TKV xử lý bùn đỏ thế nào?

SGTT.VN - Dư luận rất muốn biết tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) xử lý bùn đỏ thế nào khi khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Không có tài liệu được công bố chi tiết, chúng ta đành dựa vào phát ngôn của những người có trách nhiệm để suy đoán và hình dung TKV sẽ làm như thế nào.

clip_image002

Hồ chứa thất thải của nhà máy Ajkai Timfoldgyar (Hungary) bị vỡ một đoạn lớn vào ngày 4.10, và bùn đỏ từ đây tràn ra các khu vực dân cư lân cận. Ảnh: Green Peace/ Reuters

Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với báo giới, “chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết. Nên “chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn... Chúng tôi đã sang khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil, Úc và khu vực bùn đỏ ở những nơi này đã trồng cây xanh được 20 năm nay. Hiện tại, chúng ta đang làm theo mô hình của Brazil và Úc, chứ không phải mô hình của Hungary... Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác”.

Về phía TKV, một ông Phó Tổng giám đốc nói rằng: “Các hồ chứa bùn đỏ được xây dựng xa hệ thống sông suối, xa các khu dân cư. Mỗi hồ được chia thành các khoang, mỗi khoang có diện tích 14 – 16 ha, có khả năng chứa hàng triệu mét khối”.

Còn ông Trưởng ban nhôm – bôxít của TKV cho rằng, tuy TKV cũng dùng công nghệ thải ướt như Hungary, nhưng ông thấy “điều kiện của Hungary và Việt Nam khác nhau. Hungary dung tích bể chứa rất lớn, nằm trên bề mặt đồng bằng, mặt bể chứa bùn đỏ lại đắp nổi. Các bể chứa bùn đỏ của TKV nằm trong thung lũng, chia khoang nhỏ hơn, việc chảy tràn rất khó xảy ra. Giả sử có tràn bùn thì dung tích tràn cũng rất nhỏ... Theo thiết kế của dự án Tân Rai, hồ số 1 có diện tích 110 ha chia làm tám khoang, khoang nhỏ khoảng 600.000 m3, khoang lớn 1,6 triệu m3... Tổng công suất của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ là 1,25 triệu tấn/năm, lượng bùn đỏ thải ra ước tính 2,4 triệu tấn/năm”.

Bạn đọc chẳng thể hiểu các khoang của hồ bùn đỏ lớn hay nhỏ thế nào. Ông Bộ trưởng bảo các khoang (lô) rất bé chỉ có 5 ha. Còn TKV nói các khoang cũng nhỏ thôi, khoảng 14 – 16 ha. Sự vênh nhau là ba lần! Có lẽ con số của TKV gần thực tế hơn.

Không rõ mô hình của Úc và Brazil như thế nào, nhưng từ cách giải thích trên của những người có trách nhiệm có thể thấy, cách làm của TKV cũng na ná như cách làm ở Hungary.

Tại Ajka ở Hungary, dây chuyền sản xuất số 1 hoạt động từ năm 1943 - 1982 với công suất dần tăng lên đến 180.000 – 185.000 tấn/năm. Dây chuyền số 2 được đưa vào hoạt động năm 1972 với công suất 240.000 tấn/năm. Công suất này được nâng lên 300.000 tấn/năm trước 1980. Bây giờ, dây chuyền số 2 là nhà máy đang hoạt động duy nhất ở Hungary. Sản lượng hiện nay khoảng 250.000 tấn/năm (nói cách khác Tân Rai lớn hơn nhà máy này của Hungary 2,6 lần!). Từ đó đến nay, nhà máy này đã thải ra khoảng 30 triệu tấn bùn đỏ được chứa trong hồ có mười khoang, sự cố vỡ đập xảy ra ở khoang số 10, khoang này có diện tích khoảng 30 ha. Sức chứa của mỗi khoang cỡ 4 – 6 triệu m3.

Theo giấy phép mà Bộ Bảo vệ Môi trường và Thuỷ lợi Hungary cấp cho công ty MAL (chủ mỏ, tương tự như TKV ở ta), thì khoang số 10 đã chứa 1,287 triệu m3 (khoảng 2 triệu tấn) bùn đỏ, và còn có thể chứa thêm 2,9 triệu m3 (6,2 triệu tấn) bùn đỏ nữa.

Có thể thấy nếu số liệu TKV đưa ra (0,6 – 1,6 triệu m3) chính xác, các khoang của MAL có sức chứa lớn hơn của TKV khoảng 2 – 2,5 lần (14 – 16 ha so với 30 ha hay 1,6 triệu so với 4,2 triệu m3).

Nhưng lưu ý rằng khi vỡ, khoang số 10 của MAL chưa đầy.
Công nghệ chế biến bôxít thành alumin của TKV và của MAL là như nhau.

Quy trình xử lý bùn đỏ được phép của MAL gồm sáu khâu chính như sau:

    – Bùn đỏ được bơm đến các khoang qua các đường ống thép. 
    – Bùn đỏ được tích liên tục vào các khoang đang hoạt động. 
    – Thu gom nước (mưa, tuyết và nước thải) qua hệ thống rãnh và bể thu gom nước và đưa lên khoang hoạt động. 
    –  Nước đọng trên lớp bùn đỏ đã lắng trong khoang hoạt động được dẫn vào máy bơm để thu hồi nước cho quá trình sản xuất alumina cũng như để trung hoà nước được thu hồi. 
    – Phủ các khoang đã đầy bằng một lớp xỉ và tro dày từ 0,4 – 0,5 m để chống bùn đỏ biến thành bụi khi khô và làm cứng bề mặt phục vụ cho quá trình hoàn thổ tiếp theo. 
    – Vận hành mạng lưới giám sát, đánh giá các kết quả đo lường và khảo sát.

Tuy TKV không nói rõ, nhưng có lẽ các khâu xử lý của TKV đại thể cũng vậy. Thí dụ, tương ứng với khâu thứ năm kể trên, đại diện của TKV nói: “Trong 1 – 2 năm sẽ tiến hành đóng hồ, phủ một lớp đất dày, rải nhựa chống nước ngấm xuống và hơi bùn đỏ bốc lên, dùng tro bay núi lửa và lớp đất dày phủ lên trồng cây. Các nước trên thế giới đều thực hiện điều này bình thường và an toàn”.

Có thể nói toàn bộ công nghệ chế biến bôxít và công nghệ xử lý bùn đỏ của TKV về cơ bản như của Hungary, có khác chăng là điều kiện cụ thể của địa phương.

Nhưng lập luận rằng “Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác” là không chính xác. Ở khu bị vỡ đập, các khoang của Hungary lớn hơn, nhưng cũng không lớn hơn quá nhiều.

Tổng số bùn đỏ trong hơn 50 năm hoạt động và được chứa trong các khoang của nhà máy này tại Hungary là khoảng 30 triệu tấn. Hồ số 1 tại Tân Rai, theo số liệu của TKV có thể ước tính ra sức chứa cỡ 17 triệu tấn bùn đỏ, đảm bảo cho nhà máy hoạt động 12 năm và sẽ chuyển qua hồ chứa số 2.

Người ta cũng nói, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên không gần sông, suối, là “thung lũng chết” nên không thể vỡ đập, trừ khi có động đất cấp 7 (ông Bộ trưởng nói nay đã quy định phải chịu được động đất cấp 9).

Một khác biệt quan trọng nữa là mưa lũ ở chúng ta lớn hơn ở Hungary rất nhiều, độ cao của Tây Nguyên khoảng 700 m, nên người ta nói các hồ bùn đỏ sẽ là “các quả bom nổ chậm” treo trên nóc nhà quả là không sai.

Thông tin chưa thật sự rõ ràng, TKV hãy đưa ra công khai các thông tin như vị trí, số liệu của hồ chứa bùn đỏ, công nghệ xử lý... một cách chính thức để người dân có thể “củng cố” lòng tin vào sự chắc chắn của hồ bùn đỏ. Còn mỗi người đưa ra một loại thông tin khác nhau (có khi chênh nhau đến ba lần) thì rất khó tin vào những lời hứa như đinh đóng cột của các vị.

TS Nguyễn Quang A

Nếu không an toàn thì dừng

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án nhôm của tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam – TKV:

“Phương pháp xử lý bùn đỏ áp dụng tại hai nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Dăk Nông) không phải là phương pháp tiên tiến nhất. Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không”.

Hồ chứa bùn đỏ an toàn về lý thuyết

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên:

“Tôi không giật mình vì sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Hungary, công nghệ của họ khác hoàn toàn của Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Brazil, Úc khảo sát mô hình chứa bùn đỏ để học tập”.

Không nhất thiết dừng dự án

Ông Dương Văn Hoà, Phó tổng giám đốc TKV:

“Không nên vì sự cố ở Hungary mà dừng hoàn toàn công nghiệp nhôm. Rõ ràng nếu dừng nhà máy, thiệt hại lớn, nặng nề là nhãn tiền bởi đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bôxit Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng (khoảng 600 triệu USD). Các nhà máy ở Việt Nam đã có phương án đảm bảo an toàn, đã tính hết phương án chống thấm, chống tràn, động đất, lũ quét và tiếp tục nghiên cứu để tăng tính an toàn”.

Cơ hội để rút khỏi dự án trong danh dự

GS Chu Hảo:

“Thảm hoạ bùn đỏ mà người Hungary đang phải gánh chịu là một thời điểm thích hợp, thậm chí là cơ hội tốt nhất để chúng ta rút khỏi dự án một cách hợp lý, trong danh dự”.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn