Nhà giáo, nhà văn, học trò

Bùi Minh Quốc

image Nhân ngày 20. 11, tôi nhớ đến một nhà giáo mà các bạn học sinh hiện nay còn ít biết đến nhưng tất cả những ai đã đọc về nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong đều không thể không biết.

Đó là nhà giáo Hoàng Đình Hiếu.

Chúng ta đã biết cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong mà anh đem theo bên mình có một số phận thật kỳ lạ, ngỡ đâu đã bị vĩnh viễn cuốn đi vô tăm tích trong bão lửa chiến tranh bỗng lại châu về Hợp phố. Người đã gìn giữ trân trọng cuốn nhật ký ấy suốt bốn năm không nề nguy hiểm chính là nhà giáo Hoàng Đình Hiếu, một sĩ quan quân đội Sài Gòn, sau biệt phái về dạy học tại trường Hồng Đức, Đà Nẵng. Anh Hoàng Đình Hiếu viết cho nhà báo Đặng Ngọc Khoa (báo Thanh Niên) rằng anh giữ cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong là nhằm bảo quản một tài liệu sống của thế hệ mình, vì nó mang tính thời đại, nó chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên, nó là văn hoá. Những điều chia sẻ từ cuốn nhật ký ấy, Hoàng Đình Hiếu không thầm lặng giữ riêng cho mình. Một cựu nữ sinh trường Hồng Đức kể với nhà báo Đặng Ngọc Khoa: từ trước năm 1975, chị và các bạn cùng lớp đã được nghe thầy giáo Hoàng Đình Hiếu giới thiệu ngay trên bục giảng về nhật ký Chu Cẩm Phong cùng nhân cách đáng khâm phục của tác giả, một việc rất dễ phải gánh chịu tai hoạ. Vậy đó, những con người ở hai phương trời tư tưởng cách xa nhau, vào thời điểm đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau đã cùng gặp nhau ở một giá trị chung: giá trị làm người. (Mời xem thêm “Chu Cẩm Phong, nhà văn anh hùng” trên báo điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, trannhuong. com, nguyentrongtao. org, bauxitevietnam. blogpost. com).

Đối với tôi, với nội chất văn hóa và hành động dũng cảm vừa kể trên, nhà giáo Hoàng Đình Hiếu thật là một chiến sĩ văn hóa mới – như cách gọi của nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang trong tác phẩm “Một nền văn hóa mới” mà ông viết cùng nhà văn cách mạng Nguyễn Đình Thi vào đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhờ nhà giáo Hoàng Đình Hiếu, một số học sinh ở Đà Nẵng thời đó, trong một không gian văn hóa mà cái nhìn chính thống từ phía chúng ta thường coi là văn hóa nô dịch, đã biết đến phẩm chất anh hùng của Chu Cẩm Phong sớm hơn các học sinh miền Bắc.

Tháng 3 năm nay, 2010, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong được nhà nước truy phong danh hiệu anh hùng. Trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam, đây là nhà văn đầu tiên được phong danh hiệu anh hùng với tư cách nhà văn.

Tháng 8 năm nay, 2010, Hội nhà văn Việt Nam họp đại hội lần thứ 8. Tại đại hội, chủ tịch hội Hữu Thỉnh thay mặt ban chấp hành khóa 7 đọc bản báo cáo chính trị mang tên [] vì phẩm giá con người”. Trong báo cáo, không có một dòng một chữ nào nói đến nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong cùng sự kiện nhà văn đầu tiên trong Hội được phong anh hùng với tư cách nhà văn.

Thấy hiện ra hai thái độ ngược nhau giữa nhà thơ Hữu Thỉnh hôm nay với nhà giáo Hoàng Đình Hiếu trước kia về cùng một giá trị văn hóa thiết yếu hàng đầu là “phẩm giá con người”.

Ở anh Hoàng Đình Hiếu là sự nâng niu trân trọng, bắt nguồn từ sự thôi thúc của một nhu cầu tự thân, mạnh mẽ đến mức bất chấp hiểm nguy, dám đưa một phẩm giá làm người tiêu biểu bên phía đối phương truyền bá cho lớp trẻ.

Ở anh Hữu Thỉnh là sự thờ ơ.

Với cương vị là Chủ tịch hội, chỉ trong chừng mực tối thiểu của ý thức trách nhiệm thôi, anh Hữu Thỉnh cũng không thể không tự buộc mình phải nêu cao tấm gương phẩm giá con người Chu Cẩm Phong vừa được nhà nước chính thức tôn vinh anh hùng, khi anh cầm bút viết bản báo cáo chính trị, mỉa mai thay, mang cái tên rất kêu:[…] vì phẩm giá con người”.

Rõ ràng không có một sự thôi thúc bên trong nào khiến Hữu Thỉnh thấy cần nói đến Chu Cẩm Phong tại đại hội. Một sự thờ ơ không thể tha thứ. Tôi nghĩ, nhân danh máu của các anh hùng liệt sĩ trong quá khứ, với tư cách người đóng thuế để nuôi Hội Nhà văn, một tổ chức kế tục của Văn hóa Cứu quốc, nhân dân không thể tha thứ cho sự thờ ơ này.

Nhưng không chỉ Chủ tịch Hữu Thỉnh thờ ơ.

Ngay cả Phó Chủ tịch Nguyễn Trí Huân, người từng có mặt tại chiến trường Khu 5 đúng thời điểm (tháng 5 năm 1971) Chu Cẩm Phong vừa hy sinh, cũng thờ ơ, nếu không thì tại sao anh Huân không nhắc anh Thỉnh một tiếng khi thông qua dự thảo văn kiện tại ban chấp hành Hội để bổ sung vào báo cáo?

Và không chỉ Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân thờ ơ. Tất cả các đồng chí đồng đội đồng nghiệp của Chu Cẩm Phong trên chiến trường Khu 5 xưa kia giờ cũng thờ ơ, không ai nhắc chủ tịch Hữu Thỉnh lấy một tiếng khi họp hội nghị đảng viên trước đại hội một ngày để chuẩn bị lãnh đạo đại hội. Thậm chí toàn thể hơn 400 đảng viên hội viên trong hội nghị ấy cũng thờ ơ.

Mà không chỉ thờ ơ với Chu Cẩm Phong.

Thờ ơ với cả truyền thống cao đẹp của Văn hóa Cứu quốc trong quá khứ.

Thờ ơ với cả vận mệnh của Tổ Quốc, quyền lợi của của Nhân Dân hiện đang từng ngày từng giờ bị xâm hại ghê gớm bởi giặc bành trướng và giặc nội xâm. Khi có ý kiến đề nghị đại hội ra một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn trước tình hình đất nước và nhân dân hiện nay, nhà văn công an trung tướng Hữu Ước liền phát biểu “phản đối đại hội lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không đúng chỗ”. Cả đại hội, từ những người ngồi trên chủ tịch đoàn điều khiển đại hội đến toàn thể các cử tọa bên dưới, tất thảy, không một ai – vâng, xin nhắc lại, không một ai – yêu cầu thảo luận vấn đề hệ trọng này, và tất thảy cùng nhau im lặng ra về. Thế là đại hội đã không ra được một bản tuyên bố mà Tổ Quốc và Nhân Dân mong đợi ở các nhà văn hội viên, trước hết là các hội viên đảng viên chiến sĩ nghệ sĩ tiền phong gương mẫu. Gần đây công luận nói nhiều đến tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt”. Ngoảnh mặt với Tổ Quốc, với Nhân Dân. Và ngoảnh mặt với chính tư cách yêu nước của bản thân mình. Có phải đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà văn Việt Nam là bằng chứng bằng xương bằng thịt của tình trạng thảm hại này?

Rất nhiều nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang có tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường. Chắc chắn rằng các thầy cô giáo khi nói với học trò về tác giả, đều giới thiệu hùng hồn đây là một nhà văn/nhà thơ yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân. Nghe vậy, rất có thể  sẽ có không ít học trò nêu thắc mắc:

Thưa thầy/cô, liệu chúng em có thể tin rằng đây là một nhà văn/nhà thơ yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân khi nhà văn/nhà thơ này lại im lặng không dám nói lên tiếng nói yêu nước thương dân tại một “sinh hoạt chính trị quan trọng” (chỉ thị của Ban Bí thư) của hội mình là đại hội lần thứ 8 Hội Nhà văn Việt Nam?

Không biết các thầy/cô giáo sẽ trả lời học sinh thế nào?

Và các tác giả có tác phẩm được đem giảng dạy cho các em sẽ trả lời thế nào?

Đà Lạt 19. 11. 2010

B. M. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn