trước khi vào tù luận điểm của ông rất là nhân bản, ông chỉ chỉ trích chế độ chứ không trách những con người phải phục vụ chế độ ấy, kể cả những người bắt giam ông và các cai ngục…"

"Bản án 11 năm tù vì ký vào hiến chương 08 là quá đáng, tại Viêt Nam những người ký hiến chương 8406 tôi không thấy có người nào bị giam lâu như vậy…"

"Tác động về lâu về dài thì khó đoán nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều người muốn dân chủ kể cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trào lưu hiện nay là như vậy…"

T. A.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn