Phản biện xã hội và được mất khi dừng dự án bô-xít

Tô Văn Trường

image (VNR500) - Tạm dừng dự án bô-xít như kiến nghị của đại đa số nhân dân, cái được lớn đến mức không có gì so sánh được. Nhiều cái mất đi là những cái được rất quý: Mất mà là được.

Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có hai mặt được và mất. Đây là bài toán đánh đổi, đòi hỏi phải làm sao cho cái được lớn nhất và cái mất là ít nhất.

Làm việc thì đương nhiên có thành công và có thất bại, có công và kể cả có tội hay gọi là "lỗi" cho nhẹ. Nhưng ở nước ta do cơ chế chính sách chưa hoàn thiện giữa quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm nên nhiều việc lớn, nhạy cảm, khi xảy ra sự cố, người ta luôn có cách để "thoát hiểm".

Quả thật, chuyện dự án bô-xít Tây Nguyên gây nên sự bức xúc trong nhân dân, đang lên đến đỉnh cao trào và là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước.

Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân.

Động viên, khuyến khích phản biện

Trước khi đi vào phân tích được và mất nếu dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, chúng ta cùng nhau nhìn nhận về vai trò và tác động của phản biện xã hội đối với việc quản lý, điều hành và phát triển đất nước.

Tôi không biết ai đặt ra chữ phản biện, vì nhiều người cho rằng nó xuất xứ từ chữ "counter-argument".

Chúng ta đều biết rằng người phản biện không phải bao giờ cũng là người chống lại bằng cách vạch ra những sai hỏng, những yếu kém của đề án, của công trình, mà nhiều khi người phản biện đồng tình, hoan nghênh, ca ngợi, và bao giờ người phản biện cũng nêu cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm rồi đề ra giải pháp khắc phục.

clip_image001

Tập kết nguyên vật liệu để xây dựng nhà máy bô-xít Tân Rai (ảnh thongtinberlin).

Theo đó, phê phán không chỉ có nghĩa là phản đối, mà có nghĩa rộng hơn cùng với vạch ra sai hỏng và khuyết điểm còn bao gồm cả bình luận, đánh giá, phát hiện, biểu dương, tiếp thu những ưu điểm và khơi gợi những ý tưởng mới để tiếp tục khai phá.

Phản biện là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Phản biện vô cùng cần thiết đối với bất cứ xã hội nào để ổn định và phát triển bền vững.

Phản  biện xã hội là sự đóng góp một cách khách quan, từ nhiều góc độ nhằm giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn vì lợi ích của cả dân tộc, của đất nước.

Ngoài ra, phản biện xã hội còn giúp cho Chính phủ củng cố niềm tin và  sự ủng hộ của dân chúng trong các quyết sách thông qua việc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của người dân thành hành động cụ thể.

Vấn đề phản biện xã hội được đề cập rất nhiều trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước.

Đơn cử như Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ "Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 125).

Quan trọng và rõ ràng hơn, thể hiện sự khẳng định của Đảng là: "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ" (như trên, trang 135).

Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) chuẩn bị trình Đại hội XI của Đảng nêu rõ: "Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020" chuẩn bị trình Đại hội XI cũng nhấn mạnh: "Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân".

Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội XI có câu: "Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội".

Đọc những câu trên đây trong văn kiện của Đảng, so sánh những câu ấy với nhau, đối chiếu với những việc làm của Đảng, của Nhà nước và với thực tế gần 5 năm qua, từ giữa tháng 4 năm 2006 đến cuối tháng 10 năm 2010, thấy rõ có nhiều điều rất đáng suy ngẫm.

Đảng và Nhà nước khởi xướng, khuyến khích xã hội dân sự và động viên người dân phản biện xã hội.

Với sự tham gia của nhân dân, Đảng và Nhà nước xây dựng và nghiêm chỉnh thực hiện quy chế xã hội dân sự và người dân phản biện xã hội, nội dung chủ yếu của quy chế ấy là: khi nhận được ý kiến phản biện xã hội, Đảng và Nhà nước nghiên cứu kỹ và trả lời chính thức, tùy loại vấn đề, sau một thời gian nhất định, không dài, phần nào đồng ý thì đưa vào chương trình hoạt động và thi hành ngay, phần nào chưa đồng ý thì đối thoại bình đẳng, thẳng thắn với tổ chức hoặc người phản biện xã hội để đi đến đồng thuận.

Xã hội dân sự không bao gồm cá nhân từng người. Tác nhân phản biện xã hội rộng hơn xã hội dân sự, là các tổ chức của xã hội dân sự và cá nhân từng người, trong đó có thể có, và ở ta đã từng có, sự phản biện xã hội của cả những công chức nhà nước và cả các nhân sĩ là đảng viên.

clip_image002

Con đường bụi đỏ dẫn vào nhà máy Tân Rai (ảnh thongtinberlin)

Nhân dân tiến hành phản biện xã hội đích đáng, có hiệu quả cao là một công trình lâu dài, gắn liền với dân tâm, dân trí, dân sinh, dân quyền được nâng cao, gắn liền với sức chủ động và sáng kiến của dân tộc, với sự tận tụy và tài năng của những người phục vụ dân tộc trong công cuộc phản biện xã hội này.

Phản biện xã hội đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, và nhất là đòi hỏi sự chuẩn bị chuyên nghiệp, trí tuệ, quan niệm đúng, cách làm đúng, bước đi thiết thực, không phải là ồn ào, sốc nổi kiểu phong trào và chiến dịch mà có thể thành công.

Suy cho cùng, phản biện xã hội là ý thức trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước.

Dừng dự án bô-xít: Mất mà được

Nhờ có phản biện xã hội, người dân mới biết được thực trạng tình hình của đất nước. Bô-xít Tây Nguyên là một trong những dự án gây nhiều tranh luận đối với người dân Việt Nam.

Con tàu "Bô-xít Tây Nguyên" đang ì ạch chuẩn bị ra khơi, dù chưa bị đắm như Vinashin nhưng hình như chủ và lái tàu đã cảm nhận được sự bất an, nguy hiểm của hành trình.

Bằng chứng là Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang phát biểu: "Chuyển nhà máy xuống bờ biển về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế thì đưa xuống biển là hợp lý nhất. Nhưng Bộ Chính trị yêu cầu để trên Tây Nguyên vì không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn là yếu tố xã hội. Để nhà máy trên đó giúp phát triển Tây Nguyên.

Chính vì thế hiệu quả kinh tế không cao và giờ thêm khảo sát, thuê tư vấn xem xét lại, tính thêm phương pháp thải khô thì chưa biết sẽ tác động đến hiệu quả thế nào, chắc chỉ tác động xấu đi thôi..." (Tuổi trẻ ngày 25/10/2010).

Dự án bô-xít liên quan đến việc sử dụng tiền thuế của dân cho nên người dân có quyền đặt ra các câu hỏi:

Một là: Theo nguyên lý nhà kinh doanh, cụ thể là Bộ Công thương và Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV), khi tiến hành dự án là phải tính làm sao cho có lãi, nhà đầu tư dù phải tuân thủ chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước, nhưng "nhiệm vụ chính trị" phải chăng là trách nhiệm của các chính khách trước quốc dân?

Hai là: Xin hỏi riêng ông Thứ trưởng: (1) Nội dung quyết định của Bộ Chính trị cụ thể là như thế nào? (2) Bộ Chính trị quyết định khi nào, tại cuộc họp nào? (3) Có văn bản quyết định không? Văn bản do ai ký? Ban hành vào thời gian nào?

Từ thực tế, có thể nói rằng phản biện xã hội về dự án bô-xít Tây Nguyên chưa được coi trọng và thực hiện theo đúng quy trình phát triển của đất nước.

Người dân không được thấy có biểu hiện nào thể hiện phản biện xã hội đã được chấp nhận như một trong những quy trình phát triển đất nước như các văn kiện của Đảng ta kỳ vọng.

Nhiều người dân chỉ được biết đến dự án khi được đọc các lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng và Chính phủ. Có thể nói những dòng tâm huyết của Võ đại tướng về vấn đề này đã gây tiếng vang lớn trong xã hội. Nhiều tầng lớp nhân dân xưa nay vốn bàng quan và thụ động với các dự án vĩ mô, nay cũng phải để tâm và nhiều người đã sôi nổi góp ý kiến với Đảng và Chính phủ.

Nếu bây giờ dừng dự án bô-xít được và mất gì?

Cái mất là mất tiền đã đầu tư vào dự án, làm thất vọng những người trong cuộc, ủng hộ dự án, kể cả đối tác và quyền lợi của một số nhóm lợi ích.

Cái được mà ai cũng nhận thấy là được lòng dân, không tiếp tục đổ tiền, lãng phí tiền thuế của dân vào một dự án không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường, bất an về xã hội, phá hỏng nền văn hóa Tây Nguyên. Cái được ở đây còn là dịp để Chính phủ chấn chỉnh công tác tham mưu, rà soát lại mục tiêu phát triển dự án.

Nếu quyền lợi dân tộc và đất nước được minh bạch và bảo đảm thì cũng là dịp cho những người lãnh đạo được vẻ vang với nhân dân.

Lệnh tạm đình chỉ dự án, để nghiên cứu một cách toàn diện, đánh giá một cách độc lập khách quan toàn bộ dự án sẽ làm người dân tin tưởng ở Chính phủ, đây là điều không tiền bạc nào có thể mua được. Nếu sau khi nghiên cứu kết quả là phải đình hẳn thì hoàn toàn đủ lý do giải thích cho đối tác hiểu rằng bất cứ Chính phủ nước nào muốn tồn tại cũng phải được lòng dân, phải nghe dân.

Việt Nam rất thành công trong cương vị chủ tịch ASEAN năm 2010, đóng góp quan trọng vào một bước tiến mới tích cực của ASEAN. Về mặt đối nội, lợi thế này hoàn toàn cho phép Chính phủ xử lý đúng đắn vấn đề bô-xít.

Đây cũng là thời cơ thực hiện những biện pháp mạnh để dứt điểm hậu quả Vinashin, sẽ là bài học cần có cho các nhà quản lý, chắc chắn sẽ nâng cao uy tín của Chính phủ. Lựa chọn tối ưu lúc này đối với Chính phủ là thể hiện bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thẳng thắn mưu cầu giải pháp đối với thách thức và chính trực trong hành động.

Quốc hội đã đi tiên phong  trong việc bỏ phiếu dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nếu Chính phủ cho tạm dừng dự án bô-xít chính là khởi động cho xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ.

Đây sẽ là một điểm son trong lòng dân tộc, là bước đi tất yếu trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn từ năm 1945, đó là xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dân sẽ giàu và nước sẽ mạnh.

Thay lời kết

Câu chuyện bô-xít vốn là việc day dứt không yên ở nước ta trong nhiều năm qua, nay lại đang "dậy sóng" vì sự kiện bùn đỏ Hungary. Vì sao biết dự án có nhiều mất hơn là được nhưng một số ý kiến vẫn bày tỏ mong muốn triển khai?

Tạm dừng dự án bô-xít như kiến nghị của đại đa số nhân dân, cái được lớn đến mức không có gì so sánh được. Nhiều cái mất đi là những cái được rất quý: Mất mà là được.

Điều đáng nghĩ là những cái mất. Mất tiền mà được kinh nghiệm cho đời đời con cháu lại là cái được dù phải trả giá. Không ai oán trách việc mất mát khi làm điều phải. Cái được cái mất bao giờ cũng là bài toán cho ra nhiều lời giải.

Mất mà lại được. Lòng dân đã rõ. Người dân đang mong ước bước chuyển đổi lớn trong tư duy của người lãnh đạo với tinh thần đã làm nên sức mạnh cho dân tộc ta từ ngàn xưa trong gian nan thử thách: Hãy trung với nước và hãy hiếu với dân.

T. V. T.

Nguồn: Vnr500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn