Vinashin: "Nóng rẫy" bài học quản trị doanh nghiệp

TS. Đào Văn Khanh, Trường Đại học Cần Thơ

clip_image001(VNR500) - Ở Vinashin, việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của quản trị doanh nghiệp hoàn toàn không được xem trọng. Vấn đề quản trị và quản lý công ty một lần nữa cần được xem xét lại.

Trong những ngày qua, vụ việc vỡ nợ của Vinashin đã thu hút sự quan theo dõi đặc biệt của nhiều tầng lớp công chúng khắp cả nước. Tin tức liên tục cập nhật trên báo đài cũng như những nhận định, phân tích của các thành viên chính phủ, Quốc hội và những nhà nghiên cứu/chuyên gia độc lập đã gióng lên những hồi chuông báo động về sự buông lỏng của các cấp quản lý nhà nước và bản thân tập đoàn Vinashin.

Sự việc trở nên nghiêm trọng đến nỗi đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đề nghị "bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan" cùng với việc "lập ủy ban lâm thời" phục vụ việc điều tra, đồng thời "đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra" (Báo Tuổi trẻ ngày 02/11/2010).

Vấn đề quản trị và quản lý công ty một lần nữa cần được xem xét lại. Bài viết sau đây sẽ đề cập những nguyên tắc cơ bản của quản trị doanh nghiệp mà Vinashin đã vi phạm để từ đó có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho các tập đoàn/công ty và các trường đại học Việt Nam.

Phân biệt giữa quản trị và quản lý

Có thể nói thuật ngữ quản trị/kỹ trị dường như khá mới mẻ ở Việt Nam. Riêng với các cấp nhà nước, thuật ngữ "quản lý nhà nước" thường xuyên được sử dụng với ngụ ý bao gồm các vấn đề liên quan đến quản trị, quản lý, điều hành và lãnh đạo.

Tuy nhiên, do chưa có sự hiểu biết và phân định rõ ràng giữa quản trị và quản lý nên việc áp dụng vào thực tế đã gây ra nhiều sự nhầm lẫn và lẫn lộn đáng tiếc. Mặc dù quản trị và quản lý có sự gần gũi và tương tác nhưng có thể thấy sự khác biệt khá rõ.

Theo Gallagher (2002, trang 2), "quản trị là cấu trúc của các mối quan hệ nhằm mang đến sự kết dính, ủy nhiệm chính sách, kế hoạch và ra quyết định, chịu trách nhiệm trước cộng đồng xã hội về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý", trong khi đó "quản lý nhằm đạt được kết quả mong đợi thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả".

Điều này có nghĩa là quản trị là hoạch định đường lối chính sách, định hướng đầu tư lớn, giám sát việc thực hiện và "chịu trách nhiệm trước cộng đồng xã hội về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả" trong khi quản lý là điều hành và thực thi công việc hàng ngày "nhằm đạt được kết quả mong đợi".

Một khi hiểu đúng được sự khác biệt này thì vai trò và trách nhiệm của cơ quan/cá nhân phụ trách các cấp nhà nước và công ty sẽ được minh định rạch ròi, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "đá lộn sân" và không cấp nào chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra.

Các nguyên tắc cơ bản của quản trị doanh nghiệp

Theo tài liệu của tổ chức OECD (2004, trang 17-25), quản trị doanh nghiệp (corporate governance) có 06 nguyên tắc cơ bản như sau:

1. Hoạt động minh bạch theo thị trường trong khuôn khổ của luật pháp, tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ qui định của Nhà nước.

2. Bảo vệ và hỗ trợ quyền lợi của cổ đông/người lao động.

3. Đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông, kể cả nhóm cổ đông thiểu số và nước ngoài.

4. Nhận thức quyền hạn của cổ đông do luật pháp xác nhận hoặc thông qua thỏa thuận giữa các bên, khuyến khích hợp tác năng động giữa các công ty và các cổ đông.

5. Đảm bảo thông báo chính xác tình hình các hoạt động liên quan của công ty, bao gồm tình tình tài chính, kết quả hoạt động, sở hữu và quản trị doanh nghiệp.

6. Duy trì định hướng chiến lược của công ty, tính hiệu quả trong điều hành của Ban Giám đốc công ty và trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và cổ đông.

Vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp ở Vinashin

Ở Vinashin, việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của quản trị doanh nghiệp hoàn toàn không được xem trọng.

Đối chiếu với nguyên tắc thứ nhất (hoạt động minh bạch theo thị trường trong khuôn khổ của luật pháp, tuân thủ trách nhiệm & nghĩa vụ qui định của Nhà nước), có thể thấy bản thân ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT) "đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khiến Vinashin bên bờ vực phá sản.

Vinashin cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước trong việc lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực"[1].

Điều ngạc nhiên là "Chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm. Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của nhà nước"[2].

Đối với nguyên tắc thứ hai, thứ ba và thứ tư (bảo vệ và hỗ trợ quyền lợi của cổ đông và người lao động), thực tế cho thấy các khoản nợ của Vinashin là rất lớn và mất khả năng thanh toán.

Con số thất thoát và nợ nần theo báo cáo trước đây của Chính phủ từ 86.000 tỉ đồng đã lên đến 120.000 tỉ đồng (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình ngày 23/10/2010).

So với thiệt hại khoảng 5.000 tỉ đồng do lũ lụt lịch sử trong vòng 60 năm qua ở các tỉnh miền Trung mới đây thì con số nợ 120.000 tỉ đồng chỉ của Vinashin là cực lớn (gấp 24 lần) và rất bất thường. Ngoài ra, theo báo cáo thống kê, 1,7 vạn công nhân bỏ và chuyển việc; trên 5.000 công nhân mất việc làm, nợ lương...[3] trong khi các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng[4]. Điều này cho thấy quyền lợi của người lao động bị bỏ mặc.

clip_image002

Riêng nguyên tắc thứ năm (đảm bảo thông báo chính xác tình hình các hoạt động liên quan của công ty, bao gồm tình tình tài chính, kết quả hoạt động, sở hữu và quản trị doanh nghiệp), trong những năm qua, "Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước"[5].

Mặc dù vậy, việc phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm nhưng không được xử lý, ngăn chặn kịp thời, điển hình là "qua 11 lần thanh tra, kiểm toán cho thấy những sai phạm như đầu tư dàn trải tràn lan trên nhiều lĩnh vực không liên quan đến chức năng của tập đoàn, kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề; tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản; sản xuất kinh doanh đình trệ; tình hình nội bộ diễn biến phức tạp"[6].

Đối với nguyên tắc thứ sáu (duy trì định hướng chiến lược của công ty, tính hiệu quả trong điều hành của Ban giám đốc công ty và trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và cổ đông), việc ông Phạm Thanh Bình được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT của tập đoàn là điều không bình thường.

Với quyền sinh sát trong tay, việc thao túng các hoạt động của tập đoàn là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, ông Phạm Thanh Bình đã còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trái quy định của Đảng và Nhà nước.

Việc Vinashin từng "qua mặt" Chính phủ cho thấy các nguyên tắc quản trị và quản lý bị xem nhẹ từ cấp trên trực tiếp của Vinashin là Chính phủ và bản thân Vinashin.

Song song đó, việc 'Vinashin được sử dụng 300 triệu USD trái phiếu chính phủ để trả khoản nợ vay của ngân hàng Natixis (Pháp) đang khiến dư luận quan tâm: vì sao lại dùng trái phiếu quốc tế trả nợ cho Vinashin?

Vinashin còn nợ nước ngoài cụ thể bao nhiêu nữa? Những quyết định ưu ái này của Chính phủ đã tạo tiền lệ không tích cực[7]" cho việc "bảo kê" các hoạt động vốn không minh bạch và được ưu ái quá mức của của các tập đoàn nhà nước.

Để đảm bảo các hoạt động của các công ty trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, Deakin & Konzelmann (2003, trang 587) cho rằng "các công ty cần đảm bảo hoạt động theo nguyên tắc công khai, chịu trách nhiệm pháp lý và tuân theo qui luật thị trường phù hợp, tức chịu trách nhiệm không chỉ trước cổ đông mà còn trước lợi ích kinh tế xã hội nhằm bảo vệ cổ đông trước những biến động của thị trường khắc nghiệt".

Rất tiếc những sự việc xảy ra ở Vinashin cho thấy một bức tranh khác biệt hoàn toàn bởi "lợi ích kinh tế xã hội" không được xem trọng.

Trở lại bài học về khủng hoảng tài chính năm 2008

Vụ việc của Vinashin giúp chúng ta nhìn rõ hơn về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của các ngân hàng lớn ở Mỹ.  Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng có thể nói vấn đề chính xuất phát từ lòng tham vô đáy của con người.

Do quá ham muốn lợi nhuận trước mắt, các ngân hàng đã bất chấp các nguyên tắc của quản trị, đầu tư vào quá nhiều rủi ro và cho vay quá mức làm nảy sinh các thị trường ảo và bong bóng bất động sản.

Việc chấp nhận phá sản để được Chính phủ Mỹ giải cứu là một tính toán hết sức khôn ngoan của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc giải cứu này chỉ là biện pháp tình thế bởi Chính phủ Mỹ không thể dùng tiền thuế của dân để làm lợi và bao che cho một số nhóm lợi ích.

Vì vậy, ngày 21/7/2010 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức ký dự luật cải cách hệ thống tài chính. Theo đó, các hoạt động kiểm soát của Nhà nước được tăng cường nhằm siết chặt các hoạt động của các ngân hàng.

Dự luật trên sẽ đảm bảo tương lai cho người tiêu dùng Mỹ, giới ngân hàng và doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết là luật cải cách này nhằm ngăn chặn các nguy cơ tương tư như nguy cơ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giúp nước Mỹ tránh được những thảm hoạ tài chính trong tương lai[8].

Mặc dù vậy, có một số ý kiến cho rằng khủng hoảng kinh tế/sụp đổ của hệ thống ngân hàng cũng như Vinashin là qui luật tất yếu để chuyển sang một hình thái phát triển mới.

Có thể thấy nhận định trên là không đúng và xa rời với nguyên tắc cơ bản của quản trị doanh nghiệp.

Giá như các ngân hàng ở Mỹ và Vinashin ở Việt Nam đừng quá hám lợi trước mắt và Chính phủ đừng quá nuông chiều và dung dưỡng thì sẽ không xảy ra tình trạng trên.

Minh bạch và chịu trách nhiệm trước xã hội và khách hàng chính là qui luật tất yếu và là nguyên tắc cơ bản mà các tập đoàn/công ty và ngân hàng cần phải ghi nhớ.

Bài học cho quản trị đại học Việt Nam

Ở đây, một câu hỏi được đặt ra: trường đại học ngày nay có nên được quản trị theo mô hình doanh nghiệp? Câu trả lời là có bởi hầu hết các học giả về quản trị đại học tiên tiến trên thế giới đồng ý rằng xu hướng trường đại học hoạt động như một doanh nghiệp/công ty (để đảm bảo hiệu quả đầu tư) kết hợp với hương vị "cận thị trường" (để thích ứng với nền kinh tế thị trường nhưng tránh thương mại hóa) dưới sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của nhà nước là mô hình hoạt động tối ưu nhất của các trường trường đại học trên thế giới hiện nay.

Lược sử quản trị đại học phương Tây cho thấy hai nguyên lý cơ bản nhất của quản trị đại học là tự chủ thể chế (institutional autonomy) và chịu trách nhiệm xã hội/giải trình (social accountability).

Đây là hai nguyên tắc hết sức quan trọng, gắn kết chặt chẽ, tồn tại song song và không thể tách rời một trong hai bởi tự chủ mà không chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức.

Ngược lại, chịu trách nhiệm xã hội và giải trình mà không có quyền tự chủ để thực thi thì sẽ gây ra tình trạng kìm hãm và trói buộc khả năng tự trị, một đặc tính tiêu biểu của trường đại học.

Để đảm bảo trách nhiệm xã hội và giải trình, trường đại học bắt buộc phải có hội đồng trường (đối với trường công) và hội đồng quản trị (đối với trường tư). Hội đồng trường theo đó sẽ là cơ quan quyền lực cao nhất, "người gác đền" quyết định các chính sách, định hướng phát triển và đầu tư lớn của nhà trường và sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật và cấp trên đối với các hoạt động của trường.

Theo đó, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hội đồng trường và là người quản lý, điều hành và thực thi các công việc hàng ngày trên cơ sở những định hướng chiến lược của Hội đồng trường đã đề ra.

Tuy nhiên, hiện nay, theo qui định của Điều lệ trường đại học năm 2003 và Điều lệ sửa đổi do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2010 vừa qua, Hiệu trưởng lại không do Hội đồng trường bầu hoặc bổ nhiệm mà do Bộ Giáo dục- Đào tạo hoặc Bộ/ngành chủ quản bổ nhiệm.

Do không phải do Hội đồng trường bầu/bổ nhiệm nên Hiệu trưởng không chịu trách nhiệm trước hội đồng trường mà chỉ chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ/ngành/ địa phương chủ quản. Vì vậy, vô hình trung, hội đồng trường chỉ tồn tại trên danh nghĩa và không có thực quyền.

Thực tế cho thấy trong số 400 trường đại học cao đẳng Việt Nam hiện nay chỉ khoảng trên dưới 10 trường thành lập hội đồng trường nhưng đây không phải là hội đồng trường đúng nghĩa. Đáng buồn hơn là ở một vài trường, hội đồng trường lại do hiệu trưởng trả lương!

Một vấn đề nan giải hiện nay là ngay cả Điều lệ trường đại học sửa đổi năm 2010 cũng không qui định và giải quyết được là mối quan hệ, vai trò, quyền hạn giữa Hội đồng trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nên việc thực thi các nguyên tắc của quản trị đại học ngày càng trở nên bế tắc.

Trong bối cảnh của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng chọn lựa một số trường (trong số 15 cơ sở đại học trọng điểm) có tiềm lực thực mạnh và giao quyền tự chủ đúng nghĩa cho các trường.

Hai đại học quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM trực thuộc Chính phủ và trên thực tế có nhiều quyền tự chủ hơn các trường khác trong hệ thống giáo dục đại học nhưng tại sao cho đến nay vẫn chưa nằm trong nhóm 200 trường đại học hang đầu thế giới là một câu hỏi rất lớn cần phải trả lời.

Phải chăng hai nguyên tắc cơ bản của quản trị đại học chưa được hiểu và thực thi một cách đúng đắn và triệt để? Có thể nói việc xây dựng 04 trường đại học "đẳng cấp quốc tế" ở Việt Nam sẽ chẳng đi đến đâu nếu hai nguyên tắc cơ bản nhất của quản trị đại học không được hiểu và xem trọng đúng mức.

Kết luận

Quản trị công ty và quản trị đại học nhìn chung có một số nét tương đồng. Việc quản trị và quản lý, tuy nhiên, đòi hỏi phải theo những nguyên tắc cơ bản của từng loại hình như đã đề cập để có thể tránh được những sụp đổ đáng tiếc có thể xảy ra. Bài học Vinashin, một lần nữa, vẫn còn nguyên giá trị nóng hổi.

Đ. V. K.

Nguồn: http://vnr500.vn/2010-11-02-vinashin-nong-ray-bai-hoc-quan-tri-doanh-nghiep


[1] http://www.tin247.com/chu_tich_hdqt_lai_vinashin_den_bo_vuc_pha_san!-3-21614715.html
[2] http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201044/20101025000814.aspx
[3] http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201044/20101025000814.aspx
[4] http://www.tin247.com/chu_tich_hdqt_lai_vinashin_den_bo_vuc_pha_san!-3-21614715.html
[5] http://www.tin247.com/chu_tich_hdqt_lai_vinashin_den_bo_vuc_pha_san!-3-21614715.html
[6] http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201044/20101025000814.aspx
[7] http://dantri.com.vn/c20/s20-424633/vinashin-khoan-no-300-trieu-usd-o-dau-ra.htm
[8] http://www.vtca.vn/TabId/70/ArticleId/3765/PreTabId/66/Default.aspx

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn