Bô-xít Tây Nguyên: Chế tài nào khi xảy ra rủi ro?

TS. Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

clip_image001

 

Toàn cảnh nhà máy alumin ở Tân Rai (ảnh Phạm Huyền)

 

(VEF) - Dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, mấu chốt không còn nằm ở chỗ dừng hay tiếp tục nếu một khi "ván đã đóng thuyền", mà chính ở chỗ chế tài khi xảy ra rủi ro, nhất là tai nạn vỡ hồ bùn đỏ tầm cấp dạng MAL Zrt ở Hungari hay BP để tràn dầu ở Mỹ.

LTS: Dự án bô-xít Tây Nguyên, dù tạm hoãn hay tiếp tục triển khai, giờ không còn là vấn đề cấp thiết nữa. Quan trọng hơn, làm sao để giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra? Đó không chỉ là vấn đề của bô-xít Tây Nguyên, mà của tất cả các dự án khác, khi tác dụng phụ của nó tác động mạnh đến con người và môi trường sinh thái.

Bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Sỹ Phương từ CHLB Đức là một góc nhìn nhằm góp ý xây dựng về cách vận hành dự án bô-xít ở Tây Nguyên sao cho hiệu quả, an toàn. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) xin trân trọng giới thiệu.

Doanh nghiệp làm, hậu họa Nhà nước "gánh"

Đặc trưng cơ bản nhất phân biệt nền kinh tế thị trường, là dứt khoát phải có 2 đối tượng bên bán và bên mua nghịch nhau về quyền lợi, bên này hơn thì bên kia thiệt và ngược lại.

Cũng từ đó, khác hẳn với nền kinh tế quản lý tập trung nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường (trừ những doanh nghiệp nhằm mục đích xã hội, không kinh doanh) hoàn toàn theo đuổi mục đích lợi  nhuận - thiếu động cơ này không thể có nền kinh tế thị trường - "máu mê" tới mức như Mác nói "lãi 300% thì thắt cổ nó cũng sẵn sàng".

Một khi đã sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình thì vận mệnh, lợi ích người khác họ cũng không ngoại trừ, pháp luật vì vậy bắt buộc phải chế tài họ bằng cách gánh chịu trách nhiệm trước mọi hậu họa.

Đó chính là vai trò chức năng bắt buộc của mọi nhà nước gắn với nền kinh tế thị trường. Thiếu đặc trưng này, nền kinh tế thị trường không cần chờ đến nền kinh tế quản lý tập trung phủ định, chắc chắn đã phải cáo chung từ lúc khởi thủy, không thể phát triển mạnh mẽ, trở thành toàn cầu hoá như hiện nay, bởi quy luật xã hội bền vững chỉ xảy ra một khi lợi ích và trách nhiệm cân bằng, nếu không tự nó phải đổ vỡ!

Khai thác bô-xít hay bất cứ khoáng sản nào ở bất kỳ nước nào có nền kinh tế thị trường cũng là đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp, theo đuổi mục đích lợi nhuận tối đa.

Người bán khoáng sản không ai khác ngoài Nhà nước, để thu tiền dưới dạng thuế tài nguyên hoặc trích nộp lợi nhuận, nhiều như có thể. Nhìn dưới góc độ động cơ "máu mê" trên, Nhà nước và doanh nghiệp khai thác là hai đối tác đóng vai trò kẻ bán người mua không hơn, không kém!

Chính vì vậy, cả hai bên bán và mua phải chịu trách nhiệm vô hạn bồi thường thiệt hại, được chế tài bởi pháp luật, đối với hậu quả nó gây ra cho người dân vốn là chủ nhân của đất nước có khoáng sản đó.

Vụ bồi thường thiệt hại tràn dầu vịnh Mexico do tập đoàn đa quốc gia BP gây ra cho nước Mỹ là một minh chứng đang thời sự.

Lúc đó, Tổng thống Obama cam kết huy động cả quân đội để khắc phục, nhưng đặt điều kiện hãng BP phải thanh toán mọi chi phí, bởi không lý gì, lãi thì chỉ mình BP hưởng, còn thiệt hại xảy ra thì nhà nước, mà rốt cuộc là người đóng thuế, phải gánh chịu.

Kết quả, tính đến đầu tháng này, BP đã phải trả Chính phủ Mỹ chi phí làm sạch môi trường lên tới 390 triệu USD, chưa tính các khoản phải trả cho một núi đơn kiện của vô số cá nhân, doanh nghiệp đòi bồi thường thiệt hại.

Riêng khắc phục sự cố, bịt miệng giếng dầu chặn tràn, BP chứ không phải nước Mỹ, đã phải tự bỏ ra tới 8 tỷ USD. Dự kiến tổng chi phí của BP sau thảm họa này sẽ lên tới 32,2 tỷ USD.

Vụ thảm hoạ bùn đỏ do Tập đoàn nhà nước MAL Zrt Hungari khai thác gây ra, chấn động thế giới vừa qua, lại là một nghịch chứng.

Khác với BP ở Mỹ, không phải MALZrt mà nhà nước cùng nhân dân họ phải dốc mọi nhân, tài, vật lực cứu hộ dân chúng bị nạn, bởi doanh nghiệp này đặt dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Nhà nước, giao cho trung tướng TS Bakondi György, Cục trưởng Cục Phòng chống thảm họa Quốc gia (OKF) đứng đầu.

Nghĩa là, nó không độc lập như BP, nên không thể chịu trách nhiệm với hậu họa - di sản của nền kinh tế quản lý tập trung trước kia ở nước này, vẫn giữ nguyên quyền lực Nhà nước đối với với doanh nghiệp nhà nước, nên hậu họa chúng gây ra, trách nhiệm Nhà nước phải gánh trọn là lẽ đương nhiên.

Bô-xít Tây Nguyên: Chế tài nào khi xảy ra rủi ro?

Ở nước ta, vấn đề bô-xít Tây Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) không những không độc lập như MAL Zrt của Hungari, mà còn đóng luôn vai trò người bán là Nhà nước.

Đó là khi ông Lê Dương Quang, Chủ tịch HĐQT, chức danh của tập đoàn, tức người mua, trước mọi tầng lớp nhân sỹ trí thức lo ngại thảm họa môi trường kiến nghị Nhà nước ngừng dự án, lại trả lời với tư cách Nhà nước (người bán): "Tôi khẳng định lại, không có lý do gì mà dừng dự án, ngược lại phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đạt hiệu quả".

Còn ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, ủng hộ theo, bằng cách "mặc cả" đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bô-xit Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng (chừng 600 triệu USD).

Nghĩa là, nghiễm nhiên coi thiệt hại đó là của Nhà nước, tức người bán, chứ không phải của người mua (TKV), nên đòi Nhà nước phải có trách nhiệm, chứ không phải đòi chính TKV mà ông đại diện, phải chịu trách nhiệm pháp lý.

clip_image002

Nơi đây sẽ là hồ bùn đỏ trong tương lai ở Tân Rai (Lâm Đồng) - ảnh Phạm Huyền

Về phần Nhà nước, khác với quan điểm của Tổng thống Obama buộc BP phải bồi thường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ta với chức năng cơ quan nhà nước, tức người bán, lại đóng vai trò người mua, khi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời phỏng vấn báo chí về độ an toàn hồ chứa bùn đỏ vốn thuộc trách nhiệm bên mua TKV: "Chúng tôi chia ra từng lô, mỗi lô 5 ha, kín đầy từng lô và đảm bảo an toàn mới chuyển sang lô khác".

Tài chính cũng vậy. Trung tâm Quan trắc môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với khu vực sản xuất bô-xít thuộc chức năng nhà nước không phải do ngân sách mà lại do người mua TKV chi trả, nghiã là người mua "nuôi" người bán.

Lý do cả bên mua lẫn bên bán đóng vai trò cả bán lẫn mua bắt nguồn từ bản chất cố hữu của nền kinh tế quản lý tập trung bằng quyền lực cùng bộ máy nhà nước.

Mua bán được định nghĩa là quá trình chuyển quyền sở hữu từ người bán sang người mua; trong khi nền kinh tế quản lý tập trung lại coi nhà nước là chủ nhân trực tiếp điều hành mọi doanh nghiệp nhà nước, nên quá trình mua bán giữa chúng thực chất chỉ chuyển quyền sử dụng, chứ không phải thay đổi chủ sở hữu, trước sau vẫn của nhà nước.

Từ đó, các tập đoàn nhà nước, như TKV được cơ cấu nhân sự cấp thứ trưởng, đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ vốn mang chức năng hành pháp, bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt kế hoạch, đúng chức năng của tổng giám đốc tập đoàn ở các nước hiện đại.

Ở họ, doanh nghiệp dù của Nhà nước vẫn độc lập với Nhà nước, tổng giám đốc chứ không phải Nhà nước, chịu trách nhiệm vô hạn đối với nó.

Chẳng hạn, Đức đưa vào Hiến pháp: Cấm quan chức chức chính phủ tham gia ban giám đốc hay HĐQT (điều 66), nhằm "cách ly" nhà nước đồng nghĩa với quyền lực, ra khỏi kinh doanh do quy luật thị trường chi phối.

Và cũng chính nhờ vậy, khi gây ra thiệt hại tự bản thân doanh nghiệp phải bồi thường như trường hợp tập đoàn BP chứ không phải những quốc gia có cổ phần trong đó.

Một khi cả người bán lẫn người mua đều đóng cùng một vai trò cả mua lẫn bán, thì không một thương vụ nào không trôi chảy. Dự án khai thác bô-xít ở ta, vì vậy mấu chốt không còn nằm ở chỗ dừng hay tiếp tục, nếu một khi ván đã đóng thuyền, mà chính ở chỗ chế tài khi xảy ra rủi ro, nhất là tai nạn vỡ hồ bùn đỏ tầm cấp dạng MAL Zrt ở Hungari hay BP để tràn dầu ở Mỹ.

Khác với tính độ rủi ro trong sòng bài, cá cược, nhằm ăn thua; trong tai nạn, xác định độ rủi ro nhằm trù liệu mức thiệt hại để tính trước trị giá bồi thường.

Theo đó, thiệt hại trù liệu khi xảy ra tai nạn càng lớn, thì hệ số an toàn càng phải tăng. Như trong tai nạn giao thông, khi chuyển từ xe máy, sang ôtô, tới tầu hoả, máy bay; ngưỡng giới hạn rủi ro phải bằng không.

clip_image003

Hồ điều hoà (ảnh P.H)

Khi thiệt hại trù liệu vượt quá khả năng bồi thường, giải thích tại sao không nước nào đặt nhà máy điện nguyên tử giữa lòng thành phố hay khu vực đông dân, mặc dù độ an toàn rất lớn? Sự cố nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl chỉ xảy ra độc nhất một lần trong lịch sử nhân loại.

Hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng TKV đã cố gắng hết sức mình để bảo đảm an toàn tối đa, đạt "các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam; sẽ "nâng thiết kế chống động đất từ 7 độ lên 9 độ Richter" (nghĩa là an toàn cả khi xảy ra trận động đất ngày 26/12/2004, tại Ấn Độ Dương, tạo ra sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử, cướp đi tổng cộng 227.900 sinh mạng); lường cả giải pháp vỡ hồ, bằng cách chia lô, để vỡ hồ nọ có hồ kia ứng cứu...v..v.

Tuy nhiên mọi cố gắng trên chỉ giảm thiểu được rủi ro, chứ không có nghĩa rủi ro bằng không.

Nói cách khác, không thể loại trừ hồ bùn đỏ bất khả kháng vỡ hoàn toàn cùng lúc, (chưa tính độ nhiễm độc cả nước sông khi lũ lụt, lẫn nước ngầm do tích lũy theo thời gian như trường hợp bức tử sông Thị Vải).

Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương, lúc đó bùn đỏ tràn xuống sông Đồng Nai, không ngoại trừ vào Biên Hòa, TP.HCM uy hiếp môi trường sống của hàng chục triệu người, so với thị trấn Ajka ở Hung ngập trong bùn đỏ chỉ 35.000 dân!

Rủi ro trên, về mặt lý thuyết, không có nghĩa buộc phải dừng dự án bô-xít, nếu thiệt hại xảy ra được cam kết bồi thường hoàn toàn bằng thực lực tài chính, dù nguyên nhân chủ quan hay bất khả kháng, như BP đã làm.

Thực lực đó chỉ có thể bảo đảm bằng hai cách: 1. Vẫn coi TKV là doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quản lý tập trung, không độc lập, giống như MAL Zrt.

Trong trường hợp này, nhà nước phải dự toán được tổng trị giá thiệt hại khi vỡ hồ bùn đỏ hoàn toàn, từ đó lập quỹ dự trữ quốc gia bồi thường tương ứng, trích từ nguồn thu khai thác bô-xít, và nhất thiết phải được Quốc hội thông qua, bởi nó đe doạ trực tiếp lợi ích tính mạng cả chục triệu người cùng lúc.

2. Coi TKV như BP, phải tự thanh toán mọi thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Nếu vốn tự có của TKV không tương xứng với tổng thiệt hại trù liệu, thì buộc phải mua bảo hiểm quốc tế, để họ chi trả lúc xảy ra rủi ro, như hoạt động kinh doanh có điều kiện ở các nước hiện đại.

Bảo hiểm và lập quỹ dự phòng chính là đòi hỏi của nguyên lý phát triển nhanh và bền vững, vốn bắt buộc ở các quốc gia hiện đại, không có gì lạ lẫm, nay ở ta đã được thể hiện trong Dự thảo Đại hội Đảng sắp tới, sau khi nền kinh tế trải qua quá nhiều bất ổn và hiện đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mất cân đối; cũng là cơ hội và thước đo khẳng định quyết tâm trên của Đảng bằng hành động cụ thể, không chỉ trên Nghị quyết.

N. S. P.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn