Từ trận Điện Biên Phủ đến Bauxite Tây Nguyên

Hiệu Minh

clip_image001

Kế hoạch Điện Biên Phủ

Mấy chiến thắng bước ngoặt của Việt Nam đều bắt đầu từ một vùng núi. Điện Biên Phủ và Tây Nguyên có vùng địa lý giống nhau.

Thật kỳ lạ, thắng Điện Biên Phủ đã giúp VN thắng Pháp. Trận chiến Ban Mê Thuột tại Tây Nguyên cũng là bước thay đổi cục diện của cuộc chiến Mỹ-Việt.

Hiện có một “trận đánh” khác trên Tây Nguyên, đó là dự án khai thác bauxite do chính chúng ta tự khơi mào và thắng thua chưa ai biết.

Chiến dịch Điện Biên: Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”

Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó mới 43 tuổi, phổ biến lệnh tấn công mật với dự định tiêu diệt căn cứ Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng chiến dịch biển người.

Mười ngàn (10.000) quân Pháp cố thủ trong hầm ngầm chọi với 50 ngàn quân Việt Minh phơi lưng trên cánh đồng trống trải. Kế hoạch do cố vấn Trung Quốc bảo trợ, được sự đồng ý của phía ta.

Lẽ ra cuộc tấn công dự định vào ngày 20-1-1954 nhưng một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được lui lại vào 25-1. Sau đó bị lộ nên ngày tấn công dự định vào 26-1.

Trong ngày và đêm 25-1-1954, Tướng Giáp tìm ra ba nguyên nhân không thể thắng:

  1. Bộ đội chủ lực Việt Minh cho đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Ví dụ tại trận Nà Sản bộ đội đã không thành công, và bị thương vong nhiều.
  2. Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập.
  3. Bộ đội Việt Minh từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.

Trong sáng 26-1, Bộ Chỉ huy mặt trận họp và không đi đến được ý kiến thống nhất. Tướng Giáp hỏi, ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, không ai trả lời được. Vị tướng trẻ tài ba đã quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.

Tướng Giáp cho rằng, phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên không thể đảm bảo chắc thắng.

Ông quyết định tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc thắng chắc” dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần tập đoàn cứ điểm.

Số phận kỳ lạ của quân Pháp tại lòng chảo Điện Biên và đế chế Pháp tại Đông Dương được quyết định bởi chiến lược… “bàn lùi” của Tướng Giáp.

Pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ém, sẵn sàng đợi lệnh tấn công. Nhưng phút chót phải kéo pháo ra, rút quân khỏi chiến hào. Cuộc chiến không phải 3 ngày mà kéo dài 55 ngày đêm kể từ trận xuất kích đầu tiên vào tháng 3 năm đó.

Theo lời kể của Tướng Giáp thì đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Làm tướng phải biết cương nhu, biết tiến, biết lùi. Nếu chỉ dùng ý chí và thuật biển người của nước lạ, chắc gì hôm nay vị tướng sống được 100 tuổi.

Bauxit Tây Nguyên và họa bùn đỏ Hungary

Mấy hôm nay trên mạng internet lại rộn lên tin về sự cố bùn đỏ tại Hungary làm chết 4 người, 120 người bị thương, gây ra thảm họa môi trường . Có khoảng 700.000 mét khối bùn đỏ đã thoát ra và gây ô nhiễm một diện tích rộng 40 km2.

clip_image002

Thảm họa bùn đỏ Hungary

Hungary đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các nhân viên cứu hộ đang cố gắng để ngăn các chất thải độc hại này tràn vào sông Danube .

Đại họa “bùn đỏ” ở Hungary đã “chảy” tới Việt Nam. Nhiều blog cá nhân, rồi nhiều trí thức nổi tiếng của Việt Nam kể cả cựu thành viên IDS vừa gửi thư lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước “khẩn thiết yêu cầu” dừng ngay các dự án bauxite tại Tây Nguyên.

Nhà máy Tân Rai đang được xây dựng và dự án thứ hai tại Nhân Cơ đang đàm phán. Chính phủ VN luôn coi việc khai thác Bauxit là “chủ trương lớn”.

Nếu khai thác bauxite, những nhà khoa học lo mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người.

Chưa kể một nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên sẽ bị “bùn đỏ” cuốn trôi.

Ai cũng hiểu nếu phải dừng bauxite thì “đây là một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế nước ta và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng” như các vị trí thức viết trong thư.

Họ còn nói thêm : “Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối đối với vận mệnh quốc gia của các vị cùng với sự thông cảm của đồng bào cả nước mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này”.

Người muốn khai thác bauxite có lý của họ và người phản đối cũng có cách hiểu riêng. Vấn đề là tìm ra nguyên nhân để hai bên đi đến thỏa hiệp. Hãy đặt quyền lợi của quốc gia nằm lên trên tất cả thì mọi chuyện sẽ khác.

Vài lời cuối

Tướng Giáp ra lệnh cho quân sẵn sàng tấn công lòng chảo Điện Biên nhưng cuối cùng ông bàn lùi chỉ vì thấy mình không thể thắng bằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh”.

Quyết định của ông gây hệ lụy cho hàng trăm ngàn binh lính, dân công, và cả nước phải chờ thêm 5 tháng nữa thay vì 3 ngày.

Một sự tốn kém khủng khiếp nhưng ông đã tránh cho dân tộc này một đại bại trong chiến tranh và một thảm họa lịch sử.

Đơn vị pháo binh vào trận địa chậm đã làm thay đổi chiến thuật trận đánh. Có lẽ nên cảm ơn người chỉ huy pháo “lề mề” kia. Nếu họ đúng giờ, cục diện Điện Biên Phủ đã khác.

Vụ bùn đỏ Hungary thật không may cho nước bạn, nhưng cũng là dịp hiếm có “nhìn lại mình” của chính chúng ta tại các dự án bauxite. Từ nguy nan của họ để rút ra bài học cho mình.

Vấn đề là làm thế nào tìm ra được vị lãnh đạo trẻ 43 tuổi như tướng Giáp thời Điện Biên biết…“bàn lùi” trước khi quá muộn. Vì có thể vị tướng nhớ lời Tôn Tử “Biết người biết ta, trăm trận không nguy. Không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua. Không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”.

Khi quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên liệu người cầm cân nẩy mực cho quốc gia đã hiểu hết người xưa định nhắn gì? Nếu tiếng Hán quá khó, chỉ cần học lại lịch sử Điện Biên Phủ hay đọc hồi ký của tướng Giáp về sự “nhu cương”, “tiến lùi” đúng lúc thì có thể tránh được hiểm họa tương lai.

Có ai ngồi suy ngẫm về khả năng thất bại của dự án như tướng Giáp đã từng thức trắng đêm khi ngồi trước bản đồ lòng chảo Điện Biên tại hang Thẩm Púa năm xưa?

Để cả dân tộc 85 triệu phải bạc tóc hay để một người bạc tóc, đó chính là tâm và tầm của người lãnh đạo.

12-10-2010

H. M.

Nguồn: Hieuminh Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn