Quốc hội nên xin lỗi cử tri

Bùi Hoàng Tám thực hiện

image Khi Chính phủ không thực hiện được những nghị quyết của Quốc hội giao thì với chức năng giám sát của mình, Quốc hội phê bình Chính phủ và đương nhiên, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vậy khi Quốc hội không thực hiện được chính những điều luật do mình ban hành thì bằng lòng tự trọng và sự công bằng, Quốc hội nên và cần nhận lỗi cử tri cả nước đồng thời quyết tâm sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, sai lầm. Công bằng với cử tri, công bằng với Chính phủ và công bằng với Quốc hội chính là thực hiện chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Đảng. 

Năm 2001, Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó bổ sung nội dung: bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thế nhưng đến thời điểm này, việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa một lần được thực hiện. Một điều luật ra đời đã gần 10 năm với 3 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn chưa đi vào cuộc sống thì dù với bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh cho một sự thất bại.

Vì sao điều luật này vẫn “nằm trên giấy” và nó sẽ còn như vậy đến bao giờ? Điều quan trọng hơn, cần phải làm gì và làm thế nào để điều luật trên đi vào cuộc sống? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, một trong số các tác giả của Ban soạn thảo dự Luật Tổ chức Quốc hội 2002.

Hành trình gian nan và sóng gió

Thưa, ông đánh giá như thế nào về nội dung các điều luật này?

Tôi phải khẳng định nội dung của các điều luật này là sản phẩm của Đổi mới. Không có công cuộc Đổi mới, sẽ không có các quy định này dù nó đã trải qua một hành trình đầy gian nan, sóng gió. Khi đưa được vào Hiến pháp đã là một việc rất khó thì khi đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội còn khó khăn hơn rất nhiều bởi phải có các quy định, cách thức cụ thể. Nếu không có những quy định hợp lý thì luật khó và thậm chí không đi vào cuộc sống.

Gian nan, sóng gió. Ông có thể làm rõ khái niệm này?

Tôi nói như vậy bởi ngay từ khâu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, đã có rất nhiều tranh luận và là sự kiện chính trị, gây chấn động dư luận thời điểm đó. Người đồng tình thì hoan nghênh nhưng ngược lại, một số người vẫn còn những băn khoăn, ví dụ như: Nên dùng từ [ngữ] bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm? Với điều kiện của ta hiện nay, đưa điều này ra có phù hợp không? Rồi vai trò lãnh đạo sẽ như thế nào? Cũng lại có ý kiến cho rằng, quy định miễn nhiệm, bãi nhiệm trong Hiến pháp 1992 đã bao hàm cả nội dung sự tín nhiệm hay không tín nhiệm rồi...

Còn ý kiến đánh giá của cá nhân ông?

Theo tôi, quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 92 là dấu son trong tiến trình đổi mới, dân chủ của Việt Nam.

Là một dấu son nhưng một điều luật dù đúng đắn đến mấy mà sau 10 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống thì không thể nói là thành công.

Tôi không muốn dùng từ thất bại mà muốn đi vào bản chất là luật chưa phù hợp với cuộc sống.
Cần đổi mới công tác nhân sự

Theo ông, vì sao điều luật này lại khó đi vào cuộc sống như vậy?

Có thể nêu lên mấy lý do:

Nguyên nhân thứ nhất là, ngay từ ngày ban hành, nó đã có một số phận khá chật vật. Nó được thai nghén từ Đại hội Đảng 6 (1986), hơn năm năm sau mới có Hiến pháp năm 1992 và phải mất 10 năm tiếp theo (2002), mới được đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội để thực thi. Tiếc thay lại gần 10 năm nữa trôi qua nhưng nó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đây là vấn đề tư duy và nhận thức.

Nguyên nhân thứ hai là, Luật Tổ chức Quốc hội quy định phải có ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là một việc rất khó. Từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề như yêu cầu một tỉ lệ như thế liệu có quá cao không? Có được bàn bạc, trao đổi không? Nếu trao đổi, bàn bạc thì dễ bị hiểu rằng, có tư tưởng chia rẽ, bè cánh...

Nguyên nhân thứ ba là, Luật Tổ chức Quốc hội quy định phải có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, uỷ ban của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là việc rất khó bởi vì tâm lý e dè, ngại mất lòng nhau... ở nước ta còn khá phổ biến, các vị Đại biểu Quốc hội và ngay cả Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cũng có tâm lý ấy. 

Nguyên nhân thứ tư là, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội có những quy định mới về việc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng lại chưa kịp thời có những quy định của cấp có thẩm quyền về công tác nhân sự liên quan đến các quy định đó.
Không thể dừng lại bởi bất cứ lý do gì

Tại sao Quốc hội không chủ động lấy ý kiến của đại biểu, thưa ông?

Như trên đã nêu, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải tuân theo quy định của pháp luật, bây giờ hỏi tại sao Quốc hội không chủ động lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội thì không thể nói Quốc hội một cách chung chung được, mà phải cụ thể là ai đưa ra ý kiến đó? Người ta sẽ thắc mắc ngay rằng, tại sao lại đưa ra ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm người này hay người kia? Rồi dựa trên cơ sở thước đo nào để định lượng trường hợp này thì có mà trường hợp kia thì không? Và đó là những lý do khiến sự việc đến nay vẫn còn dang dở, bế tắc.

Nhưng Luật trên còn quy định vai trò của  các ủy ban của Quốc hội?

Như trên tôi đã nói rồi đấy. Mỗi ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát một hoặc một số bộ, ngành. Các ủy ban này có trách nhiệm như đã ghi trong Luật. Nhưng để có được sự ủng hộ của đa số thành viên trong ngay ủy ban đó cũng không dễ. Tâm lý ngại va chạm cũng là một trở ngại không nhỏ. Rồi giả sử nếu ủy ban nào đó có sự nhất trí trình Ủy ban Thường vụ thì tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải có sự đồng thuận cao thì mới trình ra Quốc hội. Chúng ta nhớ lại, có lần một ủy ban của Quốc hội đã đề nghị đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm một vị giữ chức vụ do Quốc hội bầu, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng không nên, vì thế đã dừng lại.

Những điều ông nói cho thấy việc thực thi đang bế tắc. Vậy trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội  có nên dũng cảm xin lỗi cử tri và rút điều này?

Không! Không thể dừng lại bởi bất cứ lý do gì vì đây là thành tựu to lớn của nhận thức, của đổi mới tư duy mà đổi mới tư duy là quan trọng nhất, phải đi tiên phong. Đây là mong muốn của đa số đại biểu Quốc hội cũng như khát vọng của cử tri. Nhiệm vụ của Quốc hội nhiệm kỳ tới là phải nghiên cứu thật kỹ, có những bổ sung cần thiết trong các văn bản pháp luật để Điều luật này thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông, cụ thể phải điều chỉnh những gì?

Ở đây có hai khía cạnh: Một là, như trên đã nói, cần bổ sung văn bản pháp quy cho phù hợp. Hai là cần có những thao tác kỹ thuật khi thực hành. Ví dụ có thể trước mỗi kỳ họp Quốc hội nên phát cho mỗi Đại biểu một phiếu để ghi các kiến nghị của mình tại kỳ họp, trong đó có cả việc đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu xuất hiện việc đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một vị nào đó với tỷ lệ trên 20% thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm các thủ tục theo đúng quy định và trình Quốc hội.
Một “cơ hội” vừa bị bỏ qua

Có ý kiến cho rằng việc một số đại biểu kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm một số thành viên Chính phủ vừa qua là một cơ hội để Điều luật này được thực thi. Nhưng rất tiếc là nó đã bị bỏ qua...?

Hiến pháp và Luât Tổ chức Quốc hội đã quy định thì phải làm và coi đó là việc làm thường xuyên của Quốc hội. Đây là cơ hội tốt để những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình bày đầy đủ những ý kiến của mình.

Tôi nghĩ rằng, làm đựợc mười việc tốt thì cũng có đôi ba việc có sai sót, thậm chí có khuyết điểm nặng cũng là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phân tích để tìm rõ ngọn nguồn và nguyên nhân, nhận lỗi và kiên quyết sửa chữa. Tôi tin rằng với truyền thống nghiêm khắc và bao dung của dân tộc ta, truyền thống ấy cũng có ngay trong Quốc hội ta; chắc chắn những ai thật lòng vì dân, vì nước, biết nhìn nhận khách quan và quyết tâm sửa chữa để làm tốt hơn, thì người đó vẫn nhận được sự tín nhiệm của Quốc hội và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. 

Xin cám ơn ông!


clip_image001

B. H. T.

Nguồn: Trannhuong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn