Vinashin và câu chuyện dư thừa công suất

Trần Vinh Dự

clip_image001

Hình: Wikipedia

Từ đầu năm 2010 trở lại đây Vinashin đã trở thành điểm nóng về kinh tế ở Việt Nam. Nóng tới mức ở trong nước Vinashin liên tục xuất hiện trên các tiêu điểm của hầu hết các tờ báo lớn, trên các diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ, và các cơ quan của Đảng. Còn ở nước ngoài thì chỉ từ đầu tháng 9 trở lại đây tờ báo lớn nhất của Mỹ về tài chính là tờ Wall Street Journal đã có tới 7 bài viết đề cập tới vấn đề này.

Đã có vô số các bài viết và phân tích chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng ở Vinashin. Riêng chúng tôi cũng đã có bài viết cảnh báo từ cuối năm 2008 và đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào đầu tháng 2 năm 2009.

Chúng tôi không phản đối các lý do của khủng hoảng ở Vinashin được nhiều người đặt ra gần đây như sự lạm quyền, vô trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn này; chiến lược đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả của của Vinashin sang các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính (non-core businesses); hay câu chuyện Vinashin được các bộ ngành quá nuông chiều và làm ngơ trong một giai đoạn dài.

Thế nhưng cũng cần nhìn vào sự thực là lý do nặng ký nhất đẩy Vinashin vào chỗ khủng hoảng không khác hơn là bẫy dư thừa công suất mà tôi sẽ trình bày dưới đây.

Tính chu kỳ của kinh tế

Kinh tế vĩ mô nói chung và kinh tế ngành nói riêng thường có tính chu kỳ. Có nghĩa là có những giai đoạn có tốc độ phát triển cao và liên tục trong nhiều năm, sau đó đến giai đoạn thoái trào, thậm chí khủng hoảng. Ngành đóng tàu cũng không phải ngoại lệ. Gần đây nhất thì ngành đóng tàu thế giới bước vào giai đoạn phát đạt từ năm đầu 2003 và kéo dài đến năm 2008 thì thoái trào, và dự kiến sớm nhất cũng phải qua năm 2011 thì mới bắt đầu phát triển trở lại (xem báo cáo của Deutsche Bank “Shipbuilding Industry – Super Down Cycle” xuất bản tháng 8 năm 2008 để biết thêm chi tiết).

Cuộc thoái trào trước đó của ngành đóng tàu kéo dài khoảng 10 năm, từ năm 1977 đến năm 1988. Trong giai đoạn này, hơn 100 xí nghiệp đóng tàu khắp thế giới đã phải đóng cửa. Nhân công trong ngành này ở Châu Âu và Nhật – 2 siêu cường về đóng tàu thời kỳ đó, đã giảm xuống còn có một nửa. Ngành đóng tàu thương mại của Châu Âu trên thực tế đã không thể vực dậy được kể từ hồi đó. Ngay cả Nhật cũng dần dần nhường lại vị trí đầu đàn trong ngành cho hai cường quốc nổi lên sau này là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Lợi thế về quy mô

Ngành đóng tàu nói riêng và các ngành công nghiệp nặng khác nói chung đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Lý do có hai lớp: thứ nhất là đầu tư máy móc thiết bị trong các ngành này đã tốn kém, cộng thêm thứ hai là các ngành này thể hiện rất rõ lợi thế nhờ quy mô – có nghĩa là quy mô càng lớn thì chi phí sản xuất biên (marginal cost) càng thấp đi, vì thế năng lực cạnh tranh càng cao so với các đối thủ nhỏ hơn.

Vì thế, không ngạc nhiên là để biến Vinashin thành một doanh nghiệp đóng tàu có khả năng cạnh tranh với các hãng đóng tàu lớn trên thế giới thì Việt Nam đã phải đầu tư nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Điều này về nguyên tắc thì không có gì sai về chiến lược nếu như chúng ta đã chấp nhận xây dựng một tập đoàn đóng tàu tầm cỡ.

Bẫy dư thừa công suất

Vấn đề nằm ở chỗ khi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đúng vào thời điểm giai đoạn cực thịnh sắp tàn và thời kỳ suy thoái đang đến thì doanh nghiệp sẽ bị rơi vào bẫy dư thừa công suất. Đối với các ngành mà đầu tư đòi hỏi càng nhiều thì tính nghiêm trọng của bẫy công suất này càng lớn. Các doanh nghiệp càng dựa nhiều vào tiền vay để mở rộng sản xuất thì khả năng khủng hoảng và phá sản càng lớn.

Thực tế ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên khắp thế giới hiện nay có vô số doanh nghiệp tư nhân đang bị kẹt trong bẫy công suất này: Họ bắt đầu đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng từ những năm 2007 và 2008. Tới nay, một số doanh nghiệp đã xây xong nhà máy nhưng đang gặp tình trạng không có đầu ra cho sản phẩm. Một số doanh nghiệp khác thậm chí còn trong tình trạng nhà xưởng mới gần xong nhưng không còn đủ tài chính để hoàn thành do tín dụng bị thắt chặt vì khủng hoảng kinh tế. Bị kẹt trong bẫy này, doanh nghiệp phải gánh vác nghĩa vụ trả nợ tiền vay lớn nhưng lại không có doanh thu để có nguồn tiền trả nợ.

Vinashin cũng bị rơi vào tình trạng y hệt như vậy, thậm chí bi đát hơn. Kể từ khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tập đoàn này không những đã không nhận được các hợp đồng đóng tàu mới mà nhiều hợp đồng đã ký còn bị hủy ngang. Tờ Wall Street Journal trong bài viết ngày 22 tháng 9 vừa rồi đã phản ánh về bi kịch này như sau “nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến vào năm 2008, Vinashin đã mất số hợp đồng đóng tàu trị giá tới 8 tỉ đô la, làm cho công ty mất nguồn tiền cần thiết để hoàn thành nốt các dự án còn đang dang dở cũng như để thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.

Trên thực tế thì bẫy dư thừa công suất không chỉ giáng xuống đầu Vinashin, một doanh nghiệp non trẻ trong ngành đóng tàu thế giới, mà ngay cả các bậc đàn anh lớn trong ngành này cũng chịu số phận tương tự. Tính tới tháng 2/2010, có tới 9 doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã đệ đơn xin vào hệ thống “workout system” – một dạng quy chế đặc biệt cho các doanh nghiệp sắp phá sản. Tình trạng tại một số doanh nghiệp như Kwang Sung đã thê thảm tới mức họ không thể trả lương cho công nhân trong nhiều tháng trời. Hồi năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đưa ra hai phương án để tăng sức cạnh tranh của ngành đóng tàu nhưng đều không thành. Báo Hankyoreh của Hàn Quốc trích lời một quan chức Bộ Kinh tế Tri thức cho biết “thực tế là chẳng có hợp đồng mới nào cả, mà ngay cả nếu có thì các doanh nghiệp đóng tàu vừa và nhỏ cũng không cạnh tranh lại được với Trung Quốc về giá” và “cuộc khủng hoảng này là không có lối thoát”.

Xem lại câu chuyện Vinashin

Nếu gạt ra ngoài các lý do như cơ chế quản lý, vi phạm pháp luật của lãnh đạo Vinashin, hay đầu tư dàn trải, mà chỉ nhìn thuần túy dưới góc độ kinh tế thì có thể thấy Vinashin là một trong nhiều nạn nhân của bẫy dư thừa công suất trong hai năm vừa qua. Vinashin có lẽ đã không (hoặc nói cẩn trọng hơn là chưa) gặp khủng hoảng nếu kinh tế thế giới không rơi vào giai đoạn thoái trào của chu kỳ kinh tế.

Bài học Vinashin, vì thế, là một bài học hữu ích cho không chỉ các doanh nghiệp nhà nước mà còn cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Nó cho thấy rất rõ tầm quan trọng sống còn của việc hoạch định chiến lược, dự báo vĩ mô và dự báo ngành, cũng như hoạt động quản trị rủi ro của các doanh nghiệp nói chung – một lĩnh vực mà giới doanh nghiệp Việt Nam đều rất yếu kém.

T. V. D.

Nguồn: VOA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn