“Xơi” cả khu vực phòng thủ then chốt

Duy Tuấn - Hoàng Sang - Trường Giang

clip_image002  

Đường xoắn ốc lên đến đỉnh núi Khau Tét do Cty InnovGreen làm. Thông tin cho biết, đỉnh núi này có độ cao khoảng 600m. Ảnh: Duy Tuấn

 

Những thông tin về việc thuê đất trồng rừng của Cty InnovGreen càng ngày càng khiến chúng tôi giật mình. Một đỉnh núi cao khoảng 700m cạnh QL 4A thuộc địa phận huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) bỗng dưng xuất hiện những con đường đất đỏ chạy quanh, xoắn ốc lên đến đỉnh núi.

Cạnh đó, tại một số thôn ở xã Kháng Chiến xuất hiện những con đường “rồng rắn”, nối “đuôi” chạy qua các quả đồi, bên cạnh những rừng cây của Cty IG đã trồng. Điều đáng nói, những điểm Cty IG vào tại xã Kháng Chiến lại nằm trong khu vực phòng thủ then chốt của huyện Tràng Định, theo như thông tin đáng tin cậy từ cơ quan có thẩm quyền ở đây.

Xoắn ốc đường lên điểm đỉnh núi Khau Tét

Đi trên QL 4A theo hướng Lạng Sơn – Tràng Định hay ngược lại, khi qua địa bàn xã Hùng Việt, nếu trời quang mây tạnh chúng ta dễ dàng nhìn thấy đỉnh núi Khau Tét (thôn Bản Tét) bởi độ cao của nó. Theo người dân ở đây cho biết, thì đỉnh núi này cao khoảng 600-700m 

Một cán bộ ở UBND huyện Tràng Định cho biết, đỉnh núi này khá cao, có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng. Không chỉ nằm cạnh con đường xương sống độc đạo 4A, nối các tỉnh đông bắc với nhau mà lại nằm ngay sát thị trấn Thất Khê, nơi ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử giữ nước.

Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt bao quát được cả xã Hùng Việt, Kháng Chiến, Trung Thành và thị trấn Thất Khê. Còn nếu khi có xung đột quân sự thì việc chiếm được đồi Khau Tét có vai trò rất lớn, có thể khống chế được một vùng rộng lớn, án ngự trên con đường xương sống số 4.

Vậy mà 2 năm nay, khi đi qua đây thì người ta dễ dàng thấy trên đỉnh núi xuất hiện những con đường đất màu đỏ quạch bao quanh đỉnh núi.

Anh Hoàng Văn Hưởng (hiện là cán bộ địa chính xã Kháng Chiến), một người dân Bản Tét cho biết: “Con đường lên núi được Cty InnovGreen làm làm thành những vòng xoắn ốc bao quanh quả đồi lên đến đỉnh từ năm 2008. Hiện trên núi Cty này mới trồng được mấy ha bạch đàn".

clip_image003

Núi Khau Tét nằm gần với QL 4A-huyết mạch giao thông phía đông bắc tổ quốc. 

Theo anh Hưởng thì việc làm đường trên núi đã ảnh hướng tới nguồn nước sinh hoạt và canh tác lâu dài của người dân. Nước khe trên núi này được dân thường lấy về sử dụng nhưng đến khi trời mưa thì bao nhiêu đất đá làm đường, dầu bạch đàn đổ xuống các khe suối chảy ra đồng ruộng của người dân.

“50 năm thì còn gì nữa. Nếu như cho thuê 50 năm, ai không biết nhưng mình bên mảng địa chính thì mình không nhất trí. Mình đã từng ở xã biên giới Đào Viên, Cty IG vào thuê đất, lúc đầu thì cũng nhất trí nhưng khi biết thuê 50 năm thì tất cả dân đều không nhất trí. 50 năm nữa thì chỉ có cái đồi trọc chứ còn gì, nhất là ở những xã biên giới thì càng không muốn”, anh Hưởng nhận định.

“Rồng rắn” đường trong khu vực phòng thủ then chốt

Ở xã Kháng Chiến, Cty IG cũng đã tiến hành trồng rừng được hơn 200 ha trong trên tổng diện tích hơn 400ha. Đáng chú ý, tại 4 thôn Nà Trà, Khuổi Boóc, Pò Loi và Bản Sàn đã được xác định là những điểm nằm trong khu vực phòng thủ then chốt của huyện Tràng Định.

clip_image004

Rừng và đường của Cty IG tại xã Kháng Chiến, khu vực phòng thủ then chốt của huyện Tràng Định - Lạng Sơn. Ảnh: Duy Tuấn

Con đường đi vào khu vực trồng rừng của Cty này tại 4 thôn trên được bắt đầu từ thôn Pò Loi, sát ngay tỉnh lộ 229 (nối xã biên giới Tân Minh thuộc huyện Tràng Định với QL 4A). Sau khi rồng rắn chạy qua rất nhiều đồi núi cao trong rừng, con đường lại được vòng ra tiếp giáp với lại tỉnh lộ 229.

Có người còn ví von, khu vực đường và rừng của IG như một vòng cung ôm sát tỉnh lộ 229.

Từ tỉnh lộ đi vào khoảng 500m thì bắt đầu đến khu vực trồng rừng của Cty IG. Đoạn đầu con đường xuất hiện những bãi đất đá bị sạt lở từ các taluy lởm chởm. Nếu mưa to thì những mảnh taluy dương trên đường có thể bị sụt, gây nguy hiểm đến người dân canh tác ở dưới núi.

Những cán bộ cùng đi cho biết, đứng trên những quả núi cao khoảng 500m, ngay trên đường mà Cty này làm có thể quan sát được những vệt đỏ trên các quả đồi cách xa cả cây số. Quá trình họ làm đường, trồng cây chính quyền cũng không được vào giám sát.  Hầu như những quả núi cao nhất thì đường đi qua chiếm ngự. 

clip_image005

Phó trưởng công an xã Tràng Định đang chỉ tay về phía rừng cây của Cty IG trồng.

Anh Hoàng Văn Mạnh, Phó Trưởng công an xã Kháng Chiến cho biết, trước đây thì khu vực đường của Cty này làm cũng là rừng tự nhiên, khi làm đường Cty này đã chặt bỏ đi một diện tích rừng. Quả đồi cao nhất ở khu vực này phải đến gần nghìn mét.

Không hiểu sao doanh nghiệp nước ngoài này vẫn có thể tiến hành trồng rừng, làm đường tại những vị trí nhạy cảm trên?


Hỗ trợ “công giữ rừng” hay mua đứt với giá rẻ mạt?

Mặc dù chưa được thuê đất theo quyết định của cấp có thẩm quyền ở tỉnh Lạng Sơn, nhưng ngay sau khi tiến hành trồng được một số diện tích rừng, làm đường vào, Cty IG Lạng Sơn đã cho người làm rào chắn ngang con đường vào khu vực rừng tại 4 thôn này.

Một cán bộ huyện Tràng Định kể lại: năm 2009 có lần tôi vào để xem xét tình hình thì có 2 người của Cty IG đứng ở hàng rào chắn trên đường ngăn không cho vào. Ai muốn vào rừng đều phải được sự đồng ý của bảo vệ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người làm rào chắn chính là ông Hoàng Văn Đoàn, trưởng thôn Pò Loi. Năm 2008 ông nhận được chỉ đạo của Cty là rào đường lại để “bảo vệ” rừng mà Cty IG đã trồng, đến cuối năm 2009, nhận thấy nhận bảo vệ rừng cho Cty này rất vất vả nhưng chỉ nhận được mỗi tháng 500 nghìn nên ông đã nghỉ việc và dỡ rào chắn. 

clip_image006

Trưởng thôn Pò Loi đang cầm trên tay 1 trong 2 cuốn sổ tiết kiệm mà Cty IG hỗ trợ "công giữ rừng" với giá 100 nghìn/1ha/1năm - Ảnh: Duy Tuấn

Ông Đoàn cho biết thêm, đất ở thôn Pò Loi chiếm diện tích khá lớn trong 4 thôn mà Cty này có mặt. Khi vào làm việc, Cty có hứa sẽ tạo nhiều công việc cho bà con nên lúc đầu nhiều người cũng đồng thuận.

Công ty đã bỏ ra một khoản tiền hơn 200 triệu gọi là “hỗ trợ giữ rừng”, mỗi ha 1,1 triệu/11 năm công giữ rừng (100nghìn/1ha/1năm). Số tiền trên đứng tên ông Đoàn, tổng số tiền là hơn 200 triệu cho “công giữ rừng” trong khoảng thời gian 1997 - 2008.

Tuy vậy, cho đến nay, sau 3 năm dự án triển khai, chính bản thân vị trưởng thôn này lại cảm thấy tiếc nuối khi “lỡ” giao hơn 200ha cho dự án này:

“Từ khi Cty IG vào, đại khái là dân vẫn có việc làm nhưng tiền không đáng nên dân không làm nên chủ yếu lấy người từ nơi khác đến. Lúc đầu một số nhận thầu nhưng về sau lỗ. Quyền lợi của người dân trong thôn thì chả có gì, họ chỉ trả từng này tiền rồi thôi. Họ trả tiền thế như mua đứt luôn. Mà diện tích lớn, số tiền chỉ có thế nên dân cảm thấy quá rẻ mạt”.

Bản thân ông Đoàn cũng thừa nhận rằng, “khi dự án mới vào cũng không hiểu rõ lắm, cứ tưởng là dự án vào rồi sẽ giúp được dân cái này cái nọ nhưng mà giờ không thấy. Chỉ có con đường đi vào rừng, nhưng đó là các anh (Cty IG) mở đường để phục vụ cho các anh chứ đâu phải cho dân”.

“Mình cho thuê 50 năm, chết là chết ở chỗ đấy, giờ đã mắc rồi biết làm thế nào. Biết thế này dân đứng ra nhận rồi… Người dân muốn nhà nước giao cho từng hộ nhưng mà giờ không được nữa, rất xót xa”, ông Đoàn ngậm ngùi nói.

D. T. – H. S. – T. G.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn