Ép Vinashin tới phá sản, chủ nợ cũng trắng tay

Phạm Huyền (thực hiện)

(VEF)- Nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào. Theo hợp đồng, không có cam kết về việc Vinashin vỡ nợ thì chủ nợ thu được gì. Họ cũng mất hết. Như vậy, hai bên đều cùng thiệt.

LTS: Ngay sau khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) đăng bài trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sự, tân Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) nhìn lại nguyên nhân đổ vỡ Vinashin và kế hoạch vực dậy Tập đoàn này thì cũng đồng thời, một "tin xấu” rộ lên (tuy chưa chính thức): nhóm các ngân hàng nước ngoài, chủ nợ khoản 600 triệu USD, đã khước từ việc xin hoãn nợ của Vinashin.

Điều này đồng thời có nghĩa, hai tuần nữa, đến ngày 20/12/2010, Vinashin phải trả 60 triệu USD cho đợt một. Liên quan đến chuyện này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, khi trả lời báo chí quốc tế, cho biết, Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin trong cơn khó này.

Tiếp tục chia sẻ với VEF, vị lãnh đạo mới của Vinashin bày tỏ quan điểm thẳng thẳn về chiến lược hóa giải gánh nợ hiện nay.

"Vinashin chưa có nguồn trả nợ"

- Thưa ông, các ngân hàng ngoại do Credit Suise làm đại diện chủ nợ, đòi hỏi Vinashin phải trả nợ 600 triệu USD đúng hạn. Điều đó gây áp lực như thế nào lên tập đoàn?

Ông Nguyễn Ngọc Sự: Đó là một vấn đề hết sức căng thẳng. Quan điểm của tôi là tập đoàn vay tiền thì phải trả, vay để đầu tư sản xuất thì phải từ sản xuất mà trả được nợ. Chúng tôi mong nhận được hỗ trợ từ tất cả những nhà cho vay, những người cho vay trong và ngoài nước.

clip_image001

 

Ông Nguyễn Ngọc Sự, tân Chủ tịch HĐTV Vinashin (ảnh: Phạm Huyền)

 

Giờ ép Vinashin trả nợ ngay thì vô phương. Tất cả tiền vay đầu tư vào công trình dở dang, bán đi sao được? Tàu mới đóng một nửa, ai mua? Các nhà cho vay có mua không? Họ thu nợ bằng các dự án này thì thu để làm gì? Khoản nợ lớn như thế mà bắt chúng tôi trả ngay thì chắc chắn, chúng tôi không trả được ngay vì không có nguồn.

Thế thì chỉ có cách là, các nhà tổ chức tài chính nước ngoài hãy để cho Vinashin hoãn lại, giãn tiến độ trả nợ để chúng tôi có thời gian, tái cấu trúc, hoàn thiện tàu, nhà máy, khai thác và có tiền để trả. Như thế, các ngân hàng thu được nợ và cứu được ngành công nghiệp đóng tàu này. Phải tạo điều kiện để chúng tôi hồi sinh, có nguồn thu để trả nợ.

Chúng tôi không trốn tránh việc trả nợ, nhưng cần có thời gian. Thời gian này là không lâu và Vinashin hứa là sẽ trả.

- Gần đây nhất, lại rộ lên thông tin các ngân hàng ngoại từ chối hoãn nợ trong kỳ đầu tiên (60 triệu trong tổng số nợ 600 triệu USD) cho Vinashin vào 20/12 tới. Như vậy, có phải Vinashin đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ?

Nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào. Theo hợp đồng, không có cam kết về việc Vinashin vỡ nợ thì chủ nợ thu được gì. Họ cũng mất hết. Như vậy, hai bên đều cùng thiệt. Đó là thực tế, không thể khác được.

Nhìn chung, tôi cho rằng, các ngân hàng không nên dùng biện pháp cứng với Vinashin trong điều kiện khó khăn như thế này.  Bởi khi đó người đi vay sức đã yếu rồi càng dồn họ vào chỗ khó khăn hơn.

- Trước động thái từ chối cho Vinashin hoãn nợ, tập đoàn đã làm gì?

Ngày 10/12, chúng tôi đã có văn bản thông báo với các ngân hàng chủ nợ rằng tới 20/12/2010, Vinashin chưa có nguồn trả.

Thực chất, tập đoàn không có gì để trả nợ cả. Nếu cần, chủ nợ có thể đến tiếp nhận các dự án mà chúng tôi đang đầu tư dở dang, ở chỗ 216 đơn vị đang tái cơ cấu. Họ có thể nhận lại, chuyển giao theo số liệu chúng tôi có. Nhưng làm việc này cũng rất khó!

Đến thời điểm này, các ngân hàng chưa chính thức thông báo việc hoãn nợ hay không. Chúng tôi đang chờ câu trả lời cuối cùng.

- Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc nói Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin ở khoản 60 triệu USD này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ sẽ không buông Vinashin. Ông nói gì về điều này?

Tôi xin khẳng định là cho tới nay, không có việc Chính phủ giúp Vinashin trả nợ.

Tôi nghĩ là Chính phủ không nên bỏ tiền ra để trả nợ thay Vinashin. Đó là việc vay nợ của doanh nghiệp. Chính phủ còn nhiều việc phải lo, nếu lo cho cả việc như vậy thì hóa ra Chính phủ là doanh nghiệp. Chính phủ chỉ điều hành vĩ mô, tạo điều kiện, cơ chế thôi. Tôi cảm nhận rằng, ở đây, trách nhiệm của chúng tôi là bằng mọi cách, phải tự lo trả nợ.

Sẽ giảm nợ chỉ còn hơn 43.000 tỷ đồng

- Thưa ông, món nợ tới 86.565 tỷ đồng là khoản kếch xù. Vinashin giải mã như thế nào về khoản nợ này, làm sao tập đoàn có thể trả được?

86.565 tỷ đồng quả là con số rất lớn. Tôi từ chỗ Tập đoàn Dầu khí, đang mạnh về tài chính, khi sang đây bỗng trở thành con nợ lớn nhất đất nước.

clip_image002

Tàu Hoa Sen của Vinashin hiện đã bàn giao về cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Đến các chuyên gia kinh tế cũng rất đau đầu trước câu hỏi này. Song, có thể các chuyên gia không thấy được bức tranh thực của Vinashin, mà chỉ đánh giá trên cơ sở thông tin nhận được từ nhiều kênh khác nhau.

Còn bản thân tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Tôi đã đi vào nội tình Vinashin, tìm hiểu, từng đơn vị thì thấy ra rất nhiều vấn đề. Đúng là để trả món nợ này thì không phải là dễ. Nếu chỉ dựa vào hoạt động đóng tàu thì Vinashin sẽ không thu được nhiều tiền để trả nợ.

Tuy nhiên, phác thảo kế hoạch, chúng tôi có thể giảm nợ từ 86.565 tỷ đồng xuống chỉ còn xuống dưới 43.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, giảm nợ bằng tái cơ cấu chuyển giao và bán tài sản. Sau khi thực hiện Quyết định 926 của Chính phủ, chuyển bớt một số công ty, dự án, kèm theo là công nợ… sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải việt Nam, Vinashin sẽ chỉ còn nợ 76.241 tỷ đồng.

Tiếp đó, với 216 đơn vị mà chúng tôi sẽ giảm đi, tái cơ cấu và bán đi, chúng tôi sẽ cố gắng thu được 23.000 tỷ đồng bằng đúng số nợ phải trả của các đơn vị này. Như thế, chúng tôi sẽ giảm nợ tiếp, chỉ còn nợ 53.000 tỷ đồng.

Thứ hai, thu tiền từ việc cổ phần hóa các đơn vị TNHH một thành viên. Số tài sản của 43 công ty để lại cho Vinashin mới chiếm 60-65% tổng tài sản của Vinashin hiện tại, cỡ khoảng 70.000 tỷ đồng. Nếu cổ phần hóa đi, chúng tôi dự kiến thu được ít nhất khoảng 10.000 tỷ, và như thế, từ 53.000 tỷ thì sẽ chỉ còn 43.000 tỷ đồng tiền nợ.

 

Năm 2010, Vinashin phấn đấu bàn giao 63 tàu, trị giá hợp đồng là trên 700 triệu USD.  Mục tiêu này vượt so với kế hoạch 57 tàu ban đầu. Từ nay đến hết tháng 12, Vinashin sẽ bàn giao 20 con tàu. Trung bình mỗi ngày  Vinashin bàn giao 1 tàu. Tuy nhiên, đó là các con tàu đóng cho hợp đồng cũ, bị chậm tiến độ nên chưa thể có lãi, nhưng có khấu hao.

Vừa rồi, tôi đi kiểm tra các đơn vị thì phát hiện thấy điểm mới là tồn kho vật tư thiết bị đã được mua sắm cho việc đóng 130 con tàu trị giá hàng chục ngàn tỷ. Phần này sẽ được huy động ra để đóng tàu hoặc bán đi thu hồi vốn. Tôi hi vọng rằng, số nợ sẽ giảm xuống dưới 43.000 tỷ đồng.

So với vốn điều lệ 14.650 tỷ theo đăng ký kinh doanh thì số nợ của Vinashin sau tổng tái cấu trúc, chỉ vượt 2 lần. Như vậy, tình hình Vinashin là hoàn toàn trong tầm kiểm soát, hoàn toàn có thể làm được.

Vinashin cần thời gian để hồi sinh

- Vậy, đâu sẽ là mấu chốt để kế hoạch giảm nợ ấy khả thi, thưa ông?

Việc trả nợ của Vinashin rất cần giải pháp đồng bộ từ việc tái cấu trúc, từ việc chuyển giao cho các tập đoàn, tổng công ty, bán bớt tài sản, khai thác tối đa tồn kho vật tư thiết bị, cải tiến tổ chức sản xuất, quản trị doanh nghiệp, sử dụng đồng tiền linh hoạt, quay vòng rất nhanh, tạo ra sản phẩm mới, tạo ra doanh thu, có khấu hao, có lợi nhuận...

Tuy nhiên, để làm điều đó thì phải mất thời gian. Chúng tôi cần có thời gian để tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất, đóng tàu và quản trị doanh nghiệp. Đó là việc cực kỳ quan trọng.

Ngoài các nguồn vừa kể trên, khi tổ chức lại sản xuất hợp lý, Vinashin còn có thêm nguồn khấu hao tài sản và lợi nhuận, việc trả được nợ là hoàn toàn khả thi.

Ví dụ như, ở nước ngoài, giai đoạn đấu tàu trên đà chỉ mất 1,5 tháng là hạ thủy, còn Vinashin  trước đây, phải mất tới 6-7 tháng, thậm chí 1 năm thì con tàu mới trượt xuống nước. Giờ, chúng tôi sẽ phải tổ chức lại việc này, để đấu đà 3 tháng thôi là hạ thủy con tàu. Như thế, sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, thu được tiền, có khấu hao, có lợi nhuận, trích phần đó trả nợ thì số nợ sẽ giảm rất nhanh.

Điểm mấu chốt thứ hai là chúng tôi cần có sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và dư luận thì chúng tôi sẽ yên tâm tổ chức tái cơ cấu.

- Tuy nhiên, thưa ông, khi uy tín Vinashin sụt giảm thì tính khả thi cho việc cổ phần hóa và giao bán tài sản nằm ở đâu?

Việc tái cấu trúc không phải ngay một lúc, ở thời điểm này. Chúng tôi có thời gian để làm. Chúng tôi sẽ từng bước tạo dựng lại hình ảnh Vinashin và chỉ kỳ vọng bán bằng giá mình đặt ra và có thể cao hơn.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm khó khăn này đã có công ty được chào bán giá cao hơn. Các nhà đầu tư đã nhìn thấy tương lai của các công ty này, kỳ vọng vào tái cấu trúc, sự cải tổ, đường lối, phát triển doanh nghiệp. Đó là thực tại mà chúng tôi đang đàm phán ở một vài công ty, xí nghiệp.

Thực tế đó làm cho tôi cảm thấy có niềm tin. Bởi vì những nhà đầu tư cũng nhìn thấy các doanh nghiệp đó sẽ phục vụ công nghiệp đóng tàu của Vinashin, họ nhìn thấy sau này, sẽ hợp tác ngược lại với Vinashin và chúng tôi sẽ mở cửa hợp tác với họ.

Năm nay Vinashin ăn Tết khiêm tốn

- Đâu là lý do khiến ông lạc quan như vậy?

Tôi hoàn toàn nhìn thấy nguồn trả nợ. Chỉ có điều, mình có quyết tâm hay không? Bởi tái cấu trúc và trả được nợ là cả một quá trình, ai mà nóng vội là hỏng. Quá trình đó không phải chỉ có 2-3 năm, thậm chí 5 năm, nhưng phải kiên trì một một đường lối, một cách giải quyết,  luôn cải tiến, có sáng kiến thì mới tháo gỡ được. Ngành đóng tàu chắc chắn sẽ hồi sinh, chắc chắn sẽ phát triển.

Thậm chí, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ trả nợ hơn so với đề án đề ra. Chỉ có bây giờ, phải phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, chỉ đạo quyết liệt từ Tập đoàn xuống các đơn vị.

Ngay cả bây giờ, chúng tôi đã bắt đầu trả nợ rồi nhưng chỉ là con số khiêm tốn thôi.

Quan trọng nhất là phải hết sức tiết kiệm chi tiêu, tối đa ưu tiên các nguồn để trả nợ. Cán bộ công nhân viên phải chịu thu nhập có thể thấp một chút,  thắt lưng buộc bụng mà trả nợ đã, trả nợ rồi thì sẽ có thu nhập cao hơn.

Việc thưởng Tết năm nay, chắc chắn cũng sẽ khó khăn. Vì nợ chồng chất thế thì chúng tôi sẽ chấp nhận ăn một cái Tết khiêm tốn.

- Sắp tới, ông định trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ như thế nào?

Chúng tôi cũng đã trình Chính phủ tháo gỡ nhiều về cơ chế. Ví dụ, chúng tôi đã xin tăng vốn điều lệ, tổng vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 14.655 tỷ, giờ mới được 9.615 tỷ đồng, chúng tôi xin cấp cho đủ.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ coi ngành đóng tàu là ngành cơ khí trọng điểm, được ưu đãi.

Thứ ba, chúng tôi đề nghị cơ sở hạ tầng ngành đóng tàu được ngân sách đầu tư. Trên thế giới, cơ sở hạ tầng ngành đóng tàu cũng là do nhà nước đầu tư. Nếu để doanh nghiệp tự đầu tư thì không đủ sức. Đó là chuyền, đà, ụ, các thiết bị, đầu tư nhiều tiền mà khấu hao hàng trăm năm thì làm sao đi vay, có lãi được.

Ngoài ra, Vinashin sẽ kiến nghị phát hành trái phiếu để trả nợ đang đến hạn. Chính phủ chỉ hỗ trợ cơ chế thôi. Vấn đề là việc đáo nợ hợp lý, đúng quy định. Chúng tôi không muốn làm sai.

Theo kết quả làm việc của 15 đoàn kiểm tra do chủ tịch HĐTV Vinashin chỉ đạo, tổng tài sản của Vinashin là 104.649 tỷ đồng và tổng số nợ là 86.565 tỷ đồng.

Trong đó, vay nợ nước ngoài chủ yếu gồm khoản 600 triệu USD phát hành trái phiếu qua Credit Suise  và khoản các công ty của Vinashin nợ các chủ tàu tiền đặt cọc đóng tàu mà chưa chưa giao tàu.

Khoản vay trong nước chủ yếu bao gồm nợ các ngân hàng trong nước, ước trên 20.000 tỷ đồng và khoản 750 triệu USD vay lại của Chính phủ (do Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế).

Còn lại, các khoản nợ lòng vòng giữa các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn Vinashin, sau khi hợp nhất tài chính lại, các công nợ đó đã bù trừ, triệt tiêu nhau.

P. H.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn