Sự thật về mô hình phát triển của Trung Quốc dưới góc nhìn từ hai ký giả người Âu

Văn Ngọc

clip_image001

Trong khi dư luận quần chúng, cùng các kênh thông tin và truyền thông ở phương Tây lại không ngớt lời ca ngợi những cái hay, cái giỏi của đất nước này về mọi mặt thì hai tác giả Pierre Cohen và Luc Richard xuất thân là nhà báo và nhà văn đã từng sống ở Trung Quốc và biết tiếng quan thoại, hiểu biết rộng về kinh tế, với cặp mắt quan sát sắc sảo của mình, họ đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội Trung Quốc để tìm hiểu một thực tế vô cùng tế nhị và phức tạp để viết một cuốn «La Chine sera-t-elle notre cauchemar?» (Ed. Mille et Une Nuit – Paris 2005, tái bản 5-2008) đầy ắp thông tin và dày công phân tích nhằm chỉ ra những khuyết tật trong mô hình phát triển hiện nay của Trung Quốc.

Người ta có thể nghĩ rằng, trước hết hai tác giả này muốn nói lên một sự thật, một thực tế, mà trong nhiều năm ở phương Tây, báo chí, cùng các cơ quan truyền thông và một số người có chức quyền vẫn cố tình che giấu, hoặc tô hồng, vì dẫu sao, người ta cũng cần cái thị trường khổng lồ này trong một nền kinh tế toàn cầu hoá.

Cũng có thể, do một bản năng tự nhiên, hay một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nào đó, các tác giả muốn vạch ra những yếu kém của mô hình phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, để cảnh báo các xã hội phương Tây.

Cũng có thể, họ còn có một tầm nhìn rộng hơn nữa, một tầm nhìn có tính chấtchiến lược, ở qui mô toàn cầu.

Nhưng cũng có thể, đó chỉ là do một sự thôi thúc nội tâm có tính chất đạo lý, vìsự thật, vì hạnh phúc của con người, và tương lai chung của cả loài người?

Tác phẩm được viết như một thiên phóng sự, một nhân chứng. Nó không chỉ nêu lên những hoàn cảnh cụ thể, có thật, nói lên những điều mà những con số thống kê không thể nói lên hết được, mà còn truyền được tới người đọc một dòng suy nghĩ, một nỗi lo âu, một lời cảnh báo.

clip_image003

 

1/ Nạn thất nghiệp ở thành thị

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với những bước đầu của quá trình toàn cầu hoá, hàng loạt các xí nghiệp quốc doanh TQ bị dẹp bỏ, nhường chỗ cho các xí nghiệp tư nhân. Hàng triệu công nhân bị sa thải. Năm 1998, chỉ riêng trong khâu dệt may, có 660.000 người bị rơi vào hoàn cảnh này; trong lãnh vực dầu khí, 1 triệu người. Các nhà máy cũ nhường chỗ cho các nhà máy mới do nước ngoài đầu tư xây dựng. Công nhân quá 35 tuổi không được nhận vào xưởng làm việc nữa. Một ngày công không phải là 8, 9 giờ, mà là 11, 12 giờ. Công nhân bị sa thải được gọi là xiagang (hạ cương, từ được tạo ra để làm nhẹ bớt cái ý bị đuổi việc – cương đây là cương vị).

Chủ trương dẹp bỏ các xí nghiệp quốc doanh thực ra đã bắt đầu được thực hiện ngay từ những năm 80 và do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Sự kiện này diễn ra cùng một lúc với việc Đặng Tiểu Bình cho thực hiện chính sách phân quyền về các địa phương. Cũng là một công đôi việc, tránh cho Trung ương khỏi mang tiếng! Nhưng cũng từ đó, nạn tham nhũng lan tràn về các địa phương.

Theo một cuộc điều tra gần đây của Nhà nước, thu nhập bình quân của những người giàu có nhất ở thành thị, lớn hơn gấp 12 lần thu nhập của những người nghèo; 10% nhà có của ở thành thị, chiếm 45% tổng số tài sản, trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ chiếm có 1,4% số tài sản này.

Ở các thành phố lớn vùng đông-bắc, nạn thất nghiệp chiếm từ 20 % tới 30% dân số. Ở Phong Đô, một thành phố mới được xây dựng lại một cách rất hoành tráng ở bờ nam sông Dương Tử, gần đập thuỷ điện Tam Hiệp, tỷ lệ này lên tới 60, 70%, vì trên thực tế, đây là một thành phố chết, hoàn toàn thiếu vắng mọi hoạt động kinh tế.

50 năm sau “Bước nhảy vọt” (1958) - một sai lầm về đường lối công nghiệp hoá, đã khiến hàng mấy chục triệu nông dân bị chết oan (nạn đói những năm 1959-1961) – các nhà lãnh đạo địa phương Trung Quốc vẫn còn nghĩ rằng, chỉ cần hô hào, động viên bằng lời nói, là có ngay những người hăng hái đầu tư.

 

Điều nghịch lý, là một đất nước có nhiều người thất nghiệp nhất, lại là nơi có nhiều khách nước ngoài đầu tư nhất, và cũng là nơi mà các doanh nghiệp phương Tây chịu di dời cơ sở sản xuất của họ đến nhất. Lý do đơn giản, là vì ở đây họ tìm được nhân công rẻ nhất [Tiền công lao động của một người thợ máy Trung Quốc (0,6USD/giờ) rẻ gấp 23 lần tiền công của một người thợ máy Pháp (17USD), và gấp 40 lần một người thợ Đức (24USD)] !

Vấn đề thất nghiệp được tóm gọn lại trong một phương trình đơn giản: năm 2004, số người thất nghiệp là 14 triệu, thêm vào đó là 10 triệu người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm sống hàng năm (năm 2005, con số này lên đến 13 triệu người). Để đáp ứng nhu cầu, phải cung cấp 24 triệu công ăn việc làm cho những người này, điều mà cho đến nay các giới hữu trách mới chỉ bảo đảm được có một phần ba mà thôi.

Điều nghịch lý, là một đất nước có nhiều người thất nghiệp nhất, lại là nơi có nhiều khách nước ngoài đầu tư nhất, và cũng là nơi mà các doanh nghiệp phương tây chịu di dời cơ sở sản xuất của họ đến nhất. Lý do đơn giản, là vì ở đây họ tìm được nhân công rẻ nhất [Tiền công lao động của một người thợ máy Trung Quốc (0,6U SD/giờ) rẻ gấp 23 lần tiền công của một người thợ máy Pháp (17USD), và gấp 40 lần một người thợ Đức (24USD)] !

2/  Nạn thất nghiệp ở nông thôn (mingong = dân công, từ mới để chỉ những người thất nghiệp từ nông thôn đổ lên thành thị kiếm sống, và thường tụ tập ở các chợ lao động (“chợ người”), hay ngay trên hè phố – từ này khác với từ dân công trong tiếng Việt, được dùng trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam):

Hiện nay, Trung Quốc có dân số trên 1,3 tỷ người, mà hai phần ba là nông dân, tức là số nông dân có tới 900 triệu người, trong số đó 600 triệu sống bằng nghề trồng trọt, trên những mảnh ruộng nhỏ li ti.

Năm 1978, Trung Quốc phát động phong trào hiện đại hoá nông thôn, bãi bỏ chính sách tập thể hoá. Người nông dân được phát ruộng, phát đất để trồng trọt, được đem nông phẩm ra chợ bán tự do. Ngay từ năm 1980, đời sống của người nông dân có những bước biến chuyển. Nhưng đến khoảng năm 1990, không thấy người ta bàn bạc, đả động gì đến nông thôn nữa, mà chỉ chú trọng đến sự phát triển của các đô thị, của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, và đương nhiên là đến quá trình toàn cầu hoá.

clip_image005Năm 2004, người ta được thống kê cho biết rằng số dân nghèo đến mức tối đa (tính theo tiêu chuẩn: dưới 75USD/người/năm), lần đầu tiên đã tăng lên sau 25 năm, và đa số những người này là nông dân.

Một vài thí dụ cho thấy sự nghèo khổ tột cùng của họ. Một cậu học sinh trung học ở một huyện lị kia, vì không có tiền để trả tiền học, đã lao mình xuống gầm xe lửa tự tử. Trước đó một hôm, ông đốc trường đã không cho phép cậu thi lên lớp, và bảo rằng: “Không có tiền, không được học”.

Vào mùa xuân năm 2005, đã nổ ra những vụ tranh giành đất đai giữa nông dân và các quan chức địa phương, cũng như đã có những cuộc biểu tình của nông dân chống việc các nhà hữu trách đã để cho các chất thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường của mình.

Như vậy, là sau một thời gian ngắn ngủi, làm ăn bắt đầu khấm khá trở lại vào những năm 80, tình hình nông thôn lại một lần nữa xuống cấp: thuế má ngày càng nhiều, chi phí sản xuất tăng, học phí cho con cái tăng, các dịch vụ y tế thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp tràn lan.

 

Nếu kể cả những dịch vụ mà người dân đô thị còn được hưởng thêm, thì thu nhập của người dân đô thị bằng sáu lần thu nhập của người dân nông thôn. Khoảng hơn 10% nông dân sống với non 625 nhân dân tệ mỗi năm (62Euro/năm). Mức sống này còn kém hơn cả mức sống bần cùng nhất, theo tiêu chuẩn quốc tế. 11% dân số Trung Quốc thiếu ăn, trong số đó đa số là nông dân.

Hố sâu giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn. Nếu kể cả những dịch vụ mà người dân đô thị còn được hưởng thêm, thì thu nhập của người dân đô thị bằng sáu lần thu nhập của người dân nông thôn. Khoảng hơn 10% nông dân sống với non 625 nhân dân tệ mỗi năm (62Euro/năm). Mức sống này còn kém hơn cả mức sống bần cùng nhất, theo tiêu chuẩn quốc tế. 11% dân số Trung Quốc thiếu ăn, trong số đó đa số là nông dân.

Nếu tính theo tiêu chuẩn đầu người, mỗi nông dân phải có được 0,66 ha đất nông nghiệp mới có thể làm ăn sinh sống được ở nông thôn. Con tính đơn giản này cho thấy nông thôn Trung Quốc thừa 170 triệu người. Thừa người ở nông thôn, thì người ta chỉ còn cách kéo nhau lên thành thị làm dân công.

Dân công không phải là một người vừa là nông dân, vừa là công nhân. Họ không là gì cụ thể cả. Họ không phải là nông dân, mà cũng không phải là công nhân. Họ làm công nhật,  không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, hôm trước hôm sau có thể bị đuổi, mà không kêu ca được với ai. Họ bị cấm không được phép làm một số nghề (danh sách các nghề bị cấm năm 1996, tại Bắc Kinh, là 15 nghề, đến năm 2000 con số này lên tới hơn 100). Một ngày lao động của họ có khi là 10, 12 tiếng, có khi là 15 tiếng. Họ không có quyền hưởng luật lao động. Một dân công muốn có được một chỗ làm việc, phải « mua » các giấy tờ, thủ tục hành chính, với giá 640 nhân dân tệ, bằng 2 tháng lương. Chế độ « hộ khẩu » được áp dụng chặt chẽ đối với họ.

Mặc dầu vậy, với giá nhân công rẻ mạt, họ đã « được » khai thác có hiệu quả trong các ngành công nghệ xuất khẩu, nơi mà TQ phá kỷ lục về giá thành sản phẩm.

Dân công  là những người bị đánh thuế nhiều nhất và cũng là những người bị khinh rẻ nhất ở các đô thị. Một cặp vợ chồng dân công, lương tháng mỗi người khoảng 800 nhân dân tệ (80Eu ro), phải trả mỗi tam cá nguyệt 400 nhân dân tệ (40Euro) cho trường học của đứa con, nhiều hơn cả những người dân thành phố cư ngụ tại chỗ.

 

Dân công  là những người bị đánh thuế nhiều nhất và cũng là những người bị khinh rẻ nhất ở các đô thị. Một cặp vợ chồng dân công, lương tháng mỗi người khoảng 800nhân dân tệ (80Euro), phải trả mỗi tam cá nguyệt 400 nhân dân tệ (40Euro) cho trường học của đứa con, nhiều hơn cả những người dân thành phố cư ngụ tại chỗ.

Nhà nước TQ dự kiến, trong vòng 20 năm,  giảm số nông dân xuống chỉ còn 30% số người lao động của cả nước. Dự kiến này xem ra không thực tế lắm, vì nếu như vậy thì phải chấp nhận hàng năm sẽ có tới 26 triệu nông dân kéo nhau lên thành thị sinh sống, trong khi lúc này chỉ có từ 10 đến 13 triệu. Dẫu sao, dòng thác dân công – mà người ta ước lượng khoảng từ 150 đến 200 triệu – vẫn sẽ đổ vào các thành thị, và giá nhân công nhờ đó sẽ giữ được ngày một rẻ.

Không những nông thôn thiếu đất trồng trọt, mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại bởi những xí nghiệp, nhà máy, được di dời về đây. Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. 190 triệu nông dân sống trong một môi trường không lành mạnh, nước sông, nước hồ phần lớn đều bị ô nhiễm.

3/ Số phận của những người nữ dân công

clip_image007

Ở Trung Quốc, những nơi phải sắp xếp, tổ chức lại các xí nghiệp quốc doanh bị dẹp bỏ, phụ nữ là những người đầu tiên bị sa thải hoặc di chuyển. Trong các ngành kỹ nghệ, điều kiện làm việc của những người nữ dân công còn tồi tệ hơn là của nam dân công nhiều. Không lấy gì làm lạ, là sau một thời gian, một số không nhỏ các nữ dân công đã phải bỏ đi làm gái điếm.

Hiện tượng mãi dâm của các cô gái từ nông thôn lên thành thị, từ hơn 20 năm nay, đã trở nên một hiện tượng bình thường dưới mắt mọi người. Phần lớn các cô này đều đã trải qua một thời kỳ làm dân công. Quan hệ tình dục đã trở thành hàng hoá trao đổi, hoàn toàn phù hợp với tâm thức coi đồng tiền là quyền lực tối cao, coi cuộc đời là tiêu xài, hưởng thụ, con người là hoàn toàn vô trách nhiệm đối với xã hội.

Nhiều người - trong đó có những khách du lịch rất nhiệt tình và hồ hởi – khi được viếng thăm các thành phố Trung Quốc, theo các tuyến “tua”, cứ ngỡ rằng những biến đổi về mặt xã hội ở những nơi này cũng là những biến đổi chung cho cả đất nước Trung Hoa. Thật ra, không phải thế. Đó chỉ là cái mặt tiền.

Cuộc sống ở đô thị có thay đổi thật, người phụ nữ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn để học hành và làm việc, nhưng Trung Quốc chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Ở những vùng trung tâm, như Hồ Nam, An Huy, v.v., nông thôn vẫn không mấy thay đổi. Vẫn những cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn, cô dâu về nhà chồng rồi, liền bị cắt đứt liên hệ với gia đình nhà mình. Vẫn những vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em giữa vùng này và vùng khác. Vẫn cái truyền thống “trọng con trai, khinh con gái”. Chính sách giới hạn “một con” của Nhà nước, khiến cho các cặp vợ chồng phải chọn lựa. Trên 7 triệu trường hợp phá thai mỗi năm, 70% là thai con gái. Vai trò của người mẹ, người vợ, trong nhiều gia đình nông dân đôi khi chỉ dừng lại ở vai trò của người hầu, người ở. Từ những năm 80, sau khi chế độ hợp tác xã bị dẹp bỏ, trở lại phương thức canh tác kiểu gia đình, vai trò của người phụ nữ lại càng bị chèn ép. Bắt đầu từ năm 1990, sự xuống cấp của các khâu giáo dục và y tế ở nông thôn càng làm cho họ bị thiệt thòi. Do sự phân biệt chọn lựa vì quyền lợi kinh tế giữa con trai và con gái, tỷ lệ thất học về phía nữ là 23% năm 1997 (49% năm 1982); về phía nam là 9% (21% năm 1982).

 

Chính sách kinh tế của Nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở đây đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng. Hiện nay, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Hoa thuộc vào hàng cao nhất thế giới.

Chính sách kinh tế của Nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở đây đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng. Hiện nay, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Hoa thuộc vào hàng cao nhất thế giới.  

4/ Giáo dục bị “hy sinh” cho kinh tế

Ở thời đại ngày nay, biết đọc, biết viết không đủ, còn phải biết đôi chút khái niệm khoa học kỹ thuật, phải biết sinh ngữ, để có thể tiếp thu được những công nghệ nhập từ nước ngoài, v.v. Trên thực tế, nhà nước Trung Quốc đã không thực sự quan tâm đến vấn đề này. Năm 2003, ngân quỹ dành cho giáo dục chỉ chiếm có 3,8% tổng sản lượng công nghiệp.

Ngay từ 1999, tại một Hội nghị của Bộ Giáo dục, một chủ trương đă được đề ra, là khuyến khích các gia đình tăng thêm ngân quỹ cho việc giáo dục con cái. Ý đồ là đi đến việc tư lập hoá các trường học. Ở các vùng nông thôn nghèo, các khoản chi phí cho việc học của con cái đối với các bậc cha mẹ lại càng lớn. Cũng bởi vì chỉ có 23% ngân sách giáo dục của nhà nước dành cho nông thôn, nơi có 2/3 dân số của cả nước, cho nên gánh nặng về mặt tài chính đổ cả lên đầu các bậc cha mẹ, mà đại bộ phận là nông dân nghèo khổ.

Chỉ có 23% ngân sách giáo dục của Nhà nước dành cho nông thôn, nơi có 2/3 dân số của cả nước, cho nên gánh nặng về mặt tài chính đổ cả lên đầu các bậc cha mẹ, mà đại bộ phận là nông dân nghèo khổ.

 

Trong một công trình nghiên cứu về gia đình người nông dân, Isabelle Attané, thuộc Trung tâm nghiên cứu dân số,  viết: “Trong một hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế nhiều hơn là nhu cầu xã hội, thì những người dân nghèo khổ nhất, những người không được hưởng thụ những thành quả của sự phát triển, phải trả giá đắt nhất”.

Chính sách của Nhà nước về giáo dục như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng cách về trình độ văn hoá ngày càng xa giữa thành thị và nông thôn (mức sống ở thành thị hiện nay cao gấp 6 lần mức sống ở nông thôn), cũng như giữa con trai và con gái (nạn thất học chiếm 6,6% giới trẻ ở nông thôn, trong đó có 3,6% là con trai, 10% là con gái).

Điều đáng lo ngại nhất, là giáo dục vốn được coi là một công cụ có khả năng đưa tầng lớp nông dân thoát khỏi nạn nghèo đói, thì nay lại không tới được với họ nữa. Theo Philippe Cohen và Luc Richard, họ vẫn chỉ là một kho dự trữ nhân công rẻ tiền – một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra những sản phẩm mới, rẻ, dễ cạnh tranh, dễ kiếm lời trên thị trường toàn cầu hoá.

5/ Khó khăn trong việc áp dụng luật pháp

clip_image009Điều mà các nhà lãnh đạo TQ phải lo thực hiện trước tiên, là làm sao áp dụng được luật pháp, nói chung, trên đất nước mình ! Trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, lao động, đến môi trường, có luật pháp là một chuyện (mặc dầu đôi khi luật pháp cũng còn rất mù mờ), nhưng áp dụng nó lại là một chuyện khác.

Chỉ cần lấy một thí dụ: công nghệ làm hàng lậu quy mô quốc tế, chẳng hạn. Người ta cho rằng hiện tượng này chỉ có thể xảy ra với sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của những quan chức địa phương mà thôi.

Các luật lao động thông thường cũng không áp dụng được giữa chủ và thợ, vì luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền địa phương bênh vực quyền lợi của ngườI chủ, kẻ có tiền. Lương lậu của thợ thuyền, đặc biệt là của những người dân công, luôn luôn bị trả chậm.

Nhìn chung, ít nhất một nửa số nhân công làm việc trong các xí nghiệp ở quy mô quốc gia, không được hưởng luật pháp. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Đơn giản chỉ vì, nếu tất cả các xí nghiệp áp dụng luật lao động, thì Trung Quốc sẽ mất đi con chủ bài (nhân công rẻ) để cạnh tranh trên thị trường.

Trong lãnh vực môi trường cũng vậy. Sự áp dụng khe khắt các luật lệ về môi trường sẽ động chạm đến các quyền lợi kinh tế. Do đó, luật pháp trong lãnh vực này cũng được để lỏng lẻo, và tuỳ ở các cơ quan hữu trách địa phương có muốn áp dụng hay không. Trường hợp ô nhiễm ở sông Hoài, vùng Hồ Nam, An Huy, là một thí dụ điển hình. Năm 1994, chính quyền Trung ương hạ lệnh làm sạch con sông này, vì cả một vùng dân cư gồm 160 triệu dân bị ô nhiễm. Trên giấy tờ, hàng nghìn xưởng máy bị đóng cửa, di chuyển, hoặc cải tạo theo đúng các tiêu chuẩn, quy phạm. 60 tỉ nhân dân tệ đã được chi ra cho công việc này, nhưng cho đến nay con sông Hoài vẫn bị ô nhiễm hơn bao giờ hết. Đối với chính quyền, thì vấn đề như vậy là đã giải quyết xong rồi: sổ tiền 60 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ Euro) đã được chi ra, và vấn đề đã được xoá sổ.

***

Tác phẩm của Philippe Cohen và Luc Richard còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa, liên quan đến tác hại của mô hình phát triển của Trung Quốc lên nền kinh tế toàn cầu. Song vì giới hạn của bài viết, chúng tôi đã chỉ tập trung trình bày những nhân chứng và nhận xét của các tác giả trên những vấn đề mà chúng tôi cho là liên quan trực tiếp đến Việt Nam, để chúng ta cùng suy nghĩ.

V. N.

Nguồn: Tiasang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn