Ai được lợi khi siết hoạt động xuất khẩu gạo

Nam Nguyên, phóng viên RFA

2010-12-12

AFP photo

Gạo xuất khẩu

Nghị định 09 qui định hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trở thành ngành nghề có điều kiện sẽ được áp dụng từ đầu năm 2011. Nghị định này mang lại lợi ích gì, có chú trọng lợi ích nông dân hay không?

Hiệu lực từ 1/1/2011 nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có 9 tháng ân hạn để thực hiện điều chỉnh theo qui định mới với nhiều điều kiện ràng buộc.

Các chuyên gia tiên đoán đến quí 4 sang năm từ con số 264 nhà xuất khẩu sẽ chỉ còn chưa tới 30 doanh nghiệp tiếp tục bán gạo ra nước ngoài. Trên thực tế có 11 đại doanh nghiệp đủ lực cung cấp gần 70% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là 2 tổng công ty lương thực nhà nước.

Bất lợi cho nông dân

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long những người trực tiếp làm ra hạt lúa đã trải nghiệm nhiều về những năm được mùa mất giá, dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên dưới 6 triệu tấn gạo. Một nông dân phát biểu:

"Bất lợi cho nông dân, tại vì tôi làm ra một món hàng nếu có nhiều người mua thì người ta sẽ mua đúng cái giá thực. Càng ít người mua thì món hàng của tôi sẽ bị ép giá đó là lẽ tất nhiên.

Thí dụ tôi đang bán món hàng này, nếu có nhiều người mua họ sẽ tranh nhau mua, mua sát giá hơn, thực tế là như vậy. Việc chính phủ giảm bớt số lượng nhà thu mua thì đâu có lợi gì cho nông dân tụi tui.”

Sân chơi cho các đại công ty

Những điều kiện trong nội dung nghị định được mô tả là nhằm sàng lọc các doanh nghiệp nhỏ và để lại sân chơi cho các đại công ty.

clip_image004Nghị định ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngoài chuyện đăng ký hợp pháp, phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa ít nhất 5.000 tấn lúa gạo. Thêm nữa, doanh nghiệp phải có 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc lúa một giờ.

Chưa hết, nghị định 09 còn đặt một rào cản mà các doanh nghiệp tư nhân cho là khó vượt qua, đó là doanh nghiệp luôn luôn phải dự trữ 10% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó.

Nhận định tổng quát về nghị định 09 siết chặt hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Thanh Sơn Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Cần Thơ phát biểu:

“Thế nào thì cũng có hai mặt, nếu như nhiều người cùng xuất thì có lẽ tìm khách hàng tương đối dễ hơn. Nhưng cũng chính vì nhiều người làm như vậy sẽ tạo nên sự cạnh tranh có thể làm thiệt hại lợi ích chung, vì lợi riêng họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung. Vì vậy thu gọn lại một số đầu mối để cùng nhau có tiếng nói chung về thị trường thì tôi thấy là mặt lợi có nhiều hơn.”

Có tính chữa cháy

TS Lê Văn Bảnh viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, được Thời Báo Kinh Tế Saigon trích lời nói rằng, nghị định mới tuy phần nào giải quyết được một số vấn đề trong kinh doanh xuất khẩu gạo như, cạnh tranh không lành mạnh, bán quota xuất khẩu cho nhau. Tuy nhiên ông cho là nghị định có vẻ mang tính chữa cháy không có tính vĩ mô cao và không căn cơ lắm.

clip_image006Theo TS Bảnh nội dung nghị định 09 chưa thể hiện rõ quyền lợi nông dân, theo ông cần có những đột phá quan trọng:

“Hiệu quả quan trọng nhất là vấn đề phương thức sản xuất, chính từ phương thức sản xuất thì mới nâng cao giá trị sản phẩm có thương hiệu thì mới mang lại hiệu quả.”

Mỗi lần trao đổi với chúng tôi nhà khoa học gắn bó với nông dân đồng bằng sông Cửu Long không quên nhắc lại chủ trương liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. TS Bảnh cho rằng nông dân cần được giúp đỡ để tham gia sản xuất tập trung, tạo thương hiệu từ đó có thể thương thảo giá nông sản với lợi nhuận tốt nhất.

Kể từ đầu năm 2011, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường kinh doanh lúa gạo cho thương nhân nước ngoài, trong đó có những đại công ty có khả năng thâu tóm thị trường.

Nghị định 09 ra đời sau khi chuẩn bị hơn một năm có thể nhằm đối phó một cách hợp lệ về vấn đề này.

Bởi vì nếu các đại gia nước ngoài muốn thâm nhập thị trường của nước xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới, họ sẽ phải đầu tư kho trữ, nhà máy xay xát. Cho đến nay nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với việc bỏ vốn vào khu vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam.

N. N.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn