Vì sao quan hệ giữa Úc với Mỹ quan trọng hơn Trung Quốc?

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

Hội nghị Bộ trưởng thường niên Mỹ - Úc (AUSMIN) lần thứ 25 đã diễn ra tại Úc hồi tuần trước.

clip_image001

Photo courtesy of state-gov

Bà Hillary Clinton và Ngoại trưởng Úc Michael Spindelegger tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên Mỹ - Úc (AUSMIN) lần thứ 25 diễn ra tại Úc hôm 16/11/2010

Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có mặt tại Úc để tham dự hội nghị này.

Tại hội nghị, phía Hoa Kỹ đã gặp những người đồng nhiệm của mình là ông Kevin Rudd, Ngoại trưởng, và ông Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, để thảo luận về tương lai liên minh của hai quốc gia Mỹ - Úc.

Ngọc Trân có bài viết về quan hệ liên minh giữa hai nước, cũng như ảnh hưởng của liên minh này đối với Trung Quốc, và vì sao quan hệ giữa Úc với Mỹ lại quan trọng hơn mối quan hệ giữa hai nước này với Trung Quốc?

“Trung Quốc chưa có trách nhiệm”

Tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên Mỹ - Úc hồi đầu tuần trước, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng, liên minh Mỹ - Úc  là "quan hệ đối tác cốt lõi", đưa Bắc Kinh xuống vị trí thấp hơn Canberra, bất kể kinh tế của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Bà nói:“Vai trò lãnh đạo của Mỹ và Úc và sức mạnh của liên minh này là quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ trong khu vực, mà còn trên khắp toàn cầu”.
Trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald, bà Clinton nói rằng, trong khi Mỹ và Úc chia sẻ các giá trị cốt lõi, thì Trung Quốc vẫn chưa là một cường quốc có trách nhiệm, và rằng, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một tương lai không ổn định.

Khi được hỏi, liệu Úc có nên xem xét lại liên minh với Mỹ hay không, do kinh tế của Trung Quốc ngày càng gia tăng, bà Clinton đã trả lời như sau:

“Tôi nghĩ, điều quan trọng để nhận ra rằng, bởi vì các bạn gia tăng thương mại với Trung Quốc hoặc gia tăng trao đổi ngoại giao với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc còn một chặng đường dài để đi, mới có thể chứng minh họ có quan tâm đến việc trở thành, và có khả năng trở thành một nước có trách nhiệm hay không.

Không có nghi ngờ gì đối với sự thành công về mặt kinh tế của Trung Quốc. Nhưng bất kỳ một người nào hiểu biết lịch sử, cũng sẽ lập luận rằng, trừ khi sự thành công về mặt kinh tế đi đôi với phát triển chính trị và cởi mở, nếu không sẽ có rất nhiều căng thẳng trong nội bộ Trung Quốc cần phải xử lý.
Và đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, trường hợp do căng thẳng nội bộ nên Trung Quốc hành xử ra bên ngoài, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và phúc lợi của các nước láng giềng”.

Tái khẳng định sự hiện diện

clip_image002

Bà Hillary Clinton tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên Mỹ - Úc lần thứ 25 diễn ra tại Úc hôm 16/11/2010. Photo courtesy of state.gov

Tại hội nghị vừa qua, ngoài việc  khẳng định “quan hệ đối tác cốt lõi” trong liên minh với Úc, bà Clinton cũng đã tái khẳng định vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bà nói: “Chúng tôi đã ở đây, chúng tôi đang ở đây, và chúng tôi sẽ ở lại đây. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Và nếu có bất kỳ câu hỏi hay nghi ngờ gì về ý định của chúng tôi, tôi hy vọng rằng 20 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của chính phủ Obama cuối cùng cũng được giải tỏa. Đây là chuyến đi thứ sáu của tôi đến khu vực và là chuyến đi thứ hai của Tổng thống Obama”.

Bà Clinton nói rằng, những năm gần đây, trong khu vực nhiều người có cảm giác rằng Washington đã từ bỏ sự hiện diện và vai trò lãnh đạo, do vậy, một lần nữa Hoa Kỳ tái cam kết sự hiện diện của Mỹ đối với các nước trong khu vực.

Bà nói thêm: “Kể từ những ngày đầu tiên của chính phủ Obama, Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết của chúng tôi, là một đối tác năng động và dẫn đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang thực hành chính sách ngoại giao ‘triển khai về phía trước’, gửi các nhà ngoại giao và các chuyên gia của chúng tôi khắp khu vực”.
Khi được hỏi về tuyên bố toàn bộ chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc, bà Clinton đã nhắc lại phản ứng mạnh mẽ của bà về vấn đề này. Bà nói: “Lần đầu tiên, khi Trung Quốc nói với chúng tôi tại một cuộc họp Đối thoại Kinh tế và Chiến lược ở Trung Quốc, rằng họ xem biển Đông là lợi ích cốt lõi, ngay lập tức tôi đã trả lời rằng:‘Chúng tôi không đồng ý điều đó’.

Vì vậy, chúng tôi đã làm việc với nhiều nước ASEAN, những nước đang bị ảnh hưởng trực tiếp và 12 nước chúng tôi đã nêu lên tại diễn đàn khu vực ASEAN hồi tháng Bảy để nói rõ ràng rằng các vấn đề này phải được giải quyết theo quy định của luật pháp”.

Trung Quốc lo ngại Úc - Mỹ gần nhau

Sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực đã được nhiều nước chào đón, thế nhưng đó là mối lo ngại của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không muốn thấy hai nước Mỹ - Úc xích lại gần nhau. Mặc dù Úc đã quyết định đứng về phía đồng minh thân cận nhất của mình là Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc, là nước có thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc, thế nhưng Canberra cũng quan ngại, các thỏa thuận mà họ đã ký với Washington về việc tăng cường hợp tác quân sự ở Úc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể sẽ làm cho Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ. 

Mới đây, một học giả nổi tiếng ở Trung Quốc, ông Shi Yinhong, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế, thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh, đã nói với báo chí Úc rằng, Úc và các nước khác ở châu Á đang chơi trò chơi hai mặt: trong khi tìm cách gia tăng thương mại với Trung Quốc, cùng lúc tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ.

Về việc Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện trong khu vực, ông Shi Yinhong đã nói với báo Global Times, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng: “Ngay cả nếu cần thiết đưa quân đến khu vực để bảo vệ các tàu buôn, trước tiên phải tuỳ thuộc vào Trung Quốc và các nước khác trong khu vực thảo luận vấn đề. Có khả năng Hoa Kỳ thực hiện một đề nghị để tranh giành quyền lực đứng đầu trong việc giải quyết các vấn đề khác trong vùng”.

“Cần được dạy cho một bài học”

Phản ứng lại thái độ của Bắc Kinh cũng như các hành động hiếu chiến của Trung Quốc, trong một bài phân tích có tựa đề: “Nếu Trung Quốc bắt nạt trên biển, thì họ cần được dạy cho một bài học”, đăng trên báo The Australian, ông Paul Dibb, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Úc, hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Úc, đã cảnh báo Hoa Kỳ và các nước đồng minh về cách hành xử của Bắc Kinh.

Ông Dibb đã viết: “Sẽ không bao lâu trước khi liên minh hàng hải phương Tây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc, phải tập trung vào việc làm thế nào để cùng đối phó với sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là ngăn chặn Trung Quốc, mà là lực lượng hải quân Đồng Minh cần phải bảo đảm rằng Trung Quốc tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Điều đó có nghĩa là một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải được dạy một bài học quân sự trên biển”.

Ông Dibb nói rằng, Bắc Kinh đang thách thức khả năng chịu đựng của các nước trong khu vực, qua thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong việc phô trương sức mạnh trên các vùng biển lân cận.

Và cách hành xử của Trung Quốc đối với Nhật Bản như lớn tiếng đe dọa Tokyo, liên quan đến va chạm ở biển Hoa Đông, hay việc Bắc Kinh phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ - Nam Hàn, đã thách thức quyền tự do của Hoa Kỳ ở khu vực Hoàng Hải, cũng như việc Trung Quốc bắt nạt các nước khác trong vùng, là một thách thức lớn đối với an ninh trong khu vực.

N. T.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn