Bắc Kinh sẽ chọn vũ lực hay ngoại giao?

Greg Torode (từ Hà Nội) và Ng Tze-wei (Bắc Kinh)

South China Morning Post

image Các nhà lãnh đạo của cường quốc này chuẩn bị được “sát hạch” tại 3 hội nghị thượng đỉnh với các nước láng giềng và các đối thủ cạnh tranh.

Trung Quốc sẽ đối mặt với một chuỗi các bài “trắc nghiệm quốc tế” trong những tuần tới đây, gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, G20 và APEC – những sự kiện buộc các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia này phải đương đầu với cả các nước láng giềng lẫn các đối thủ cạnh tranh chiến lược đang kiên quyết gây áp lực với Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề.

Đòi hỏi của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực là Trung Quốc phải để cho đồng nhân dân tệ tăng đúng giá trị và những lo ngại về sự cứng rắn gần đây của Trung Quốc trong các tranh chấp ở vùng Biển Đông và Hoa Đông – những chủ đề được cho là đã chi phối một năm “bầm dập” về mặt ngoại giao của đại lục.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Hà Nội hôm 28/10, để đối mặt với một cục diện đang thay đổi nhanh chóng khi các quốc gia Đông Á hướng tới Washington nhằm cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Sự xuất hiện của ông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm thứ bảy, 30/10, đánh dấu bước khởi đầu cho một loạt các động thái ngoại giao khác. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đến tham dự các cuộc họp của G20 được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng tới và cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC thường niên, năm nay tại Nhật Bản.

Ôn Gia Bảo sẽ là lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đi gặp các đối tác Đông Á kể từ khi mối quan tâm của khu vực và Hoa Kỳ về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông được nhấn mạnh tại hội nghị an ninh ASEAN hồi tháng Bảy.

Trong khi đồng nhân dân tệ không phải là một chủ đề chính thức trong chương trình nghị sự, vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh kinh tế G20, như các loại tiền tệ đang lớn mạnh trong khu vực so với đồng đôla Mỹ.

Cũng có thể Ôn Gia Bảo sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, đây được xem như cuộc họp chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung-Nhật từ khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau việc Tokyo bắt giữ và tạm giam 17 ngày một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc tại vùng đảo đang tranh chấp Điếu Ngư tháng rồi.

Nhưng cả hai đặc sứ của Trung Quốc và Nhật Bản đều cho biết cuộc họp này còn xa vời. "Chúng tôi đã tiến đến rất gần nhưng cũng chỉ có thế", một nhà ngoại giao Nhật Bản nói.

Thứ Ba tuần trước, Tiến sĩ Mã Triều Húc – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết từ Bắc Kinh: "Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ có hành động cụ thể để tạo ra các điều kiện và bầu khí cần thiết cho các cuộc họp giữa hai bên".

Cả khu vực đang hồi hộp theo dõi căng thẳng Trung-Nhật. Một số nhà ngoại giao thấy rằng cuộc họp là một dấu hiệu của nỗ lực mới trong việc đối phó với mối lo ngại trong khu vực của đại lục.

Một phái viên của ASEAN đánh giá: "Chúng ta đều kinh ngạc cách mà Trung Quốc sẽ lật ngược thế cờ. Liệu chúng ta sẽ thấy áp lực nhiều hơn từ Bắc Kinh, hay chúng ta sẽ phải chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc ‘xâm lăng quyến rũ’ trang điểm cho những phần lãnh thổ bị chiếm đóng? Ngay bây giờ, không ai muốn mở một mặt trận mới để tấn công Bắc Kinh? Tôi nghĩ rằng ASEAN, Mỹ và các khu vực lớn hơn đều mong muốn một cuộc họp êm thấm”.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tin rằng bất kỳ áp lực nào cũng chỉ là tạm thời và sẽ không ảnh hưởng đến vị trí và chiến lược trong khu vực của họ.

Giáo sư Ju Hailong, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, cho biết áp lực từ Mỹ và các nước ASEAN đã tồn tại từ lâu và Trung Quốc cũng đã từng áp dụng. Bất kỳ sự gia tăng áp lực nào sẽ chỉ là tạm thời. "Có lẽ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước này để bày tỏ thiện chí của mình, nhưng sẽ không thay đổi chiến lược tổng thể của nó đối với khu vực", ông Ju nói. "Trung Quốc và ASEAN là ‘máu thịt’ và phải cậy dựa vào nhau về mặt kinh tế".

Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á đã chứng tỏ họ là “sân chơi” khó khăn cho Bắc Kinh trong năm nay khi tất cả đều đồng thuận với 2 xu hướng quan trọng nêu trên đối với đại lục.

Song song việc các nước ASEAN đi tìm cách thức mới đứng lên nhận thức hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh, thì Washington đã nhanh nhậy nắm lấy cơ hội để thực hiện tốt cam kết tái tham gia vào một khu vực mà dường như họ đã bỏ quên trong nhiều năm qua.

Biển Đông cho thấy nó là một điểm nóng, khi Hoa Kỳ tuyên bố “chống lưng” cho khối ASEAN trước yêu cầu giải quyết các tranh chấp đang diễn ra một cách hoà bình và phải được thông qua đàm phán khu vực (đa phương) - rõ ràng đây là một đòn tấn công nhắm thẳng vào Trung Quốc vốn vẫn nuôi quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên “tinh thần” song phương.

Cần nhắc lại, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi đó, Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố một phần.

Các xu hướng này sẽ tiếp tục được nhấn mạnh trong những ngày tới. Chính vì vấn đề Biển Đông, mà dự kiến các cuộc họp sẽ rất sôi nổi và ASEAN đang mời Mỹ và Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thường niên từ năm sau.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton có mặt ở Hà Nội trong phiên các phiên họp. Bà Clinton là người phát pháo cho cuộc tấn công chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại diễn đàn ASEAN hồi tháng Bảy.

Hội nghị lần này là sự kiện cuối cùng dưới sự chủ trì của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, trước khi nó được trao lại cho Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và là nơi có truyền thống căng thẳng với Bắc Kinh.

Theo Giáo sư Jin Canrong thuộc Đại học Renmin, không nên đặt các vấn đề tranh chấp hàng hải tại các hội nghị thượng đỉnh như thế này vì trọng tâm các cuộc họp là hướng đến thương mại và hợp tác. Ngoài ra, tất cả các bên liên quan đều “chia sẻ” hiểu biết ngầm rằng họ thực sự không có đủ khả năng phá vỡ các quan hệ với đại lục.

"Hoa Kỳ biết họ cần phải duy trì một mối quan hệ thân mật với Trung Quốc, thể hiện qua chuyến thăm sắp tới của Hồ Cẩm Đào vào tháng Giêng năm sau", Jin nói. "Là chủ nhà của hội nghị, Việt Nam cũng hết sức thận trọng. Và họ biết rằng nếu Trung Quốc khó chịu với bất kỳ quốc gia ASEAN nào, thì Việt Nam có thể sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu những cơn thịnh nộ”.

"Có thể Hoa Kỳ muốn khuấy lên một số khó khăn cho Trung Quốc trong vấn đề ASEAN. Ngược lại, bằng cách gần gũi hơn với Hoa Kỳ, ASEAN có thể cũng muốn có một đối trọng chống lại Trung Quốc. Nhưng cả hai, Hoa Kỳ và ASEAN đều biết đây là những mong muốn không thực tế".

Duy chỉ có Nhật Bản là một ngoại lệ.

"Nhật Bản có thể đáng gờm hơn khi xây dựng một liên minh rất chặt chẽ giữa mình với Ấn Độ và Hoa Kỳ", Jin cho biết.

10 nước ASEAN có một cuộc họp chung với các lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào thứ Sáu trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào thứ Bảy.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, cùng với Mỹ và Nga là các quan sát viên.

Quốc Ngọc dịch từ Viet-studies

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn