The Australian: Nếu Trung Quốc bắt nạt trên biển, thì họ cần được dạy cho một bài học hải quân

Paul Dibb

08-11-2010

image Trung Quốc cho thấy dấu hiệu trở thành một cường quốc quân sự ngày càng quyết đoán.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khẳng định sức mạnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tình trạng cân xứng với Mỹ, chúng ta đã chứng kiến một số hành động cho thấy Bắc Kinh bắt đầu phô trương sức mạnh.

Trung Quốc bắt đầu có thái độ đối với biến đổi khí hậu tại hội nghị Copenhagen tháng 12 năm ngoái và tiếp tục lập trường của Bắc Kinh về việc không định giá lại tiền tệ của họ, hiện đang có giá trị rất thấp

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, việc gia tăng sự quyết đoán của Trung Quốc là đáng lo ngại nhất.

Đã có một số sự cố đáng kể xảy ra trên biển trong thời gian gần đây, cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng sức mạnh cơ bắp. Trung Quốc đòi chủ quyền các đảo tranh chấp và lãnh thổ ngoài khơi đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Gần đây nhất, mọi chuyện đã lên đến đỉnh điểm khi Bắc Kinh tuyên bố rằng toàn bộ biển Đông là "lợi ích cốt lõi", ngang bằng với tình trạng lãnh thổ ở Đài Loan và Tây Tạng.

Hồi tháng 10, Bắc Kinh phản đối các cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở vùng Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển Nam Hàn. Washington trì hoãn cuộc tập trận cùng với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington. Quyết định hủy bỏ cuộc tập trận dường như được thực hiện để tránh vấn đề với Trung Quốc trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul trong tháng này. Phát ngôn Lầu Năm Góc nói rằng, sự tham gia của tàu sân bay "không có nghĩa là để gửi một thông điệp tới Trung Quốc". Người ta lấy làm lạ là Mỹ sẽ còn tiếp tục xoa dịu Trung Quốc thêm bao nhiêu nữa.

Hồi tháng Chín, Bắc Kinh và Tokyo đã có cuộc cãi vã tồi tệ nhất trong năm. Mọi chuyện bắt đầu khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc, sau khi tàu của ông này cố tình đụng vào hai tàu tuần duyên của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, do Nhật quản lý và được Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Các quần đảo này nằm ở khu vực giàu ngư trường và được cho là có nhiều khí đốt ở vùng biển giữa Okinawa và Đài Loan.

Bắc Kinh đã đe dọa Tokyo một cách đáng ngại về mọi hậu quả liên quan đến các hành động của mình. Nhật Bản đã phóng thích viên thuyền trưởng đúng lúc, nhưng có tin tức nói rằng Trung Quốc đã một lần nữa phái các tàu ngư chính với mục đích "bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân Trung Quốc". Cùng lúc đó đã có các cuộc biểu tình phản đối, tập hợp ở Trung Quốc, hô khẩu hiệu chống Nhật Bản và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật. Các hạn chế cũng đã được áp đặt lên việc xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tới Nhật Bản, loại khoáng sản quan trọng trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại.

Việc Bắc Kinh đòi toàn bộ vùng biển Đông không phải là mới, nhưng trong quá khứ họ đã đặt tham vọng lãnh thổ của họ sang một bên với lý do hỗ trợ điều mà họ gọi là "khu vực hài hòa". Một số nước Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam và Philippines, có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, hồi tháng 7 các nước ASEAN đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì nhắc nhở, rằng: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, và đó là thực tế".

Nhưng thực tế thực sự là Bắc Kinh cho thấy dấu hiệu về sự bắt nạt Nhật Bản qua tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku, cũng như bác bỏ tài liệu chứng cứ quốc tế của Nam Hàn là chính Bắc Hàn, đồng minh của Trung Quốc, đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Nam Hàn hồi tháng 2.

Bây giờ, Trung Quốc không chỉ thách thức các quyền tự do của Hoa Kỳ trong việc sử dụng Hoàng Hải, mà Trung Quốc còn cho thấy họ không muốn tôn trọng quyền tự do hàng hải qua việc họ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (khoảng 370km) ở biển Đông và những nơi khác.

Theo tôi, bất đồng với Trung Quốc trong việc sử dụng thích hợp lĩnh vực hàng hải được thiết lập là một thách thức lớn đối với an ninh khu vực. Cựu chỉ huy lực lượng quốc phòng, đô đốc Chris Barrie, nhìn thấy sự chấm dứt đối với "chế độ tự do trên biển cả" trong tương lai không xa. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, liệu Hoa Kỳ có đủ kiên quyết để đương đầu với một cuộc xung đột hải quân với Trung Quốc do sự khác biệt ý kiến nghiêm trọng trong việc kiểm soát biển Đông?

Sẽ không bao lâu trước khi liên minh hàng hải phương Tây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc, phải tập trung vào việc, làm thế nào để chúng ta cùng đối phó với sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là ngăn chặn Trung Quốc, nhưng có nghĩa là lực lượng hải quân Đồng Minh cần phải đảm bảo rằng Trung Quốc tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Điều đó có nghĩa là một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải được dạy một bài học quân sự trên biển.

Rõ ràng là Bắc Kinh bắt đầu thách thức giới hạn khả năng chịu đựng [của các nước]. Nếu họ vẫn tiếp tục phô trương sức mạnh, tốt nhất là thái độ không thể chấp nhận của họ phải bị kiểm soát ngay bây giờ, hơn là sau này khi họ trở nên mạnh mẽ hơn. Bắc Kinh đã không che giấu các tham vọng của họ để phát triển điều mà họ gọi là "phòng thủ ngoài khơi", có nghĩa là, lực lượng quân sự mạnh mẽ có khả năng răn đe Mỹ về các hoạt động ở eo biển Đài Loan và có thể phô trương sức mạnh ở điều mà họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên", trong đó gồm có biển Đông.

Sự hợp tác của Trung Quốc chắc chắn quan trọng đối với nhiều thách thức cấp bách nhất trong khu vực, bao gồm phổ biến vũ khí hạt nhân và đối phó với Bắc Hàn. Và nó có mối quan tâm chính đáng về an ninh trong việc nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, hơn 80% lượng dầu đó đi qua vùng biển Đông Nam Á.

Nhưng không được phép bỏ qua hành động khiêu khích trắng trợn và bác bỏ luật pháp hàng hải quốc tế [của Trung Quốc].

Ông Paul Dibb là giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc. Ông còn là cựu Thứ trưởng Quốc phòng.

Ngọc Thu dịch từ Theaustralian

Người dịch trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn