Vinashin: Kiểm điểm công bằng, công khai cá nhân trong Chính phủ

Xuân Linh

clip_image002

 

Chính phủ dựa vào chính báo cáo của Vinashin mà nói tổng tài sản vốn vẫn còn 104 nghìn tỉ đồng thì tôi không biết có thể tin được không?

 

Đăng đàn trước Quốc hội và cử tri cả nước chiều nay, 23/11, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định công tác kiểm điểm trách nhiệm sai phạm liên quan đến Vinashin, kể từ người đứng đầu là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, đến các Bộ trưởng liên quan sẽ diễn ra "nghiêm túc, công bằng và công khai trước công luận".

Phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông - Vận Tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng "dồn" vào việc xem xét trách nhiệm quản lý, con số nợ của Vinashin cũng như việc Chính phủ tiếp tục theo đuổi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dù chủ trương đã bị bác tại kỳ họp trước của Quốc hội.

Vinashin đã thua lỗ hết?

Không thỏa mãn với trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng GTVT về con số thua lỗ chính thức của Vinashin, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhấn nút ngay đầu giờ chiều. Ông nêu các căn cứ mà ông tin số thua lỗ là 100.000 tỷ đồng. 

Ông Thuyết dẫn con số từ báo cáo của Chính phủ cho hay nợ của Vinashin công bố là 86.565 tỷ đồng, nếu tính theo nợ lớn theo thời gian, phải trả lãi, ước tính "mỗi ngày mở mắt" tiền lãi phải trả vào khoảng 30 tỷ đồng và mức nợ gốc cộng lãi một năm vào khoảng xấp xỉ trên dưới 100.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể khả năng nợ còn có thể bị bỏ sót. 

Ông Thuyết khẳng định tình trạng của Vinashin "chắn chắn thua lỗ".

"Chắc chắn thua lỗ rồi. Vậy thua lỗ hết chưa?
 

Có người nói với tôi rằng: 'Anh Phúc ơi, chúng ta chẳng khác nào 'đười ươi giữ ống' khi chẳng có quyền hành gì'". Nói như vậy, tức là quyền hành tập trung trong hội đồng quản trị, tổng giám đốc tập đoàn. - Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói có thua lỗ nhưng chưa hết. Chỉ căn cứ báo cáo của Vinashin mà nói tổng tài sản còn như thế thì chưa tin được, phải có kiểm toán mới biết là mất hết hay mất gần hết, hay mất ít thôi, ĐB Thuyết phân tích thêm.

Ông cũng đặt vấn đề, Báo cáo Chính phủ nói một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng Vinashin hiện nay là Vinashin luôn báo cáo không trung thực với Chính phủ. Chính phủ lại dựa vào chính báo cáo của Vinashin mà nói rằng tài sản vốn vẫn còn 104 nghìn tỷ đồng thì tôi không biết có thể tin được không?"

Đáp lời, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho hay, tính toán lỗ của Vinashin vẫn đang được các cơ quan tiếp tục làm rõ nhưng ông tiếp tục khẳng định như đã trả lời văn bản với ĐB: "Không có câu chuyện lỗ 100.000 tỷ".

Người đứng đầu ngành GTVT phân tích "cái bất thường của Vinashin là nợ quá cao so với tỷ lệ cho phép, nợ trên vốn chủ sở hữu cao hơn 11 lần, thông thường chỉ 3-4 lần trong giới hạn an toàn".

Khẳng định "không có nghĩa số nợ là số lỗ", Bộ trưởng Dũng cho hay tài sản vốn của Vinashin vẫn "hiện hữu" ở hơn 100 cơ sở sản xuất, 28 cơ sở đóng tàu đang hoạt động, 14 cơ sở đang đầu tư, hàng chục hợp đồng đóng tàu dở dang...

Nge câu trả lời này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục nhấn nút chia sẻ trăn trở rằng ông "đau lòng" về trách nhiệm đối với tình trạng của Vinashin hiện nay mà ĐB cho là "phá sản rồi". Do phát biểu không mang tính chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dừng phần trả lời ĐB của Bộ trưởng GTVT ở đây.

clip_image003

"Không có chuyện Vinashin lỗ 100.000 tỷ đồng" - Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng tiếp tục khẳng định. Ảnh Lê Anh Dũng

Nhấn nút trước ĐB Thuyết, câu hỏi của ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) từ buổi sáng "thòng" xuống đầu giờ chiều chất vấn Bộ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh cũng xung quanh vấn đề vốn, tài chính của Vinashin.

ĐB Hồng băn khoăn nguồn trả nợ cho Vinashin nếu không lấy từ ngân sách Nhà nước thì đảm bảo từ đâu để "dân yên tâm". Hiệu quả trong thanh tra, kiểm tra định kỳ việc quản lý vốn, tài chính phải chăng bộc lộ những "bất lực trong quản lý?".

Bộ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh cho hay, Vinashin đã có 9 kỳ trả lãi. Nợ gốc đến năm 2016 sẽ trả và việc trả vay sẽ được theo dõi, giám sát. Đặt ngược tình huống phương án không tái cơ cấu Vinashin, đem bán tài sản, nhà máy để thu hồi vốn, ông Ninh cho rằng giải pháp đó đem lại hiệu quả không cao, thậm chí Nhà nước có khả năng phải đứng ra trả thay.

Trong khi đó, để phù hợp phát triển chiến lược biển, cũng như phát triển ngành đóng tàu của Việt Nam cần có cách "nhìn khách quan". Theo Bộ trưởng, thực tế Vinashin vẫn còn có các cơ sở sản xuất kinh doanh hiệu quả, việc chọn phương án tái cơ cấu, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo sản phẩm, Vinashin sẽ có cơ hội hồi vốn, trả nợ.

Ông cũng khẳng định trừ một khoản tính lại vốn điều lệ cho Vinashin theo mô hình mới, Chính phủ sẽ không cấp tiền hay vốn trả nợ cho Vinashin. Tự Vinashin sẽ phải hoạt động kinh doanh sản xuất tốt để trả nợ.

clip_image004

Rút ra trách nhiệm từ bài học Vinashin. Ảnh Lê Anh Dũng

Tiếp sức giải trình trách nhiệm liên quan đến thực trạng Vinashin, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng chỉ ra một trong những "sơ hở" của Luật doanh nghiệp năm 2003 khi được thông qua đã trao quyền cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc tập đoàn nhà nước được đưa ra nhiều quyết định.

Bộ trưởng Phúc cũng thừa nhận: "Cái sai này đau lắm, đau vô vùng, thất thoát lớn nhưng đây là bài học phải trả giá. Bài học này chúng ta phải rút ra trách nhiệm. Đứng ở góc độ tổng quan chung, bài học chung cho tất cả chúng ta, không riêng ai cả, cho cả Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng ta về thí điểm và bài học phải rút ra từ đây để chỉnh đốn ngày càng tốt hơn..."

"Không tái cơ cấu sẽ thành đống sắt vụn"

"Chốt" vấn đề Vinashin, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin khẳng định chủ trương tái cơ cấu Vinashin sau phá sản đảm bảo đường lối phát triển ngành đóng tàu biển, công nghiệp tàu thủy xứng với tiềm năng kinh tế biển của đất nước.

clip_image005

Nếu không tái cơ cấu, cơ bản cơ sở vật chất của Vinashin thành đống sắt vụn - PTT Nguyễn Sinh Hùng nói. Ảnh Lê Anh Dũng

Phó Thủ tướng khẳng định nếu không tái cơ cấu thì cơ bản cơ sở vật chất trở thành "đống sắt vụn". Nếu tái cơ cấu, Vinashin sẽ phục hồi, phát triển và tự trả nợ.

Thông báo khá chi tiết tái cơ cấu tổng thể 3 bước Vinashin với "quyết tâm chính trị rất cao", đến nay, theo Phó Thủ tướng, đã có thể nhìn thấy bước đầu các kết quả.

Đó là sự trở lại của các nguồn hàng, hợp đồng đóng tàu, công nhân có việc làm và nhận lương trở lại. Trong năm 2010 dự kiến đóng 66 tàu, vượt kế hoạch 57 tàu. Doanh thu dự kiến khoảng 14 ngàn tỉ đồng. Hay như Tàu Hoa Sen cũng đã có phương án sử dụng với hợp đồng cho thuê 1 năm khoảng 4 triệu USD.

Về 216 doanh nghiệp, chiếm 20% tổng tài sản của Vinashin cần tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho hay sẽ tiến hành tái cơ cấu bằng nhiều biện pháp, hình thức, "không vội vàng, bán tống bán tháo".

Trong điều kiện thị trường vận tải phục hồi nhanh, Vinashin tái cơ cấu, quản trị tốt, làm ăn hiệu quả, Phó Thủ tướng tin tưởng đến 2013-2014, Vinashin có khả năng đảm bảo trả nợ.

"Phải củng cố, ổn định rồi mới đến phát triển. 3 bước này phải 4-5 năm, không đơn giản chút nào. Chúng tôi không chủ quan. Nếu thiên thời tốt, thì thành công, địa lợi thì tốt, vì nước ta có biển, nếu nhân hòa, có công luận, Quốc hội ủng hộ sẽ thành công", Phó Thủ tướng phát biểu.

Về kiểm điểm trách nhiệm, ông Hùng cho biết Bộ Chính trị đã chỉ đạo tiến hành một cách nghiêm túc kể từ người đứng đầu là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng liên quan cho đến Tập đoàn.

Việc kiểm điểm trách nhiệm sẽ được thực hiện "nghiêm túc, công bằng và công khai trước công luận".

Đường sắt cao tốc: "Chính phủ đã làm đúng luật"

Đó là khẳng định của Bộ trưởng GTVT khi đề cập đến việc Chính phủ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Bộ trưởng về căn cứ pháp lý để Chính phủ tiếp tục theo đuổi dự án nói trên dù chủ trương đã bị bác tại kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6 năm nay của Quốc hội.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho hay Chính phủ có cơ sở pháp lý để tiến hành nghiên cứu dự án như việc thực hiện nghiên cứu nhiều dự án khác phục vụ quy hoạch giao thông cả nước.

clip_image006

Cần tìm lộ trình hợp lý trong tính bài toán đầu tư, nhìn xuống mặt đất. Ảnh Lê Anh Dũng.

Ông đồng thời khẳng định dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được nghiên cứu dưới dạng "báo cáo khả thi phục vụ làm rõ thêm những vấn đề mà báo cáo tiền khả thi vì nội dung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà nhiều đại biểu Quốc hội nêu về công nghệ, môi trường, hiệu quả dự án, huy động vốn, sức chịu đựng của nền kinh tế đối với dự án"

Nhấn mạnh tính chất "nghiên cứu dự án để lập quy hoạch" tuyến đường sắt Bắc - Nam trong tương lai, gắn với quy hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng GTVT cho rằng Chính phủ chưa quyết đầu tư dự án, chưa có thỏa thuận đầu tư với ai và chọn công nghệ nào.

"Chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, lập dự án, còn quyết định đầu tư, trên cơ sở nghiên cứu, nếu Chính phủ thấy có tính khả thi, có thể thực hiện thì báo cáo Quốc hội thời điểm thích hợp. Nếu Quốc hội quyết định đầu tư Chính phủ mới đầu tư. Nếu Quốc hội không quyết định thì Chính phủ không thể nào đầu tư được", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng GTVT cũng cam kết sẽ tham khảo nhiều nước, tiếp cận, chọn lựa thông tin để có "phương án tối ưu nhất", không chỉ đơn thuần cân nhắc công nghệ, mà cả điều kiện mua bán, đầu tư, tài trợ.

 

X. L.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn