Tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam

Phạm Anh

clip_image001

Việc ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt cũng là thể hiện việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển. Ảnh: Phạm Anh

 

SGTT.VN - Tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam để khai thác hải sản trái phép với cường độ ngày càng gia tăng, trong khi tàu cá của ngư dân ta bị bắt và bị các "tàu lạ" to lớn đâm chìm ngày càng nhiều.

"Thua trên sân nhà!"

“Theo phản ảnh của ngư dân, thời gian gần đây tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản trái phép”, ông Phan Huy Hoàng, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiêm chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi cho biết. Vùng biển mà tàu Trung Quốc thường xâm nhập từ 16 đến 16,5 độ Vĩ Bắc, 109,20 đến 109,5 độ Kinh Đông, có khi xuống dưới 16 độ Vĩ Bắc, cách Cù Lao Chàm và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vài chục hải lý về phía Đông hoặc Đông Bắc. Các tàu này làm các nghề lưới rê, câu, vớt cá sống…

“Lợi dụng lúc thời tiết xấu (gió cấp 5, cấp 6), không có lực lượng tuần tra của chúng ta, họ kéo xuống thành từng đoàn vài chục chiếc trở lên, ngang nhiên xâm phạm vùng biển của chúng ta; khi gió cấp 7, trên cấp 7, họ kéo ra Hoàng Sa để tránh gió. Tàu thuyền của họ thường lớn hơn và đông hơn tàu thuyền của chúng ta nên ngư dân của chúng ta phải tránh khi gặp họ", ông Hoàng nói.

 

Ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt cũng là thể hiện việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển, góp phần giữ gìn an ninh trên biển.

Trước tình trạng này, Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên khai thác hải sản ở tọa độ từ 16 đến 16,5 độ Vĩ Bắc, 109,20 đến 109,5 độ Kinh Đông là vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam; khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản, xâm phạm đến lợi ích quốc gia và lợi ích của một bộ phận ngư dân. Vì những lý do trên, Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Hội nghề cá Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có biện pháp “ngăn chặn và xử lý thích đáng những đối tượng cố tình vi phạm".

Không chỉ bị xâm phạm đến lợi ích, ngư dân Quảng Ngãi còn đối mặt với tình trạng bị các con "tàu lạ" to lớn hơn mình đâm chìm. Điển hình là vụ tàu của ông Nguyễn Thanh Thu bị tàu nước ngoài đâm chìm vào lúc 3 giờ sáng ngày 19.5.2009. 26 lao động trên tàu này được tàu của ông Bùi Đức Dũng câu mực gần đó đến cứu. Hay vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 15.7.2009, tàu ông Đặng Nam, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) bị tàu nước ngoài đâm chìm, 9 lao động trên tàu bị thương nặng, được tàu ông Huỳnh Bẻo cũng ở xã Nghĩa An đánh bắt ở gần đến cứu và nhờ tàu của người cùng quê là ông Lê Lừng (bạn chài ở xã Nghĩa An) đưa vào bờ.

Anh Võ Đào, một ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nói: cứ mỗi lần tàu cá bị nước ngoài bắt, đâm chìm hoặc gặp tai nạn trên biển, thì trong chốc lát các chủ tàu trở thành “những kẻ làm thuê”. Thế nhưng, xin Nhà nước hỗ trợ thì có người nhận được, người không và số tiền được hỗ trợ không nhiều, không đủ để mua sắm phương tiện sản xuất nuôi sống gia đình.

Tình trạng đáng lo ngại

clip_image003

Không ra khơi xa, nhiều ngư dân đành chấp nhận đan lưới, đánh bắt hải sản gần bờ mưu sinh. Ảnh: Phạm Anh

Để không bị “tàu lạ” tấn công và bắt giữ, ngư dân tự cứu mình bằng cách chủ động tránh những quần đảo, vùng biển mà tàu lớn, tàu quân sự nước ngoài hoạt động và chiếm giữ. Cùng với phương châm “tránh voi chẳng xấu mặt nào” này, khi phát hiện có tàu nước ngoài đến bắt ngư dân ta thì họ thông báo cho nhau biết để chạy.

Thượng tá Bùi Phụ Phú, phó chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho rằng muốn giảm và chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân ta bị nước ngoài bắt thì Nhà nước cần phải chấn chỉnh nhiều trường hợp bị lừa đánh bắt hải sản với nước ngoài. “Nhà nước nên sớm đầu tư những con tàu hậu cần, để giảm chi phí cho ngư dân”, ông Phú đề xuất.

Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) Nguyễn Thanh Hùng nhìn nhận: thực tế có một số ngư dân “không tuân thủ theo Luật biên giới biển, xâm phạm lãnh hải nên bị nước ngoài bắt”, hoặc không nắm được hải phận từng nước để tự điều chỉnh hành vi đánh bắt của mình.

Nhưng đa số ý kiến đều cho rằng việc tàu ngư dân của ta bị nước ngoài bắt giữ, bị tàu lạ đâm chìm là điều đáng lo ngại. Ông Trần Em, phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng, việc ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt cũng là thể hiện việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển, góp phần giữ gìn an ninh trên biển. Thế nhưng, điều đáng nói là phần lớn các tàu cá của tỉnh bị bắt nếu không nằm trong vùng lãnh hải thì cũng thuộc vùng "nhạy cảm".

Có ý kiến cho rằng, ngư dân ta đang chịu thiệt đủ điều. Bởi dù có đánh bắt trong lãnh hải trong nước cũng bị phía nước ngoài "ép" là vi phạm chủ quyền. Một phần vì đa số ngư dân ta không biết ngoại ngữ. Hơn nữa, khi đứng trước hàng loạt mũi súng của “tàu lạ”thì... phải ký vào biên bản vi phạm mà thôi!

Theo Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi, thời gian qua BĐBP Quảng Ngãi đã bắt và xử lý nhiều vụ tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Cụ thể từ năm 1989 – 2009, bộ đội biên phòng tỉnh truy đuổi 41 lượt tàu và bắt 31 tàu cá, 18 canô, 401 thủy thủ và ngư dân các nước vi phạm lãnh hải, thăm dò khai thác tài nguyên trái phép... Trong đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít trường hợp bắt xong là xử phạt và phóng thích trên biển ngay.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian trên có đến 242 tàu với 2.399 ngư dân (riêng tỉnh Quảng Ngãi) bị nước ngoài bắt giữ; 3 ngư dân bị bắn chết và 1 bị thương (trên thực tế, số tàu và ngư dân ta bị nước ngoài bắt, bắn, xử phạt và tịch thu phương tiện, tài sản... nhiều hơn số lượng thống kê nói trên). Những năm gần đây, các tàu nước ngoài, nhất là tàu Trung Quốc, đã bắt giữ nhiều ngư dân ta.

P. A.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn